FAO cảnh báo về khả năng tái diễn khủng hoảng lương thực toàn cầu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tuy nhiên, các nước có thể ngăn chặn được nguy cơ này nếu kịp thời phối hợp hành động.
FAO cảnh báo về khả năng tái diễn khủng hoảng lương thực toàn cầu
Ảnh minh họa

Theo báo cáo chung đưa ra ngày 4/9 bởi Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Quỹ Phát triển Nông thôn Quốc tế (IFAD) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), tình trạng hiện tại của thị trường lương thực thế giới gây lo ngại có khả năng tái diễn một cuộc khủng hoảng lương thực như hồi 2007-2008. Tuy nhiên, các nước có thể ngăn chặn được nguy cơ này nếu phối hợp hành động một cách nhanh chóng.

Các chuyên gia cho rằng có hai vấn đề liên quan cần phải được giải quyết. Thứ nhất, các quốc gia cần phải nhanh chóng ngăn chặn đà tăng giá một số loại lương thực như ngô, đậu tương, lúa mỳ hiện nay. Thứ hai là cần nâng cao năng lực sản xuất trong dài hạn nhằm đáp ứng đủ nhu cầu lương thực, trong bối cảnh dân số thế giới tăng nhanh và tác động của biến đổi khí hậu.

Để đối phó với những thách thức đó, các quốc gia cần phát triển những chính sách mới, áp dụng những công cụ mới nhằm tăng tính minh bạch trên thị trường thế giới. Ngoài ra, cần tránh những đợt thu gom lương thực khẩn cấp, giảm thiểu những hạn chế xuất khẩu.

Trên hết, FAO cho biết thế giới hoàn toàn có thể ngăn chặn hiện tượng tăng giá lương thực nếu giải quyết được gốc rễ nguyên nhân của việc tăng giá.

Trong vòng 5 năm qua, thế giới đã chứng kiến 3 đợt tăng giá lương thực toàn cầu, làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người nghèo trên thế giới. Trong đó, thời tiết là một trong những nguyên nhân chính. Hạn hán tại nhiều nơi trên thế giới làm sản lượng lương thực toàn cầu giảm mạnh, trong khi tại một vài nơi khác, lũ lụt tàn phá mùa màng.

Ngoài ra, việc chuyển hướng dự trữ lương thực không theo mục tiêu an ninh lương thực, tăng đầu cơ tài chính, tăng sử dụng nhiên liệu sinh học cũng là những nhân tố đẩy giá lương thực lên cao.

FAO, IFAD và WFP cũng kêu gọi các quốc gia đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, an ninh xã hội và các chương trình trợ cấp lương thực cho người nghèo.

Các nước nghèo và các nước phải nhập khẩu lương thực có thể giảm thiểu rủi ro tăng giá nếu cải thiện và ổn định được sản lượng sản xuất trong nước. Việc này không chỉ tạo thêm nguồn cung lương thực mà còn cung cấp việc làm và thu nhập cho nhiều người dân, đặc biệt tại các vùng nông thôn nghèo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật