Làng của những người Việt bị lãng quên tại Pháp

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng trăm gia đình sống trong dãy nhà dài, hẹp, trần thấp và bị hạn chế đi lại để không ảnh hưởng tới dân địa phương.
Làng của những người Việt bị lãng quên tại Pháp
Ông Pierre Charles Maniquant, một cư dân trong làng, đã chờ đợi gần 60 năm để được chuyển tới nơi ở phù hợp.

Khi những người Việt theo quân viễn chinh Pháp tới thị trấn Sainte-Livrade, chính phủ Pháp nói họ sẽ cư trú tạm thời trong một doanh trại quân đội bỏ hoang trước khi chuyển tới chỗ tốt hơn. Nhưng thời gian cư trú tạm thời đó đã kéo dài tới gần 6 thập kỷ.

Vào những năm 1950, Pháp nhận thấy hệ thống thu‌ộc đị‌a của họ bắt đầu tan rã nhanh chóng và vùng Đông Dương, hệ thống thu‌ộc đị‌a của Pháp ở phía đông, cũng không phải là ngoại lệ. Người Pháp vội vàng đóng gói hành lý chạy về quê hương.

Hàng nghìn người dân địa phương từng làm việc cho chính quyền thực dân hoặc đã kết hôn với công dân Pháp cũng muốn rời quê hương. Do vậy, chính quyền Pháp đã cho phép một số người trong số họ theo quân đội viễn chinh tới mẫu quốc. Khoảng 1.200 người trong số họ đã cùng binh lính vượt biển qua Pháp và sống trong doanh trại quân đội cũ gần Sainte-Livrade, một thị trấn nhỏ ở phía tây nam nước Pháp. Hồi ấy chính phủ Pháp nói họ sẽ chỉ ở trong doanh trại vài tháng rồi chuyển sang một nơi khác.

Người dân địa phương Pháp gọi nơi đây là làng Việt Nam trên sông Lot. Trong trại tị nạn có cửa hàng tạp hóa và nhà hàng Á Đông riêng. Trẻ em học bằng tiếng Pháp, còn những người lớn tuổi vẫn nói tiếng Việt. Điều thú vị là mọi người đều lấy tên Pháp.

Điều kiện sống ở trong doanh trại quân đội bỏ hoang rất thiếu thốn. Hàng trăm gia đình sống trong dãy nhà dài, hẹp, có tường xám và trần thấp. Chúng được lợp bằng tôn xi măng giống như những nhà kho trong trang trại. Nhà vệ sinh và lò sưởi gần như không tồn tại. Cư dân Việt phải hạn chế tối đa phạm vi di chuyển của họ để không gây rắc rối với người dân địa phương. Những người đàn ông làm việc trong các nhà máy địa phương còn phụ nữ làm việc trên những cánh đồng gần đó. Sự liên lạc với người Pháp được giữ ở mức tối thiểu.

Hầu hết cư dân đã tự chuyển tới chỗ khác, trừ 30 hộ gia đình. Giờ đây, chỉ còn khoảng 30 cư dân đầu tiên còn sống. Họ đang ở độ tuổi từ 80 tới hơn 90 và vẫn nói tiếng Việt. Số còn lại đã chết và con, cháu của họ đã chuyển đến nơi khác.

Ông Emile Lejeune, một trong 30 người còn sống, đã trải qua bảy năm tù ở Đông Dương vì tội chiến đấu cho Pháp. Giờ đây người đàn ông 91 tuổi vẫn còn cảm thấy cay đắng về những sự kiện đã xảy ra với ông. Ngồi giữa các bức tượng Phật, ông nói giới chức Pháp chưa bao giờ hỗ trợ cư dân trong làng hòa nhập vào cuộc sống của xã hội Pháp. Biết vậy song cư dân ở đây chẳng thể làm gì ngoài việc im lặng.

Một cư dân cao niên khác, Pierre Charles Maniquant, hay xem kênh truyền hình Việt Nam nhờ một chảo vệ tinh. 10 người trong gia đình ông sống trong hai phòng chật chội và phải dùng chung nhà vệ sinh ngoài trời với các gia đình khác. Ông kể sự liên hệ với thế giới bên ngoài của cư dân trong làng bị kiểm soát chặt chẽ tới tận thập niên 70. Maniquant nói người Pháp không tốt hơn cũng chẳng xấu hơn bất cứ ai khác, nhưng chính phủ Pháp đã khiến cho những người đến từ Đông Dương hoàn toàn thất vọng.

Theo BBC, sức khỏe và an ninh trong làng không bao giờ là một vấn đề được chính quyền quan tâm. Mãi tới năm 2004, khi một trong các cư dân cao tuổi qua đời trong một vụ cháy nhà vì các thiết bị điện bị lỗi, thì nhà chức trách Pháp mới hành động. Một số ngôi nhà bỏ hoang trong làng đã được dỡ bỏ, những ngôi nhà mới với phong cách châu Á dần mọc lên và chính phủ kêu gọi những cư dân cuối cùng chuyển đến đó ở.

Nhưng điều trớ trêu là hầu hết trong số họ đều không muốn rời đi. Sau gần 60 năm sống trong làng, họ không thể tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao nếu rời bỏ nó.

"Chúng tôi đã phải chờ đợi hơn nửa thế kỷ để mong có được những ngôi nhà thích hợp, nhưng tất cả các cư dân cao tuổi đã chết. Chỉ còn lại 30 hộ chúng tôi. Tất cả con em của chúng tôi đã chuyển sang những ngôi nhà mới để tìm kiếm cuộc sống riêng của chúng", ông Pierre Charles Maniquant than thở.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật