“Ông từ” và những giải mã về giàn chiêng Mường cổ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi tìm về con hẻm hun hút sâu, trong cái ngõ Khâm Thiên chật chội ở Hà Nội để tìm ông già Lê Thanh Bảo, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc nhiều người biết tiếng...
“Ông từ” và những giải mã về giàn chiêng Mường cổ
“Ông từ” Lê Thanh Bảo (Ảnh: Viết Trường)

Con người như một đạo sĩ ẩn dật, làm “ông từ” coi ngôi đền thờ họ Lê. Đối lập với phố xá ồn ào ngoài kia, trong này thật tĩnh mịch. Bên chén trà nóng, ngồi nói chuyện với ông trong ngôi đền mà xung quanh là trống và chiêng đồng có những cái lớn, mà tôi chưa khi nào nhìn thấy như thế. Ông cho biết, những chiếc chiêng và trống đó là do ông chỉ đạo đúc, cách đây hơn 10 năm rồi. Ông nói: “Nó cứ như trời xui đất khiến thế nào, như ai đó giục là phải phục hồi lại chiêng trống. Lúc đầu, không biết để làm gì, hóa ra là để sử dụng cho Đại lễ Thăng Long - Hà Nội ngàn năm ấy”.

Đầu xuân, mưa lây phây, ông cùng đoàn các vị cao niên thuộc Trung tâm văn hóa Người Cao tuổi đến bái yết đền Đồng Cổ (Thụy Khuê, Hà Nội). Đây là ngôi đền thiêng có từ gần ngàn năm trước, thờ thần Trống Đồng và có hội thề đền Đồng Cổ nổi tiếng mà nay “khói lạnh, hương tàn”. Ông đã đại diện các bô lão, lặng lẽ khấn rằng: Con là Tuệ Tâm Lê Thanh Bảo…, rằng: “Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu thì trời tru đất diệt… Với anh linh tiên tổ chứng giám… Con xin thề!”.  Cùng với tiếng chiêng Mường, tiếng trống đồng Đông Sơn, những lời ấy, như dội về trong tôi - một kẻ hậu sinh những điều sâu xa nhất về cội nguồn.


Cách đây ít lâu, Hội Cơ học đất Việt Nam có đăng cai tổ chức một hội nghị quốc tế chuyên ngành về kiến trúc xây dựng. GS.TS Nguyễn Trường Tiến, với tư cách là Chủ tịch Hội Cơ học đất VN, chủ trì hội thảo, muốn có một “đặc sản” riêng có của Việt Nam để tiếp khách quý quốc tế, liền mời “một con người rất thân quen” đến. Trên sân khấu của hội nghị hôm đó, dàn cồng chiêng, kết hợp với trống đồng, với âm vang trầm hùng ấy đã làm cho các vị khách quý kinh ngạc, hết lời thán phục.


Sau này, GS.TS Nguyễn Trường Tiến nói mãi với “ông bạn già”- nhạc sĩ Lê Thanh Bảo: “Hôm đó bác “tởm” quá!”. Ai cũng biết với GS. Tiến, cái gì quá xuất sắc, xuất sắc đến độ kinh hãi thì được ông gọi là… tởm! Đó là đặc sản, quốc hồn quốc túy, cái tự hào nhất mà người Việt có thể tự hào.


“Không tự hào không được!”. Trong ngôi đền thờ họ Lê linh thiêng, ông Lê Thanh Bảo nói, và lấy ra cuốn sách của một học giả nước ngoài viết, có tên “Đại chủng Việt phương Đông”. Ông say sưa nói về nền văn hóa sâu dày của cư dân Việt cổ, từ đây- nơi phát tích Phong Châu- Phú Thọ, men ra ven chân núi Ba Vì (hồi đó đồng bằng sông Hồng vẫn là biển) người Việt đã di cư ra có thể rất nhiều nơi ở Đông Nam Á này. “Đây, nhận thức không chỉ của tôi, của học giả nước ngoài này, cũng tương đồng với ý của GS. Thiền sư Lê Mạnh Thát”.  Ông nói.


Ông Lê Thanh Bảo cho hay, cách đây 5- 7 ngàn năm, khảo cổ học thế giới chỉ đào được những công cụ sản xuất, nhưng ở Việt Nam, chúng ta đào được trống, được chiêng đồng! Chúng ta biết rằng, trống và chiêng là nhạc khí, thuộc phương diện tinh thần, ở trình độ văn minh thế nào mới có thành tựu như thế. Ông Lê Thanh Bảo nói tiếp, “Nguyên lý phức hợp của giàn chiêng, có đầy đủ thăng âm, đầy đủ các nốt nhạc, như của piano. Đây thực chất là cây piano cổ. Khi âm thanh cất lên, có cả dư vang, dư ảnh, trong một không gian rất linh thiêng. Cồng chiêng Mường là niềm kiêu hãnh của Lạc Việt”.


Là chiến sĩ đoàn quân Tây Tiến, vốn có khiếu âm nhạc từ nhỏ và có giọng hát ngọt ngào, hồi ấy Lê Thanh Bảo được chuyển sang đoàn văn công thuộc sư đoàn 351. Vì vậy mà ngay từ đầu năm 1950, bàn chân của ông bắt đầu rong ruổi khắp các bản làng của đồng bào dân tộc vùng cao để hát, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của các chiến sĩ bộ đội và người dân ở đó. Cũng chính từ những ngày gian khổ đó, ông sống chung với bà con dân tộc nên không biết từ lúc nào những bài hát, nhạc điệu của các dân tộc đã ngấm dần vào trong ông. Lê Thanh Bảo có thể hát, nói được nhiều tiếng dân tộc khác nhau.


Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, Lê Thanh Bảo về viện Âm nhạc (thuộc Bộ Văn hóa) làm chuyên viên. Khi làm chuyên viên của viện Âm nhạc, bước chân không mỏi của ông lại có dịp đi nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số suốt trong Nam ngoài Bắc để điền dã, sưu tầm những vốn quý của âm nhạc dân tộc. Những kiến thức về âm nhạc dân tộc của nhạc sĩ Lê Thanh Bảo được người trong nghề đánh giá rất cao, nhất là những hiểu biết về âm nhạc của người Mường, trong đó có chiêng Mường.


Trong những ngày lễ trọng đại của cả nước, như Quốc khánh 2-9, Quốc giỗ Hùng Vương, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…  người ta thấy hình ảnh một ông già mình trần, tóc búi tó, chỉ huy đoàn cồng chiêng Mường biểu diễn những âm vang trầm hùng, một không khí rất linh thiêng như vang dậy từ đất trời.


Theo quan niệm của người Mường, tiếng chiêng như gạch nối giữa ba yếu tố Thiên - Địa - Nhân, là linh hồn trong văn hóa, tín ngưỡng, lễ nghi của người Mường từ thuở khai thiên lập địa “đẻ đất, đẻ nước”. Tiếng chiêng hiện diện trong những sinh hoạt, và lễ nghi quan trọng trong sinh hoạt của người Mường, như lễ mừng cơm mới, lễ hội mùa pồn poong, tạ ơn thần linh, khi một đứa trẻ chào đời và khi người về thế giới bên kia đều phải có tiếng chiêng. Chiêng, với người Mường quan trọng như vậy, nhưng một thời do chiến tranh, do khó khăn, nhà nhà mang chiêng đi bán đổi lấy gạo ăn. Khi nhạc sĩ Lê Thanh Bảo là chuyên viên của viện Âm nhạc đi điền dã về xã Minh Quang, Ba Trại… (Ba Vì), tìm lại những chiếc chiêng còn “sót” lại. Nhạc sĩ Lê Thanh Bảo đã có công gây dựng đội chiêng Mường.


Nhiều lần, nhạc sĩ Lê Thanh Bảo đã dẫn đầu đoàn cồng chiêng Mường cổ của mình đi biểu diễn ở nhiều nơi suốt từ Nam chí Bắc, trong những dịp như Quốc khánh 2-9, ngày Giỗ tổ Hùng Vương,… thậm chí ra ngoài biên giới, khi ông dẫn đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài như biểu diễn ở Trung tâm Văn hóa Pháp ở Singapore… Tại đây ông biểu diễn các bài: Du kích ca, Đi đường mùa xuân (dân ca Mường), Hai Bà Trưng, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Chiều vùng cao ... rồi ông dùng chiêng đánh cả bài dân ca Anh, Pháp... làm cả hội trường hát vang theo nhịp điệu thanh âm của dàn chiêng. Ông Maceda, người Philippine, một trong bảy Ủy viên hội đồng âm nhạc thế giới, trầm trồ thốt lên, “giàn chiêng của Việt Nam thật độc đáo, có một không hai trên thế giới”.


Hơn 10 năm cần mẫn, trông coi ngôi đền thờ họ Lê, giữa Hà Nội, làm cho con cái ông không khỏi… ái ngại. Bởi, tuổi già, lại một mình thế này, nhỡ ốm đau. Bởi, ông nói, bản thân ông, gia đình, dòng tộc, và cả giang sơn này, nhờ ơn nhiều từ hồng phúc tổ tiên. Ông muốn ở đây nhang khói cho tiên tổ. Quanh năm suốt tháng, ông không chịu nằm giường hay phản, mà chỉ bằng tấm chiếu, ông nằm xuống nền đất. “Như vậy, được giao hòa giữa trời đất, và ông bà mình”. Không chỉ có kiến thức về âm nhạc dân gian truyền thống, ông còn nghiên cứu sâu về “Nho, y, lý, số”, và luôn quan niệm “dân có tuần, nước có vận”.


Ông như một “đạo sĩ”, hay cái thâm trầm uyên bác của nhà hiền triết. Tôi cũng chả biết nữa, nhưng được ngồi với ông, trong ngôi đền yên ắng ấy, tôi như được nạp thêm năng lượng từ kiến thức. Bởi, như người ta nói, mỗi người già là một thư viện kiến thức và nếu như thế thì “ông từ” này là cái thư viện lớn!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật