Kiếm “bộn” tiền nhờ cuộc thi Robocon

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều nhóm nghiên cứu đã kiếm được khá tiền nhờ bán linh kiện, thiết bị điện tử cho các đội tham gia cuộc thi Robocon...
Kiếm “bộn” tiền nhờ cuộc thi Robocon
Một đội đã hoàn thành phần thi của mình. Ảnh: Thái Ngọc

40 triệu đồng là số tiền mà HLAB thu được trong năm nay nhờ bán bản mạch, linh kiện, thiết bị điện từ cho các đội tham gia cuộc thi Robocon. HLAB là một nhóm nghiên cứu của sinh viên, chuyên chuyên phát triển các thiết bị điện tử và do anh Bùi Thế Hoàng làm trưởng nhóm. Ngoài HLAB, nhiều nhóm khác như Câu lạc bộ (CLB) Khoa học Trẻ, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM; CLB BKIT4U của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hay Công ty TNHH Phát triển công nghệ Robot... cũng sống được nhờ Robocon.

Đắt hàng

Theo anh Bùi Đình Phú, thành viên của HLAB: khách hàng mua thiết bị gồm có các trường đại học, cao đẳng nhằm trang bị cho các đội robocon của mình, nhưng nhiều nhất vẫn là bán lẻ cho các đội. Mùa thi Robocon năm nay, HLAB đã bán được khoảng 60 bộ điều khiển động cơ, 50 thiết bị dò đường và 20 bộ điều khiển trung tâm…

Trong khi đó, anh Lê Tấn Cường chủ nhiệm CLB khoa học Trẻ, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết, đến nay đã bán được nhiều bộ bo mạch, bộ điều khiển cho các trường và thu về được  gần 15 triệu đồng”. Còn CLB BKIT4U của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: cũng đã bán được gần 30 bộ điều khiển cho các đội robot tham gia sân chơi robocon. Giá một bộ điều khiển hiện nay là 1,5 triệu đồng.

Theo các đơn vị nói trên, các đội chơi robocon có thể tự chế tạo  được những bộ điều khiển, mạch… Tuy nhiên do ít kinh nghiệm, họ thường phải tốn nhiều thời gian, công sức. Thêm vào đó, thiết bị do họ làm có thể hoạt động thiếu ổn định, dễ bị cháy, nên mua là giải pháp hợp lý. Dù mua phần cứng, nhưng để robot hoạt động thế nào thì vẫn phải đòi hỏi tay nghề (giải pháp kỹ thuật, lập trình) của các đội tham gia dự thi Robocon. 

Sân chơi ngày càng quyết liệt

Năm 2008, anh Mai Anh Hòa thành lập Công ty TNHH Phát triển công nghệ Robot kinh doanh về robot và cung cấp dịch vụ cho các đội thi Robocon. Chị Bùi Kim Dung, phụ trách maketing của công ty Robot tiết lộ, nhiều trường đã bỏ ra khoản kinh phí không nhỏ để yêu cầu công ty cung cấp những động cơ thích hợp cho robot của mình để có thể giành chiến thắng. Có những đơn hàng, công ty phải đặt mua ở nước ngoài và chuyển về.

Bộ điều khiển do HLAB chế tạo có giá 500 nghìn đồng. Ảnh: Thái Ngọc

Thực tế, sân chơi Robocon ngày càng phức tạp hơn. Nhiều đội dự thi phải dùng động cơ của các đội chơi năm trước để lại, hoặc lùng mua lại động cơ cũ với giá vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên cũng có trường, có đội sẵn sàng bỏ ra ba, bốn triệu đồng để có được động cơ mới cao cấp hơn. Ngoài Công ty Robot, còn có Công ty Vtech... Năm 2009, ra trường với kinh nghiệm qua nhiều cuộc thi có liên quan đến robot, Nguyễn Văn Tuấn, cựu sinh viên khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã nhanh chóng thành lập Công ty công nghệ Vtech (Vtech).

Tất cả những sản phẩm, linh kiện, vật dụng phần cứng đến phần mềm, ý tưởng thiết kế, giải pháp kỹ thuật… liên quan đến sân chơi robocon, đều được Vtech cung cấp một cách đầy đủ. Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc công ty Vtech tiết lộ: Vtech đã có doanh thu hơn 300 triệu đồng từ cuộc thi robocon năm 2012. Theo anh Tuấn, để sống được với nghề này phải có kinh nghiệm, hiểu về robot, nắm rõ chủ đề thi robocon của mỗi năm.

Tuy nhiên, theo anh Phan Đình Thế Duy, một chỉ đạo viên của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: tiêu chí của cuộc thi Robocon là sáng tạo, nhưng với  cách nghĩ khác nhau của các trường dự thi thì tính “ăn thua” có thể làm cho sân chơi mất đi tính hấp dẫn.

Từ năm 2002, Robocon là cuộc thi thường niên do Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình Châu Á Thái Bình Dương (Asia-Pacific Broadcasting Union-ABU) tổ chức để cổ vũ cho phong trào sáng tạo robot trong thanh niên của khu vực. Thành viên tại mỗi nước được cử một đội là sinh viên của một trường đại học hay cao đẳng tham dự (ngoại trừ nước đăng cai tổ chức được cử hai đội). Để chọn đội tuyển tham gia cuộc thi Robocon quốc tế, Việt Nam tổ chức cuộc thi Robocon Việt Nam. Từ năm 2002, năm đầu tiên Robocon trở thành cuộc thi quốc tế, Việt Nam đã giành ngôi vô địch ngay năm đó. Đây là một kết quả ít người dự đoán được trước giải, bởi Việt Nam có trình độ KH-CN tương đối thấp. Thậm chí, Đài truyền hình Nhật Bản NHK còn dự định làm một thước phim nói về... sự thất bại của đội Việt Nam từ trước khi giải đấu diễn ra. (Theo Wikipedia).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật