Putin với hành trang mới

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông Putin vừa tái đắc cử Tổng thống với tỉ lệ áp đảo 65% so với các ứng cử viên khác. 12 năm đã qua kể từ khi lần đầu tiên ông trúng cử, nước Nga đã đổi khác vì vậy ông Putin đã chuẩn hành tranh gì mới cho những thách thức mới đang đặt ra trong thời gian tới.
Putin với hành trang mới
Ảnh minh họa
Kể từ năm 2000 tới năm 2008 khi ông Putin kết thúc hai nhiệm kỳ Tổng thống, nhường ghế cho ông Medvedev, hành trang nước Nga trong 8 năm dưới thời Putin rất ngoạn mục với tổng lượng GDP lần lượt vượt GDP của Pháp, Braxin, Italia vươn lên nền kinh tế thứ 7 thế giới. Các mặt chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa cũng đạt thành tựu to lớn. Địa vị nước Nga trên trường quốc tế đã tăng lên rất lớn, quyền phát ngôn đã nặng ký hơn nhiều.
Nhưng kể từ khi cuộc khủng hoảng tiền tệ tài chính nổ ra ở Mỹ 2009, tiếp đó là cuộc khủng hoảng nợ công của Châu Âu tới nay, khiến nước Nga gặp không ít khó khăn. GDP năm 2009 tụt dốc và tăng trưởng âm, năm 2010 GDP tăng trưởng đạt 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức 8% trước đây. Tỉ lệ thất nghiệp tới 9%, con số người nghèo tăng lên 17,7%.
Năm 2011 ngay từ đầu năm nước Nga đã tiền đầu bất lợi và tiếp tục suy giảm. Tiếp đó bị Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P hạ cấp tín nhiệm tín dụng Nga, làm thị trường chứng khoán Nga một thời bị chao đảo, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế. Chỉ số Sở giao dịch chứng khoán Nga ngày 8/8/2011 lúc đóng cửa là 1.657,7 điểm, giảm 7,84%, lần đầu tiên dưới ngưỡng 1.700 điểm. Đồng Rúp giảm 3,7% so với đồng USD. Tình trạng vốn ồ ạt chạy ra nước ngoài cũng tăng lên.
Với những chính sách kinh tế đúng đắn, Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin đã cố gắng vực nước Nga ngược dòng tăng trưởng và phát triển ngoạn mục nửa cuối năm 2011 mà không bị khủng hoảng nợ công của Châu Âu níu kéo, kìm chân. Mức tăng trưởng GDP năm 2011 đạt 4,5%, cao hơn các nước Châu Âu và Mỹ. Chỉ số lạm phát kiềm chế ở mức dưới 7%.
Cuối năm 2011, Nga kết thúc “Cuộc chạy maraton” 18 năm gia nhập WTO vào ngày 16/12/2011 để chính thức trở thành thành viên WTO. Tiếp đó, Nga cùng với Belarus và Cadacxtan hình thành “Nhất thể hóa kinh tế xuyên Á-Âu”. Ba nước quyết định thành lập Ủy ban kinh tế Âu-Á thay cho Ủy ban đồng minh thuế quan hiện nay. Tới năm 2015, ba nước xây dựng “Thể liên hợp siêu quốc gia hùng mạnh”.
Đây là hai thắng lợi có ý nghĩa trọng đại cả về kinh tế và chính trị của Nga. Bởi vậy, trước khi kết thúc năm 2011, Thủ tướng Putin nói: “Nửa đầu năm 2012, Kinh tế Nga sẽ hồi phục bằng mức trước khủng hoảng tiền tệ thế giới. Dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2012 đạt từ 6% tới 7%. Trong 5 năm tới, Nga sẽ trở thành thực thể kinh tế lớn thứ 5 thế giới.”
Về chính trị xã hội, nước Nga 12 năm qua kể từ khi Putin lên nắm quyền tới nay đã có biến đổi sâu sắc. Cùng với tăng trưởng kinh tế và mở cửa với bên ngoài, tầng lớp trung lưu tăng lên, không ít nhà tài phiệt xuất hiện, thế lực của phe đối lập cũng mạnh lên nhiều. Vì vậy, những cuộc đấu tranh chống đối của họ đòi có địa vị  xứng đáng trên chính trường cũng như cuộc đấu tranh của phe đối lập cũng ngày càng tăng lên và quyết liệt hơn. Năm 2011, nhiều cuộc biểu tình chống Putin, thậm chí đòi “lập đổ Putin” tăng lên mà giới báo chí Phương Tây và Mỹ gọi cuộc đấu tranh này là “Mùa Xuân nước Nga”.
Ngày 5/3/2012 ngay sau khi kết thúc bầu cử, tại Quảng trưởng Đỏ Matxcova có 13 cuộc biểu tình của dân chúng, trong đó đa số là biểu tình “chống Putin” với khẩu hiệu lên án Putin “bóp chết dân chủ”, “Putin độc tài”, “Chính quyền Putin tham nhũng”, “bầu cử gian lận”... Phe chống đối gồm thế lực của giới tài phiệt đã lợi dụng công cuộc cải cách ở Nga phất lên giàu có mà đại biểu là Boris Berezosky.
Tiếp đó là những người đã từng làm việc dưới thời Putin nay trở thành phe đối lập, muốn tranh giành địa vị và ảnh hưởng với Putin như Cựu Thủ tướng Mikhail Kasyanov, Cựu Phó Thủ tướng Boris Nemsov. Những người đại diện cho tầng lớp tự do không đảng phái như Cựu danh thủ cờ vua Kaspalov.
Những tầng lớp chống đối này đã nhận được sự ủng hộ và khích lệ của Mỹ và phương Tây. Ngay sau khi công bố Putin thắng cử, Đại diện Chính phủ Mỹ trong tuyên bố chỉ nói sẽ triển khai hợp tác với Tổng thống mới, nhưng tuyệt nhiên không hề nhắc tới tên “Putin”. Đồng thời Mỹ, Phương Tây cho rằng kết quả cuộc bầu cử này còn tồn tại “vấn đề” cần được xem xét lại. Điều này cho thấy quan hệ giữa Nga với Mỹ và Phương Tây hiện đang tồn tại nhiều vấn đề và mâu thuẫn, nhất là các vấn đề chiến lược toàn cầu và hệ thống phòng thủ tên lửa.
Cuộc bầu cử Tổng thống Nga vừa qua cũng cho thấy nước Nga đã có nhiều biến đổi sau 12 năm cả về kinh tế, chính trị. Thế áp đảo của Putin không còn như trước đây mà ông đang đứng trước một hành trang mới.
Về kinh tế đang đầy rẫy khó khăn và thách thức, nhất là tác động của khủng hoảng nợ công và tình trạng suy thoái của kinh tế thế giới đối với nước Nga.
Về chính trị, thế lực chống Putin ngày càng tăng lên, nhất là trong viện Đuma. Điều này cho thấy “con thuyền Nga” trong nhiệm kỳ mới do Putin cầm lái không còn “xuôi chèo mát mái” như trước đây mà đang đứng trước cơn sóng dữ và đá ngầm. Putin đang đứng trước nhiều thách thức mới kể cả thách thức đối với chính mình. Cải cách dân chủ, chính trị và chuyển đổi cơ chế kinh tế ra sao sau khi Nga đã là thành viên cua WTO hiện đang là vấn đề gai góc đối với Putin.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật