Quỳnh Anh Vietnam’s Got Talent: Ném đá tất có đỡ đá

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mấy hôm nay tôi đọc các bài viết “ném đá” tới tấp vào Quỳnh Anh và mẹ của em mà thấy buồn quá. Bỗng dưng tôi nghĩ đến hình ảnh một con gà mái mẹ cô đơn, cố xù lông lên, vùng vẫy một cách tuyệt vọng che chở cho đứa con bé bỏng của mình.
Quỳnh Anh Vietnam’s Got Talent: Ném đá tất có đỡ đá
Ảnh minh họa

Những người “ném đá”, các bạn là ai? Tôi tin trong số đó rất nhiều người đang là cha, là mẹ, và tất nhiên cũng đều có cha, có mẹ.

Ví thử đứa con bé bỏng của bạn gặp nạn, bạn sẽ làm gì? Và giả sử ở cương vị một người con khi gặp nạn, các vị mong chờ bố mẹ của mình điều gì? Và các vị có kỳ vọng vào con cái của mình không cũng như đã từng được (hay bị) cha mẹ của mình kỳ vọng?

Tôi không có ý định bênh vực, cổ vũ cho mẹ Quỳnh Anh hay bản thân em, nhưng tôi nghĩ mọi người hãy thử một lần đặt địa vị vào hoàn cảnh của hai mẹ con họ, một lần ngẫm về cá‌i tìn‌h mẫu tử sâu thẳm trong tim mình để có cái nhìn chia sẻ, cảm thông hơn.

Chúng ta vẫn thường ép con ăn để cao lớn, khoẻ mạnh, đẹp đẽ. Bắt con học thêm thật nhiều để giỏi giang “bằng bạn, bằng bè”. Cái giây phút  bế đứa con đỏ hỏn trên tay, ai trong chúng ta không một lần nghĩ con của mình là tuyệt vời nhất trên đời. Vậy vì sao ta lại trách mẹ Quỳnh Anh nặng lời thế khi bà “trót” tự hào, kỳ vọng vào con mình?

Mọi người nhắc nhiều đến bà Ngọ với tư cách một người phụ nữ có địa vị, hiểu biết, vậy mà lại hành xử như thế. Còn tôi, tôi nghĩ nhiều đến bà trong cái giây phút bà bước ra sân khấu bảo “Con đứng đây đi để mẹ nói”, câu nói bộc phát thuần bản năng mẫu tử, xù đôi cánh của gà mái mẹ bảo vệ đứa con đang chơ vơ đứng với niềm thất vọng ngập tràn.

Và tôi nghĩ đến Quỳnh Anh, thấy đau xót với những lời chê bai “giọng hát thảm hoạ”, “quá tệ” ...cùng những lời mạt sát, xúc phạm mẹ của em. Tôi không biết em có tài năng thực sự hay không, nhưng thiết nghĩ, một đứa trẻ 15 tuổi sẽ khó gượng dậy nổi sau những “trận đánh” tơi bời như thế. Sức mạnh của một lời khích lệ hay khinh thường, ám thị đối với một đứa trẻ quan trọng hơn nhiều người tưởng.

Bản thân bà Ngọ có lẽ cũng không ngờ sự việc lại bị đẩy đi quá xa đến thế. Nhưng vì bà đã trót kéo con bước lên con thuyền giữa sóng nước dư luận, nên bà cứ phải cố vẫy vùng chèo chống, không muốn dừng lại, bị coi là thất bại. Như việc phải đẩy bức thư kêu cứu của con lên trang web khi mọi chuyện tưởng chừng đã lắng lại.

Tôi nhớ đến một vở kịch đã đọc rất lâu rồi. Hai người phụ nữ tranh nhau một đứa trẻ, ai cũng nhận mình là mẹ. Quan toà bối rối, không biết phân xử ra sao, cuối cùng đành nghĩ ra một cách, là để đứa trẻ vào vòng tròn, rồi cho hai người phụ nữ mỗi người một tay đứa bé, ai kéo được đứa trẻ về phía mình sẽ thắng.

Và người buông tay đứa trẻ chính là người dứt ruột đẻ ra em. Buông tay con vì sợ con đau, nỗi sợ đó lấn át cả việc thắng - thua.

Trong việc của Quỳnh Anh, nên chăng cũng cần một bên “buông tay” như thế. Vì khi còn người “ném đá” thì tất vẫn có người “đỡ đá”, cuộc chiến sẽ càng bị đẩy đi xa hơn, tàn nhẫn hơn.

Quỳnh Anh mới 15 tuổi, lứa tuổi nhạ‌y cả‌m, dễ tổn thương, không đáng phải chịu hậu quả từ những hơn thua người lớn. Nếu xé rách được đôi cánh mẹ nhưng lại làm đau đớn chú gà con bên dưới, hẳn người chiến thắng cũng chẳng vui gì.

Mai Nguyên

(Mỹ Đình, Hà Nội)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật