20 năm trốn truy nã vì 13 triệu và 14 chỉ vàng

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi Dân chiếm đoạt số tiền 13 triệu đồng và 14 chỉ vàng 24K, xí nghiệp vận tải đường sông tỉnh Đồng Tháp đã làm đơn tố cáo hành vi của dân với cơ quan công an. Qua xác minh vụ việc là có thật, cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Đồng Tháp tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt giữ Dân, nhưng Dân đã bỏ trốn khỏi địa phương.
20 năm trốn truy nã vì 13 triệu và 14 chỉ vàng
Tên Nguyễn Hoàng Dân - ảnh chụp từ hồ sơ.

Tâm lý chung của hầu hết đối tượng có lệnh truy nã là sau khi gây án phải bỏ trốn đi thật xa, thay tên đổi họ và tạo lớp vỏ bọc lương thiện để hòa nhập vào cuộc sống ở nơi xa xôi mà không ai biết đến. Thường thì những trường hợp như vậy chỉ rơi vào những đối tượng gây án nghiêm trọng như cướp của, giết người…

Nhưng đối với đối tượng Nguyễn Hoàng Dân (SN 1962 ngụ TX. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) thì chỉ vì lòng tham, Dân đã chiếm đoạt số tài sản 13 triệu đồng và 14 chỉ vàng cũng chưa gọi là nghiêm trọng nếu như y biết sửa sai để làm lại từ đầu thì đã không làm cho cuộc sống thấp thỏm trong suốt 20 năm trời.

Kể ra ở thời điểm đó, số tài sản mà Dân chiếm đoạt so với thời điểm đồng tiền trượt giá như hiện nay thì quả là không nhỏ.

Khi lòng tham đánh đổi lệnh truy nã

Vào những năm 1990, 1991, thời điểm mà đời sống của người dân TX. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long còn gặp nhiều khó khăn, cái nghèo cái khó cứ bám riết lấy họ thì gia đình Nguyễn Hoàng Dân thuộc vào diện số ít những gia đình khá giả, không phải lo toan từng miếng cơm manh áo hàng ngày.

Người đời có câu “đã giàu lại muốn giàu thêm, ăn cơm nước mắm lại thêm cà giòn” để chỉ những người tham vọng, không bằng lòng với những gì mình có. Nguyễn Hoàng Dân cũng vậy, tuy công việc ổn định, thu nhập khá giả nhưng Dân vẫn ôm mộng làm giàu một cách nhanh chóng.

Và như con thiêu thân lao vào ánh sáng, Dân lao vào cuộc làm giàu bằng cách dấn thân ra thương trường tập làm ông chủ.

Được người quen giới thiệu và biết được xí nghiệp vận tải đường sông tỉnh Đồng Tháp có cho thuê xà lan và được giới trong nghề rỉ tai thuê lan để làm ăn thì chỉ có lời chứ không biết lỗ. Không bàn bạc qua vợ và gia đình, Dân đã thân chinh tìm đến Xí nghiệp vận tải đường sông tỉnh Đồng Tháp để thuê chiếc xà lan 250 tấn của xí nghiệp.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên, cái giá mà Dân phải trả hàng tháng cho xí nghiệp là 3 triệu đồng/tháng. Ban đầu, làm ăn gặp thời, Dân trả tiền hàng tháng một cách sòng phẳng, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, Dân thấy ngán cảnh làm công trả thuê, Dân mong muốn tài sản của chính mình phục vụ cho mình chứ không muốn hàng tháng phải cầm tiền đi trả tiền thuê dụng cụ.

Vả lại, cuộc mưu sinh bằng cái xà lan thuê khiến Dân không thể vươn lên hàng ông chủ được nên Dân đâm nản dần. Giấc mơ làm giàu nhanh chóng của Dân sẽ khó mà thành hiện thực. Dần dần trong đầu Dân nảy sinh ý định chiếm đoạt xà lan, bán lấy tiền để đổi nghề.

lợi dụng vào sự tin tưởng của xí nghiệp đối với mình, Dân đã manh nha toan tính, chọn thời điểm thích hợp để thực hiện ý đồ của mình. Thế là chỉ sau 6 tháng thuê, Dân đã biến xà lan thành của riêng mình khi ngang nhiên kêu người bán xà lan lấy số tiền 13 triệu đồng và 14 chỉ vàng 24K.

Có được khoản tiền khấm khá, Dân chưa kịp nghĩ ra phương thức làm ăn mới thì phải đối mặt với sự việc gian dối của mình bị phát giác. Có gan ăn trộm nhưng không có gan làm giàu thật đúng với Dân ở thời điểm này.

Nếu sự việc bị phát giác, Dân không những bị ê mặt với gia đình, người thân, bà con hàng xóm mà còn phải đối mặt với án tù. Nghĩ đến đây, Dân thấy sợ hãi nên đã lẳng lặng bỏ lại vợ con ra đi một cách bất ngờ đến vùng đất Campuchia để lánh nạn.

Sau khi phát hiện bị Dân chiếm đoạt xà lan, xí nghiệp vận tải đường sông tỉnh Đồng Tháp đã làm đơn tố cáo hành vi của dân với cơ quan công an. Qua xác minh vụ việc là có thật, cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an Đồng Tháp tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt giữ Dân, nhưng Dân đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Tháng 9/1992, lệnh truy nã đối với đối tượng Nguyễn Hoàng Dân, SN 1962 ngụ Vĩnh Long về hành vi lạ‌m dụn‌g tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa được phát đi toàn quốc.

Kết cục sau hơn 20 năm chạy trốn

Sau khi lệnh truy nã được phát đi, các trinh sát Công an tỉnh Đồng Tháp vẫn thường xuyên sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để xác minh, truy tìm tung tích của Dân, những nơi mà Dân thường tới, những mối quan hệ bạn bè mà Dân thường gặp nhưng tin tức, hình bóng Dân vẫn bặt vô âm tín.

Liên tục như thế trong nhiều năm qua, hễ có thông tin gì về Dân thì dù hôm, mưa gió, các trinh sát cũng tức tốc lên đường để truy tìm. Trong quá trình tìm kiếm Dân, trinh sát gặp không ít khó khăn bởi sự ra đi của Dân là hoàn toàn bất ngờ đối với gia đình.

Dân dứt áo ra đi một cách dứt khoát vì bản thân mình nên hoàn toàn cắt đứt mọi liên lạc với vợ con và gia đình. Nhưng không vì thế mà các trinh sát lơ là về đầu mối gia đình Dân.

Có thể thời gian đầu Dân không dám liên lạc với gia đình vì sợ bị phát hiện, nhưng chờ khi lực lượng công an quên lãng, hẳn Dân sẽ liên lạc với gia đình bởi hắn không thể nào nguôi ngoai nỗi nhớ vợ, con và những người thân của mình.

Quả như dự đoán, sau 20 năm lăn lộn đủ thứ nghề bên nước bạn Campuchia, Dân không thể chịu đựng được nỗi canh cánh bên lòng rằng muốn biết con hắn giờ này ra sao, rồi nơi hắn ra đi có thay đổi gì.

Với suy nghĩ, sau 20 năm trốn chạy sang xứ lạ, quê người, Dân tin rằng sẽ không còn ai nhớ đến cái tên Nguyễn Hoàng Dân nữa. Công an cũng không thể kiên nhẫn chờ đợi một tên tội phạm như Dân suốt 20 năm.

Thế là Dân yên tâm trở về Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc sống vất vưởng, lăn lóc, trốn chui trốn nhủi nơi xứ lạ quê người ít nhiều cũng tôi luyện cho Dân “tinh thần cảnh giác”.

Nên để chắc ăn khi trở về không bị chui vào rọ, Dân không về quê nhà mình ở Vĩnh Long mà đi thẳng xuống tỉnh Bạc Liêu và đổi tên thành Nguyễn Hoàng Dũng tiếp tục làm thuê sinh sống chờ đợi ngày đoàn tụ gia đình trong chốc lát với sự lo sợ, lén lút thường trực.

Với cái tên mới Nguyễn Hoàng Dũng cùng với những thay đổi về hình dạng và ở tận cái đất Bạc Liêu này, Dân ung dung tin rằng chẳng ai nhận ra mình nên y nhanh chóng hòa nhập với nơi ở mới. Vốn nhanh mồm nhanh miệng, Dân xin được vào làm công nhân cho một nhà máy xay xát ở Bạc Liêu.

Nhiệm vụ của Dân là đứng vận hành và kiểm tra máy xay xát. Công việc này ít nhiều làm cho Dân thật sự thấy an tâm vì tiếp xúc với bụi thì nhiều, tiếp xúc với người thì ít nên Dân cứ như một con ong chăm chỉ, suốt ngày đeo khẩu trang làm nhiệm vụ.

Nhưng “chạy trời không khỏi nắng”, vào đầu tháng 3/2012, một nguồn tin “tại một nhà máy xay xát ở tỉnh Bạc Liêu có một người đàn ông tên Dũng mới vào làm có đặc điểm hao hao giống đối tượng tên Dân đã bị truy nã suốt 20 năm qua” đến tai trinh sát.

Bỗng dưng 20 năm im bặt, nay lại có một thông tin như thế khiến các trinh sát không thể bỏ qua, nhưng cũng không thể tin chắc đó là đối tượng mà các anh cần tìm.

Để tránh không bắt oan người vô tội đồng thời không bỏ lọt tội phạm, cuộc họp khẩn cấp với nhiều phương án tiếp cận đối tượng được nhanh chóng triển khai. Một tổ công tác nhận lệnh lên đường đi Bạc Liêu để nhận dạng đối tượng.

Nhưng khi vừa đến nhà máy xay xát thì cũng vừa lúc người “đàn ông tên Dũng” vừa đi khỏi nhà máy nên các trinh sát chưa mục sở thị được nhận dạng người đàn ông bí ẩn kia.

Không nản lòng, các trinh sát tiếp tục đeo bám, một mặt chia nhau bí mật theo dõi nhà máy để chờ sự xuất hiện của “người đàn ông tên Dũng”, một mặt sử dụng các biện pháp nghiệp vụ vận động quần chúng, đồng thời cho nhận diện người đàn ông lạ mới vào làm việc tại nhà máy với bức ảnh tên Nguyễn Hoàng Dân cách đây 20 năm.

Tuy có khá nhiều sự thay đổi về nhận dạng khuôn mặt nhưng về cơ bản, sống mũi, khuôn miệng và nhất là cặp mắt của người trong ảnh không khác người đàn ông vận hành nhà máy xay xát này.

Như vậy là đã chắc đến 99%, người đàn ông chăm chỉ kia chính là Nguyễn Hoàng Dân với tội danh lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa đã trốn chạy 20 năm qua.

Dường như đánh mùi được sự phát hiện của trinh sát, Nguyễn Hoàng Dân đã khôn ngoan khi xin nghỉ làm mấy ngày vì nhà có việc nên gây không ít khó khăn cho các trinh sát. Mưa dầm thấm lâu, sau khi xác minh tên Dân vẫn còn hiện diện ở Bạc Liêu và nhận định hắn sẽ quay lại làm việc khi tình hình êm xuôi nên các trinh sát đã ém quân chờ đợi.

Tuy nắm bắt mọi di biến động của tên Dân, nhưng nếu manh động sẽ hỏng việc bởi tên Dân vốn là một tên cáo già nên các trinh sát chỉ còn biết chờ đợi trong im lặng.

Cuối cùng, sự kiên trì của các anh đã được đền đáp, trưa một ngày cuối tháng 3/2012, nhận được nguồn tin tên Dân xuất hiện tại địa chỉ mà hắn đang tạm trú, các trinh sát đã không bỏ lỡ cơ hội, nhanh chóng tiếp cận và bắt gọn hắn trong sự ngỡ ngàng đến kinh ngạc.

Như vậy sau 20 năm lẩn trốn chịu cảnh xa quê hương vợ con để mong thoát khỏi tội của mình, song Dân vẫn không thoát được lưới Pháp Luật.

Phải chi Dân đừng nổi lòng tham và phải chi cái ngày phạm tội, Dân biết suy nghĩ lại ra đầu thú thì hôm nay, tức 20 năm đã trôi qua, Dân đã có thể lại bắt đầu một cuộc làm giàu lương thiện và đã có một cuộc sống bình yên. Dẫu muộn nhưng vẫn còn có ngày Dân trở về để làm lại từ đâu. Thế mới biết lưới trời lồng lộng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật