Một người Việt dấn thân

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu ai đã từng đọc cuốn tự truyện “Tay không gây dựng cơ đồ” của tỷ phú người Thái LanVikrom Kromadit, hẳn sẽ khó mà quên được hành trình khởi nghiệp đầy gian khó của ông.
Một người Việt dấn thân
Doanh nhân Ngô Hùng Lâm (giữa) trong một buổi giao lưu với du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản

Với doanh nhân Ngô Hùng Lâm - một người con gốc Việt cũng đã bắt đầu với hai bàn tay trắng, bằng sự nỗ lực vượt bậc của bản thân đã gặt hái được nhiều thành công trên đất nước Mặt trời mọc. Ông hiện đang sở hữu hai siêu thị cây cảnh, hoa và đồ làm vườn ở tỉnh Chiba (Nhật Bản), với diện tích trung bình mỗi siêu thị hơn 5.000m2.

Vượt lên hoàn cảnh
Sang Nhật cách đây hơn 30 năm, Ngô Hùng Lâm lúc đó mới là một cậu bé 17 tuổi. Ở cái tuổi đáng lẽ được gia đình chăm sóc, hăng say học tập, vui đùa cùng chúng bạn thì Lâm đã phải vật lộn với cuộc mưu sinh vất vả, dầm mưa dãi nắng và làm đủ mọi công việc để duy trì cuộc sống. Với vốn kiến thức có hạn (mới chỉ được học hết lớp 6), Lâm hiểu rằng song song với việc mưu sinh thì phải tranh thủ học tập mọi nơi, mọi lúc. Bởi không ai thành công nếu thiếu kiến thức và những kỹ năng cần thiết. Vì vậy, chàng thanh niên trẻ đã lao vào học nghề xây dựng, học lái xe, học kinh doanh... và cả học tiếng Nhật để có thể hòa đồng với cuộc sống xa lạ nơi đất khách quê người. Không dễ dàng bởi tất cả mọi thứ là sự tự mày mò, vừa học vừa làm. Nhưng với khát khao được học tập, được trau dồi tri thức, vốn sống, chàng thanh niên Ngô Hùng Lâm đã dần dần nắm vững được những điều cần biết và đúc rút kinh nghiệm qua mỗi bài học dù thành công hay thất bại.
Đó là thời điểm khi Ngô Hùng Lâm đang là một chủ thầu công trình có tiếng trong vùng thì không may gặp tai nạn, buộc phải bỏ nghề. Khó khăn liên tiếp khó khăn nhưng với lòng quyết tâm sắt đá, Ngô Hùng Lâm lại một lần nữa bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp từ đầu.
Không vội bắt đầu ngay, ông dành thời gian tập trung nghiên cứu thị trường và tìm ra được lối đi cho riêng mình, đó là kinh doanh đồ gốm sứ với cửa hàng ban đầu có diện tích vô cùng khiêm tốn 12m2 giữa một cánh đồng hoang. Thời điểm năm 1995, trong một chuyến về thăm quê hương, ông đã biết đến làng gốm sứ Bát Tràng và thấy rằng đây là một thương hiệu Việt rất có tiềm năng ở thị trường Nhật Bản. Vậy là hai năm sau, ông chính thức mở cửa hàng bán gốm sứ Bát Tràng tại Chiba, sau đó mở rộng sang bán hoa Nhật Bản trồng trong chậu sứ Bát Tràng. Năm 2003, ông mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh và cây cảnh...
Từng bước, từng bước tạo dựng thương hiệu và uy tín, đến nay doanh nhân Ngô Hùng Lâm với sự giúp sức của gia đình đã là chủ của hai siêu thị chuyên về hoa, cây cảnh, gốm sứ và đồ làm vườn nổi tiếng không chỉ ở riêng vùng Chiba mà trên toàn nước Nhật.
Nặng lòng với quê hương
Rời Việt Nam trong những ngày khốn khó, bôn ba khó nhọc xứ người cho đến ngày thành công được như hôm nay, ông Ngô Hùng Lâm chưa bao giờ quên mình là người Việt, là con Lạc cháu Hồng. Bởi vậy, ngoài niềm tự hào là một người Việt thành danh ở xứ sở hoa anh đào, ông Lâm vẫn thường xuyên có những đóng góp thiết thực cho quê nhà. Đó là sự sẻ chia, góp sức trong việc dựng lên một cây cầu để con đường tới trường của những đứa trẻ ở xã Thương Hoá miền tây Quảng Bình được an toàn, thuận tiện hơn. Đó là những buổi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các du học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật với tư cách một đồng hương, một người đi trước có nhiều kinh nghiệm...
Có thể chỉ bằng những hành động nhỏ bé, như tặng quà cho trẻ em nhiễm chất độc da cam, ủng hộ cho Quỹ khuyến học Đèn đom đóm... hay những dự định lớn lao hơn mà ông Ngô Hùng Lâm đang ấp ủ như lên kế hoạch vận động quyên góp để xây trường học tại các vùng khó khăn ở Việt Nam... Tất cả đều đáng quý và đáng trân trọng, nhất là ở một người đã "chinh phục đỉnh Phú Sĩ” thành công vẫn không nguôi nhớ về quê cha đất tổ.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật