Nam cảnh sát chống mua bán người say nghề

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vừa trở lại cơ quan sau kỳ nghỉ trăng mật, thượng úy Quân được sếp giao “cầm trịch“ hồ sơ vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở viện C đang gây xôn xao dư luận. Nhìn người mẹ vật vã đau đớn vì mất con, anh càng thêm quyết tâm phá án.
Nam cảnh sát chống mua bán người say nghề
Anh Phạm Hồng Quân tại trụ sở cảnh sát.

Chiều 16/8, tại trụ sở Phòng cảnh sát Hình Sự (Công an Hà Nội), một trong 20 gương thanh niên công an tiêu biểu của ngành, thượng sỹ Phạm Hồng Quân từ tốn kể về con đường "bén duyên" với công an của mình.

Năm 2002, tốt nghiệp khoa quản trị Kinh doanh của viện Đại học Mở, chàng trai với dáng vẻ hiền lành được nhận về Đội trọng án của Công an tỉnh Hà Tây (cũ). Những ngày đầu dấn thân với nghề, anh bảo công việc không hề dễ với người ngoại đạo như mình. Khó khăn là vậy nhưng không vì thế mà "lính mới" như anh nản lòng. Để hiểu các nghiệp vụ, anh mượn hồ sơ lưu của những lớp người đi trước để học cách ghi lời khai, lập biên bản, cách bảo vệ hiện trường vụ án...

Khi rảnh, anh lại ngồi nghe đồng nghiệp hỏi cung nghi can, không quản ngại vất vả đến những nơi xảy ra án để tìm hiểu, rà soát thông tin. Kinh nghiệm có được từ sự ham học hỏi, tinh thần cầu thị đã giúp anh rất nhiều trong lần tham gia phá vụ án bắt cóc giết người xảy ra cuối tháng 12/2004 tại huyện Ứng Hòa.

Những ngày đó, dù trời lạnh buốt nhưng chàng cảnh sát mới vào nghề Phạm Hồng Quân vẫn đi lại như con thoi từ trụ sở cảnh sát đến hiện trường vụ án cách hàng chục cây số bằng xe máy để thu thập thông tin. Với nhiều chứng cứ quan trọng nắm bắt được, anh em trong đội trọng án xác định sát thủ là hàng xóm của nạn nhân. Họ càng ngạc nhiên hơn vì nghi can đang học 11 này lại có hành vi gây án xảo quyệt chẳng khác gì tội phạm chuyên nghiệp, làm "đau đầu" các cảnh sát Hình Sự. Vì nợ tiền do thua cờ bạc, nam sinh bắt cóc bé gái 8 tuổi để tống tiền. Tuy nhiên, sợ bị lộ, cậu ta đã sát hại con tin.

Bé trai là nạn nhân của vụ buôn bán người này được đặt theo tên của thượng úy Phạm Hồng Quân.
"Đau xót nhất với tôi khi phải điều tra những vụ buôn bán người khi thủ phạm trước đó đã là nạn nhân của vụ việc.
Họ từng sống khổ sở lẽ ra phải cảnh tỉnh cho người khác nhưng vẫn đang tâm lừa bạn bè, người thân đẩy họ vào "địa ngục" vì tiền", thượng úy Quân chia sẻ.

Khi công việc ở Đội trọng án đang dần quen, thượng sĩ Quân được điều về Đội hướng dẫn phòng ngừa tội phạm mua bán phụ nữ trẻ em (giờ là Đội mua bán người), khi công an Hà Tây và Hà Nội sáp nhập năm 2008. Mọi việc với Quân lúc này gần như con số 0 bởi đây là lĩnh vực hoàn toàn mới. Dù mới tham gia đội được ít năm nhưng cảnh sát 32 tuổi này tự hào khoe phần lớn các chuyên án quan trọng đều được tham gia.

Một ngày tháng 3/2011, một phụ nữ bất chấp cơn mưa rất to đến cầu cứu các cảnh sát Hình Sự. Qua bản tường trình dài 4 mặt giấy thấm đẫm nước mắt, bà cho biết con gái đang bị lừa bán sang Trung Quốc. Manh mối cảnh sát có được lúc này chỉ là nickname của người bị tình nghi.

Nhưng khi xác minh được người này, anh Quân cùng đồng đội nhanh chóng vào cuộc. Ròng rã theo dõi suốt một tháng, nam thanh niên tên Tý (14 tuổi) bị cảnh sát đưa vào tầm ngắm. Theo kết quả điều tra, Tý tên thật là Nguyễn Dương Hoàng Phi. Tuy nhiên, cậu ta chỉ là kẻ môi giới còn người chủ mưu vụ lừa bán cô gái là Vũ Văn Ca (23 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Khi có thêm manh mối, qua liên lạc của cô gái với gia đình, các anh hướng dẫn nạn nhân xác định vị trí đang ở để phối hợp với cảnh sát Trung Quốc tổ chức giải cứu

"Sau khi Ca và Phi bị bắt, chúng tôi đã "nhử" được 2 phụ nữ tham gia đường dây buôn bán người này về Việt Nam. Đây là một trong những chuyên án thành công nhất khi tóm được hết cả người mua lẫn người bán", thượng úy vui vẻ nói.

Trong những chiến công, anh Quân bảo không thể quên "chuyên án để đời" giải cứu trẻ sơ sinh bị bắt cóc tại bệnh viện Phụ sản trung ương. Đầu tháng 11/2011 khi vừa đi tuần trăng mật về, anh được cấp trên giao "cầm trịch" hồ sơ vụ án đang gây xôn xao dư luận này. Do tính chất nghiêm trọng của sự việc chưa từng xảy ra tại cơ sở sản khoa hàng đầu của cả nước trong hàng chục năm qua, anh Quân và nhiều đồng đội trong Phòng Hình Sự nhiều đêm thức trắng để rà soát thông tin, lần tìm manh mối.

"Dù chưa có con nhưng nhìn cảnh người mẹ vật vã vì mất con, nhiều người thân đứng ngồi không yên khiến tôi càng thêm động lực để cùng đồng đội sớm tìm ra manh mối...", thượng úy tâm sự.

Sau gần một tuần, thủ phạm Nguyễn Thị Lệ bắt khi đang giữ đứa trẻ trong nhà. Là một trong những cảnh sát lấy lời khai nghi phạm, anh kể người phụ nữ khao khát được làm mẹ này tỏ ra khá lì lợm và quanh co. Song dù có "cứng đầu" đến mấy, nghi phạm cũng không thể qua mặt được các cảnh sát Hình Sự Hà Nội bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm. Lệ đã phải khai toàn bộ quá trình bắt cóc.

Là cảnh sát chống tội phạm mua bán người, tham gia giải cứu được nhiều con tin trở về đoàn tụ với gia đình, chàng cảnh sát 32 tuổi chia sẻ với anh vui nhất là bé trai sơ sinh khi thoát khỏi tay "mẹ mìn" đã được gia đình đặt tên "cho giống với chú Quân". "Phạm Hồng Quân, cái tên đầy ý nghĩa với tôi cho đến hết cuộc đời này", anh nói.

Năm 2011, Phạm Hồng Quân được Thủ tướng Chính phủ, UBND Hà Nội tặng bằng khen. Cùng năm, thượng úy được Giám đốc công an thành phố công nhận là người tốt việc tốt.

Cảnh sát Hình Sự 32 tuổi này còn là 10 gương mặt trẻ công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu, Đảng viên trẻ tiêu biểu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật