Cẩm Vân: “Nếu thay đổi hình ảnh, tôi sẽ bị phản đối ngay“

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
"Nhiều người hỏi tại sao tôi vẫn trung thành với hình ảnh của những ngày đầu xuất hiện trước công chúng, đặc biệt là mái tóc và áo dài. Có một dạo tôi cũng muốn thay đổi hình ảnh mình bằng mái tóc ngắn hơn, tuy nhiên vừa xuất hiện là bị phản đối ngay. Nghĩ khán giả yêu mến mình là vì giọng hát và con đường mình đã chọn, nên tôi muốn duy trì hình ảnh Cẩm Vân ban đầu..." - Ca sĩ Cẩm Vân tâm sự.
Cẩm Vân: “Nếu thay đổi hình ảnh, tôi sẽ bị phản đối ngay“
Ảnh minh họa

- Ít có nghệ sĩ nào từ chối giới truyền thông. Thế mà sắp đến lịch hẹn phỏng vấn, chị lại mong phóng viên quên luôn cái hẹn phỏng vấn với mình. Vì sao vậy?

- Tôi không ngại trả lời phỏng vấn nhưng nói thật là có những người hỏi khiến mình thích trả lời, có người hỏi làm mình mất cả hứng! Những câu đại loại như: “Chị hát năm nào?”, tôi trả lời năm, rồi: “Chị trưởng thành từ phong trào nào?”, tôi trả lời “Phong trào quần chúng”… là hết chuyện nói!

- Có ai nói với chị là nghe giọng nói của chị thì không thể nghĩ chị là ca sĩ?

- Giọng khàn khàn nghe ghê quá phải không? Gần 30 năm trước, khi nghe tôi hát, một giảng viên thanh nhạc lắc đầu: “Giọng ca này mà thi vào trường thì tôi cho rớt ngay!”. Quả thật chưa ai khen giọng nói của tôi là hay cả. Tôi kể chuyện này thế nào “nhà đài” cũng rầy, nhưng đây là chuyện vui thôi. Ca sĩ nào cũng có cái nghiệp với sân khấu. Cái nghiệp của tôi là không thể nào hát lips (hát nhép). Những chương trình truyền hình trực tiếp, ca sĩ thường được yêu cầu hát lips để đảm bảo chất lượng âm thanh phát sóng.

Tôi ngại hát lips lắm vì sợ cứ lo diễn cho khớp môi thì hát không có hồn được. Đúng là mình không có duyên! Bao nhiêu lần hát lips không xảy ra chuyện này thì cũng chuyện khác, may mà cái giọng khàn ấy “cứu bồ” cho tôi không biết bao nhiêu lần! Hôm hát nhân ngày Quốc tế Phụ nữ do báo Phụ nữ tổ chức, tôi chưa kịp ra sân khấu thì đĩa nhảy liên tục. Tôi đứng trong cánh gà “nháy” ban tổ chức: “Đĩa nhảy rồi! Đĩa nhảy rồi!”. Ban tổ chức không hiểu ý, xua tay: “Không có đâu! Chị ra đi!”. May mà cô MC nhanh trí, mời Cẩm Vân ra phỏng vấn rồi hát chay luôn. Trăm lần như một, giống như là cái số. Vậy mà vẫn được hát, được yêu mến, cho nên bạn bè nói là tôi được Tổ đãi!

- Tổ của nghề hát là ai?

- Tôi không biết. Nhưng cách đây hơn 10 năm, cũng nhờ đạo diễn Tất My Loan “phán” một câu như vậy mà từ đó hàng năm tôi đều làm giỗ Tổ ở nhà. Tôi không rõ ngày, chỉ nhớ là mỗi năm vào dịp gần Trung Thu, bên kịch, cải lương họ làm lớn lắm, còn bên tân nhạc chẳng thấy ai cúng cả. Mỗi lần làm giỗ Tổ ở nhà là một dịp cho anh em nghệ sĩ họp mặt nhau rất vui. Mấy anh em nghệ sĩ ở trên sân khấu thấy đường hoàng vậy nhưng trong những dịp này cứ như trẻ con, lấy tàn nhang quẹt quẹt lên cổ để Tổ cho mình hát hay, quẹt lên miệng để Tổ cho mình nói chuyện có duyên, quẹt lên má làm má hồng… Tôi không biết có Tổ thật hay không, nhưng tôi tin và làm theo những gì mình cho là phải đạo.

- Trước thời kỳ nhạc nhẹ Việt Nam lên ngôi, sức sống của thị trường âm nhạc trong nước còn èo uột, chị là một trong số ít ca sĩ “chính quy” được mời đi hát “tư bản”. Cảm xúc của chị thế nào?

- Thời bao cấp, đi hát ở nước ngoài là đi theo diện khách mời, ngoại giao của Chính phủ. Khi hết bao cấp, bầu sô tư nhân ở bên kia được mời trực tiếp ca sĩ trong nước, nên gọi là đi hát “tư bản”. Đi lưu diễn có tiền hơn nhưng không vinh dự bằng, nói không ai tin chứ thậm chí nhiều khi còn thê thảm hơn đi tỉnh ở Việt Nam. Có lần chúng tôi bay từ Việt Nam sang Berlin, vừa xuống sân bay lại lấy vé bay thẳng sang Frankfurt, rồi đáp xuống lại đi xe buýt đến thành phố khác, chạy thẳng vô rửa mặt xong là lên sân khấu hát luôn hai suất liên tục, từ 9h tối đến 3-4h sáng. Bên châu Âu cộng đồng người Việt đi hợp tác lao động nhiều, lâu lâu có chương trình ca sĩ Việt Nam họ ủng hộ ghê lắm.

Dường như sức bền của người phụ nữ ở tuổi trên 40 này được nuôi dưỡng bằng trái tim ấm của một người mẹ và cái hồn đẹp đơn sơ như chim bồ câu

- Khán giả Sài Gòn ít có dịp nghe chị hát ở phòng trà, có lý do gì vậy?

- Có nhiều lý do khiến tôi ít xuất hiện ở phòng trà. Anh Triệu chồng tôi chọn chương trình cho tôi hát nên bầu sô ít mời. Cũng có lý do là tôi chọn sân khấu. Không phải sân khấu lớn hay nhỏ, chương trình lớn hay nhỏ, mà là sân khấu nào hợp với mình. Xin nhấn mạnh là “hợp” chứ không phải “lớn” nhé! Tôi thích hát ở những nơi nào mà khán giả thưởng thức được. Phòng trà mà như quán bar thì khó hát lắm. May mắn là những năm gần đây tôi được mời đi hát ở nước ngoài nhiều. Ở tuổi này mà còn được mời hát nhiều, còn được chạy show là một hạnh phúc lớn. Gọi là chạy show thực ra là chạy ít nhưng chất lượng, chứ không như hồi trẻ đi xe đạp mà có đêm chạy được 12 chỗ. Nghĩ lại thời đó thấy khổ dễ sợ!

- Cơ ngơi hiện nay chị có được có phải nhờ tiền đi hát?

- Chắc chắn là không rồi. Nhưng tôi không làm nghề nào khác ngoài nghề này. Không phải bằng tiền đi hát nhưng một phần cũng nhờ hát mà có. Số tiền nhỏ dành dụm nhờ đi hát mua được một căn nhà mặt tiền thời nhà còn rẻ. Đến lúc bán được giá, chúng tôi đổi căn nhà trong hẻm vì thích yên tĩnh.

- Chị nói ca sĩ thời nay hát nhiều tiền và có nhiều nhà. Nếu làm lại từ đầu, chị có thể làm được như thế?

- Nếu cho trẻ lại chừng… 20 tuổi, tôi nghĩ là có thể làm được.

- Điều đáng yêu nhất của ông xã chị là gì?

- Cũng vừa qua ngày 8/3, khen chồng một cái đi ha! Anh Triệu không biết gì về tiền. Ai hỏi làm nghề gì, anh trả lời: “Thất nghiệp ông ơi!”, vì mặc dù đêm nào cũng đi làm nhưng anh chẳng bao giờ tự tay nhận tiền thù lao của mình cả. Thậm chí bây giờ nhà có bao nhiêu tiền anh ấy cũng không biết. Đó là cái dễ thương của anh.

- Nếu tự tả mình trong vài từ, các từ ấy sẽ là?

- Không được cao. Không được thon. Không tươi mát. Mắt một mí, ti hí. Mũi tẹt. Người trong nghề nói tôi “lối”. Là ca sĩ mà không chịu sửa sắc đẹp.

- Tại sao ca sĩ lại sợ già trong khi cái đẹp không nằm trong sự tươi mát?

- Đúng, ý thức về cái đẹp bên ngoài rất quan trọng đối với người ca sĩ. Khán giả đến không phải vì nhan sắc của mình. Nhưng khi nào còn đứng trên sân khấu thì ít ra cũng phải trẻ đẹp một chút chứ!

- Đến “khi nào đó” thì chị sẽ làm cho mình trẻ đẹp?

- Tôi chưa nghĩ tới. Nhưng biết đâu lúc đó tôi sẽ nhờ thẩm mỹ viện tư vấn?

- Hát nhạc Cách mạng nhưng không hoàn toàn Cách mạng, hát nhạc trữ tình nhưng không hoàn toàn lãng mạn. Cẩm Vân là người không tự quên mình trong bài ca nào. Vậy mà công chúng cứ mãi lưu giữ hình ảnh Cẩm Vân của "Bài ca không quên"? Chị nghĩ sao về điều đó?

- Là vì tôi không phải là ca sĩ Cách mạng “thứ thiệt”. Giải phóng đến thì hát vậy thôi. Có người bảo tôi “đỏ”, nhưng không “đỏ hoét”. Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Âm nhạc thời cũ (trước 1975) dường như đã ngấm vô máu. Tôi đứng giữa hai dòng chảy đó. Thành công của Bài ca không quên mà tôi có được cũng là nhờ điểm này, chứ thực ra bài đó được viết cho bộ phim là của giọng nam chứ không phải giọng nữ.

Nhiều người hỏi tại sao tôi vẫn trung thành với hình ảnh của những ngày đầu xuất hiện trước công chúng, đặc biệt là mái tóc và áo dài. Có một dạo tôi cũng muốn thay đổi hình ảnh mình bằng mái tóc ngắn hơn, tuy nhiên vừa xuất hiện là bị phản đối ngay. Nghĩ khán giả yêu mến mình là vì giọng hát và con đường mình đã chọn, nên tôi muốn duy trì hình ảnh Cẩm Vân ban đầu.

Gia đình nghệ sĩ Cẩm Vân- Khắc Triệu

- Chị gặt hái được thành công liên tục với những album nhạc Trịnh. Đối với nhạc Trịnh, chị nghĩ là mình hát như thế nào?

- Mặc dù từ thuở nhỏ, khi nghe nhạc Trịnh, tôi đã nghêu ngao hát theo, song cái duyên của tôi với nhạc Trịnh đến một cách vô tình và chỉ mới bắt đầu cách đây hơn mười năm khi tôi được mời hát ở chương trình Người con gái Việt Nam da vàng tổ chức ở Đà Nẵng. Tôi yêu nhạc Trịnh cũng có phần bởi chính tôi đã được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nên âm nhạc của anh thấm vào tôi như lời ru của mẹ!

Khi chọn ca khúc của Trịnh Công Sơn để thể hiện, tôi ở giữa, không nghiêng về thời của ca khúc da vàng. Nhạc Trịnh khó. Ai cũng hát được nhưng để khán giả của nhạc Trịnh nghe và chấp nhận không phải dễ. Tôi không dám đánh giá mình hát nhạc Trịnh như thế nào, nhưng tôi có một tham vọng chính đáng là hát sao để khán giả chấp nhận mình là tôi mừng rồi.

- Chuyến lưu diễn ở Mỹ kỳ này là lần thứ hai chị được mời tham gia chương trình tưởng niệm Trịnh Công Sơn. Chị có thể chia sẻ kỷ niệm của chị với người nhạc sĩ họ Trịnh?

- Lần cuối gặp được anh cũng chính là lần sinh nhật cuối cùng của anh (ngày 28/2/2001, một tháng trước ngày anh mất). Hàng năm, cứ đến ngày đó là anh em bạn bè thân quen, không hẹn mà gặp, đến với anh và lần này thì trầm lặng hơn bởi anh không còn đi đứng vui vẻ như những lần trước. Anh ngồi trên ghế, vẫn tươi cười khi bạn bè đến đông đủ. Khi gặp tôi, anh nói: “Vân ơi, hát cho anh nghe bài Sóng về đâu…”. Tôi không ngần ngại và đã hát ca khúc này trong căn phòng nhỏ mà anh chỉ dành để tiếp những người thân của mình.

Ngày được tin anh đi, tôi đã không òa khóc, nhưng cảm giác thật vô cùng và lời hát “Sóng bạc đầu và núi chìm sâu, ta về đâu đó… về chốn nào mây phủ chim bao. Cạn suối nguồn, bốn bề nương dâu. Ta tìm em nơi đâu...” luôn quanh quẩn bên tôi trong suốt thời gian đó!

- Chị vừa là một nghệ sĩ có chỗ đứng trang trọng trong lòng khán giả, vừa là nội tướng của một tổ ấm đầy yêu thương. Hiếm có nghệ sĩ nào dung hòa được cả hai môi trường đó. Chị làm thế nào để có được điều này?

- Tôi nghĩ, người phụ nữ dù có nổi tiếng đến đâu thì khi bước vô cổng nhà phải ý thức và để lại danh tiếng, hào quang, ánh đèn sân khấu ngoài cửa thì mới mong có được một gia đình hạnh phúc. Được sống hạnh phúc với vai trò của một người mẹ, người vợ như bao phụ nữ bình thường khác là một động lực rất lớn cho tôi trong nghề nghiệp. Ngày tôi sinh con gái đầu lòng, anh Triệu đã bế con vừa khóc vừa trình diện trước bàn thờ ông bà cha mẹ. Cũng chính anh Triệu chọn và biên tập chương trình khi tôi hát hay làm album.

Còn tôi biết tính anh rất nóng nên vẫn thường nhắc anh lúc giận hãy nắm chặt lấy tượng Phật đeo trước ngực để tịnh tâm lại. Đôi khi những điều nhỏ nhặt, sự hy sinh âm thầm là chất keo kết dính cho đời sống vợ chồng. Mình đi hát, có gia đình rồi biết nấu ăn, rồi có con, biết làm bàn thờ, biết cúng bái, biết đi chùa, nhìn lại chợt nghĩ: “Ủa, sao mình giống má mình quá vậy?”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật