Tôi khổ về đường tình duyên

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thu Phương lại vừa trở về Hà Nội, chị vẫn xinh đẹp, trẻ trung hơn rất nhiều so với tuổi của mình... Nhưng lần này, nữ ca sĩ đã có thể nói một cách rộn ràng về những dự án âm nhạc của mình, như làm CD, tổ chức live show.
Tôi khổ về đường tình duyên
Lần về Việt Nam này, Thu Phương có rất nhiều dự định âm nhạc.

- Gần đây, các chuyến trở về của chị tăng lên với khoảng cách rất gần. Chị có những kế hoạch gì định thực hiện ở quê nhà?

- Từ đầu tháng 1, tôi về tham gia trong chương trình Duyên dáng Việt Nam và cũng dự định thực hiện một vài dự án trong năm nay. Có thể coi đó là những kế hoạch dài hơi dành cho mình và để mọi người thấy Thu Phương trở về đã bớt lặng lẽ rồi.

Hơn nữa, sau chương trình Duyên dáng Việt Nam, được gặp lại khán giả trong nước, Phương mới thấy được mình có nhu cầu nói chuyện, kể chuyện và cũng có những người có thể nghe, và đồng cảm. Bởi vậy Phương muốn tổ chức một số buổi biểu diễn của riêng mình.

Dĩ nhiên, tâm nguyện của tôi luôn muốn đã tổ chức thì phải đầu tư kỹ càng, nghiêm túc. Và lần này, tôi về nước để gặp và bàn với một số người sẽ giúp mình phát hành một số CD, DVD, làm chương trình vào cuối năm.

 - Trong số những buổi diễn sắp tới của chị, có buổi nào là dành cho khán giả Hà Nội?

- Mong muốn của tôi luôn là hát và tâm sự với khán giả Hà Nội, tôi sẽ cố gắng để có thể thực hiện mong muốn đó. Đó là ưu tiên số một của tôi mà.

Hơn nữa, trong những lần bàn bạc với đạo diễn, tôi cũng bày tỏ rất nhiều về ý tưởng thực hiện chương trình, phong cách âm nhạc của mình, cá tính con người và cả những biến động trong đời sống riêng... Tất cả những điều đó khiến tôi muốn nhắm tới mùa thu Hà Nội.

- Chị sẽ nhờ ai làm đạo diễn cho chương trình của mình?

- Tôi đã có một quãng thời gian dài làm việc cùng đạo diễn Huỳnh Phúc Điền nên rất hiểu nhau. Hơn nữa, anh Điền lại là người yêu thích nhạc của nhạc sĩ Việt Anh. Mà phần lớn những ca khúc mà tôi muốn hát trong chương trình sắp tới của mình đều là sáng tác của Việt Anh.

Tôi thì có 5 năm sống ở Mỹ, Việt Anh đã 7 năm sống tại New Zealand. Việt Anh sáng tác nhiều bài hát trong quãng thời gian đó và Phương thấy ở những bài đó có những kỷ niệm chung của tôi và Việt Anh, đặc biệt trong đó có một nỗi nhớ giống nhau.

Bởi vậy, khi được trở về và kể chuyện với khán giả của mình, tôi muốn kể nhiều về quãng thời gian xa cách ấy hơn.

- Chị đã chọn mùa thu làm “chủ điểm” cho live show của mình, mà mùa thu thì thường gắn với nỗi buồn, chị nghĩ sao?

- Tôi nghĩ thường là vậy. Vào mùa thu người ta vẫn thường cảm nhận được những nỗi buồn, dù có khi chỉ là buồn man mác thôi, cũng có khi là liên tưởng đến nỗi nhớ.

Trước đây, nhiều người vẫn thường yêu mến gọi tôi là “cô gái của mùa thu Hà Nội”, rồi sinh nhật mình cũng vào mùa thu, mùa thu ở ngay trong tên của tôi, những ca khúc mà tôi hát, những cảm xúc và những biến động trong đời sống, đó là mùa rất nhiều kỷ niệm... Tất thảy đều liên quan đến mùa thu và được gọi lên bằng tên là như thế.

- Thời gian qua chị cũng đã nghe nhiều người nói rằng chuyến đi tìm cuộc sống mới của mình đã trả một giá quá đắt, chị nghĩ sao?

- Tôi nghĩ là khi nói nôm na về chuyện “đắt - rẻ” thì còn tùy thuộc vào nhu cầu hay suy nghĩ của mỗi người. Mà sự trả giá thì không đong đếm được bao nhiêu là đắt, là rẻ. Chỉ có điều mình có cảm nhận được giá trị của nó khi đã trả giá hay không mà thôi.

Đối với tôi, 5 năm đã qua là quãng thời gian làm tôi thành một con người khác - khác về tư duy, về cách sống, về cách nhìn nhận mọi vấn đề cuộc sống. Và tôi đã cảm nhận một cách thấm thía nhất cái giá trị được và mất trong đời sống.

- Chắc hẳn trong 5 năm qua chị đã trăn trở rất nhiều khi nghĩ tới gia đình mình, những đứa con, chị thấy sao?

- Nghĩ nhiều lắm. Đó là chuyện đương nhiên thôi. Vì tôi không chỉ là một nghệ sĩ gặp biến cố trong đời sống mà còn là một người mẹ, là một người phụ nữ quán xuyến trong gia đình.

Khi mình quyết định có sự thay đổi thì những hy sinh hay mất mát chắc chắn phải có. Khi những biến cố đến với mình, điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất, khổ tâm nhất là con cái. Nỗi khổ tâm ấy nhiều bao nhiêu thì tôi lại xác định được giá trị tương lai của con mình sẽ được bù đắp như thế nào.

Ông trời đúng là công bằng, không cho ai hết mọi thứ mà cũng chẳng lấy hết của ai bao giờ. Hai đứa bé nhà tôi rất thương mẹ, rất biết trân trọng những giờ phút được ở bên cạnh mẹ. Đó là điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống của tôi.

- Ông bà của hai đứa trẻ có khi nào trách chị về những chuyện đã qua?

- Hoàn toàn không. Tôi còn nhớ, lần trở về đầu tiên, khi đón ở sân bay, bố tôi đã nói một câu rất ngắn mà làm tôi xúc động vô cùng: “Bố tự hào về con”.

- Đã không ít lần chị nói: “Nhìn đâu cũng thấy biển rộng” khi kể về cuộc sống ở Mỹ, giờ thì thế nào?

- Vẫn cứ nhìn đâu cũng thấy biển thôi. Cảm giác vẫn luôn là thế. Nhưng cách đây gần 5 năm, cảm giác mình đang ở dưới đáy biển, còn bây giờ thì mình đang ở trên mặt nước và ra sức bơi.

- Mỗi lần về Việt Nam, chị có những cảm giác như thế nào?

- Nhiều cảm xúc bộn bề trong lòng mà không gọi tên được. Ví dụ ngày hôm nay, trong chuyến trở về lần này, tôi đã quay lại Nhà hát Tuổi trẻ. Trước đó tôi không thể hình dung được giây phút mình quay trở về cái nôi - nơi mình đã sống và làm việc bao nhiêu năm.

Cảm xúc vẫn nguyên vẹn như thế. Tôi đã khóc với rất nhiều người. Tôi lại thấy mình muốn trở thành diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ như ngày xưa. Cả buổi sáng gặp gỡ mọi người mà tôi thấy nói mãi không hết chuyện, có rất điều nhiều muốn chia sẻ, thật xúc động khi có những chị nói với tôi rằng “nếu chị là Phương thì không biết sẽ như thế nào”.

Tôi đã tâm sự với mọi người rằng tôi đã đi đủ xa để cảm nhận tận cùng của nỗi nhớ, cảm nhận đến tận cùng những mất mát, đắng cay để thấy giá trị đời sống. Giờ phút này là lúc để mình sẵn sàng làm mọi việc: kể chuyện, hát và chia sẻ.

- Công việc của chị ở bên Mỹ như thế nào?

- Nói chung là có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn. Khi quyết định trở về Việt Nam để hát thì tôi cũng gặp những khó khăn nhất định ở bên đó. Nhưng thực sự là những khó khăn đó chẳng khác gì so với những khó khăn mà tôi đã gặp cách đây 5 năm.

Những khó khăn ấy cũng như những niềm vui, hạnh phúc hay nỗi buồn... đó đều là giá trị của cuộc sống cả thôi. Không phải ai cũng có cơ hội vượt qua khó khăn, thử thách mình và được bình an như tôi.

- Còn đường tình duyên của chị thì sao?

- Tôi nghĩ mình khổ về đường tình duyên bởi mình cầu toàn quá. Tôi thần tượng hóa đời sống hôn nhân. Đối với tôi, bổn phận của phụ nữ là làm đủ thứ, thế nên mới khổ. Tôi khổ vì cứ muốn giành cả việc của chồng nữa. Nhiều khi cũng biết mình có phần lỗi lớn là không để người đàn ông trong gia đình làm đúng vai trò của họ.

Mình cứ thương chồng, yêu chồng nên giành hết việc nọ việc kia, mãi rồi làm chồng mình mất đi một phần ý thức về bổn phận của người đàn ông trong gia đình. Khi vất vả quá sức thì mình không chịu được nữa, áp lực từ đời sống hôn nhân trở nên quá nặng nề, mà lúc đó mình không có được sự cảm thông từ “đối phương”. Thế rồi “sợi dây đàn” căng quá thì rồi cũng đứt...

- Thế còn lý do về hoàn cảnh sống mới, những khó khăn mới khi anh chị quyết định lập nghiệp ở Mỹ?

- Đó cũng có thể là một trong những lý do. Lúc nào đời sống cũng êm ả, đầy đủ thì đơn giản lắm, sẽ chẳng có khó khăn nào để cùng nhau vượt lên, hay có những mâu thuẫn nảy sinh cần giải quyết. Đến khi có rồi thì mới nhận được hết rằng người bạn đời của mình có cùng mình trải qua được những sóng gió ấy hay không và đi tiếp cùng mình chặng đường hôn nhân hay không.

Bên cạnh đó, khi những khó khăn mới ùa tới, có những quan điểm và tư duy của hai vợ chồng không còn giống nhau nữa. Lúc ấy kết thúc là tất yếu, chỉ có điều kết thúc như thế nào và giá trị còn lại có giữ được như mình mong muốn hay không.

Nhưng có thể tự hào rằng tôi và anh Huy vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp, thậm chí còn thấy được những điều hay hơn ở nhau khi không còn là vợ chồng. Bản thân tôi cũng thấy đời sống hiện nay của mình có nhiều điều thú vị hơn khi vẫn là người phụ nữ sống trong một cuộc hôn nhân không lối thoát.

- Chị vừa nói mình đã vượt qua khó khăn để được bình an, vậy hiện tại chị đã đạt tới “bình an” trong “đường tình duyên” chưa?

- Chưa (cười). Không có kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào cả. Mà mỗi một người đàn ông, mỗi một người phụ nữ đều có những điểm hay cần được khám phá. Và tôi chỉ có thể nói rằng mình đã gặp được một người đàn ông - đó cũng là một “quyển sách” để tôi thấy mình thích đọc và khám phá. Nhưng cũng chưa thể nói gì về “đoạn cuối” của “quyển sách” ấy. Người đàn ông đến với tôi chắc phải “hay” lắm thì mới có thể cùng tôi chia sẻ cuộc sống ấy.

- Vậy có thể hiểu người đàn ông mà chị vừa nhắc tới không thuộc giới văn nghệ sĩ, không làm việc trong “môi trường tương đối độc hại” như chị?

- Không. Anh ấy làm một công việc hoàn toàn khác. Anh ấy cũng từng có ý định “thâm nhập” môi trường công việc của Phương để hiểu hơn về tôi, về niềm say mê của toi. Nhưng tôi không muốn vậy, anh ấy cần hiểu tôi qua con người chứ không nhất thiết phải qua công việc mà tôi say mê.

- Dù chưa nói gì tới “đoạn cuối” của “quyển sách”, nhưng chắc hẳn chị vẫn mong mình lại là một người phụ nữ của gia đình, chị thấy sao?

- Tất nhiên rồi. Thậm chí đến lúc này tôi vẫn luôn sẵn sàng hy sinh sự nghiệp của mình để “đầu tư” cho một tổ ấm.

(Theo An Ninh Thủ Đô)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật