“Chưa hề tuyên bố giao cho riêng Nhà hát Tuổi Trẻ dựng 100 vở kịch

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL bật đèn xanh để nhà hát lập dự án trình lãnh đạo Bộ thì Cục trưởng Cục NTBD lại nhấn mạnh: Bộ VH-TT&DL chưa bao giờ tuyên bố dành 40 tỷ cho dự án này, cũng như chưa hề tuyên bố giao cho riêng Nhà hát Tuổi trẻ.
“Chưa hề tuyên bố giao cho riêng Nhà hát Tuổi Trẻ dựng 100 vở kịch
NSND Lê Ngọc Cường

Dự án 100 kiệt tác sân khấu thế giới (KTSKTG) với vở thí điểm "Âm mưu và tình yêu" đã được đích thân Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đến dự và trao nhiệm vụ cho Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT) thực hiện.

Thế nhưng, sau khi thông tin được báo chí đăng tải, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Tiến Thọ cho PV Báo CAND biết: Dự án của Bộ không giao riêng cho NHTT. Còn những ngày này, NHTT vẫn đang tập luyện vở diễn trong dự án như kế hoạch đã định.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với NSND Lê Ngọc Cường - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NT-BD) Bộ VH-TT&DL và ông Trương Nhuận - Phó Giám đốc NHTT. Giữa ý kiến của các nhà quản lý chưa hẳn đã hoàn toàn đồng nhất, nhưng để đảm bảo tính khách quan, Báo CAND xin đưa với tiêu chí đây chỉ là ý kiến của người được phỏng vấn, chứ không phải quan điểm của Báo.

Thưa NSND Lê Ngọc Cường, các thông tin về việc thực hiện Dự án 100 KTSKTG khiến nhiều người lúng túng: Bộ VH-TT&DL có trao việc thực hiện dự án cho NHTT không? Hay đơn vị nào sẽ thực hiện dự án?

NSND Lê Ngọc Cường: Sau khi NXB Sân khấu ấn hành tập "100 KTSKTG", NHTT đã nghiên cứu kịch bản và xây dựng đề án để xin phép Bộ VH-TT&DL được lần lượt giới thiệu các tác phẩm bằng các nguồn kinh phí kêu gọi từ tài trợ.

Đây là một sáng kiến nên Bộ VH-TT&DL ủng hộ chủ trương này và giao cho Cục NT-BD chỉ đạo hoàn thiện đề án để triển khai, chứ không quyết định giao riêng cho NHTT. Nếu các nhà hát khác xây dựng đề án, Bộ cũng không cấm. Xin khẳng định là Bộ VH-TT&DL chưa bao giờ tuyên bố dành 40 tỷ cho dự án này, cũng như chưa hề tuyên bố giao cho riêng NHTT.

Dựa trên cơ sở nào để Bộ VH-TT&DL quyết định ủng hộ dự án do NHTT xây dựng?

NHTT đã hoạt động ổn định lâu năm, có dàn diễn viên tốt với phong cách và dấu ấn rộng, lại luôn dẫn đầu về số đêm diễn, doanh thu và cải thiện đời sống cho anh em. Ngoài nhiệm vụ được giao, hàng năm, NHTT còn dàn dựng được nhiều chương trình bằng phương thức xã hội hóa. Đề án này lại do chính NHTT chủ động đề xuất.

Đề án xin thực hiện theo phương thức xã hội hóa, nhưng như ông nói, thì liệu có vở nào trong dự án sẽ được ngân sách Nhà nước đầu tư 100%?

Bộ VH-TT&DL không cấp kinh phí cho thực hiện dự án 100 KTSKTG, nhưng trong quá trình dàn dựng, có những vở tốt, thì Bộ vẫn đầu tư 100% như lâu nay vẫn làm cho các vở "Chuông đồng hồ điện Kremlanh", "Lơxit" v.v…

ĐD, NSND Lê Hùng - Giám đốc NHTT phát biểu, mỗi năm NHTT sẽ dựng 4-6 vở để đảm bảo tiến độ đề ra là đến năm 2020 hoàn thành dự án. Gấp gáp như vậy liệu có đạt hiệu quả?

Không phải là Bộ VH-TT&DL đồng ý cho NHTT dựng cả 100 vở kiệt tác, mà chúng tôi sẽ cùng Nhà hát chọn những tác phẩm phù hợp yêu cầu xã hội để dàn dựng. Bộ cũng không ấn định thời gian hoàn thành dự án.

Như ông khẳng định, dự án này không giao riêng cho NHTT, vậy thì ngoài NHTT, còn đơn vị nào được tham gia dự án?

Vấn đề đó còn tính, vì không phải nhà hát nào cũng tham gia được. Cho nên, danh sách cụ thể các đơn vị tham gia dự án còn chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ.

Thưa ông, cho đến nay, đã có văn bản nào của Bộ chính thức giao việc thực hiện dự án cho NHTT chưa?

Bộ không có quyết định giao cho NHTT, vì hiện nay theo qui chế mới, quyết định lựa chọn kịch bản để dàn dựng thuộc về giám đốc các nhà hát. Dựa trên kinh phí khoán 3 năm liền, các nhà hát tự cân đối và điều tiết, dàn dựng.

Đề án của Nhà hát Tuổi trẻ là theo phương thức xã hội hóa
Hiện đang có các thông tin chưa đồng nhất trong việc Bộ VH-TT&DL trao việc thực hiện dự án 100 KTSKTG cho NHTT. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ông Trương Nhuận: Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ủng hộ, thậm chí bật đèn xanh để NHTT lập dự án trình lãnh đạo Bộ. Bởi đây là ý tưởng tốt và hữu ích với ngành sân khấu mà công chúng là người hưởng lợi nhất, khi nhiều năm dài, kể cả những người lãnh đạo giới sân khấu chưa ai đề xướng được. Hơn nữa, sân khấu kinh điển đang chiếm ưu thế trong sự phát triển của sân khấu hiện nay, khi gắn bó và thể hiện được những bức xúc của cuộc sống, đồng thời, cũng là cầu nối với thế giới trong yêu cầu hội nhập.

Còn NHTT đang ở thời điểm có đội ngũ diễn viên sung sức nhất: 3 NSND, 10 NSƯT và nhiều gương mặt có phong cách diễn ổn định. Đây cũng là nhà hát duy nhất sở hữu một rạp hát chuyên nghiệp và biểu diễn thường xuyên. Trong khi đó, hơn 50 năm qua, dù có 123 nhà hát trên toàn quốc, nhưng cũng chỉ có hơn 30/100 vở được dàn dựng.

Vì thế, việc thực hiện dự án là ý nguyện của mỗi nghệ sĩ NHTT, cũng có cả tham vọng qui tụ về mình những gương mặt nghệ sĩ, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ có tay nghề cho một Trung tâm kịch nghệ mang tầm quốc gia trong tương lai, chứ không phải cho riêng một nhà hát nào vì cũng không đảm đương nổi.

Nếu theo danh sách 100 KTSKTG trong dự án, có vẻ số kiệt tác của Việt Nam là quá ít và điều này chưa đúng như ý kiến của Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Lê Tiến Thọtrả lời Báo CAND là "sẽ ưu tiên cho các tác phẩm của Việt Nam "?

Sau 63 năm khi tác phẩm ra đời, "Vũ Như Tô" mới được lên sàn diễn, "Kiều Loan" cũng quá nửa thế kỷ và "Rừng trúc" cũng mất 10 năm mới có cơ hội thể hiện. Ngoài ra, những tác phẩm nổi tiếng nhất cũng đã được NHTT giới thiệu như các vở của Lưu Quang Vũ, Tất Đạt vv… Tác phẩm của Việt Nam vẫn là đối tượng ưu tiên hàng đầu nên đến nay, tỉ lệ dựng vở của nước ngoài chỉ chiếm 10%.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật