Năm Du lịch quốc gia 2012: Có gì đãi khách?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm Du lịch quốc gia (DLQG) Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 có chủ đề “Du lịch di sản“ đã bắt đầu khởi động tại Thừa Thiên Huế với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào xuân. Đặt ra không ít kỳ vọng, mảnh đất cố đô - trung tâm của sự kiện đang cố gắng tạo dựng một điểm đến đặc sắc, hấp dẫn. Thế nhưng, làm thế nào để tạo được dấu ấn trong lòng du khách lại không phải chuyện dễ.
Năm Du lịch quốc gia 2012: Có gì đãi khách?
Ngành du lịch Thừa Thiên Huế hy vọng sẽ mang đến những “món” lạ, thực sự hấp dẫn du khách, đồng thời tạo sự đột phá trong Năm DLQG 2012. Ảnh: Minh Nguyễn

Bài học từ các kỳ tổ chức trước…

Tính từ năm 2003 đến nay đã có 8 kỳ Năm DLQG được tổ chức tại Quảng Ninh, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Nam, Thái Nguyên, Cần Thơ, Hà Nội và các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên. Mục đích nhằm tuyên truyền, quảng bá cho điểm đến của địa phương đăng cai nói riêng và quảng bá cho hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, hoạt động của Năm DLQG hầu hết chỉ tập trung tổ chức lễ khai mạc hoành tráng, còn việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù thực sự lôi cuốn du khách chưa được như mong đợi. Vì thế, khi Năm DLQG qua đi không những không để lại tiếng vang cho địa phương mà ngay cả việc tạo dựng dấu ấn của điểm đến đó đối với du khách cũng mờ nhạt.

Báo cáo thống kê sau mỗi kỳ tổ chức Năm DLQG ở cả những địa phương có tiềm năng hay đang "chập chững" phát triển du lịch đều mang đến những tín hiệu đáng mừng cho ngành "công nghiệp không khói" nước nhà khi lượng khách trong và ngoài nước đều tăng mạnh. Thế nhưng, tính riêng lượng khách được mời tới tham dự hàng chục sự kiện lớn, nhỏ diễn ra xuyên suốt trong Năm DLQG, dễ dàng nhận thấy, con số trên cũng đủ góp phần làm cho lượng khách du lịch của địa phương đó tăng đột biến.

Về vấn đề này, đại diện nhiều công ty lữ hành có chung nhận xét, để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch bền vững và lâu dài, các địa phương đăng cai tổ chức Năm DLQG cần tập trung xây dựng tốt cơ sở hạ tầng, các điểm du lịch và tạo ra những sản phẩm độc đáo mang bản sắc vùng, miền. Mặt khác, để "nuôi dưỡng" những sản phẩm du lịch lâu dài, ngành du lịch mỗi địa phương cần tăng cường quảng bá thông qua việc tổ chức các đoàn khảo sát cho hãng lữ hành và giới truyền thông trong nước cũng như quốc tế. Thế nhưng các địa phương lại tổ chức Năm DLQG theo kiểu chỉ "nhăm nhăm" đầu tư công sức, tiền của cho lễ khai mạc và bế mạc thật rùm beng và tốn kém. Cùng với đó là hàng loạt các hoạt động, sự kiện bên lề đơn lẻ, rời rạc, thiếu sức "hút". Sau khi những hoạt động đó qua đi, cảnh chất lượng dịch vụ yếu kém, môi trường ô nhiễm, sản phẩm du lịch nghèo nàn, du khách bị đeo bám, "chặt chém"... lại hoành hành.

Năm DLQG 2011 được trải đều ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, nơi được xem là có nhiều tài nguyên du lịch biển, đảo, các di sản văn hóa và sự đa dạng về sinh thái, môi trường. Lượng du khách đạt đến 12 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế đạt hơn 2,68 triệu lượt, thu nhập từ du lịch đạt khoảng 12 nghìn tỷ đồng (tăng 25%) nhưng sản phẩm du lịch vẫn đơn điệu, liên kết du lịch vùng chưa chặt chẽ… Ngoại trừ hai địa phương là Đà Nẵng và Khánh Hòa đã tạo được thương hiệu du lịch biển, các tỉnh còn lại đều chưa tạo được bước đột phá. Nguyên nhân do đầu tư dàn trải, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình hoạt động du lịch, vì hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ. Đặc biệt, các địa phương tuy thực hiện liên kết, nhưng lại thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp và chính quyền.

Cố đô Huế có tạo được bước đột phá?

Với chủ đề "Du lịch di sản", Năm DLQG 2012 gắn với Festival Huế là sự kiện văn hóa có tầm quốc gia, mang tính quốc tế đang đặt ra bài toán: "Phải làm gì để đưa giá trị di sản Việt Nam trở thành điểm đến đầy màu sắc, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước?".

Cùng với việc đầu tư chỉnh trang đô thị, tập trung các nguồn lực vào xây dựng cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm, trùng tu các di tích quan trọng nhằm mở rộng phạm vi tham quan, để kéo du khách ra khỏi những điểm đến truyền thống quen thuộc như khu nội đô, các lăng tẩm, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL Thừa Thiên Huế khẳng định, trong năm 2012, Thừa Thiên Huế sẽ đem đến cho du khách những hành trình trải nghiệm mới với việc liên kết đầu tư xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, chất lượng cao. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế sẽ khai thác các tài nguyên du lịch mới bằng việc tập trung vào dòng sản phẩm như lễ hội độc đáo (vật làng Sình, vật làng Thủ Lễ…); du lịch văn hóa tâm linh (hệ thống chùa Huế, Thiền viện Trúc Lâm - Bạch Mã, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân…) cùng với việc liên kết khai thác các sản phẩm du lịch di sản văn hóa, truyền thống. Ngoài ra, sản phẩm du lịch dựa trên quá trình sản xuất thủ công ở các làng cổ cũng sẽ được quan tâm như làng cổ Phước Tích, Bao La, Thanh Tiên, Thủy Thanh… Bên cạnh đó, du lịch kết hợp chữa bệnh tại các khu nước khoáng, các loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc ít người, hay du lịch gắn với nghệ thuật ẩm thực cung đình, dân gian… cũng là những sản phẩm du lịch được nhắm đến trong năm 2012 của Thừa Thiên Huế.

Với những gì ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang cố gắng tạo dựng, hy vọng sẽ mang đến những sản phẩm thực sự hấp dẫn du khách, đồng thời tạo sự đột phá trong Năm DLQG 2012.  Theo Tổng cục Du lịch, nhằm tạo "cú hích" cho ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh về cả số lượng lẫn chất lượng, trong giai đoạn 2012-2017, Năm DLQG sẽ không chỉ diễn ra ở một địa phương đăng cai mà sẽ nối kết các tỉnh, thành trong một khu vực. Sau Năm DLQG Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012, dự kiến, ngành sẽ lần lượt tổ chức các Năm DLQG ở Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng (2013), Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên (2014), Thanh Hóa (2015), Kiên Giang và miền Tây Nam bộ (2016), Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc (2017).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật