Người chồng mất nhân tính vì cờ bạc

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trời đất như sụp đổ dưới chân chị Nga khi chồng chị thú nhận tất cả. Bao nhiêu tiền bạc, tài sản, anh đều “nướng” hết vào canh bạc.
Người chồng mất nhân tính vì cờ bạc
Ngôi nhà đẹp mà vợ chồng anh chị vất vả để làm nên giờ đã rơi vào chiếu bạc

Khó khăn có nhau

Chị Nga và chồng cưới nhau đã được ngót nghét 20 năm. Vì nhà chồng cũng không thuộc hạng khá giả lại đông con (cả nam và nữ lên đến chín người) nên sau khi cưới hai vợ chồng được bố mẹ chồng cho mảnh đất “cắm dùi” ở hiên dưới nhà. Hàng ngày cả hai vợ chồng cùng phải dậy từ 4-5 giờ sáng đã phải lục đục dậy ra các chợ đầu mối để lấy hàng và sau đó bán lại. Khốn khổ đến mức việc sinh con cũng phải lên kế hoạch hoãn lại.

Cuộc sống vất vả nhưng hai vợ chồng hạnh phúc, đi đâu cũng có nhau. Hai năm sau ngày cưới, dành dụm được chút vốn anh chị mới dám sinh con. Tuy nhiên sinh con xong thì điều kiện kinh tế eo hẹp khiến chị phải gửi con về nhà ngoại nhờ  bà chăm sóc: “Nhà tôi và nhà anh cách nhau chưa đến 1 cây số và nhà tôi thì chỉ có hai chị em gái, bố lại đi công tác xa nhà. Vợ chồng vất vả nên khi bé vừa cai sữa thì cũng lại phải gửi về nhờ bà ngoại chăm sóc”, chị Nga tâm sự.

Thấy hoàn cảnh các con vất vả, nhà lại neo người nên bố mẹ chị Nga quyết định cho hai vợ chồng chị gian nhà ngang cấp 4 để có điều kiện chăm sóc con và cuộc sống cũng thoải mái hơn. Chồng chị Nga thấy công việc buôn bán cũng ngày một thuận lợi nên anh bàn với vợ việc mở rộng buôn bán. Hàng ngày hai anh chị chịu khó dậy sớm hơn.

Sau vài năm tích cóp hai vợ chồng cũng có được chút vốn. Có tiền cộng với chút kiến thức về xây dựng chồng chị Nga nhanh chóng chớp thời cơ chuyển  sang làm cai thầu. Cũng từ đó điều kiện kinh tế gia đình được cải thiện hơn. Nhà dư dả về vật chất nên chị Nga cũng không chạy chợ nữa mà ở nhà để tiện bề chăm sóc con và giúp chồng thanh toán tiền vật liệu xây dựng hay thu tiền của khách. “Sau vài năm thì hai vợ chồng có của ăn của để và quyết định xây nhà. Căn nhà ba tầng bề thế được dựng lên. Phải nói tại thời điểm đó căn nhà của vợ chồng tôi to và đẹp nhất khu”, chị Nga có chút tự hào.

Sống ở mảnh đất “nhất định phải có con trai” nên khi dư dả, mặc dù đã có hai con nhưng đều là gái nên chị Nga bấm bụng sinh thêm đứa nữa cho có nếp có tẻ: “Nhà có to, nhưng có con gái thì lập tức bị quy thành “nhà tình nghĩa”, đi ăn ở đâu thì cũng liệt vào hang chiếu dưới. Cho nên vợ chồng tôi phải sinh thêm đứa nữa”. Và cuối cùng thì trời cũng thương. Đứa bé chào đời là một thằng cu kháu khỉnh. Vợ chồng chị Nga làm tiệc thiết đãi mọi người suốt gần một tuần trời. Chồng chị thì tự hào lắm, bây giờ đi đâu cũng có thể ngẩng cao đầu.

Giàu có… đổi thay

Cuộc sống tưởng như không còn gì có thể hạnh phúc hơn thì cũng chính là lúc tai họa giáng xuống đầu chị. Chồng chị bây giờ đã là một chủ thầu to chỉ nhận những công trình lớn.

Trước đây anh ăn mặc giản dị chỉ mải lo làm ăn, đến ăn sáng cũng không bao giờ ra ngoài mà chỉ có ăn cơm nguội vợ hâm hay bát mỳ tôm vợ nấu, đi đâu có của ngon gì cũng mang về biếu mẹ vợ hay cuối tuần thì mua đồ về để cả nhà cùng ăn cho thay đổi không khí thì bây giờ ngược lại hoàn toàn. Anh bây giờ không còn ăn sáng ở nhà nữa mà thay vào đó là các bữa ăn ở ngoài. Quần áo thì ra ngoài bao giờ cũng phải là lượt phẳng phiu đôi khi có cả nước hoa thơm phức.

Chồng chị cũng thường xuyên vắng nhà hơn: “Ban đầu tôi nghĩ đó là chuyện bình thường vì cái nghề làm xây dựng nó phải thế, có nhiều khi anh đi cả tuần mới về. Nhưng cũng có những dấu hiệu thay đổi mà tôi cũng không để ý. Đó là dạo này anh không những không mang tiền về như trước mà mỗi lần về lại bảo vợ đưa tiền”, chị Nga thở dài.

Khi chị chêm vài lời thắc mắc hoặc càu nhàu thì anh bao biện: “Bây giờ thời buổi kinh tế khó khăn bao nhiêu công ty nhà nước cũng đang phải vay nợ ngân hàng đầm đìa kia kìa”. Cuối cùng sau một năm thì các khoản tiền tiết kiệm của hai vợ chồng hết sạch. “Anh ấy bảo tôi đi vay thêm của anh chị em trong nhà. Tôi không biết gì cứ cắm đầu làm theo lời anh bảo. Có nhiều người trong họ tôi vay phải đến hàng mấy trăm triệu đồng. Có ông anh có công ty vận tải, anh ấy cho mượn một chiếc xe để chuyên chở vật liệu xây dựng. Mấy hôm không thấy xe đâu tôi hỏi thì anh cũng nói là đã cầm cố để trả lương cho công nhân. Trong làng bắt đầu có tiếng ì xèo là chồng tôi đi lên tỉnh đánh bạc mà còn đánh rất lớn… Tôi không tin…”, chị Nga cho biết.

Trời đất như sụp đổ dưới chân chị Nga khi chồng chị thú nhận tất cả. Bao nhiêu tiền bạc, tài sản, anh đều “nướng” hết vào canh bạc. Đã thế dựa vào mối quan hệ anh đã vay rất nhiều người nhiều nơi với giá lãi cắt cổ. Ngày nào chị cũng phải gồng mình hứng chịu những lời chửi rủa, đe dọa của đám chủ nợ và mấy gã đầu gấu. Chỉ trong vòng hai ngày căn nhà cả đời gây dựng của hai vợ chồng được sang tên cho người khác. Nợ chồng nợ, còn số tiền ít ỏi bà ngoại giữ lại cho các cháu học thì nửa đêm chồng chị dựng cả nhà ngoại dậy đòi đưa nốt không thì cả nhà cùng chết: “Đúng là mất hết nhân tính rồi. Cả nhà tôi bây giờ không biết đi đâu về đâu. Đớn đau quá”, chị Nga gạt nước mắt trong nỗi tuyệt vọng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật