Gần 20 năm “hồi sinh“ dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Được mệnh danh là dòng kênh hôi thối nhất TP HCM, với những căn nhà ổ chuột đầy rác thải, sau gần 20 năm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang được “hồi sinh“ từng ngày.
Gần 20 năm “hồi sinh“ dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang dần được “hồi sinh“. Ảnh: Hữu Công.

Lực lượng thi công trên con đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (từ cầu Lê Văn Sỹ đến cuối con kênh đổ ra sông Sài Gòn phía đường Nguyễn Hữu Cảnh) cấp tập làm việc. Năng suất tăng tối đa, thậm chí thi công cả ban đêm để hoàn tất những phần việc cuối cùng với mục tiêu mang lại diện mạo hoàn toàn mới cho con kênh bẩn nổi tiếng này.

Từ năm 1993, chính quyền thành phố có kế hoạch đầu tư cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, với dự án giải tỏa hàng nghìn căn nhà lụp xụp hai bên bờ cùng với việc xây dựng hai tuyến đường ven kênh. Theo Giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP HCM Phan Châu Thuận, dù lúc đó ngân sách còn eo hẹp, nhưng thành phố đã quyết tâm thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng. Số tiền này để đền bù giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân sống ven kênh, nạo vét khoảng 260.000 m3 bùn đất, làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh...

Năm 2003, kế hoạch "hồi sinh" dòng kênh tiếp tục được thực hiện bằng dự án vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ nguồn vốn tài trợ của ngân hàng quốc tế. Dự án có số vốn hơn 300 triệu USD, với các hạng mục chính như nạo vét bùn dưới dòng kênh; lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải.

Khi dự án đi vào vận hành, toàn bộ nước thải sinh hoạt trên lưu vực sẽ không đổ xuống kênh mà chảy vào tuyến cống bao, như một tuyến kênh ngầm để chảy về trạm bơm xử lý. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ tiếp nhận nước mưa và nước từ sông Sài Gòn chảy vào, nhờ đó nước kênh sẽ dần dần trong xanh trở lại.

Đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước khi được cải tạo. Ảnh: Hữu Công.

Để chỉnh trang cảnh quan 2 bên bờ kênh, năm 2011 thành phố quyết định tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa từ cuối đường Út Tịch (Tân Bình) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) với mục tiêu biến hai con đường này trở thành tuyến đường đẹp của thành phố.

Hiện, dự án cải tạo mở rộng đường Trường Sa và Hoàng Sa đến đã cơ bản hoàn thành. Mặt đường bằng phẳng, vỉa hè được lót đá, lắp đặt đèn chiếu sáng với hệ thống cây xanh tạo nên cảnh quan sạch sẽ, thoáng đãng. Chiều chiều, các cụ già ra bờ kênh tập thể dục, từng đám con nít tung tăng vui đùa, những đôi trai gái hẹn hò tâm sự bên dòng kênh báo hiệu nó đang "hồi sinh" từng ngày.

"Ngày đó, nước kênh trong lắm, tui với đám bạn chiều chiều vẫn rủ nhau ra đây câu cá, nhảy xuống kênh tắm. Rồi sau đóngười dân nghèo từ khắp nới đổ về, lấn chiếm dựng nhà, nước thải sinh hoạt, nước thải từ các nhà máy tất cả đều được xả thẳng ra kênh. Thế là dòng kênh chết dần, cá cũng không thể sinh sống được, đi qua con kênh chỉ còn mùi hôi thốí", ông Trần Văn Sáu, 76 tuổi nhớ lại.

Rác thải, xà bần nhếch nhác nay được thay bằng thảm cỏ sạch đẹp. Ảnh: Hữu Công.

Nhưng giờ đây ông Sáu đã có lại niềm vui như ngày nào. "Thấy dọc bờ kênh đã có nhiều cây xanh, hai con đường đã xây dựng, mở rộng sạch sẽ, khang trang tui thấy vui lắm. Hy vọng sẽ lại được thấy cá bơi lội dưới kênh như ngày xưa", ông lão phấn khởi.

Còn anh Trần Trọng Thanh (38 tuổi, ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3) cho biết, từ ngày tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa được chỉnh trang sạch sẽ, anh đi làm nhanh hơn, ít phải chịu cảnh kẹt xe như trước vì cứ chạy thẳng một mạch từ nhà đến công ty.

"Đường ven kênh bây giờ đẹp rồi, chạy trên con đường mới ai cũng phấn khởi nhưng vẫn còn một số người thiếu ý thức xách từng bịch rác, thậm chí cả xác thú vật liệng xuống dòng kênh. Nhìn thấy mà xót ruột. Cần phải xử phạt thật nặng hành vi này mới hy vọng dòng kênh ngày một xanh lại được", anh Thanh chia sẻ.

Lễ khánh thành dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 1 và Xây dựng cải tạo đường Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được tổ chức chiều 18/8.

UBND TP HCM yêu cầu, chủ tịch các quận có kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chạy qua có trách nhiệm phát động phong trào, chỉ đạo tổng vệ sinh, giải tỏa lều quán mua bán lấn chiếm, bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự dọc hai bên tuyến đường; xử lý nghiêm các vi phạm; liên tục phát động duy trì trật tự an toàn giao thông, không để tình trạng vi phạm tái diễn.

Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Công ty Môi trường đô thị tăng cường công tác vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đảm bảo lòng kênh luôn sạch sẽ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật