Nổi loạn XII

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lúc ấy dưới đường vang lên tiếng nhạc rock của một người bán kẹo kéo. Tiếng nhạc ồn ào, sôi động bốc lên trên các ngọn cây nghe như có đám rước gì đi ngang qua. Những âm tanh điện tử rổn rảng như sắt thép của Morden Talking. Chiếc xe kẹo kéo khuấy động cả một khu phố lúc xế chiều, át cả tiếng xe cộ, tiếng rao hàng, tiếng trẻ con.
Nổi loạn XII
ảnh minh họa
Một người đàn ông. Một chai rượu. Hùng nghĩ đến anh hàng xóm. Ông muốn tìm hắn, nhưng lại sợ hắn nổi cơn điên đập phá, la hét. Làm phiền cả khu tập thể.
Ông xách chai rượu đi ngang qua phòng hắn. Phòng đóng cửa nhưng bên trong có ánh đèn. Thoạt tiên không thấy ai. Ngọn đèn để bàn tỏa ánh sáng vàng cũ kỹ nám khói. Trong mớ quần áo treo lỉnh kỉnh đầu giường ông nhận ra chiếc quần đen, mấy cái áo cánh và ba bốn cái áo ngực, quần lót của vợ ông. Bỗng sau lưng có tiếng cười. Anh hàng xóm xuất hiện như một người lên đồng. Hắn trang điểm loè loẹt, môi thoa son đỏ chót, má phấn, tóc xịt keo dựng đứng. Hắn đang bận bộ đầm sặc sỡ của Ngọc. Hắn đứng im, trơ bộ mặt loè loẹt, buồn bã.
– Chú làm gì vậy?
Anh hàng xóm nhe răng cười, râu vểnh lên, khoé mắt giựt giựt. Hùng bảo:
–Uống với tôi một ly.
Anh hàng xóm ngồi xếp bằng dưới đất, cái váy xòe tròn trên nền nhà che khuất cặp giò khẳng khiu, chỉ để lòi những ngón chân cùn xơ xác. Hùng cứ nhìn anh hàng xóm đăm đăm.
– Chú thay đồ đi. Sao chú lại mặc quần áo của vợ tôi vậy?
Anh hàng xóm giật nảy người lên:
– Chết cha. Em mặc đồ của chị hả?
Hắn đứng dậy. Hùng giở cái váy lên, bên trong là cái quần xịp màu hồng. Ông càu nhàu:
– Lại thế này nữa. Chú lục tung cả đồ đạc của vợ tôi ra à? Tôi không gởi cho chú nữa đâu.
Tiếng nhạc rock của cô gái bán kẹo kéo dưới đường trở nên giựt gân. Anh hàng xóm kéo hai bên váy lên và bắt đầu nhún nhảy. Hùng ngồi chờ cơn điên ấy dịu xuống nhưng anh hàng xóm nhảy càng lúc càng cuồng loạn, vừa nhảy vừa tiến lại đầu giường lấy cái nịt vú màu cà phê sữa đeo toòng teng trên cổ. Hùng chạy lại chỗ cái vali của vợ, thấy khóa đã bị phá tung, ông mở ra. Bên trong chỉ còn hộp nữ trang là nguyên vẹn. Ông lấy cất vô túi, buồn bã ngồi xuống giường, thở dài. Tiếng nhạc dưới đường vẫn dồn dập, anh hàng xóm nhảy tưng tưng như con rối. Ðột nhiên Hùng bật dậy, phóng đến bên cửa sổ, thò đầu ra ngoài, hét xuống đường:
– Tắt máy đi!
Tiếng hét làm những người đi trong phố ngửng lên nhìn.
– Tắt máy, không tôi tạt nước xuống bây giờ.
Cô gái bán kẹo kéo đứng chống nạnh, ngửa mặt nhìn lên, cười:
– Tạt đi! Tạt nước đi!
Và cô vặn nhạc to hơn, nhịp nhịp chân. Cũng muốn nhảy.
Bọn trẻ con trong phố đã bu lại, chỉ tay lên lầu cười ầm ĩ. Những người phu xích lô, những chị bán hàng rong và người đi đường cũng cười. Một đám đông hình thành rất nhanh trên vỉa hè. Hùng lại la lên:
– Ðẩy xe đi chỗ khác.
– Không đi đâu hết, cô gái vẫn bướng bỉnh. Có ngon xuống đây chơi.
Bọn trẻ hòa theo:
– Xuống đây!
Nhưng Hùng đã mềm rũ bên cửa sổ, bất lực.
Anh hàng xóm vẫn giựt lia lịa. Hùng thì ngồi bệt xuống đất, giương đôi mắt đục, thất thần ra nhìn. Một lúc ông chậm chạp đứng dậy gom tất cả quần áo, khăn tay, đồ lót, đồ trang điểm của vợ gấp lại, xếp vào vali.
– Giơ tay lên!
Hùng ngoái lại. Một họng súng đen ngòm chĩa thẳng vào ông. Trời ơi, hắn lấy súng của mình hồi nào vậy.
– Chú điên nặng rồi.
Mắt anh hàng xóm long lên:
– Không được đụng vào đồ đạc của vợ tôi.
– Ai là vợ chú?
– Ðừng làm bộ. Anh hàng xóm rít lên. Bỏ hộp nữ trang trong túi ra!
Hùng sấn tới, giận đỏ mặt, sùi bọt mép:
– Mày định ăn cướp hả?
– Ra khỏi nhà, không tôi bắn nát óc.
Hùng bước ra khỏi nhà, vừa đi vừa ngó chừng khẩu súng.
– Bỏ hộp nữ trang trong túi ra.
– Ðừng bắn ẩu. Chú quên rằng tôi đã gởi cái vali của chị cho chú giữ sao?
Anh hàng xóm bóp cò.
Tiếng nổ dập tắt điệu nhạc của người bán kẹo kéo dưới đường.
Cuộc đời của một con người đã kết thúc tình cờ, đơn giản và nhạt nhẽo như thế.
 
 
mười ba
 Ðằng sau cánh cửa là sự lạnh lẽo của cái chết, sự im lặng của mộ phần, của rêu xanh, cố tích và hoang phế. Chàng bước vào căn phòng tối tăm của mình mà như bước vào một quá khứ ẩm mốc, bụi bặm, đổ nát, điêu tàn. Hình như đã một ngàn năm rồi không ai bước chân vào đây, cả thú rừng, những con bọ và cả chim chóc. Ðó là cõi trống trải, cô tịch đìu hiu của thế giới bên kia. Dấu tích sinh vật chỉ còn để lại trong đá. Dấu tích của Ngọc thì không hề tìm thấy. Ngọc mất dạng, biệt mù như không hề có trên đời. Căn phòng trống vắng và xa lạ như người chủ của nó đã bỏ đi hàng chục năm, hay đã qua đời, đã thành người thiên cổ, đã hóa tro bụi. Không một dòng chữ để lại. Quần áo của Ngọc vẫn còn nguyên vẹn trên móc. Ðôi dép vẫn dưới chân giường, cái lược nhựa màu xanh lá cây, cái quấn tóc... Không có dấu hiệu gì là đã trở lại đây trước khi bỏ đi. Nàng đã ra đi mà không chuẩn bị gì hết. Một bộ đồ bà ba duy nhất trên người.
Chủ nhà nói:
– Mấy hôm nay không thấy cổ về.
Chàng biết rằng Ngọc sẽ không về nữa, sẽ không cần gì nữa, không cần ai nữa. Ý nghĩ đó làm chàng hoảng hốt. Nằm lại đây chờ hay đi tìm? Mười giờ đêm. Quán nước dừa dưới gốc cây si, quán cà phê Nguyễn Trãi. Chàng đến nhà những người bạn, những người bà con của Ngọc. Nửa đêm, Phan trở về căn phòng một mình, ngồi khóc. Chàng biết rằng không bao giờ còn nhìn thấy bóng dáng Ngọc nơi này nữa. Chàng sẽ ở đây một mình với bốn bức tường hẹp, đàn muỗi và con dế gáy suốt đêm trong xó nhà.
Trời đã khuya lắm. Chỉ có chàng và con dế còn thức. Có lẽ Ngọc cũng còn thức, nhưng đang ở đâu? Hay Ngọc đã chết rồi? Chàng không ngủ, chàng thích hình dung nỗi cô đơn của Ngọc, sự khốn khổ của Ngọc. Và khóc.
Buổi sáng, khi ra bờ sông ngồi, chàng là người cha đi tìm xác con dưới đáy nước. Trưa nắng, chàng đi bộ trong phố gặp ai mặc áo bà ba cũng nhìn. Chàng vô chợ Bến Thành tìm kiếm vô vọng trong đám đông. Chàng tìm tới những người bạn cũ của Ngọc. Nhưng không ai biết gì về Ngọc cả và họ chỉ nhắc đến những chuyện đã qua, nhưng chàng vẫn thích nghe, vẫn hy vọng rằng trong cái mớ hỗn độn của quá khứ ấy chàng sẽ tìm được một chi tiết nào đó giúp tìm ra nơi ở của Ngọc. Ðến một lúc người đối thoại mệt mỏi, ngáp dài hay ngủ gục chàng mới biết rằng mình phải chấm dứt câu chuyện.
Lại một người bạn khác của Ngọc, chị bán bún riêu ở vỉa hè. Chàng không hỏi gì cả mà chỉ ngồi chờ, may ra có một lúc nào đó Ngọc xuất hiện từ đàng xa.
Chàng chờ và đi. Chàng cứ chờ và đi như thế trong nhiều ngày.
Có một chiều chàng trở về nhà thấy đứa con gái lớn ngồi nhai ổ bánh mì trong bếp một mình, chàng đứng lặng im rồi đến bên con, chàng ngồi xuống chiếc ghế gỗ thấp,  cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn của con và khóc.
– Ba đi đâu hoài vậy?
– Ba đi tìm cô Ngọc.
– Tại sao ba phải đi tìm cổ?
Chàng khóc như đứa trẻ con, chàng hôn tay con, nước mắt nhỏ giọt trong lòng bàn tay nó. Chàng nói:
– Ba yêu cô Ngọc lắm. Ba không thể nào xa cổ được.
– Ba không yêu má nữa sao?
– Ba không biết phải giải quyết thế nào. Khi lớn lên con sẽ hiểu rằng ba đã khổ đến như thế nào.
Cô bé cũng khóc. Khúc bánh mì lăn ra bàn.
Chàng cảm thấy mọi sự như đã vỡ lở và gần như không thể cứu vãn được. Cuộc tình này chỉ thấy có dày vò, đau khổ, thù hận và nước mắt.
Xưa nay chàng vốn không thích những kết thúc bi thảm, cường điệu trong kịch của Shakespeare nhưng dường như quy luật của ái tình đã cuốn chàng vào vòng xoáy của bi kịch và chàng không tài nào cưỡng lại nổi.
 
 
mười bốn
 Ngọc trở về như một bóng ma giữa ban ngày. Áo bà ba trắng, quần đen. Không trang điểm. Nàng đã vượt qua ba cửa ải đầy những ma quỷ, thú dữ, rắn rít để bước lên bậc thang cuối cùng của căn hộ mình từng ở. Những cặp mắt xoi mói. Tiếng thì thầm rụt rè và miệt thị: Nó về, nó về kìa! Những cánh cửa sổ chợt mở ra. Lời nguyền rủa từ miệng mụ phù thủy xương xẩu: Hỡi kẻ lăng loàn, mi đã đánh mất nhan sắc và trở thành một con méo cái.
Ðến cửa ải cuối cùng, nàng nghĩ nếu tên hàng xóm ra chặn đường thì ta sẽ giết chết hắn, đạp hắn xuống cầu thang sâu hút của ba tầng lầu. Nhưng gã hàng xóm đã không xuất hiện.
Nàng đứng sững giữa sân nhà mình. Một năm dài đã trôi qua. Lần đầu tiên nàng bước chân trở về. Tất cả im lặng, lạnh lẽo, hoang vắng và xơ xác. Không một tiếng nước chảy, không một tiếng bước chân, không một giọng nói. Ðó là sự im lặng của một trận chiến đã tàn lụi.
Những cánh cửa đóng im lìm. Cái chòi sau bếp cháy nham nhở, bức mành trúc đổ nát, nám khói mắc toòng teng trên một đoạn dây kẽm. Con mèo đen có đôi mắt xanh lè vừa xuất hiện ở giữa hành lang, đứng nhìn nàng trừng trừng. Ngọc bước đến mấy bước và qụy xuống bên thềm nhà, bật khóc. Con mèo đen sợ hãi biến mất. Nàng khóc như một người đàn bà sống sót trở về sau chiến tranh. Nàng khóc trong im lặng của tro tàn.
– Mẹ!
Ðứa bé hiện ra sau lưng Ngọc, ốm yếu, bé nhỏ như một con chim sẻ. Ðó là kẻ sống sót thứ hai.
– Mẹ ơi!
Ngọc ôm con vào lòng, nhẹ hẫng như một con mèo con. Nàng bước vào nhà, mở cánh cửa sổ nhưng chúng đã mục nát hết, giư‌ּờng chi‌ּếu bề bộn những quần áo dơ, mùng mền bẩn thỉu, giấy vụn vung vãi trên nền nhà.
– Con ở nhà một mình sao?
– Con ở với cô Thủy.
Ngọc bế con xuống căn bếp đổ nát. Tất cả điêu tàn như sau một trận bom napal. Căn bếp chỉ còn là một cái sườn nhà bằng tre nám khói. Tro than ngập ngụa lối đi. Trên cái bàn gỗ nứt nẻ còn hai cái soong nhôm đậy nắp. Ngọc mở ra, những con cá kho đã cháy khô và một nồi cơm đã lên nấm đỏ rực.
Lẫn trong tro tàn là những phần còn sót lại của quần áo Ngọc. Một mảng lưng quần jean với mấy cái nút đồng, một chiếc giày da cháy nham nhở. Một sợi dây thắt lưng cong queo...
Ngọc trở vào phòng, đặt con nằm xuống giường.
Nàng bật quạt cho con rồi trở ra bếp, gom những mảnh vỏ chai, những mẩu vải cháy xém và giấy vụn.
Khi lục dưới gầm giường nàng thấy còn một chai rượu chưa khui và mấy bịch đậu phọng da cá. Nàng đặt chúng lên giường và dùng một miếng bìa cứng gom đống tro lại. Lúc ấy nàng nghe cái giọng cười kinh tởm của con đười ươi. Ngọc quay lại. Gã hàng xóm mặc bộ đầm sặc sỡ của nàng, mặt mày son phấn lòe loẹt. Ngọc ném miếng bìa xuống đống tro, chụp chai rượu, sẵn sàng đối phó. Nhưng anh hàng xóm vẫn đứng im với cái nhìn của kẻ mất trí.
Bỗng nhiên hắn quỳ xuống, lết tới bằng hai đầu gối:
– Kính thưa mẫu hậu.
Hắn nói và sụp lạy lia lịa.
– Xin thương xót kẻ tôi tớ.
Ngọc tựa lưng vào vách nhìn hắn trừng trừng. Nàng khui chai rượu, rót vào cái ly ống tre. Anh hàng xóm chợt bật khóc, nước mắt và mồ hôi túa ra trên gương mặt son phấn làm cho nó nhòe nhoẹt.
– Về đi!
Anh hàng xóm sụp lạy:
– Xin thương xót kẻ tôi tớ.
Trông hắn giống hệt một thằng hề trên sân khấu.
– Thế mi có biết ca cải lương không? Ngọc hỏi.
Anh hàng xóm bật đứng dậy, cười toe toét:
– Ðó là nghề của con. Hãy khoan! (hắn vô sáu câu) Gươm chỉ là một thanh sắt vô tri có làm chi nên tộ ộ..i...
Ngọc uống cạn phần rượu trong ly. Một niềm hạnh phúc man dã đã bừng dậy trong nàng. Nàng đưa tay ngăn anh hàng xóm:
– Thôi im đi. Mi có biết làm xiếc không?
– Ðó là nghề của con.
Ngọc cầm một hạt đậu phọng đưa ra trước mặt.
– Chuẩn bị nhé. Ta ném vào miệng mi đó.
Hạt đậu bay đi. Anh hàng xóm há miệng đớp gọn. Ngọc lại ném một hạt nữa, hắn lại đón được, vừa cười ré lên vừa nhảy nhót như khỉ.
Ngọc lại hỏi:
– Mi biết trồng cây chuối ngược không?
– Xin tuân lệnh.
Và hắn lộn đầu xuống đất, chổng hai chân lên trời. Hai ống quần vải thô rộng thùng thình tụt xuống, bày ra hai ống chân đen đủi.
– Ðến đây! Ngọc gọi.
Hắn bước tới bằng hai tay, va vào khung cửa, ngã chổng gọng trên nền nhà.
Ngọc ném cái vỏ chai sang bên, bước xuống giường, mặt nóng bừng vì rượu. Nàng đến bên lu nước. Không có gì để múc nước cả. Một cái lon sữa bò, một cái chén bể cũng không có. Ngọc phải cúi thật sát. Nàng vốc nước trong lòng bàn tay, uống. Nàng vục mặt xuống. Nước chảy tràn qua ngực áo, thấm qua chân tóc. Nước làm nàng quên tất cả. Nước đang chảy qua nàng, như một dòng suối róc rách, vô tận.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật