Xung quanh việc khai thác bôxít ở Tây Nguyên (Kỳ 1)

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hai dự án nhà máy khai thác và chế biến bôxít ở khu vực Tây Nguyên đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chính khách, giới khoa học và cả cộng đồng trong nhiều năm qua. Trong đó 3 vấn đề: lợi ích kinh tế, môi trường và lao động Trung Quốc tại dự án nhà máy vốn là 3 vấn đề được cộng đồng quan tâm đặc biệt nhất.
Xung quanh việc khai thác bôxít ở Tây Nguyên (Kỳ 1)
Đường chính đi vào công trình xây dựng nhà máy

Kỳ 1: Sự thật về “làng Tàu” ở Nhân Cơ

1. Ngay khi mới chỉ là dự án, 2 nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng) đã vấp phải sự băn khoăn về việc hủy hoại môi trường tự nhiên khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm sau khi nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động sẽ có nguy cơ ảnh hưởng không chỉ ở khu vực Tây Nguyên mà còn lan rộng xuống đồng bằng Nam Bộ, mà tác nhân quan trọng nhất đó chính là lượng bùn đỏ khổng lồ thải ra trong quá trình sơ chế bôxít. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của dự án khai thác bôxít Tây Nguyên cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Phía ý kiến phản đối dự án này cho rằng, việc khai thác bôxít dưới lòng đất rồi chế biến sơ bộ thành alumin và xuất khẩu không mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt khi đặt nguồn lợi ấy bên cạnh những nguy cơ thảm họa môi trường tiềm ẩn thì… dự án khai thác bôxít Tây Nguyên cụ thể là 2 nhà máy Alumin ở Lâm Đồng và Đắk Nông cần phải xem xét lại!

Tuy nhiên, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có lý riêng để dự án tiếp tục thực hiện và hoàn thành. Câu hỏi nên hay không về dự án khai thác và chế biến bôxít ở Tây Nguyên bây giờ là thừa. Nhà máy Alumin Tân Rai đã cơ bản hoàn thành và đã đưa vào sản xuất thử từ cuối năm vừa rồi; Nhà máy Alumin Nhân Cơ thì đang trong quá trình xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2015. Hiện tại vấn đề đáng quan tâm là làm sao để quá trình khai thác, chế biến mang lại hiệu quả kinh tế cao, vấn đề môi trường phải được đảm bảo. Và một vấn đề đặc biệt quan trọng thu hút mối quan tâm của nhiều người đó chính là tình hình quản lý lao động Trung Quốc tại khu vực dự án.

2. Thú thật trước khi đến công trình Nhà máy Alumin Nhân Cơ, tôi đã nghe khá nhiều chuyện về nơi này! Đó là những chuyện liên quan đến người lao động nước ngoài, cụ thể là lao động người Trung Quốc đang hiện diện rất đông tại khu vực xung quanh nhà máy! Phàm chuyện gì có ý nghĩa tiêu cực, được truyền miệng thì đều mang yếu tố rùng rợn như thế, dẫu chẳng đáng tin lấy 100% nhưng nó cũng đủ làm yếu lòng một anh chàng can đảm, huống gì tôi chẳng can đảm là mấy. Hôm tôi từ Sài Gòn lên đây công tác, các đồng nghiệp, gia đình ai cũng quan tâm lo lắng cho chuyến đi của tôi. Tôi chắc rằng họ cũng đã nghe, đã xem trên nhiều diễn đàn kể về những câu chuyện “rùng rợn” tương tự tôi đã nghe. Suốt đường đi, tôi cứ nghĩ mãi về chuyện… “đường về”!

Nếu ai chưa đến Nhân Cơ, khi nghe những câu chuyện kể về lao động người Trung Quốc nơi đây đều dễ dàng hình dung ra những cảnh tượng thế này. Đó là những lao động Trung Quốc mặt nghênh ngang, họ chẳng coi ai là cái đinh gì. Đó là cảnh họ ức hiế‌p những lao động địa phương, nhất là lao động ở các địa phương khác đến - những nông dân vốn hiền lành chất phác. Kế đến là hình ảnh một nhóm người ngồi trong quán nhậu, phì phèo thuốc lá, thỉnh thoảng văng tục vài câu rồi cả nhóm cười ha hả. Khi có tí men vào họ bắt đầu trêu ghẹo các cô phục vụ trong quán, thậm chí s‌ּờ soạ‌ּng lung tung nhưng cả quán chẳng ai dám lên tiếng mặc cho cô gái la hét. Rồi đến cảnh cả nhóm tay cầm hung khí kéo đánh cả một làng vì chuyện hôm qua có người trong nhóm họ bị ai đó đánh khi trêu gái nhà lành… Và cả những cảnh gay cấn hơn thế nữa mà trí tưởng tượng vốn phong phú ai cũng có thể tưởng tượng ra.

Chỗ ở của công nhân Trung Quốc trên công trường Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông)

4 ngày ở Nhân Cơ, tôi đã được chứng kiến một sự thật hoàn toàn khác. Khi tiếp xúc với những người dân trong khu vực này, những câu chuyện “quá đáng” về người Trung Quốc hầu như không có, chỉ một vài chuyện chủ yếu là “chuyện hám gái của mấy ông người Tàu”. Trong suốt 4 ngày làm việc tại đây, chỉ một lần tôi bắt gặp một nhóm lao động Trung Quốc đi cà phê vào buổi tối, tại quán cà phê hiếm hoi gần khu nhà tập thể mà họ đang cư trú. Hôm đó, khi hoàng hôn khuất sau dãy đồi, 4 người Trung Quốc lặng lẽ đến quán. Không có hành động, lời nói gì gây ồn ào hay mất trật tự, họ cũng chẳng nghênh ngang, xúc phạm ai. Cả nhóm ngồi uống cà phê trò chuyện được hơn một giờ đồng hồ rồi họ ra về. Họ đến lặng lẽ và đi cũng khá âm thầm như chính cái không gian tĩnh mịch nơi đây. Khi ấy chỉ hơn 19 giờ. Theo anh Tạ Quang Đông, người dân gần ngay trụ sở của Ban Quản lý dự án, thôn 11, xã Nhân Cơ cho biết, thật ra lao động người Trung Quốc ở đây cũng nhát lắm. Có lần cả nhóm lao động Trung Quốc đi tắt vào khu đất nhà anh, anh dọa bằng cách ra dấu là sẽ đánh vào chân họ. Thế là cả nhóm chắp tay ra dấu là xin lỗi. Anh cũng cho biết hiếm khi các lao động Trung Quốc ra đường vào ban đêm.

Nơi đây cũng chẳng phải ở một đặc khu nào mà khi có người lạ lọt vào là “không có đường về” như nhiều đồn thổi. Cũng chẳng có một phố người Tàu với nhiều biển hiệu ghi bằng chữ Tàu hay chuyện họ ngồi ăn uống hò hét trong quán như ở Bình Dương vừa qua. Họ ở trong một dãy nhà tập thể nằm ngay phía sau của khu vực trụ sở Ban Quản lý dự án, lại nằm đối diện với đồn công an quản lý toàn bộ khu vực này. Tôi ghé thăm khu nhà trọ này vào một buổi sáng, lúc đó là hơn 9 giờ, ở đây tôi thấy hầu như tất cả các phòng đều đóng cửa vì họ đã đi làm trong công trình nhà máy. Theo nhiều người dân trong khu vực này chia sẻ thì cuộc sống thường nhật của họ khá khép kín. Sáng ngủ dậy, họ ăn sáng ngay trong khu nhà tập thể của mình sau đó đến công trình làm việc, trưa họ trở về khu nhà này ăn trưa để tiếp tục chiều làm việc. Cả ngày, hầu như chỉ thấy họ xuất hiện trên đường đi và về giữa công trình và khu nhà, cách nhau chừng 100m đường đi tắt và khoảng 300m đường lộ khi đi xe máy.

Chị Uyên, chủ quán cà phê mà tôi vừa nhắc cũng cho biết, ít khi người Trung Quốc ra đây, nếu có thì chỉ là những người họ được nghỉ ca và chỉ đi khi có người bạn là người Việt đi cùng. Anh Tuấn, quê An Giang làm công nhân xây dựng trong dự án nhà máy này cũng cho biết, lao động Trung Quốc ở đây khá thân thiện, họ cũng như bao lao động khác, có điều là “muốn đến bắt chuyện làm quen nhưng họ nói gì thì tôi chịu, không hiểu được”, anh Tuấn nói. Những hộ gia đình dọc theo đường chính từ ngã ba Nhân Cơ vào khu nhà máy mà tôi ghé thăm đều không phàn nàn gì về người Trung Quốc hiện diện nơi đây.

Về chính xác số lượng lao động Trung Quốc hiện có tại công trình, theo thông tin mà tôi có được từ báo cáo của Ban Quản lý dự án báo cáo cho UBND tỉnh Đắk Nông thì ngoài nhà thầu chính Chalieco còn có đến 17 nhà thầu khác đang thi công tại công trình. Trong đó gồm 11 nhà thầu phụ Trung Quốc và 6 nhà thầu phụ Việt Nam. Tổng số lao động hiện có là 1.183 người. Trong đó lao động nước ngoài gồm có lao động Trung Quốc là 452 người. Trong đó nữ là 40, nam 414, đã có Giấy phép lao động (GPLĐ) 377 người, 30 người đã đủ hồ sơ cấp GPLĐ, 57 đang hoàn thiện hồ sơ cấp GPLĐ. Chuyên gia người Úc - 2 người. Tất cả các lao động nước ngoài làm việc tại dự án đều thực hiện đúng các quy định Pháp Luật Việt Nam về sử dụng lao động và quản lý lao động người nước ngoài. Lao động Việt Nam là 727 người tập trung từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Chủ yếu là lao động tại địa phương chiếm trên 60%.

3. Thay vì sự náo nhiệt, xô bồ, tình hình trật tự xã hội vô cùng phức tạp bởi có rất đông người lao động đến từ mọi miền đất nước, như ở những vùng tập trung khu công nghiệp như Đồng Nai và Bình Dương… thì nơi đây lại khá yên tĩnh. Ngoài giờ cao điểm là giờ sáng và giờ trưa khi công nhân lao động đi làm và về thì đường phố khá yên tĩnh, vắng tiếng xe máy, tiếng người. Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho sự yên tĩnh này. Thứ nhất, nơi đây vốn dân cư thưa thớt, cộng với việc hầu hết gia đình nào cũng đi làm rẫy, sáng đi tối về. Thứ hai là ngay gần khu vực của Ban Quản lý dự án là đồn công an với cả chục chiến sĩ công an ngày đêm làm việc, giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực. Không những thế những chiến sĩ cảnh sát giao thông cũng rất thường xuyên tuần tra trên chặng đường từ ngã ba Nhân Cơ vào khu vực nhà máy. Đây cũng chính là điều kiện để sự an ninh trật tự trong khu vực này khá đảm bảo; điều này được hầu hết người dân và công nhân lao động tại đây khẳng định.

Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng)

Dọc con đường nhựa độc đạo dài khoảng 100m vào nhà máy, 2 bên đường có vài quán cơm phục vụ cơm trưa cho lao động nơi đây. Tất nhiên không có bóng dáng lao động Trung Quốc nào tham gia vào những bữa cơm vội trong những quán cơm này. Nơi đây cũng không có những cửa hiệu mà bảng hiệu ghi bằng tiếng Trung Quốc, chỉ duy nhất bảng hiệu của phòng dạy tiếng Trung Quốc cấp tốc cho người dân địa phương. Nhưng trong thời gian tôi đến thì phòng học này đều đóng cửa im ỉm, một người dân gần đó cho biết lý do là “không một ai học, người dân khu vực này thì càng không”. Nói về vấn đề an ninh trật tự tại khu vực công trình nhà máy này, ông Trương Minh Quốc - Trưởng Công an xã Nhân Cơ cho biết: “Về cơ bản thì tình hình an ninh trật tự nơi đây khá ổn định, không xảy ra trộm cướp, không tệ nạn xã hội như hú‌t chí‌ch hay đĩ điếm, cũng không có trường hợp lao động Trung Quốc và Việt Nam mâu thuẫn, đánh nhau gây mất an ninh trật tự như nhiều lời đồn”. Anh cho biết, các anh em nơi đây luôn tuần tra, quản lý chặt chẽ 24/24. Bất cứ một sự cố nhỏ nào liên quan đến trật tự xã hội thì các chiến sĩ công an đều có mặt kịp thời giải quyết.

Để hiểu rõ hơn về quy trình lao động của công nhân Trung Quốc tại công trình nhà máy này, được xem là vấn đề nổi cộm được quan tâm đặc biệt từ chính trường cho đến dư luận trong cả nước. Tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Kiều Đức Quang, Trưởng phòng Tổ chức lao động chuẩn bị sản xuất xung quanh vấn đề lao động và kết thúc lao động của người Trung Quốc tại công trình nhà máy này? Bên cạnh đó là việc lao động người Trung Quốc trái phép sẽ bị trục xuất về nước thời gian gần đây?

Ông Quang cho biết, sau khi hoàn thành công trình Nhà máy Alumin Nhân Cơ (dự kiến là 2015) thì toàn bộ công nhân nước ngoài sẽ về nước chứ không hề có chuyện ở lại khai thác bôxít như nhiều người lầm tưởng. Chỉ có một vài chuyên gia Trung Quốc ở lại để hướng dẫn vận hành cũng như xử lý những sự cố xảy ra trong thời gian hoạt động ban đầu. Ông cũng nhấn mạnh rằng, không có chủ trương cho Trung Quốc khai thác bôxít ở Tây Nguyên. Sự có mặt của người Trung Quốc tại 2 công trường xây dựng Nhà máy Bôxít - Nhôm Tân Rai và Nhà máy Alumin Nhân Cơ là bởi công ty của Trung Quốc trúng thầu xây dựng. Khi công trình hoàn thành, công nhân Trung Quốc sẽ rút đi, việc khai thác bôxít được giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện. Nói về nguyên nhân lao động Trung Quốc gần đây về nước nhiều, ông Quang cho biết, sỡ dĩ như vậy vì họ làm việc theo từng tiến độ công việc, mỗi nhóm lao động chỉ đáp ứng chuyên môn một hạng mục nhất định nào đó, xong hạng mục ấy thì họ về nước và thay thế một nhóm khác thực hiện hạng mục khác; một số khác thì nghỉ phép. Giải thích thêm về vấn đề “trục xuất” lao động Trung Quốc, ông Kiều Đức Quang nói: Không phải là trục xuất mà chỉ là những trường hợp không đủ điều kiện lao động nên không thể tiếp tục được làm việc trong công trình.

Về vấn đề nhiều lao động Việt Nam tại công trình nhà máy này không hề có hợp đồng lao động hay được đóng bảo hiểm, ông Quang nói, đúng là có như vậy, nhưng ông cho biết là do họ không có nhu cầu, họ chỉ biết làm một ngày được bao nhiêu tiền chứ không quan tâm đến hợp đồng lao động hay là đóng bảo hiểm gì cả. Họ không thích tự dưng lại mất đi một số tiền (tiền bảo hiểm) mà không hề biết số tiền ấy sẽ về đâu?! Với lại nhiều người là nông dân, tranh thủ thời gian nông nhàn nên họ lên đây làm để kiếm thêm thu nhập… Thế nhưng, khi tôi chia sẻ quan điểm này của ông Quang với một số lao động trong công trình nhà máy này thì sự thật ngược lại! Anh Tuấn cho biết, mình cũng như rất nhiều đồng hương lao động tại đây đều là những nông dân chân lấm tay bùn, chữ nghĩa thì ít nhưng các anh vẫn mong muốn được làm việc ổn định, bảo đảm, có hợp đồng, có bảo hiểm nhưng do không có ai hướng dẫn hay đề cập gì đến vấn đề này nên các anh cũng không biết làm cách nào!

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật