Vụ lở núi chết người: “Tử thần“ đã cảnh báo

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 17/2, công tác cứu hộ, cứu nạn 2 nạn nhân bị lở đá vùi lấp trên QL6 địa phận xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình đã bị đình trệ do đất đá trên núi tiếp tục đổ xuống với khối lượng ngày càng lớn.
Vụ lở núi chết người: “Tử thần“ đã cảnh báo
Chiều 17/2, hàng vạn khối đất đá vẫn lấp kín mặt đường

Đến 17h chiều, các lực lượng cứu hộ đã quyết định sẽ sử dụng thuốc nổ đánh sập moong ở phía Sơn La để đưa máy móc, nhân lực cứu hộ tiếp cận hiện trường.

Bàn phương án cứu hộ

Huy động hơn 200kg thuốc nổ

Tại hiện trường vụ tai nạn, hàng vạn đống đất đá đổ xuống chiếm toàn bộ mặt đường, khi các PV có mặt vẫn nghe thấy tiếng đá rơi từ trên cao xuống. Điều kiện thời tiết cũng không thuận lợi khi sương mù dày đặc chỉ nhìn thấy trong khoảng hơn 10m. Hàng trăm xe tải chở hàng đi Sơn La vẫn kiên trì nằm ở khu vực ngã ba xã Đồng Bảng chờ đường thông. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết cộng địa hình địa chất phức tạp đã khiến công việc cứu hộ, cứu nạn tại km138+600 QL6 trở nên vô cùng khó khăn. Khoảng 21h00 tối 16.2, thêm hàng vạn tấn đất đá tiếp tục đổ xuống sát điểm sạt lở cũ trong lúc bộ đội, công nhân Hạt 4 QL6 đang cứu hộ. Một máy ủi và một máy nổ đã bị vùi dưới đống đất đá, rất may mọi người đã kịp chạy khỏi hiện trường.

Được biết, Giám đốc Cty CP đầu tư và xây dựng công trình 222 đã bị đá văng vào mặt phải khâu 16 mũi. Theo Tổng cục Đường bộ VN, ước tính 30.000m3 đất đá đã đổ xuống hơn 200m chiều dài mặt đường. Do diễn biến phức tạp kể trên nên cả ngày 17.2, công tác cứu hộ đã phải dừng lại, một lán d‌ã chi‌ến được lập cách hiện trường khoảng 700m để ngăn không cho người dân đến gần. Đồng thời, 2 đoàn khảo sát gồm cán bộ Sở GTVT và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình đã đi đường núi nghiên cứu địa hình, đặc điểm của khu vực sạt lở.

16h chiều cùng ngày, một cuộc hội ý nhanh đã diễn ra tại trụ sở Hạt 4 QL6 do ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ chủ trì. Thông tin từ hai đoàn khảo sát cho thấy điểm sạt lở ở mép phía Hòa Bình xuất hiện vết nứt rộng 10 - 15cm, sâu 0,5m, dài hơn 20m. Địa hình càng về phía Sơn La càng dốc thoải. Các cán bộ khảo sát cho rằng với thời tiết mưa như hiện nay, đất đá tiếp tục ngậm nước nên địa hình phía Hòa Bình sạt lở là tất yếu. Vì vậy, cần tiếp cận hiện trường từ phía Sơn La với phương án đánh sập moong từ phía trên để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện cứu hộ bên dưới.

Hàng dài xe chờ thông đường

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT đã giao Khu quản lý đường bộ II điều thêm 2 máy ủi lớn từ phía Sơn La và Hòa Bình đến hiện trường, cung cấp thêm khoan để thực hiện đặt thuốc nổ. Đồng thời, đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự Hòa Bình hỗ trợ phương án vận chuyển thuốc nổ từ Cty quản lý xây dựng công trình 224 ở Mộc Châu (Sơn La) đến.

Đến 21h ngày 17.2, ông Trần Văn Sơn - Tổng Giám đốc Khu quản lý đường bộ II xác nhận với PV Báo Lao Động: 200kg thuốc nổ đã được chuyển đến hiện trường. Tuy nhiên, do thời tiết còn mưa nên lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận moong để khoan đặt thuốc nổ mà phải đợi đến sáng 18.2 mới tiến hành.

Ngăn đường chuẩn bị cứu hộ - Ảnh: Giang Huy

Thường xuyên sạt lở

Ông Nguyễn Ngọc Đông nhận định đây là vụ sạt lở có tính chất nghiêm trọng. Thứ nhất đã có người chết vì sạt lở, thứ hai khối lượng sạt lở lớn và có tính chất phức tạp do đất đá tiếp tục đổ dồn xuống. Chính vì vậy, dù lực lượng cứu hộ đã tập trung đầy đủ nhưng vẫn không thể tiếp cận vì có nhiều rủi ro. Còn ông Ngô Ngọc Đức - Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết, tại vị trí sạt lở năm 2007 đã từng xuất hiện sụt, trượt nhỏ nhưng vách núi vẫn còn thẳng đứng. Theo ông Đức: "Trước ngày xảy ra sụt lớn, có hiện tượng đất đá rơi nên chúng tôi đã cắm biển cảnh báo. Tuy nhiên, tai nạn đã xảy ra ngoài ý muốn". Theo ông Đức, hơn 150km đường QL6 đoạn đi qua Hòa Bình có rất nhiều điểm có địa chất phức tạp tương tự điểm vừa sạt lở. Việc sạt lở xảy ra thường xuyên đến nỗi chưa thể thống kê được một năm có bao nhiêu vụ, có năm đến hàng trăm vạn mét khối đất đá đổ xuống đường nhưng chủ yếu xảy ra trong mùa mưa, đây là lần đầu tiên sạt lở ở thời điểm đầu năm.

Đến thăm nhà nạn nhân Vì Thị Nguyệt ở xóm Phiêng Sa, xã Đồng Bảng, chúng tôi được người dân cho biết đoạn đường QL6 qua xóm thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa. Nặng nhất là năm 2007, 11 hộ dân đã bị đất đá lở cuốn trôi nhà cửa trong cơn bão số 5, rất may không có thiệt hại về người. Hiện các hộ dân này đều đã được di dời đến khu tái định cư tránh xa khu vực từng bị sạt lở.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật