“Hội nhập” và “nhập hội”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
37 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn trên con đường phát triển kinh tế.
“Hội nhập” và “nhập hội”
Hội nhập sẽ là điều tốt, nếu các quốc gia tích luỹ được đủ nội lực, xây dựng được các thiết chế đảm bảo dòng chảy toàn cầu không đi ngược hướng và phá huỷ đi nền kinh tế non trẻ

Công cuộc đổi mới đã đưa chúng ta thoát nghèo. Hội nhập, đi theo cơ chế thị trường… đã được lựa chọn, kỳ vọng trong vai trò dẫn dắt đến thịnh vượng. Nhưng, hội nhập không đơn giản là một cái gật đầu. Cũng như kinh tế thị trường đòi hỏi phải có những nguyên lý quản trị quốc gia và cả doanh nghiệp tương thích. Trong quá trình này, cần nhất là sự huy động mọi nguồn lực, kinh nghiệm.

Một trong những từ khoá của kinh tế Việt Nam trong hơn thập kỷ trở lại đây là “hội nhập”. Nói một cách ví von, “hội nhập” có thể được hiểu bằng cách nói ngược là “nhập hội” với hai góc nhìn. Một là khi thế giới có xu hướng ngày càng gom thành một hội, để phát triển khó ai có thể đứng ngoài. Hai là “hội thế giới” đã có rồi (về luật lệ, về cách chơi hay về phương thức phân chia lợi ích) và mình là kẻ đến sau nên phải tìm cách “nhập hội”.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trước hết là hiện thân của chủ nghĩa “tân tự do”, bắt đầu bằng công thức “không đổi”: mậu dịch tự do hơn nữa, phi điều tiết hơn nữa, tư hữu hoá hơn nữa. Các đường biên giới phải mở toang, luật pháp, thiết chế cũ phải dẹp bỏ. Dòng chảy hàng hoá, tư bản, công nghệ và con người như con sóng luồn lách đến những vùng hẻo lánh nhất, đồng thời cuốn phăng tất cả vật chắn ngang đường. Dòng chảy này tuy không đòi hỏi, không chào mời ai tham gia nhưng mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp đều cảm nhận sự quyến rũ của nó. Tất cả lao vào “hội nhập”, và “nhập hội” với cùng chung ý nghĩ: không thể cứ tự cô lập “một mình một chợ”.

Hội nhập sẽ là điều tốt, nếu các quốc gia tích luỹ được đủ nội lực, xây dựng được các thiết chế đảm bảo dòng chảy toàn cầu không đi ngược hướng và phá huỷ đi nền kinh tế non trẻ của đất nước. Kinh nghiệm các nước phát triển ở Đông Á 1997 cho thấy rằng, sự lưu chuyển tự do xuyên quốc gia của tư bản không chỉ dẫn đến sự phồn vinh mà còn là sự hỗn loạn. Khủng hoảng 2008 đặt mô thức tất cả tập trung cho xuất khẩu dưới dấu chấm hỏi, khi một nền kinh tế quá phụ thuộc vào sức mua của thị trường nước ngoài mà bỏ quên thị trường nội địa dồi dào. Hội nhập có thể tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn nếu những người cùng tham gia không ảo tưởng và cuồng tín về quá trình này. Là một thành viên mới, Việt Nam chúng ta vừa làm vừa học trong tư thế cảnh giác đối với các tác dụng phụ.

Hội nhập có thể tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn nếu những người cùng tham gia không ảo tưởng và cuồng tín về quá trình này.

Nhiều ý kiến cho rằng quá trình hội nhập sẽ là một cú hích hay sức ép để Việt Nam chuẩn hoá theo luật lệ, quy định của cuộc chơi chung, mà kinh tế thị trường là điều kiện quan trọng để hoà hợp. Có lẽ trước sức ép của quốc tế, một số tiền lệ không theo thông lệ của nước ta sẽ dần dần bị xoá bỏ. Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan là những mô hình phát triển ta cần đặt lên bàn cân so sánh, tham khảo. Họ chủ động đi lên, cho nên đi lên có trật tự. Bài học ở đây: trong thời đại toàn cầu, bị động như người cầm dao nắm lưỡi, chắc chắn sẽ bị “bầy thú điện tử” thị trường toàn cầu nuốt trọn. Chỉ có nắm chắc cán dao, như người giáp sĩ tự tin bước ra chiến trường, mới mở ra con đường mới.

Trước các sức ép từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao, đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận thay đổi. Nhưng tổ chức không phải như một cái máy, khi có gì hỏng hóc xảy ra là có thể bắt tay vào sửa ngay hay tháo bộ phận hư thay cái mới vào. Nó là một hệ thống hữu cơ, sống, phát triển và được tạo thành bởi những con người đang sống và đang phát triển. Như bài học về thành quả lao động của người nông dân từ kinh tế gia Stepfen Covey – một vụ mùa bội thu luôn cần sự chuẩn bị hạt giống chu đáo, chăm bón kiên trì – sự dung hoà giữa các nhóm lợi ích trong và ngoài, cũ và mới, công và tư chính là một quá trình nuôi dưỡng như vậy, đóng vai trò tiên yếu trong bài toán phát triển mà Việt Nam cần ưu tiên giải quyết.

Năm 2007, phát biểu trên báo chí, bộ trưởng bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cảm thán rằng: “Không ở đâu như Việt Nam, người dân tổ chức đi bộ, míttinh chào mừng tổ chức thành công APEC và gia nhập WTO”. Hội nhập là nhập hội một cách chủ động, “nhìn người – sửa mình”, nuôi dưỡng và thay đổi, chứ không đơn giản là sự… chào mừng để con tàu kinh tế Việt Nam vẫn vững tay chèo, dẫu sóng to, gió lớn đang còn phía trước…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật