Mất ngủ nghĩ cách trả lại 5 chỉ vàng nhặt được

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhặt được 5 chỉ vàng và chiếc điện thoại di động, suốt đêm vợ chồng anh Thính mày mò tìm người rơi của để trả lại. Trong khi đó, theo thú nhận của anh Thính, “Vợ chồng anh vô sản. Không nhà cửa, ruộng vườn, phương tiện đi lại cũng phải nhờ vào chiếc xe máy cũ của bố“.
Mất ngủ nghĩ cách trả lại 5 chỉ vàng nhặt được
Anh Thính đang phục vụ thực khách tại bếp ăn tình thương bệnh xá Đặng Thùy Trâm

Mày mò cả đêm tìm người rơi của

Do quá vội, nên khi lấy chìa khóa xe máy trong túi quần, ông Trần Đình Lộc ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã đánh rơi túi nylông chứa điện thoại di động cùng với 5 chỉ vàng vào đêm 2/7/2012.

Cả đêm, ông Lộc thơ thẩn như người mất hồn vì đó là số tài sản quá lớn mà cả gia đình dành dụm sau nhiều năm lao động cực nhọc.

Sáng hôm sau, khi đang lang thang tìm lại tài sản thì một người quen cho biết, anh phụ bếp Bùi Quang Thính (30 tuổi, ở cùng thôn) cũng đang tìm ông có việc quan trọng.

Ông vội đến bếp ăn tình thương bệnh xá Đặng Thùy Trâm và được anh Thính trao tận tay số tài sản anh đã nhặt được.

Nhận lại gói đồ, ông Lộc vui mừng biếu anh Thính 1 triệu đồng hậu tạ, nhưng anh Thính nhất quyết từ chối. Cảm kích tấm lòng của anh phụ bếp nghèo, ông liền mua một thùng bia mời những người hàng xóm cùng chia vui, mua đường và sữa thăm hỏi những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh xá.

“Thật cảm ơn chú Thính! Tuy nghèo mà có tấm lòng tốt như thế” – ông Lộc nói.

Còn anh Thính chỉ nói gọn lỏn: “Của người thì trả lại cho người, thế thôi. Mình nhặt được của rơi mà không trả coi sao được, sống mất vui”.

Anh Thính kể: Sau khi thu dọn chén đĩa tại bếp ăn, anh cuốc bộ đến tiệm tạp hóa gần đấy để mua hàng hóa thì phát hiện chiếc túi nylông màu đen rơi bên đường nằm cạnh chiếc điện thoại di động.

Anh liền nhặt lấy và mở ra, bên trong có 1 sợi dây chuyền cùng với 3 chiếc nhẫn vàng sáng chói. Anh vội quay về và bảo vợ cất giữ cẩn thận để tìm cách trả lại cho người đánh rơi.

Suốt cả đêm, vợ chồng anh mày mò tìm người rơi của qua chiếc điện thoại di động và phát hiện đây là tài sản của ông Lộc, người ở cùng thôn.

Tờ mờ sáng, anh tìm đến nhà ông Lộc nhưng không gặp được. Anh liền nhắn với người hàng xóm báo tin ông Lộc đến bếp ăn tình thương của bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm để nhận lại tài sản đánh mất.

Đây là lần thứ 5 anh Thính nhặt được của rơi trả cho người bị mất. Mỗi lần như thế, nhiều người có ý định biếu ít tiền để hậu tạ, nhưng anh vẫn một mực chối từ.

“Khi mình đánh rơi tài sản cũng mong ai đó nhặt được trả lại, nên cứ mỗi khi nhặt được của rơi tôi liền tìm cách gửi lại người mất, chẳng tiếc nuối gì cả dù mình có nghèo thật. Bởi vì đó là số tài sản họ phải làm lụng vất vả mới có được, nếu mình giữ lấy thì chẳng phải họ đau buồn lắm sao?” – anh nói.

Trả hàng chục điện thoại nhưng lại không có điện thoại

So với tuổi 30, trông anh Thính khá già. Công việc thường ngày của vợ chồng anh là phục vụ bếp ăn tình thương ở bệnh xá Đặng Thùy Trâm và bán thức ăn, nước giải khát cho những du khách tham quan bệnh xá.

Quán nhỏ khoảng 30m2 lợp proximăng được vợ chồng anh Thính sử dụng làm nơi ở kiêm bếp ăn. Quán chỉ bày vỏn vẹn có vài chai nước giải khát cùng dăm bộ bàn ghế đơn sơ. Anh Thính cho biết, quán này do bố mẹ anh đầu tư hơn 30 triệu đồng xây dựng vào năm 2007, nằm trong khuôn viên bệnh xá.

Theo hợp đồng, vợ chồng anh Thính phục vụ bữa ăn cho những bệnh nhân nghèo từ khoản kinh phí hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Mỗi ngày, anh chị phục vụ 10 – 20 suất ăn miễn phí cho những bệnh nhân nghèo điều trị tại đây với mức 7.000 đồng/suất. Tuy khoản tiền ấy chẳng đáng là bao so với giá cả hiện nay, nhưng bữa cơm của bệnh nhân nghèo vẫn đầy đủ các món cơm, canh, cá kho, thịt nướng, rau xào… Anh còn thường xuyên đổi món để giúp bệnh nhân ngon miệng.

Thu nhập hàng ngày của vợ chồng anh Thính từ việc bán thức ăn và nước giải khát cho du khách khoảng 50.000 đồng. Những lúc rảnh rỗi khi quán vắng khách hay ban đêm, anh Thính lại đi thả lưới bắt cá để kiếm thêm thu nhập.

Sau hơn 4 năm chung sống, anh chị sinh được cháu trai 3 tuổi và hiện chị Vân, vợ anh đang mang bầu cháu thứ hai.

Anh Thính đã nhặt hàng chục điện thoại và trả lại cho người mất. Nhưng mong ước có được chiếc điện thoại để tiện liên lạc của anh mãi không thành vì anh vốn là người vô sản.

“Vợ chồng tôi là “vô sản” thật anh à! Không nhà cửa, ruộng vườn, phương tiện đi lại cũng phải nhờ vào chiếc xe máy cũ của bố hiện là nhân viên bảo vệ tại bệnh xá” – anh Thính nói.

“Nhiều thực khách ở xa mỗi khi đến quán, họ bảo phải sắm điện thoại để họ gọi mang thức ăn đến nhà, nhưng dành dụm mãi vẫn chưa sắm được. Thật tội cho ảnh!”, vợ anh, chị Nguyễn Thị Bích Vân bộc bạch.

bệnh nhân Nguyễn Thị Nga thường điều trị của bệnh xá góp chuyện: “Vậy chứ nó nhặt được điện thoại của người ta vui vẻ trả lại, nhiều người cảm ơn cho tiền cũng đâu có nhận”.

Bác sỹ Nguyễn Văn Diệp – Trưởng bệnh xá Đặng Thùy Trâm cho rằng, cần phải tuyên dương hành động nhặt của rơi trả lại người mất của anh Thính.

Nghe vậy, anh Thính cười nắc nẻ: “Có gì đâu mà tuyên dương. Nhiều người nghèo họ cũng trả lại của rơi nhặt được chứ đâu riêng gì tôi”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật