Cá cược hợp pháp: Chưa “bấm nút”, cá lậu đã nhảy

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2006, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban TDTT (nay là Tổng cục TDTT) lập đề án kinh doanh cá cược bóng đá. Từ đó đến nay đã nhiều lần tham khảo, học hỏi, đệ trình nhưng “cá” vẫn chưa thể lên “sàn”.
Cá cược hợp pháp: Chưa “bấm nút”, cá lậu đã nhảy
Những trận bóng hạng nhất không khán giả như thế này vậy mà “nhà cái” vẫn “nhảy kèo” vì có trực tiếp truyền hình.

Học rất nhiều và “trình” cũng không ít nhưng đề án cá cược đến nay vẫn chưa thể vận hành một cách chính thức bằng cái tên cá cược.

Lâu nay các loại hình “cá” mới chỉ được nhắc đến qua cái tên “vui chơi, giải trí có thưởng” như đua ngựa (trước đây), đua chó… cuối tuần vẫn sáng đèn và cũng có kẻ thắng, người thua.

Nóng nhất trong loại hình này là bóng đá và đấy cũng là lý do những năm 2007-2009, LĐBĐ VN đã cử nhiều phái đoàn đi tham khảo các loại hình cá cược ở nhiều quốc gia và tiếp xúc với nhiều nhà cái sẵn sàng lao vào làm đối tác khi được “bật đèn”.

Mới đây, tờ báo về kinh tế Wall Street Journal của Mỹ cũng đưa rất đậm thông tin Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đến thăm Singapore để tìm hiểu về hoạt động cá cược thể thao. Tờ báo này còn chỉ rõ bộ trưởng đã gặp gỡ ban điều hành Tote Board và Singapore Pools cùng các cơ quan của chính phủ Singapore chịu trách nhiệm điều hành hoạt động cá cược thể thao cùng những lời bình luận thị trường cá cược Việt Nam vẫn đóng nhưng sẽ là thị trường béo bở nếu...

Tại Việt Nam, chưa có “cá” nhưng trên các trang web và cả báo thể thao hay những báo chuyên đề về bóng đá thì nhan nhản những thông tin “kèo” châu Âu, kèo châu Á các trận đấu. Riêng khoản “mời cá” thì rất đa dạng với nhiều loại hình chơi rất đơn giản và người chơi thì được hướng dẫn từng li, từng tí.

Nếu trước đây, chỉ có các trận quốc tế là “nhảy kèo” thì bây giờ các trận bóng đá ở giải hạng nhất hay chuyên nghiệp Việt Nam cũng “nhảy kèo”. Ghê gớm hơn là một số trang web từ nước ngoài còn “khẳng định” là đại diện tại Việt Nam (!?) rồi hướng dẫn vào chơi với thủ tục đơn giản sau nhiều lần click chuột để có một tài khoản và chơi. Điều kiện cần với người chơi là phải có thẻ ATM có giá trị thanh toán…

Mới đây, một bạn đọc gửi thư lo lắng về việc giải hạng nhất ít được quan tâm nhưng những trận có truyền hình trực tiếp thì “nhà cái” đều “nhảy kèo” với những tỉ lệ rất sít sao. Thậm chí việc “nhảy kèo” đấy còn đa dạng đến mức đưa ra cả “tài-xỉu”, ném biên, phạt góc, thẻ phạt… Điều này cho thấy “nhà cái” lậu đã “khai thác” những trận đấu có sóng truyền hình trực tiếp của các nhà đài và “mở” riêng các kèo để rủ người chơi theo kiểu cùng xem và cùng chơi.

Qua việc này nhiều người càng giật mình hơn với cuộc chiến thương quyền liên quan đến bản quyền truyền hình mà lâu nay bóng đá Việt Nam cứ đấu nhau để giành dù chính thống mà cân, đo, đong, đếm thì chưa đơn vị nào có lãi từ việc mua bản quyền truyền hình bóng đá trong nước.

Dù gì thì việc chuyện trong nhà còn đang bàn và đang nâng lên đặt xuống với những đề án được trình thì “ở ngoài” đã mượn các kênh truyền hình có trực tiếp để làm ăn và lôi kéo người chơi tham gia rất đáng báo động.

- Con số thống kê từ các “nhà cái” nước ngoài thì bình quân mỗi năm có hơn 1 tỉ USD từ “cổng cá” ở Việt Nam “chảy” sang nước ngoài qua hình thức cá cược lậu và chủ yếu là bóng đá.

- Trong khi Việt Nam vẫn còn cấm cá cược thì người chơi nếu muốn tham gia lại dễ hơn cả đánh số đề (cũng là loại hình bị cấm). Tại những quán xá có thể nhờ người ghi hoặc đánh quen thì chỉ cần một cuộc điện thoại là tất cả đều được ghi nhận. Thắng có người đến đưa tiền và thua thì có người đến thu.

- Riêng đánh trên mạng thì nhiều vô kể. Chính trong giới cầu thủ Việt Nam từng kể về một tuyển thủ mê đánh qua mạng đến độ có một đêm mà thua đến 6.000 USD và có lần cầu thủ này xin nghỉ rồi biến mất vì bị xã hội đen hăm nếu không trả tiền sẽ lấy mạng.

Đón đọc kỳ tới: Chưa đi học đã có thầy đến dạy

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật