Dấu xưa

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vẫn như mọi ngày, khi mặt trời mỏi mệt, đi về phía tây, sắp chui tọt xuống đường chân trời. Nắng chiều nghiêng nghiêng, lướt qua những mái nhà yên tĩnh của phố thị, ông ngoại tôi dắt chiếc xe máy cà tàng ra cổng. Tôi lót tót phía sau, năn nỉ xin theo. Vậy là hai ông cháu bắt đầu cuộc dạo chơi.
Dấu xưa
Ảnh minh họa

Ông cho xe rẽ sang con đường mòn. Ở đây nhà cửa thưa thớt, cây cối lại dày đặc. Những cây sao cổ thụ đứng cách nhau đều đặn hai bên đường. Xen giữa là những bụi trâm ổi, lấm tấm hoa thơm nồng. Chiếc xe vút qua dãy nhà lụp xụp, xiêu vẹo đứng đàng sau hàng rào dâ‌m bụt xanh rờn. Trong sân, vài trẻ nhỏ người Khmer đang cởi  trần trùng trục. Chúng để lộ cặp giò khẳng khiu, đen bóng. Ngoại dừng xe trước một tha la cất bên gốc cây bồ đề tán lá um tùm, rợp mát. Trong tha la, trên băng đá, có một chú người Khmer đang ngồi hút thuốc. Chú mặt áo thun ba lỗ đã ngã sang màu cháo lòng. Chiếc quần cộc đen mốc. Dù vậy, trông chú vẫn tươi tỉnh nhờ dáng dấp lực lưỡng và nụ cười rất đẹp. Chú chào ngoại, hai người mỉm cười thân thiện. Chú chỉ chiếc băng đá đối diện :”Dớ, mời ông ngồi chơi!” Ngoại vừa rút khăn lau mồ hôi vừa ngồi xuống đó. Hai người bắt đầu nói về ngôi chùa cổ ẩn mình sau hàng dầu già cỗi. Tôi biết, đã đến lúc lén đi rong được rồi.

Tôi mon men đến gần cái tháp hoang, thâm u, lạnh lùng, bí hiểm. Lần nào đến đây, tôi cũng tìm cách ngóng cổ nhìn vào hai ô cửa toang hoác, hau háu trông ra hai phía. Bên trong tối nhờ nhờ. Chẳng biết có gì trong đó. Tháp hoang đứng trên giồng đất cao nên càng cao. Phần dưới từa tựa một cái hộp vuông rổng. phía trên giống như một hình cầu bị kéo thành một cái bầu  có núm dài, nhọn, đâm ngập khoảng không cao chót vót. Vách tường loang lổ vết ố, oằn nặng, chằng chịt  những dây leo trườn trên đỉnh tháp. Trên những bật thềm, rêu đen bám đầy như trải thảm màu tối. Không có dấu chân người. Tháp hoang đứng sừng sững, uy nghiêm, buồn tẻ. Nó như một người tiền sử lọt giữa thế giới tiến bộ. Lạc lỏng, xa cách nhưng giá trị không biến đổi. Ngoại bảo thế: ”Chính cái tháp hoang là nơi ẩn náu của một con rắn khổng lồ. Có lẽ nó già hơn cả ngoại. Con rắn hiền lành mới lạ! Chắc do sớm chiều lắng nghe tiếng mõ, hồi chuông thanh thoát. Buổi sáng, rắn trườn lê‌n đỉn‌h tháp, huýt vài điệu sáo mồm, chọc cho dân chúng hoảng vía vài phút rồi tụt xuống, nằm khoanh, ngoan như một đứa học trò bị phạt, đang hối lỗi. Ngày nọ, một nhóm người khăn rằn, áo đen bị địch săn đuổi, chạy lạc đến đây, lưỡng lự ít phút, họ xông đại vào hang rắn, tự an ủi rằng: ”Lòng người còn nham hiểm hơn rắn, thà chết trong tháp hoang còn hơn lọt vào tay giặc”. Bọn địch kéo đến bao vây tháp hoang, lên cò súng răn rắc, bắc loa inh ỏi: ”Hãy đầu hàng mau! Không thì chết chẳng toàn thây…”. Trả lời bọn địch là tiếng huýt sáo giận dữ của con rắn khổng lồ. Nó bò ra cửa tháp, ngóc cao đầu có hơn nửa thước, phùng mang, lè lưỡi đỏ loét hù dọa. Kinh hồn, bạt vía, bọn giặc ù té chạy. Những tên chỉ huy cũng chạy. Chúng không quay lại vì đoan chắc nhóm người kia đã bị rắn cắn chết. Nhưng khi màn đêm phủ trùm vạn vật, từng người bò ra ngoài cửa tháp, dáo dác nhìn quanh. Lúc biết chắc chắn bình an, họ đứng thẳng dậy rồi sụp lạy ngôi tháp, tạ ơn rắn, một vị thần giữ cửa yên lành. Sau đó, họ ra đi biền biệt. Người ta đồn rằng con rắn đắc đạo thành thần, nó mọc cánh rồi bay lên trời. Từ đó, tháp hoang trở thành một nơi linh thiêng, kỳ bí, một chứng tích lịch sử .

Tôi thường thắc mắc:

- Ngoại kể chuyện y như chuyện cổ tích.

Ngoại cười hóm hỉnh:

- Ừ, cổ tích giữa đời thường. Giữa đời thường cũng có biết bao chuyện như cổ tích. Lớn lên con sẽ hiểu.

Tôi gật gù nhưng thầm nghĩ cái tháp hoang giống lâu đài của một gả phù thủy. Hắn đã bị hoàng tử giết chết, lâu đài bị bỏ hoang.

Gần đó có một cái ao đầy bèo dạt trên mặt nước. Bên bờ tây, hai con bé trạc tuổi tôi đang vớt bèo. Chúng cầm cây sào dài chừng hai thước, đầu sào có buộc một cái rổ con, đẩy tới, đẩy lui, lùa mảng bèo trôi dạt về một phía rồi nhận đầu rổ xuống, kéo lên. Rổ ăm ắp bèo. Tôi vỗ tay, reo lên:

- Hay quá ta!

Tôi chạy lại gần làm quen:

- Bạn vớt bèo làm chi vậy?

Con bé mặc áo đỏ, tóc hoe vàng, rủ xuống vai chu mõ: “Bán chớ chi”

- Mỗi ngày kiếm được bao nhiêu tiền?

- Bảy tám ngàn đồng.

Mỗi ngày tôi dược mẹ cho năm ngàn ăn quà vặt. Hai con nhỏ này phải vớt cả buổi mới có bảy ngàn. Tội nghiệp!

- Ở đâu tới đây hỏi lung tung vậy?

- Nhà tôi ở xóm chợ. Chỗ có cây sầu đông to đùng đó.

- Bộ ở bển không có gì chơi sao qua tới đây?

- Ở đây cảnh đẹp, không khí trong lành hơn.

- Tôi thích xóm chợ. Có công viên, có chỗ bán búp bê.

Tôi nhớ đến con búp bê mẹ tặng hôm sinh nhật năm nào. Không có tiền làm tiệc, mẹ mang về một cái bánh bông lan to bằng cái dĩa và một con búp bê. Tôi đã nói một câu vô duyên:

- Phải chi mẹ mua cho con một đôi hài màu đỏ, con đi bảy dặm.

Năm sau, mẹ mua cho tôi đôi hài, tôi lại mong đợi một cái nón. Ông quát: ”Được đàng chân, lân đàng đầu. Đua đòi hư thân”. Từ đó, mẹ không còn mua quà sinh nhật cho tôi.

Lần nào, trên đường về, ngoại cũng cho xe lên dốc rồi rẽ vào con đường đất ngoằn ngoèo um tùm hoa mua nở trắng. Đến một khoảng đất giồng cao, những ngôi mộ cổ hiện ra, nằm lặng thầm dưới bóng râm của hàng dầu cổ thụ. Ngoại dựng xe rồi dắt tôi len lõi theo lối mòn đến trước một ngôi mộ quen thuộc. Nơi yên nghỉ của một phụ nữ trẻ, người yêu ngoại hay gọi người ngoại yêu cũng đúng. Tấm ảnh trên mộ bia đã bị thời gian và nắng gió làm cho rạn nứt, phai nhạt, nhưng đôi mắt u ẩn của bà ấy vẫn tha thiết, đăm đắm làm tôi rưng rưng cảm động mỗi khi  nhìn và làm ông tôi gục xuống như mất sức. Ngoại nấc lên, khe khẽ thôi, nhưng lòng tôi như bị ai xé toạc ra từng mảnh. Tôi cũng yêu bà ta như một người thân thiết trong gia đình. Dù lúc bà mất, tôi chưa có mặt trên cõi đời này. Ngoại tôi kể rằng ngày xưa  bà là giao liên. Trong một lần dẫn đường cho ngoại đi vào căn cứ, hai người đã quen và rồi cũng chính bà đưa đường cho ngoại chuyển đến nơi khác. Hai người cảm mến và yêu nhau tha thiết. Họ hẹn ngày đất nước hòa bình sẽ đưa nhau về quê ra mắt hai họ. Nhưng đất nước chưa giải phóng, bà ấy đã về cõi vĩnh hằng trong một lần giặc càn quét. Chúng bắn bà gục trước tháp hoang, khi bà ngăn không cho chúng tràn vào chùa tom góp những chiếc chuông đồng sáng loáng.

Từ đó, mỗi khi tiếng chuông chùa ngân nga trong trời chiều  tím ngát, mọi người đau đáu nhớ về người thiếu nữ khmer kiên cường, bất khuất. Còn ngoại tôi, tiếng chuông làm trái tim ngoại rung lên những giai điệu tình xưa.

Riêng tôi, Tôi nhớ đến hai người bạn mới gặp. Như hai cánh hoa trôi theo những cánh bèo xanh ngăn ngắt, nhớ ngôi mộ u tịch và nhớ đến tháp hoang như dấu tích một thuở đấu tranh giữ nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật