Luật lệ tình yêu ở đỉnh núi nhân sâm Ngọc Linh

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở vùng núi Ngọc Linh, thuộc xã Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam vẫn còn tồn tại một làng mà ở đó người ta uống rượu từ khi 5 tuổi, biết ăn thuốc từ khi 3 tuổi và hơn 10 tuổi, những người phụ nữ nơi đây đã lấy chồng. Họ uống rượu như nước, ăn thuốc như cơm... Và ở đây, những luật lệ tình yêu cũng vô cùng kỳ lạ.
Luật lệ tình yêu ở đỉnh núi nhân sâm Ngọc Linh
Chị B'ho, vợ anh Nink ăn thuốc

Ngôi làng kỳ lạ, tuyệt vời giữa vùng sâm Ngọc Linh

Vượt qua gần 40km đường đất những dốc cao hun hút, chênh vênh, hai bên đường, rừng rậm như những cánh tay khổng lồ ôm lấy mây, thỉnh thoảng sương mù ùa đến bất ngờ phủ kín lối đi. Xe trước, xe sau chỉ cách nhau có 5m mà đã không nhìn thấy nhau.

Hơn 4 tiếng đồng hồ hết dốc đèo rồi lại đèo dốc, chúng tôi mới tới được vùng đất của rượu, thuốc và những nghi lễ của tình yêu độc đáo mà tin chắc rằng không ở đâu có. Dẫn dường cho chúng tôi là già làng Hồ Ping. Vừa đi, già vừa kể cho chúng tôi nghe về tục uống rượu của người Xê Đăng ở núi Ngọc Linh này.

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi vào thăm là nhà anh Hồ Văn B’Long, 38 tuổi, trưởng thôn 3, xã Trà Linh. Thấy già Ping cùng đoàn khách lạ, anh B’Long vồn vã mời vào nhà. Chất thêm củi khô vào bếp, anh cúi xuống thổi cho ngọn lửa bùng lên.

Bên góc nhà chất ba, bốn chum rượu, trên nóc chum để một ống tre nhỏ dùng để dẫn rượu. Anh rót đầy các bát rượu, vui vẻ đưa tận tay mọi người. Chúng tôi ai cũng rụt rè nhìn bát rượu đầy sóng sánh nhưng lạ kỳ thay, khi đưa rượu lên uống, một mùi thơm rất lạ sực lên mũi.

Già Ping thấy khách ngần ngừ chưa uống, như hiểu ra, già vội đặt bát rượu xuống, miệng cười khà khà: “Các cô các chú cứ uống đi, rượu này được làm từ lá cây trên rừng, mùa hè thì giải khát, còn mùa đông thì ấm người. Uống đi, không sợ say đâu”.

Chúng tôi ai nấy vội đưa bát lên uống. Quả đúng như lời già Ping nói, rượu rất thơm, uống đến đâu thanh mát đến đó, uống xong hơi nóng mới bốc lên mặt và lúc này, nơi đầu lưỡi phảng phất mùi rượu. Chờ cho khách đặt bát xuống, anh B’Long mới lên tiếng, cả vùng Trà Linh này nhà nào cũng có vài chum rượu như vậy để ở trong nhà.

Rượu được làm từ một loại lá cây gọi là cây B’râu mọc trong rừng mà chỉ vùng này mới có. Lá hái về rửa sạch, để khô rồi xếp vào chiếc chum nhỏ, độ một tuần thì lá bắt đầu ra nước và tự lên men thành rượu.

Già Ping bảo: “Ở đây, trẻ con biết uống rượu từ khi 8-9 tuổi. Mùa hè đi làm rẫy, ai cũng mang theo một ống tre để dưới suối, lúc nào khát thì uống”.

Nghe chúng tôi thắc mắc gọi là rượu sao không say, già Ping cười bảo: “Ai bảo là không say, dân ở đây bao đời nay dùng rượu để giải khát nhưng mỗi lần chỉ uống ít một, chứ có ai uống cả chum đâu. Luật ở đây là thế, cả làng không ai được phép say rượu, nếu ai phạm luật sẽ bị làng xử đánh 100 roi mây.

Làng ra luật vậy vì thời chống Pháp, trai làng bị Pháp mua chuộc, cho rượu gạo để uống rồi say sưa, làm náo loạn cả làng và qua những người say rượu, bọn chúng tìm ra cán bộ nằm vùng”.

Vừa nói già vừa thò tay vào túi lấy ra một gói nhỏ, bên trong đựng một ít bột trắng, khẽ dùng ngón tay cái chấm ít thuốc rồi chà vào hai hàm răng. Thấy chúng tôi cứ tròn mắt nhìn, già cười bảo: “Các cô các chú có thử ăn thuốc không? Ngon lắm!”.

tò mò, chúng tôi mỗi người chấm thử chút thuốc chà lên răng, khoảng 3 phút sau thấy đầu lưỡi tê tê, hơi nóng bốc lên đầu kèm theo cảm giác lâng lâng, nhưng chỉ 5 phút sau, người trở lại bình thường. Anh B’Long kể, tục ăn thuốc của người Xê Đăng có từ ngàn đời nay.

Ở Trà Linh, từ người già đến trẻ con, ai thích thì ăn thuốc bột, không cấm đoán. Nhờ ăn thuốc bột sẽ diệt được sâu răng nên người Xê Đăng ít khi nào bị đau răng.

Người Xê Đăng ở đây khi gặp nhau, dù ở nhà hay trên rẫy, tiệc cưới hay lễ hội, mừng nhà mới… cũng đều mang bình thuốc bột ra mời, gọi là “Cá C'râu” để thể hiện sự thân mật.

Theo họ, thuốc ngon là phải thơm nồng nhưng không quá nóng. Lá thuốc sau hái về phải phơi qua một lượt nắng, rồi treo ở giàn bếp để khói bếp xông lên tạo nên mùi thơm đặc trưng. Nói là ăn thuốc nhưng thực ra là cho bột thuốc vào miệng ngậm chứ không nuốt vào bụng.

Khi ngậm vào, bột sẽ ngấm đều với nước bọt, sau đó lấy lưỡi hoặc ngón tay chà cho bột phủ kín hai hàm răng và lợi. Bột sẽ nóng lên, cho cảm giác lâng lâng trong đầu. Ngậm khoảng 5 - 7 phút thì bột thuốc hết tác dụng, sau đó phun bột ra ngoài.

Câu chuyện giữa chúng tôi càng thêm rôm rả khi chị Rin vợ anh B’Long đi thăm rẫy về. Chị tự nhiên giở gói thuốc ra chà lên răng rồi mủm mỉm cười. Tôi để ý thấy cổ tay chị đeo một cái vòng thổ cẩm nhỏ trông rất đẹp.

Thấy khách có ý muốn hỏi, anh B’Long giải thích: “Đó là vòng C’râu la (kiểu vòng hôn ước). Trai gái ở đây ai lấy vợ lấy chồng đều được già làng thay mặt Giàng đeo vào, coi như đó là lời nguyền với trời đất”.

Tôi quay lại nhìn vào cổ tay già Ping thấy cũng đeo một cái, già cười bảo lệ làng là vậy, con gái lên 9, lên 10 đã phải theo mẹ vào rừng trồng lanh, tước lanh để mang về dệt vải. Vải dệt xong dùng để may váy áo cho bản thân, may chăn để biếu cha mẹ già khi đi lấy chồng rồi biếu chăn cho bố mẹ chồng.

Từ lúc biết dệt cho đến khi lấy chồng, các cô phải may ít nhất là 5 cái chăn. Ngoài ra, các cô còn phải tự tay dệt cho mình một đôi vòng để ngày cưới đặt lên bàn thờ cho thầy mo cúng, rồi già làng sẽ đeo vào tay như một chứng nhận về cuộc sống vợ chồng của họ đã bắt đầu.

Theo tục lệ thì cô gái sẽ theo chồng về nhà chồng ở 3 năm, sau đó chàng trai lại theo cô gái về nhà vợ ở 3 năm, cứ như vậy luân phiên cho đến lúc bố mẹ khuất núi thì thôi. Nghe già Ping kể đến đây, chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau ra ý thắc mắc, già liền bảo:

“Tục này có từ xưa rồi, các cô các chú ạ. Làm như vậy để cả vợ và chồng đều có trách nhiệm với hai bên bố mẹ. Ở làng này, từ bao đời nay không có chuyện con trai, con gái ngoại tình vì với người Xê Đăng chúng tôi đó là trọng tội.

Ngoài bị phạt trâu bò, rượu, vải để cúng Giàng thì người phạm lỗi còn bị đuổi ra khỏi làng, vĩnh viễn không được quay về nên nếu như có ai lấy phải người không vừa ý cũng không dám đi ngoại tình bên ngoài.

Trai gái đến tuổi kết hôn, làng có riêng một khu đất, trên đó dựng rất nhiều lều để họ thoải mái hẹn hò nhau. Nhưng tuyệt đối không được đi quá giới hạn, đôi nào ăn cơm trước kẻng dù có cưới nhau, làng cũng phạt vạ”.

Luật lệ nghiêm khắc nhưng vẫn chan chứa tình người

Với những thủ tục khắt khe về hôn nhân như vậy, những tưởng làng sẽ không có ai dám phạm luật nhưng vẫn có người lách luật. Tạm biệt gia đình anh B’Long, chúng tôi tiếp tục theo chân già Ping đi xuôi xuống cuối làng nơi có khu rừng thiêng một năm chỉ mở cửa một lần để cúng thần rừng.

Gia đình chúng tôi đến thăm là gia đình chị B’Ho. Lúc chúng tôi đến, chị đang lúi húi vun đống lá khô để đốt xua muỗi. Thấy khách lạ, chị hơi rụt rè nhưng sau khi nghe già Ping giới thiệu, chị mời chúng tôi vào nhà.

Căn nhà sàn đơn sơ, ngay giữa nhà là một khung cửi to nhẵn bóng màu bồ hóng. Chị B’Ho năm nay 42 tuổi. Chị lấy chồng từ thuở 15, chồng chị là người cùng làng, hơn chị 2 tuổi. Lấy nhau được hai năm thì anh đi bộ đội, chị ở nhà làm rẫy, dệt vải và cứ 3 năm một lần, chị lại thay chồng về ở với bố mẹ đẻ.

chiến tranh kết thúc, chị nhận được tin báo anh Nink chồng chị sẽ trở về trong vài ngày nữa. Nhưng khi anh về, ngoài chiếc ba lô trên vai, anh còn dắt theo một bé trai có khuôn mặt giống anh như đúc. Mắt chị mờ đi vì khóc.

Chuyện anh Nink có con riêng như một sự kiện làm chấn động cả làng. Già Ping lúc đó là trưởng bản vội vã họp các cụ cao niên trong làng, một hình phạt đã được sắp sẵn. Tối hôm đó, bên đống lửa đốt giữa sân nhà rông, anh Nink nghẹn ngào kể lại lý do sự có mặt của cậu con trai.

Vào bộ đội, anh đóng quân ở Đắk Nông và bị thương trong một lần tìm diệt Phun-rô. Những ngày tháng ở bệnh viện d‌ã chi‌ến, anh đã phải lòng cô y tá người Bana. Anh biết làm như vậy là trái với luật làng nhưng không cưỡng lại được lý lẽ của con tim.

Cô y tá người Bana chấp nhận chuyện anh đã có vợ và họ đã hứa sẽ về làng tạ tội với vợ anh và chịu mọi hình phạt của làng. Thế nhưng, người phụ nữ ấy đã ra đi vì sốt rét rừng khi chỉ còn vài ngày nữa là anh nhận được giấy ra quân.

Nghe xong câu chuyện của anh, cả làng lặng đi, không biết phải làm thế nào thì chị B’Ho đã quỳ xuống khóc xin cho anh Nink. Chị chấp nhận đứa trẻ, chấp nhận bị làng phạt vạ, chỉ xin cho chị và anh Nink được ở lại làng cho dù bị tách biệt với mọi người cũng được.

Sau hai ngày họp bàn, các già đã quyết định vì hoàn cảnh nên anh Nink đã vi phạm lệ làng nhưng xét vì nhiều lý do nên làng sẽ đồng ý cho vợ chồng anh ở lại nhưng với điều kiện phải dọn ra ở cạnh bìa rừng.

Nghe già Ping kể chuyện của mình nãy giờ, chị B’Ho lúc này mới lên tiếng: “Lúc đầu cũng buồn lắm, nhưng càng nghĩ càng thương, giờ đã là vợ là chồng, bỏ sao được”.

Tạm biệt già Ping và những con người có nụ cười đôn hậu, một cảm xúc lâng lâng dâng trào trong tôi, không phải vì hơi rượu và vị thuốc mà có lẽ đó là cách cư xử của những con người nơi đây.

Phải chăng vì họ luôn biết đặt chữ tình trong mọi hoàn cảnh nên mọi tình huống trong cuộc sống luôn được họ giải quyết một cách nhẹ nhàng và đầy tình người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật