Đại hồng thủy trong tương lai

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ cần nhiệt độ trung bình của trái đất tăng lên 2 độC thôi là đủ để xảy ra một trận ngập lụt khắp hành tinh tương tự trận đại hồng thủy thời Noah từng được mô tả trong Kinh Thánh...
Đại hồng thủy trong tương lai
Trái đất có thể bị nhấn chìm?

Liệu có cần đến con thuyền Noah?

Các nhà khí hậu học thuộc Đại học Rutgers (bang New Jersey, Mỹ) đã nghiên cứu khí hậu của thế Pliocene (tức thế Thượng tân, thế thứ hai của kỷ Neogen hay kỷ Tân cận thuộc đại Tân sinh) bằng cách phân tích đồng vị của trầm tích ở ba địa điểm – Virginia (Mỹ), New Zealand và đảo san hô Eniwetok trong khu vực Bắc Thái Bình Dương. Các loại vật chất này thuộc về thế Thượng tân (sau thế Miocen – Trung tân – và trước thế Pleistocen – Canh tân), kéo dài trong khoảng từ 5 triệu đến 2,5 triệu năm trước đây, khi khí hậu có sự tương đồng rõ rệt với khí hậu trái đất hiện nay nhưng nhiệt độ trung bình của hành tinh cao hơn ngày nay 2-3 độC. Căn cứ vào thành phần đồng vị của đá, các nhà nghiên cứu xác định rằng, mực nước biển thời kỳ đó cao hơn ngày nay khoảng 20m. Sau khi tập hợp và phân tích tất cả các dữ liệu, họ đã đi đến một kết luận đáng thất vọng. Theo tính toán của họ, do sự tăng nhiệt toàn cầu hiện nay, mực nước biển cũng có thể sẽ tăng lên 20m. Hiệu ứng này sẽ xảy ra khi nhiệt độ trung bình của hành tinh chúng ta tăng lên 2 độ C, tương đương với mức tăng nhiệt trong thế Thượng tân.

Thời đó, nghĩa là hàng mấy triệu năm trước, cũng giống như ngày nay, sự tăng nhiệt toàn cầu đã khiến cho các sông băng ở Bắc Cực và Greenland tan chảy, đồng thời cũng “bào mòn” rất nhiều băng ở Nam Cực. Điều an ủi duy nhất là với đà tăng nhiệt toàn cầu như hiện nay thì cũng phải vài nghìn năm nữa mới có thể xảy ra Đại hồng thủy. Tuy nhiên, nói vậy nhưng không phải không có những điều đáng lo trước mắt. Dĩ nhiên là nhiệt độ tăng từ từ, nhưng như vậy cũng có nghĩa băng sẽ tan từ từ và mực nước biển cũng sẽ tăng từ từ. Chưa đợi đến khi nước dâng đến 20m, chỉ cần dâng 1-2m thôi thì cả hàng trăm triệu km2 mặt đất sẽ bị nhấn chìm trong nước. Hàng tỉ người sẽ phải khốn đốn. Hàng chục nền kinh tế sẽ phải lao đao. Hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn công trình phục vụ dân sinh, quốc phòng, khoa học… trở thành vô dụng. Bức tranh này sẽ hiển hiện trong tương lai gần…

Ý kiến của chuyên gia

Kết quả nghiên cứu và dự báo của các nhà khoa học ở Đại học Rutgers không khỏi gây hoang mang trong giới khoa học nói riêng và trong công luận nói chung. Báo Sự thật Komsomol, tờ nhật báo lớn nhất nước Nga đã tiến hành phỏng vấn một số nhà khoa học có uy tín về vấn đề này. Sau đây là ý kiến của Giáo sư – Tiến sĩ toán – lý Alexei Kokorin, người đứng đầu chương trình “Khí hậu và năng lượng” của Nga đồng thời là đại diện của Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF):

+ Thưa giáo sư, liệu quá trình tăng nhiệt toàn cầu hiện nay có thể dẫn đến Đại hồng thủy như từng xảy ra và được miêu tả trong Kinh Thánh?

- Quá trình tăng nhiệt toàn cầu hiện nay đương nhiên dẫn đến hệ quả là mực nước của đại dương sẽ tăng lên, nhưng không đến mức thảm khốc 5 hoặc 20m như một số người hiện đang báo động ầm ĩ.

+ Những gì có thể sẽ bị nước nhấn chìm?

- Trước hết là các đảo và quần đảo bị nhấn chìm. Thí dụ, quần đảo Maldives ở Ấn Độ Dương sẽ chìm hẳn trong vòng 50 năm tới, vì hiện tại đất đai ở đây không cao hơn mực nước biển bao nhiêu và đang có xu hướng lún dần. Những hòn đảo nhỏ và thấp ở Thái Bình Dương cũng chung số phận. Những quốc gia có biển cũng sẽ phải chịu mất một phần lãnh thổ là những vùng đất thấp ven bờ.

+ Theo giáo sư thì có thật là từng xảy ra Đại hồng thủy trong lịch sử trái đất?

- Tất nhiên là lũ lụt cực lớn từng xảy ra. Mực nước biển từng tăng và giảm với biên độ 40-60m. Mực nước các đại dương rất thấp khi người cổ đại đến châu Mỹ qua ngả Bering, lúc bấy giờ không phải là eo biển mà là đất liền hẳn hoi. Nhưng vài ngàn năm trước đây, mực nước biển rất cao, đến nỗi toàn bộ khu vực Bắc Âu chỉ là một hòn đảo. Theo dữ liệu của môn cổ khí hậu học, khi nhiệt độ trung bình trên khắp hành tinh tăng lên 1oC là nước biển dâng 20m. Và sự hoang mang hiện nay xuất hiện chính trên cơ sở kết luận đó. Hiện nay, nhiệt độ trung bình của trái đất đã tăng 0,8 độC so với thời kỳ tiền công nghiệp và chẳng bao lâu nữa sẽ chạm mức 2 độC. Nhưng không thể lấy 2 (độ) nhân với 20 (mét) để nhận được kết quả 40 (mét). Làm như vậy là sai lầm ấu trĩ. Bởi vì tất cả phụ thuộc vào tốc độ tăng nhiệt – nhanh hay chậm.

Trong những năm gần đây đã có sự gia tăng ảnh hưởng của yếu tố con người lên một số yếu tố tự nhiên – chẳng hạn khả phản xạ của bề mặt trái đất và nồng độ khí carbon dioxide. Kể từ năm 1990, sự tăng nhiệt toàn cầu được giải thích là do tác động của con người. Các chuyên gia cho rằng thế kỷ XXI là thời gian của sự tăng nhiệt, nhưng trên quy mô toàn cầu thì thời kỳ băng hà đang đến gần (băng hà xảy ra 100.000 năm một lần). Biến đổi khí hậu là một thực tế, nhưng không phải là một thảm họa!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật