Cảm nhận về Trường Sa của một doanh nhân ở Huế

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
LTS: Ông Nguyễn Mậu Chi, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Thừa Thiên-Huế sau chuyến thăm Trường Sa đã ghi lại cảm xúc của mình, bởi theo ông đây là chuyến đi nhớ đời và không phải ai cũng có cái may mắn được đến với các đảo thân yêu.
Cảm nhận về Trường Sa của một doanh nhân ở Huế
Ông Nguyễn Mậu Chi trên đảo Sơn Ca
Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng thú thật đến bây giờ vẫn không thể nào quên về chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc sâu đậm như thế.
Trong 10 ngày ở trên đại dương, tôi may mắn cùng các đại biểu trong cả nước đã đến thăm các đảo Sinh Tồn, Nam Yết, Đá Lớn, Sơn Ca, Đá Lát, Cô Lin, Đá Tây, Trường Sa và nhà giàn DK1.
Thú thật là có đến với nơi đầu sóng ngọn gió này mới thật sự trân quý cái giá của sự yên bình mà mình thụ hưởng.
Lâu nay qua hệ thống thông tin đại chúng tôi nghe, xem nhiều về Trường Sa – nơi những con sóng đang cuộn lên. Nhưng phải đến khi ra đến nơi, giữa trùng khơi tít tắp mới cảm nhận hết tình yêu Tổ quốc.
Là người từng trải, vậy mà tôi và rất nhiều người đã xúc động ứa nước mắt khi được đứng chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca trên đảo Trường Sa thân yêu. Chưa bao giờ, tình yêu đất nước và yêu những người lính ngày đêm giữ biển đảo của Tổ quốc trong tôi lại lớn lao và thiêng liêng đến thế... Không dưới năm lần tôi đã khóc. Khóc vì niềm vui và xúc động, khóc vì thương cảm và kính trọng.
Ở đảo Đá Tây A, gần như tất cả mọi người đã khóc vì niềm vui trong ngày khánh thành công trình nhà cấp 1 được xây dựng từ chương trình "Góp đá xây Trường Sa”. Ở đó có bàn giao và tiếp nhận; có hoa tươi, tiếng hát và thật nhiều tiếng vỗ tay cùng những lời chúc tụng... Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khi được chứng kiến thành quả và cũng là nơi hội tụ những tấm lòng hướng về Trường Sa thân yêu.
Giữa bao la biển trời với thời tiết khắc nghiệt, thiên tai bão tố và trước những mưu toan khôn lường của ngoại bang... thật khó mà nói hết những khó khăn, gian khổ của những người đang làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo của Tổ quốc.
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa
Ở các đảo mà chúng tôi có dịp đến, xúc động nhất là hình ảnh những người lính đảo dành chậu nước ngọt để mọi người rửa mặt - thứ quý nhất mà họ có để thơm thảo với khách quý đến từ đất liền. Ngoài một số đảo nổi có nước ngọt, điều kiện sinh hoạt khá tốt... còn ở nhiều đảo chìm, mọi sinh hoạt của người lính đều diễn ra trên nhà giàn. Ở đó nước ngọt cực kỳ quý hiếm, chủ yếu là hứng nước mưa và nhờ tiếp tế mỗi năm khoảng 2 lần từ đất liền vào mùa biển lặng. Cũng vì thế, nước ngọt ở đây được sử dụng theo định mức. Lương thực chủ yếu là lương khô. Một số nơi có trồng rau nhưng không đáng kể. Thú nuôi chủ yếu là chó, vì thật khó có loại gia súc, gia cầm nào chịu được cuộc sống khắc nghiệt trên nhà giàn giữa biển khơi quanh năm sóng gió như thế này.
Chúng tôi đã nhiều lần rơi nước mắt khi được chứng kiến và nghe những người lính kể về cuộc sống của họ trên đảo. Hầu hết họ còn rất trẻ. Những năm trước khi điều kiện thông tin còn hạn chế, lính đảo; nhất là các đảo chìm sống gần như biệt lập giữa biển khơi quanh năm sóng gió và nhiều hiểm nguy rình rập. Những năm gần đây, điều kiện thông tin liên lạc được cải thiện và với sự quan tâm của cả nước... đời sống vật chất và tinh thần của người lính được cải thiện nhiều hơn. Bây giờ có sóng truyền hình, sóng điện thoại của Viettel... lính đảo như gần hơn với người thân và đất liền. Dù vậy, gian khó và hiểm nguy vẫn còn đó. Trong chuyến đi này, chúng tôi có dự đám giỗ 100 ngày của 2 chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ ở đảo. Nước mắt của chúng tôi lại rơi khi đến thăm nghĩa trang liệt sĩ giữa trùng khơi và nghe kể về những mất mát hy sinh lớn lao của họ.
Khó có thể nói hết những cảm xúc mà chuyến đi lịch sử này đã mang lại. Thật thú vị khi được ngắm bình minh, ngắm hoàng hôn, ngắm trăng lên trên biển... và được cùng mọi người ngồi câu cá ngừ đại dương trên tàu. Trong hơn 10 ngày trên biển, rất nhiều người bị say sóng, nhất là vào những ngày biển động. Tôi thì ngược lại. Tôi không bị say sóng, mà say đất liền. Những đêm đầu trở lại, tôi nằm trên giường mà cảm giác cứ lâng lâng như đang trên biển.
Mong muốn lớn nhất của tôi sau chuyến đi này là vận động các thành viên của Hội doanh nghiệp Thừa Thiên-Huế góp tiền mua Sim và Card điện thoại của Viettel gửi tặng anh em chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Tôi nghĩ đây sẽ món quà thiết thực để giúp người lính ở Trường Sa gần hơn với đất liền thông qua các cuộc trò chuyện với bạn bè , người thân.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật