Xử lý ô nhiễm làng nghề: Phải chuyển biến từ địa phương

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
100% làng nghề Việt Nam bị ô nhiễm ở nhiều mức cấp độ đang trở thành mối hiểm họa tới sức khỏe người dân, tạo áp lực nặng nề cho xã hội. Chính vì vậy, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề đã và đang là mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu không giải quyết trúng vấn đề, hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm sẽ trở nên lãnh phí.
Xử lý ô nhiễm làng nghề: Phải chuyển biến từ địa phương
Hệ thống xử lý tốt chất thải rắn tại một làng nghề ở huyện Gia Lâm Ảnh: Hoàng Long

Làng nghề ô nhiễm nặng
Theo báo cáo của Phòng Cải thiện môi trường, Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay toàn quốc có khoảng 4.575 làng nghề, trong đó có hơn 1.300 làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho hơn 11 triệu lao động nông thôn. Bên cạnh những mặt tích cực về kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, tình hình vi phạm trong lĩnh vực môi trường từ làng nghề ngày một nghiêm trọng.
Thực tế tại các làng nghề hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh hoạt động đều không có hệ thống xử lý khí thải, chất thải và nước thải. Các chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất thường được đổ tùy tiện mọi lúc, mọi nơi. Vì thế, các hó‌a chấ‌t thực vật đã ngấm vào nguồn nước, đất đai, tạo mầm bệnh nguy hiểm. Ví dụ tại hơn 100 cơ sở kinh doanh tái chế kim loại tại Châu Khê (Bắc Ninh), qua kiểm tra mẫu vật, hàm lượng SO2 đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 48-60 lần, hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 113-230 lần, hàm lượng NO2 vượt chuẩn 50-76 lần. Tương tự như vậy, tại làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam), than và dầu FO đã đổ trực tiếp xuống hệ thống kênh mương, khiến môi trường nơi đây ô nhiễm nghiêm trọng. Bụi than lẫn trong không khí bay bám sang các địa phương khác, khiến hơn 37% số người nhập viện có bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.
Ông Hồ Kiên Trung, Trưởng phòng Phòng Cải thiện môi trường cho biết, tình trạng ô nhiễm đã và đang xảy ra ở nhiều làng nghề khác như ở huyện Hoài Đức, Gia Lâm (Hà Nội), làng nghề Đại Phu (Hà Nam), làng nghề đúc nhôm Văn Chàng (Nam Định), đúc nhôm Mẫn Xá (Bắc Ninh), làng nghề nấu rượu truyền thống Yên Dũng (Bắc Giang)… Các làng nghề chủ yếu là các hộ kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ, nằm xen kẽ giữa các khu dân cư. Lao động thủ công, sản xuất theo kiểu cha truyền con nối, công nghệ lạc hậu và cũ kỹ. Với một "hệ thống” dây chuyền nhiều năm như vậy, hệ lụy xấu đối với môi trường đã đi vào từng nhà, từng bếp ăn.
Xử lý ô nhiễm còn nhiều vướng mắc
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 với mục tiêu phải khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các làng nghề đang bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó sẽ triển khai thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị xả trực tiếp ra 3 lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai. Đối với môi trường tại các làng nghề, khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải tập trung, chuyển đổi sang nghề sản xuất không gây ô nhiễm hay xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường sau khi đã di dời các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm… Chương trình sẽ được thực hiện với với tổng mức đầu tư là 5.863 tỷ đồng.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên, Chính phủ đưa ra những phương án với các khoản tiền lớn để khắc phục và cải thiện môi trường tại các làng nghề. Song trên thực tiễn, vướng mắc lớn nhất lại xuất phát từ chính địa phương, nơi có các làng nghề. PGS TS Huỳnh Trung Hải, viện Khoa học và Công nghệ môi trường đã từng nhấn mạnh đến năng lực quản lý yếu kém của nhiều địa phương dẫn đến nguồn tiền của Nhà nước đầu tư, sử dụng không đúng trọng tâm, gây lãng phí. Đó là sự chậm chạp từ quản lý vĩ mô tới vi mô, sự lúng túng trong quy hoạch làng nghề, di dời làng nghề, sự buông lỏng, thậm chí tiếp tay của một bộ phận cán bộ đối với những đơn vị kinh doanh gây nguy hại đối với môi trường. Công tác thanh kiểm tra thường "đánh trống bỏ dùi”, thiếu nhất quán…
PGS TS Hải kiến nghị, cơ cơ quan chức năng cần ban hành bộ tiêu chí xác định làng nghề bị ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng, là cơ sở hàng năm để xác định các đối tượng, các khu vực làng nghề bị ô nhiễm, từ đó mới dồn tiền để khắc phục và xử lý. Nhà nước cũng cần có cơ quan giám sát chặt chẽ đối với việc thực hiện khắc phục và cải thiện môi trường. Có như vậy, nguồn tiền mới trở nên hữu dụng, hiểm họa mới giảm bớt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật