Đường vẫn tắc, Bộ trưởng ơi!

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hôm nay, đúng tròn một tháng triển khai thực hiện đổi giờ làm việc, học tập, đường Hà Nội vẫn tắc. Tuy chưa có đánh giá cụ thể của các cơ quan chức năng, nhưng thực tiễn ai cũng thấy rõ.
Đường vẫn tắc, Bộ trưởng ơi!
Một tháng sau đổi giờ, tuyến Tây Sơn - Chùa Bộc giờ cao điểm vẫn ùn tắc dài

Kỳ vọng lớn…

Sau một thời gian ngắn đề xuất và tham khảo ý kiến, ngày 1/2/2012, ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, Hà Nội chính thức bắt đầu tiến hành đổi giờ làm việc, học tập.

Có thể nói giải pháp đổi giờ làm việc, học tập trên địa bàn Hà Nội là một giải pháp lớn tác động đến cuộc sống của vài triệu người, với kỳ vọng giải được căn bệnh ùn tắc nan y.

Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng giải pháp này là liều thuốc hữu hiệu chữa căn bệnh ùn tắc vốn đã bám vào c‌ơ th‌ể Hà Nội bấy lâu nay. Với hàng loạt giải pháp mạnh mẽ của Bộ và Hà Nội, dư luận cũng tạm tin rằng đây có thể là bước đột phá mới.

Tuy nhiên từ khi giải pháp còn nằm trên bàn tính toán, các chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo không nên quá kỳ vọng vào giải pháp này.

Và dù ủng hộ, nhưng ông Nguyễn Hiệp Thống (Phó Giám Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cũng nhìn nhận thực tế rằng: “Vào những lúc 100% học sinh, sinh viên nghỉ hè, Hà Nội vẫn tắc đường. Đừng kỳ vọng phương án này là “chiếc đũa thần” trong việc giải quyết bài toán ùn tắc”.

Mới đi vào triển khai được vài ngày, ảnh hưởng của nó đã tác động ngay lập tức đến hàng triệu người dân Hà Nội, nào là khó khăn trong đón con, trường học nghỉ muộn phát sinh nhiều vấn đề, học sinh ngủ gật do phải đi học quá sớm, nào là bị trêu ghẹo vì tan học quá muộn…

Và điều gì đến cũng phải đến, sau khi hàng loạt trường học “kêu” khó, ngày 13/2/2012, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phải điều chỉnh lại giờ học của các trường. Và theo công văn của ngành giáo dục Hà Nội, giờ học của học sinh cơ bản lại trở về gần giống với trước lúc đổi giờ.

Chưa đến giờ cao điểm, các phương tiện cũng phải "bò" từng mét trên đường Lê Duẩn

dư luận bắt đầu nghi ngại về hiệu quả của giải pháp này, nhiều người nhận định việc giờ học được thay đổi về gần như lúc trước đổi giờ như là sự phá sản bước đầu của một giải pháp lớn.

Tuy nhiên ở thời điểm đó, khi mà dư luận còn nghi ngại thì một số lãnh đạo vẫn trấn an rằng, hiện chưa thể có đánh giá về hiệu quả của giải pháp này, cần có thêm thời gian theo dõi trên thực tế để có đánh giá tổng thể.

… hiệu quả được bao nhiêu?

Đến hôm nay, 1/3/2012, đúng 1 tháng Hà Nội thực hiện đổi giờ làm việc, học tập, và kinh doanh, thời gian theo dõi cũng đã khá dài, vậy giải pháp này đạt được những gì?

Trước hết cũng phải nói rằng, giải pháp này cũng có đem lại hiệu quả nhất định nhưng nó không rõ ràng và vì thế chả ai nhận ra được sự thay đổi thực sự.

Tuyến phố Tây Sơn giờ cao điểm chiều tối 29/2/2012

Bây giờ, người ta lại dễ dàng nhận ra rằng hình ảnh chen lấn, tắc nghẽn lại trở nên quen thuộc với người Hà Nội vào giờ cao điểm.

Khi phóng viên khảo sát vào giờ cao điểm buổi chiều ngày 29/2/2012, tình hình ùn tắc, chen lấn diễn ra thường xuyên.

17h40, đường Lê Duẩn kéo dài theo công viên Thống Nhất, các phương tiện di chuyển theo hướng đi ra đường Giải Phóng đã bắt đầu ùn ứ kéo dài cả cây số, dòng phương tiện lại trở nên hỗn loạn, nhiều xe chạy lấn sang cả phần đường ngược chiều.

Khoảng 18h, những tuyến phố nổi tiếng ùn tắc như: Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng – Tây Sơn; Phạm Ngọc Thạch – Chùa Bộc; ngã tư Tây Sơn – Chùa Bộc; Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Láng – Trần Duy Hưng… tình trạng ùn tắc vẫn như xưa.

Và đường Láng cũng vậy

Anh Nguyễn Tiến Dũng (có cơ quan trên đường Láng – Đống Đa) cho biết: “Tôi chẳng nhận thấy sự thay đổi, vào giờ cao điểm mọi thứ vẫn thế, vẫn ùn tắc và chen lấn, vẫn khói bụi và tiếng còi inh ỏi”.

Một tháng đã trôi qua, ít ngày nữa Sở Giao thông Vận tải mới có đánh giá về giải pháp này.

Chúng ta hãy cứ chờ đánh giá cụ thể về hiệu quả, nhưng thực tiễn có thể đã cho ta thấy phần nào!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật