Khi vò chín khúc

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lai Nghi người Hương Bình chốn cố đô văn vật. Ông nội là Hàn tiên sinh, Đông các Đại học sĩ, nguyên Tri phủ Thanh Hóa, Tuy Hòa rồi Nghệ An. Làm quan thanh liêm, tánh thông tuệ khác người.
Khi vò chín khúc
Ảnh minh họa
Ưa chơi một mình, học đâu nhớ đó. Phan Công chỉ có một Nghi là gái nên cưng chiều lắm. Người ngoài không ai biết Nghi là gái. Bấy giờ, Thuận Hóa là đất của chúa Nguyễn, dân cư còn thưa thớt, núi non rừng rậm, dòng sông uốn khúc chảy ngang kinh thành, trên có cồn Dã Viên, dưới có Cồn Hến, cảnh như tranh. Nghi theo học với Bách Văn sư phụ, người chỉ nhận một học trò duy nhất do cơ duyên. Nhân một bữa ông nội chiêu đãi khách, ngoài cửa ngựa xe như nước, trong nhà người hầu tới lui rộn rịp. Sư phụ Bách Văn cũng được mời. Búi tóc đạo sĩ, áo trường bào ra vẻ đạo cốt tiên phong. Bốn người con trai của Phan Công bận tiếp khách ở nhà trên, không biết em gái làm gì ở trong phòng. Bách Văn không thích ồn ào, dạo bước ra vườn hoa. Muôn hoa nghìn tía đang khoe sắc, giữa vườn một bé trai đang đắp cát xây thành, mặt đẹp như Phan An. Bách Văn hỏi: “Sao không vào trong ra mắt các bậc vương hầu, lại ngồi ngoài này?”. Bé đáp: “Cháu không thích, lạy chào đến khi nào mới xong, và ra mắt đến ngày nào thì hết, ông nội tuần nào không mời khách uống rượu chơi cờ?”. Bách Văn cả cười, hỏi ra mới biết là con gái. Kể từ đó thầy trò tương đắc. Văn không dạy học trò theo lối cũ. Những lời cửa Khổng sân Trình có nhiều cách truyền đạt, được lời thì quên ý, được cá quên nơm. Vụ vào lời thì mắc chữ, vụ vào ý thì mắc lời. Vạn vật biến thiên, còn mất nằm trong lẽ sinh diệt. Người quân tử cần biết thi hành cái sở học, học không cốt ra làm quan mà cái đạo nhập thế của người quân tử giúp vua trị nước, không mưu cầu cái lợi cho mình. Từ khi Nguyễn Huệ chết, lịch sử sang trang. Vua mới, công thống nhất đất nước ít người biết. Người ta chỉ nhớ cái vụ vua trả thù riêng, sát hại công thần. Nguyễn Huệ ba lần ra La Sơn cầu kẻ sĩ. Thời Nhân Tông, Thánh Tông đêm ngủ không gài cửa, người đi ngoài đường thấy của rơi không nhặt. Vua lấy áo ngự hàn đắp cho kẻ cùng khổ không nhà. Thời ấy có trở lại không? Những năm loạn lạc, có phải kẻ trí tìm phương kế đuổi ngoại xâm, giữ yên giềng mối kỉ cương. Nhưng thời loạn thì kẻ sĩ trang sức bên ngoài như kẻ ngu.

Những gì người nhũ mẫu nhìn trộm qua khe cửa hay lắng tai nghe không phải giọng đọc sang sảng sách thánh hiền, mà chỉ là những quân cờ đen trắng. Kể từ khi cuộc khởi nghĩa của ông Cao thất bại, mà cũng không phải chỉ một lần. Nguyễn Trãi mấy lần ra Côn Sơn, trở về Lệ Chi Viên. La Sơn Phu Tử mấy lần rút về núi ẩn cư. Lê Lợi mấy lần rút về núi Chí Linh. Ấy thế mà sư phụ không thích động đến dây tơ. Thảng hoặc có nghe người đàn, khi như tiếng mưa mau, khi như tiếng nước chảy, ẩn một tâm sự gì. Có hôm Phan Công hỏi:

- Bạch thầy, thầy có định cho trẻ đi thi như Mạnh Lệ Quân, ra giúp nước?

- Thi ư? Chữ đẹp như ông Cao, thơ hay như Văn Tuyên, giúp vua vì nước như Lê Lai, Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt rồi mới đây giấc mộng canh tân của Nguyễn Trường Tộ… rồi những Phan Bá Vành, Ngô Thì Nhậm, chẳng phải đều cùng bỏ mình vì dân vì nước mỗi người mỗi cách ư? Cái học của người quân tử không chỉ vụ vào bằng cấp; đã gọi là đàn, không vụ vào thanh tĩnh vô vi mà tiếng trúc tơ vẫn đi thẳng vào lòng người.

Phan Công thảng thốt làm thinh.

Một bữa Lai Nghi lấy ngựa đi chơi ngoài thành. Trời thu trong trẻo, mây thu bàng bạc Nghi chợt thấy hứng muốn gảy lên một khúc nhạc. Đi một quãng đến bờ sông, Nghi thấy nơi đây có một con thuyền, hình như thuyền của bậc vương hầu. Giá như không phải Nghi thì đã không dừng lại. Nhưng Nghi lại thích trêu ngươi. Y nhìn trộm vào khoang thấy lưng áo một văn nhân, ra dáng con nhà quyền thế, đang ngồi chơi cờ một mình. Buộc ngựa trên bờ, Nghi xuống thuyền, hắng giọng:

- Thuyền ai, cho tại hạ quá giang một lát, được chăng?

- Ai đó định làm rộn ta, xin thất lễ. Văn nhân vẫn không quay lại.

Nghi vén áo bước thẳng vào. Bên trong bức rèm, bài trí trang nhã. Nào sáo trúc, nào đàn cầm đàn nguyệt, nào màn che trướng phủ. Ở giữa khoang thuyền rộng, một ván cờ đang dở cuộc, văn nhân ngồi chơi một mình. Thì đúng ý Lai Nghi. Thỉnh thoảng Nghi vẫn bày cờ chơi một mình. Ván cờ đương dở cuộc, người chủ khoang tỏ vẻ khó chịu, Nghi đứng sau lưng chợt cúi xuống đi một nước cờ. Văn nhân vỗ đùi khen “hay”, đoạn kẹp một quân cờ đen đặt xuống, Nghi đi liền một nước cờ trắng.

Bây giờ cả hai cùng diện đối diện, văn nhân khuôn mặt chữ điền, mày rậm mắt to. Thiếu niên mười sáu dung mạo siêu phàm, mặt hoa da phấn. Văn nhân đứng dậy vòng tay nói:

- Chiều thu cảm hứng, mượn tạm ván cờ của người xưa. Xin cho biết quý danh.

- Tại hạ là Tiểu Nhi Hồng. Nghi cũng đáp lời. Người kia xưng là Phúc Kháng.

Nghi giật mình, y là một người nổi tiếng hay chữ, tài hoa khác người ở đất Thần kinh. Tiểu Nhi Hồng! Phúc Kháng nhìn mặt Lai Nghi, sao trên đời lại có người đẹp thế.

Ván cờ tiếp tục. Nghi không dụng móng sắc khuynh thành mà chiếu bí Phúc Kháng.

- Tiểu huynh đài, xin hỏi với chút tò mò, huynh có định đi thi năm này không? Khóa thi Hội, thi Hương và Đình cùng mở ra đấy.

- Lai Nghi đáp, y chưa định gì cả, học thì vẫn học và nếu cần y vẫn có thể xếp mọi bút nghiên. Kháng nói, khi nào cần khi nào không, vả lại thời giúp vua giữ nước đã qua rồi, giờ thì dựng nước cũng đã qua. Thế thì kẻ sĩ có thể làm mà yên, không làm mà yên được chăng?

Nghi bày lại ván cờ, tự tay đi một quân cờ đen, nào, mình hãy đổi nước chơi. Vua quý kẻ sĩ là vua sáng, kẻ sĩ quý dân mới là người hiền. Cổ thư đã dạy. Vấn đề ở chỗ dụng chứ không ở chỗ lý. Vả lại Lão Tử nói, có ai đặng ý rồi quên lời, được cá thì quên nơm. Sao lại hỏi từ chỗ làm mà không truy từ gốc.

Kháng mỉm cười, thua luôn hai ván không chơi nữa. Bấy giờ đang cơn hứng, muốn chơi một bản đàn tạ ơn tri ngộ. Phúc Kháng hai tay nâng cây đàn đưa qua. Ban đầu y còn nghiêm chỉnh ngồi nghe. Sau y phải vận nội công để không bịt tai lại. Đó là khúc “Tiêu dao du” sư phụ vẫn đàn một năm có một lần vào dịp Nguyên tiêu. Những cung thương, giốc, chủy, vũ, do một người tài hoa phổ vào đến tột đỉnh bi thương, hoan, lạc. Tiếng trắc tiếng bằng, như một suối nước chảy ồ ạt từ trên cao, tiếng đao kiếm, tiếng ngựa hí, tiếng người kêu khóc. Được một lúc thì nghe như buổi chiều ở bãi chiến trường, nghe gió thổi qua đồng hoang, những âm hồn vất vưởng không có chỗ về. Tiếp đó một khúc nhạc êm ái, như nước chảy mây trôi.

Hai tiếng “tình tang”. Nghi đã đàn xong.

- Thời dựng nước có lẽ không bao giờ qua. Cám ơn huynh đài đã cho đệ nghe một khúc hay. Kháng nói.

Nghi đứng lên từ tạ.

Kháng là con nuôi của Vương hầu. Không những thông tuệ hơn người, chí cũng khác. Nhiều lần Vương bảo y đi thi, y miễn cưỡng vâng lời. Bụng nghĩ, thi cử làm gì vào thời đại nhiễu nhương. Thời trước, vua quan an hưởng thái bình, ăn chơi xa xỉ, Đàng Ngoài mất mùa đói kém, giặc giã nổi lên như rươi. Thời nay, vua bảo thủ không chịu nghe cuộc canh tân. Những trò sáo rỗng văn chương thì khác nào bọn nho hương nguyện. Tuy vậy y cũng lều chõng vào thi. Chữ viết của y sắc như lưỡi kiếm. Nét sổ rõ ra chí tung hoành, nét ngang như vạch đôi sơn hà. Giám khảo đọc quyển thấy ý tứ cao sâu, văn tài trác tuyệt chấm cho đậu giải cao nhất. Ngày vào cung lãnh áo, y tâu với vua xin cho đi chu du thiên hạ, tìm hiểu dân tình một thời gian rồi ra làm quan không muộn. Tự Đức là một ông vua bảo thủ nhưng thanh cao cũng vui lòng chấp thuận. Từ ngày gặp Lai Nghi trở về nhà y càng thao thức ít ngủ. Lời nói của khách mới quen sao thấm thía, bản đàn của y sao làm ta thao thức gan ruột. Nó là âm nhạc của thời nào? Cách mấy hôm sau y trở lại bờ sông, quả nhiên gặp Lai Nghi đang bày cờ chơi một mình trong khoang thuyền.

- Tiểu đệ thất lễ. Lai Nghi xá Phúc Kháng. Lần đầu tiếp xúc với người con trai lạ, Nghi cảm thấy động lòng. Hình như đó là tình, sợi dây tình dứt ra cũng khó. Và Nghi xuôi theo tự nhiên.

- Tiểu Nhi Hồng, đã lâu không gặp.

Họ gặp nhau tưởng chừng thiên thu hội ngộ.

Cuộc cờ tiếp tục, rượu thịt được bưng lên, thật là tri âm tri kỉ. Phúc Kháng thắng hai thua một, hình như hôm nay Nghi không hào hứng lắm.

- Tiểu Nhi Hồng, ta kết nghĩa huynh đệ nhé?

- Vâng.

Nghi cười, hàm răng trắng phô ra như ngọc khiến Kháng ngây người nhìn ngắm.

- Ai mà biết được thời thế bây giờ, Phúc Kháng thở dài, ta không thích làm quan vì lẽ đó. Nước nhà đang ở giữa một khúc ngoặt, giặc ngoài giặc trong. Bộ tưởng ta không lo sao? Nhưng làm gì đây?

Nghi không trả lời. Cuộc thế ngả nghiêng, hai quân cờ đen trắng đang bất phân thắng bại. Kháng hạ một quân cờ đen. Nghi đặt xuống một quân cờ trắng.

- Đại ca, nếu cứ đánh thế này đại ca thua mất, Nghi nói.

- Ta có thua đệ chỉ một bàn cờ thôi. Nào có tổn hại chi đến ai.

- Sao lại không, nếu tâm chí huynh đặt vào chỗ được thua.

- Nếu đánh mà không nhằm vào chỗ được thua thì đánh làm gì? Nay nước nhà đang ở thế mất còn, ta có thể nào chỉ tiêu dao tháng ngày mặt kệ thị phi thiên hạ?

Ván cờ đó Nghi lại thua, Kháng cười, nâng li rượu lên mời Nghi cạn chén. Nghi gặp thịt uống rượu như đàn ông. Hai má đỏ bừng tuyệt đẹp. Kháng càng nhìn càng đắm, càng ngắm càng say. Tuy vậy ngoài mặt y chỉ nói:

- Ta không hiểu được tại sao “Tiêu dao du” làm người nghe phải bịt tai mà thanh âm lại khiến người khác vừa đau lòng, vừa khắc khoải. Đó là tiêu dao ư?

- Đệ còn khúc giữa một ít và khúc cuối một ít. Nghi nói rồi ôm đàn. Y gảy khúc Tiêu dao chỉ để ngồi gần Phúc Kháng thêm chút nữa, nhưng lại cố ý gảy khúc giữa và khúc đầu những đoạn bi thương khiến người nghe phải chau mày. Lần này tiếng đàn nghe như nước chảy từ núi cao, lẩn trong tiếng sói gọi bầy, tiếng chim kêu vượn hú lẫn trong tiếng hú qua truông. Tiếng bằng ít, tiếng trắc nhiều, nghe như cây đổ, gió gào, chim cú rúc trên cánh đồng sau trận giao tranh. Rồi đột nhiên biến đổi, khúc giữa và khúc cuối dừng ở một nốt lặng. Người đàn như hòa mình với muông thú cỏ cây, vũ trụ và cái tâm hòa làm một. Từ trên cao nước đổ xuống thấp, con sông chảy ra biển, hòa với dòng chảy từ bể đông.

“Tình tang”, Nghi dừng tay lướt phím, vẻ mặt vẫn bình thường.

- Đó mới là “khúc tiêu dao” thật, sau tất cả mọi biến cố, mọi đau khổ, sự sống và cái chết suy cho cùng đều là một. Phù du cũng đó mà bất tử cũng đó, ôi, lành thay.

- Một khúc tiêu dao tạ lòng người tri kỉ. Nghi đứng lên từ tạ, vả lại, nắng đã xế, chiều rồi.

Cuộc chia tay không kém phần bịn rịn. Từ trong đáy lòng, Kháng nghĩ Lai Nghi Tiểu Nhi Hồng là gái. Đó không phải là cái đẹp của hạng nữ nhi son phấn tầm thường, quanh năm luẩn quẩn xó nhà, ngâm thơ vịnh nguyệt, đàn năm ba khúc phỉnh phờ bọn giá áo túi cơm hầu mong kiếm một tấm chồng. Cái đẹp này khác phàm, tưởng như chim phượng hoàng ở núi cao, chim loan ở bể đông, muôn người không chắc có một. Kháng chợt hiểu ra, nếu đã biết mọi lẽ đời khổ đau và hạnh phúc, phù phiếm và vĩnh cửu đều từ một cái tâm, sao ta lại còn thắc mắc vai trò của kẻ sĩ thời loạn. Thời loạn kẻ sĩ trang sức bên ngoài như kẻ ngu ư. Ai công hầu, ai khanh tướng, cũng như trong mọi món ăn chơi, không phải ta trải qua hết, nếm hết mọi lạc thú của trần gian mà không chừa lại một chút gì cho kẻ khó.

Xứ Nam Kỳ, ba tỉnh miền Đông đã mất. Nước nhà chưa khi nào trải qua một cuộc rối ren như vậy. Sau những vụ tôn vua, phế vua, sau cuộc tấn công đồn Mang Cá thất bại, dân chúng chạy loạn dọc đường chết vô số kể. Đó là biến cố lịch sử ngày 23 tháng 5. Kinh đô thất thủ. Ông Tôn Thất Thuyết ph‌ò vua ra Tân Sở ngầm mưu đồ một cuộc chiến đấu khác. Phan Công cùng các quan lại cho vợ con về quê lánh nạn. Bấy giờ, cả nhà mới phát giác việc Lai Nghi đã đi khỏi thành cùng với sư phụ, chỉ để lại lá thư ngắn. Hàn tiên sinh thở dài than: “Ta biết có ngày sẽ như thế này. Con chim phượng hoàng không đậu cành thấp. Cánh chim bằng thì vạn dặm lìa khơi.”

Bên nhà vương hầu, Phúc Kháng cũng khăn gói ra đi. Khi Vương biết, Kháng đã đi rồi. Người lão bộc nói, từ ngày thi đỗ Hoàng Giáp, công tử không hề đụng đến sách vở thánh hiền. Căn phòng bụi ẩm lên những gáy sách, nhện giăng tứ phía. Hình như suốt ngày y bạn với con thuyền. Vội vàng phi ngựa xuống bờ sông, Vương chỉ gặp một con thuyền neo bến, người không.

Cuộc chiến đấu vì lẽ còn mất thật ra chưa chấm dứt. Khắp nơi những cuộc khởi nghĩa nổi lên chống Pháp. Đại cuộc đâu chỉ có một ngày. Con chim hồng chim hạc ở trên núi cao nhưng tiếng kêu của nó vượt ngoài ngàn dặm. Một thời gian sau Vương mới biết tin, Phúc Kháng đã theo phong trào Văn Thân chống Pháp. Bách Văn từ đó không thu nạp thêm một đệ tử nào nữa, phiêu bạt giang hồ, phiêu linh lục hải, chẳng ai còn hay biết ở đâu.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật