Bao giờ di dời các ĐH ra ngoại thành Hà Nội, TP HCM?

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo mục tiêu đề ra, từ năm 2012-2015 sẽ di chuyển khoảng 200.000 sinh viên trong nội thành Hà Nội và khoảng 350.000 sinh viên trong nội thành TP. Hồ Chí Minh đến các khu quy hoạch. Chuyện di dời các trường đại học đã bàn nhiều, nhưng đến nay các trường thuộc diện di dời vẫn hoang mang không biết di dời đến đâu và kinh phí ở đâu ra?.
Bao giờ di dời các ĐH ra ngoại thành Hà Nội, TP HCM?
ĐH Ngoại Thương là 1 trong 12 trường thuộc diện phải di dời “Tù mù“

Ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng ĐH Ngoại Thương cho biết: Hiện nay, với số lượng sinh viên đào tạo chính quy hơn 3.000, tại chức giảm dần, trường không căng thẳng về cở sở vật chất. Theo tiêu chuẩn sinh viên/m2 của Bộ thì trường thừa sức đáp ứng, bởi vì trường mới xây tòa nhà 12 tầng năm ngoái và tòa nhà 7 tầng đang hoàn thành. ĐH Ngoại thương muốn giữ lại cở sở này để làm nơi nghiên cứu, hợp tác quốc tế… vì nếu chuyển đi hết sẽ có nhiều bất tiện về hợp tác, đi lại, ăn ở của giảng viên, sinh viên.

“Trường sẽ xây cơ sở 2 ở Khu Đại học Phố Hiến (Hưng Yên) - nơi tỉnh đã ưu tiên cung cấp khoảng 90ha. Nhưng vấn đề tiền đầu tư lấy từ đâu? Địa phương hay doanh nghiệp nào có đủ sức để chi tiền xây hàng chục trường ĐH trong vòng vài năm (mỗi trường cần hàng nghìn tỷ đồng). Tôi đã có công văn gửi lên Bộ GD-ĐT đăng ký chuyển trường lên ĐH Phố Hiến cách đây hơn 6 tháng, nhưng đến nay Bộ vẫn chưa trả lời về vấn đề này”- Ông Hoàng Văn Châu băn khoăn.

Ông Dương Văn Sao, Hiệu trưởng Trường ĐH Công Đoàn cũng cho biết, trường đã có phương án mở rộng xuống Phố Nối, Hưng Yên với diện tích 28ha. Để có được mảnh đất này, trường đã phải vận động từ năm 2005, vì thế kế hoạch di dời trường Đại học trên vẫn còn quá nhiều vấn đề phải bàn tính.

Đại diện viện Đại học Mở Hà Nội cho rằng, nhu cầu mở rộng diện tích để đáp ứng quy mô phát triển của trường là rất cần thiết. hiện trường có hướng xây dựng trường mới tại tỉnh Vĩnh Phúc và đã có đề án xin khoảng 100-130ha đất. Trường đã gửi công văn cho Bộ nêu đề nghị này, nhưng vẫn chưa nhận được trả lời. Nếu được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ GD-ĐT và tỉnh Vĩnh Phúc, trường sẵn sàng di dời ngay. Tuy nhiên, nếu không được Nhà nước rót vốn thì vấn đề kinh phí vẫn rất nan giải.

Bài toán lớn, chưa lời giải

Ông Hoàng Văn Châu phân tích: Muốn xây xong trường ít nhất phải mất 5 năm. Trường công lập thì Nhà nước phải bỏ tiền đầu tư, chứ trường lấy đây ra hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng. Muốn bán đất lấy tiền trong tình hình đất đai đóng băng hiện nay không phải dễ. Vì thế, Nhà nước phải có nguồn kinh phí riêng mới làm được.

“Nói cho vui, chứ Bộ GD-ĐT hiện chưa có công văn hướng dẫn cụ thể về việc di dời trường. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đăng ký kế hoạch di dời nhưng các trường chưa có gì để đăng ký. Có bao nhiêu đất đai? Ở đâu? Giao đất sạch hay đất cần phải thực hiện giải tỏa? Rồi chuyện kinh phí Bộ nói các trường tự lo nhưng trường công lập làm gì có tiền, chỉ để tồn tại được cũng đã mệt. Câu chuyện có vẻ còn đang ở rất xa. Phải 50 năm nữa may ra có thể di dời, nếu Chính phủ không có Chương trình đặc biệt” - ông Hoàng Văn Châu nhấn mạnh.

Ông Sao cho rằng, chủ trương là đúng nhưng trong điều kiện khủng hoảng hiện nay chưa làm được. Nhà nước đang cắt giảm xây dựng công, cắt giảm chi tiêu công thì lấy tiền đâu ra ra mà xây các trường đại học. TP. Hồ Chí Minh duyệt cho các trường vay vốn để xây dựng hoàn toàn không lấy lãi nhưng ai dám vay… Thành ra, chuyện này chỉ nói cho vui!

Trước những khó khăn này, ông Cao Kiên Cường (Học viện Hành chính quốc gia) đề xuất: “Chính phủ và Bộ GD-ĐT cần có chủ trương xã hội hóa đối với những trường có quyết định di dời. Có thể giao các trường tự lên đề án xã hội hoá như huy động vốn, liên kết, hợp tác, được phép chuyển đổi công năng quỹ đất đang có để có kinh phí…”.

Giải phóng mặt bằng: phải hỏi ai?

Tại buổi làm việc với TP Hà Nội mói đây, Bộ trưởng  GD&ĐT Phạm Vũ Luận và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo rất quan tâm đến tiến độ giải phóng mặt bằng của trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Theo quy hoạch, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ toạ lạc tại khu đào tạo của Khu công nghệ cao Hoà Lạc với diện tích 65ha. Nhưng đến nay, mới chỉ giải phóng được 5ha. Nguyên nhân do 39ha nằm gọn trong doanh trại và bãi tập do phân hiệu chuyên môn kỹ thuật và tiểu đoàn 371 thuộc Bộ Tư lệnh pháo binh quản lý. 26ha là khu đất dân cư, đất sản xuất nông nghiệp do UBND xã Tân Kỳ, Thạch Thất quản lý. 5ha đã được giải phóng nằm trong quỹ đất của xã Tân Kỳ.

Giải thích về sự chậm trễ này, lãnh đạo huyện Thạch Thất cho biết do đến nay vẫn chưa có quyết định thu hồi phần đất của Bộ Tư lệnh Pháo binh và chưa có biên giới cắm mốc ở khu vực xã Tân Kỳ nên lãnh đạo huyện cũng không làm gì được.

Sự chậm trễ này xuất phát từ quyết định bổ sung thêm quỹ đất cho khu công nghiệp cao Láng Hoà Lạc của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, nguồn vốn vay của Việt Nam đã bắt đầu được giải ngân trong 5 năm (2012 – 2017). Trước tình thế này, Bộ trưởng Luận và Chủ tịch Thảo rất băn khoăn. Không những thế, Bộ trưởng Luận còn mong muốn các đơn vị có chức năng của Hà Nội “hiến kế” để làm thế nào có thể “tránh” được khu đất của Bộ Tư lệnh Pháo binh mà vẫn đảm bảo diện tích cho ĐH Khoa học và Công nghệ.

Trong tháng 4, tháng 5 này quyết định thu hồi đất sẽ được các cấp có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên, những người trong cuộc lo ngại sau khi có quyết định thu hồi đất thì cũng phải mất một khoảng thời gian nhất định để có thể xây dựng được doanh trại quân đội mới.

Bộ trưởng Luận cũng cho biết: Đây là bài toán lớn mà hai thành phố và các bộ, ngành đang phải trao đổi, giải quyết. Còn những rào cản liên quan đến tâm lý, thói quen, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành đang tích cực triển khai.

“Tuy nhiên, cũng phải nói đây là vấn đề rất khó, vì nguồn vốn di dời, xây dựng cơ sở hạ tầng ở nơi mới rất lớn, trong khi khu đất cũ không nên biến thành chung cư, trung tâm thương mại… mà sẽ trở thành các không gian công cộng như công viên, hồ nước…” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật