Xúc xắc đêm

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Âm thanh xúc xắc là "tiếng rao" của những người hành nghề tẩm quất - giác hơi. Thế nên có người gọi nghề tẩm quất - giác hơi là "nghề xúc xắc".
Xúc xắc đêm
Ảnh minh họa

Cái xúc xắc và nghề đi đêm

Ở một hẻm phố đường Trần Văn Đang (Quận 3), Hùng vừa lắc cái xúc xắc giữa đêm vừa nhặt những nắp chai ven đường. Những nắp chai sẽ được đập bẹt, đục lỗ và làm xúc xắc thay cho tiếng rao. Cái xúc xắc này do ai nghĩ ra? Hùng trả lời: "Gần chục năm hành nghề trong Nam ngoài Bắc nhưng không biết ai nghĩ ra cái xúc xắc này cả. Ngoài Bắc, người ta làm nghề đấm bóp "rạo" bằng cái còi bóp đồ chơi trẻ con".

Học nghề tẩm quất không phải là khó lắm. Chỉ cần 1-2 tuần là có thể làm được. Đồ nghề đơn giản một chiếc xe đạp cũ, một cái xúc xắc tự chế, bộ đồ nghề giác hơi khoảng 60 chục nghìn đồng gồm dầu, hũ giác hơi, quẹt lửa... Anh Hải quê Thái Bình: "Thỉnh thoảng anh cũng dạy cho những đứa mới vào đây muốn theo nghề. Ra nghề tùy người học có thể trả khoảng 200, 300 nghìn đồng".

Cố đấm ăn xôi

Đêm đầu tiên, tôi cuốc bộ ra ga Sài Gòn. Trong sân ga vắng lặng, hai bóng "xúc xắc" đi xe đạp sóng đôi. Cả hai đều là người quê Vĩnh Phúc. Hà - sinh năm 1984 bộc bạch: "Em làm nghề này 4 năm rồi. Công việc bắt đầu từ 8-9 giờ tối đến 3 giờ sáng. Một lần "đấm" giá 20 nghìn đồng. Thông thường, khách sẽ "bo" thêm. Tuy nhiên cũng có lúc xui xẻo, khách chỉ trả 10 ngàn hoặc xù luôn!

Một đêm đạp xe 50 cây số trong khu vực quận 3, quận 10. Nếu thủng lốp xe đạp trong đêm khuya, coi như "điếc". Có hôm rỗng túi, trong đầu nhẩm tính đến mối quen đấm một chặp là có tiền liền, thế nhưng chưa đến kịp nơi xe đã hết hơi rồi. Kẹt quá đành bấm bụng nhờ người ta bơm đại rồi đưa mặt chịu chửi, quay lại trả tiền sau...".

Với những chàng trai xúc xắc như Hà, cực nhất là "đấm" cho những khách say, dân giang hồ. Khách thích thì khách chửi. "Đấm" sao cũng không vừa ý, đôi khi tức nóng ran mặt nhưng đành phải "cố đấm ăn xôi". Có lần Hà bị một ông nhà giàu, gọi "đấm", trả có 10 nghìn đồng bạc mà còn chửi cậu là đồ... Bắc kỳ zón. Hà cay cú: "Rõ ràng ông cũng là người Bắc mà lại chửi em như thế, tức không chịu được!".

Anh Toàn đi chung với Hà - sinh năm 1976 - hành nghề đã được 3 năm. Anh có thói quen gọi tất cả khách hàng bằng anh dù họ nhỏ tuổi hơn mình. Anh tâm sự: "Em làm nghề đã 3 năm nay. Có hôm, vừa mở hàng, người của một khách sạn gọi tới đấm. Em chầu chực mãi, thế rồi lại bị xù sô. Đêm đó em không có kiếm được đồng nào. Có hôm, bị người nhà mấy kẻ xì ke thuê đấm cho tụi nó đỡ đau khi lên cơn. Tụi nó bị người nhà cột tay chân vào bốn góc như trong phim kiếm hiệp. Em phải nín cười mà đấm. Còn mấy gã nghiện thì vùng vằng, mồn chửi lia lịa".

Anh Quang, sinh năm 1979, hoạt động ở khu vực phường 12 quận 10 khá đắt sô. Với "thâm niên" nghề nghiệp 6 năm, anh đã tạo cho mình các mối ổn định. Anh khoe: "Tôi "đấm" cả... công an phường đấy!". Cũng vì lý do làm lâu năm trong nghề, anh Quang cũng có kinh nghiệm sợ. Sợ dân đồng tính và dân nhà báo. "Đấm" cho tôi, bị hỏi nhiều, anh vừa đấm vừa run, làm qua loa, lấy tiền rồi lẩn mất. Với nhiều anh xúc xắc, ước mơ mang hình dáng một chiếc xe máy. Một anh xúc xắc tâm sự: "Em có thằng bạn đi "đấm" bằng xe máy bên khu vực Chí Hòa. Nó chỉ đấm khách quen mà thôi, trong mắt tụi em nó là thằng sướng nhất".

Một đêm trắng khác thâm nhập thực tế, tôi bắt gặp một người đàn ông gầy gầy trong con hẻm sâu hun hút đường Đoàn Văn Bơ (Q.4) lúc 1h sáng. Chú Duyên, 54 tuổi đang ở trọ sát chợ Mới (Gò Vấp) cho biết: "Tôi chuyển từ nghề bánh chưng bánh giò qua nghề xúc xắc đã 7 năm. Nhờ nghề này, mỗi tháng tôi gửi về Vĩnh Phúc khoảng 500-700 ngàn, nuôi được vợ và 3 đứa con. Trong đó có một đứa con đang học ĐH Quân sự".

Nhiều cạm bẫy

Trả lời câu hỏi "cảm giác thế nào khi đấm cho phụ nữ?", một xúc xắc lành nghề cười hì hì, ngượng ngùng "Là đàn ông con trai, đấm cho phụ nữ ai cũng hơi "ngứa ngáy". Nhưng rồi nhiệm vụ nặng nề lại cuốn mình đi, lo tiến hành cho đúng các bước "đấm" là quên hết mọi cảm giác khác".

Tại ngã bảy Dân Chủ trên đường trên đường Cách Mạng Tháng Tám vào lúc 2 giờ sáng, tôi bắt chuyện với nhóm tẩm quất trẻ măng. Hải mới 17 tuổi nhưng làm nghề hai năm nay, mặt thư sinh nhưng ăn nói rất già dặn. Cậu ta kể: "Cách đây vài hôm, em gặp một bà xồn xồn. Sau khi tẩm quất, bà bảo em "mó". Em cứ việc "mó". Mó cho tới được bà trả 50 nghìn đồng. Còn cho dân đồng tính "đụng" thì được giá 120-150 nghìn đồng. Dân đồng tính như con gái, mình có đồng ý nó mới dám xấn tới...

Nghề tẩm quất cũng có dăm ba hạng. Muốn tìm đối tượng tẩm quất hạng sang, có thể kiêm phục vụ người đồng tính nơi đâu cũng có. Nhưng nhiều nhất là ở khu vực Quận 1, phố Tây Phạm Ngũ Lão, Bùi viện, Đề Thám... Khác với những nơi khác, phố Tây sang trọng, nhộn nhịp. Ở đây đội ngủ hành nghề tẩm quất đông đảo tập trung một cụm. Khoảng 11 giờ đêm, các tay tẩm quất ăn mặc rất sang: Quần nhiều túi, tóc chải chuốt, xịt keo... lượn vòng vòng quanh những khách sạn Tây. Khoảng 12 giờ, nhóm tẩm quất tụ tập về công viên 23 tháng 9 đường Phạm Ngũ Lão đông đúc. Họ mang điện thoại di động hàng hiệu ra khoe hàng, tám chuyện, ăn khuya, đợi khách gọi. Họ vừa chờ khách hàng lạ, vừa chờ khách quen liên lạc qua điện thoại.

Hành nghề về đêm, dân tẩm quất dễ phải tiếp xúc với các tệ nạn xã hội. Hà (sinh năm 1984) cho biết: "Có lần em đấm cho một thằng chơi hàng trắng. Nó bỏ túi "hàng" dưới bạt của em. Bất thần thấy bóng công an, nó lỉnh lên xe đi mất. May mà công an không vịn em đêm đó, không là có khi giờ này em đang ngồi gỡ lịch".

Đường về nhà xa lắm!

3 giờ đêm. Những vòng bánh xe chầm chậm mỏi nhừ. Dân xúc xắc đi thành từng đám để phòng trấn lột. Thường họ hẹn nhau nhóm lớn ở một nơi cố định như cầu Trần Quang Diệu, ngã bảy công trường rạp Dân Chủ... các nhóm nhỏ thì tùy chỗ giao hẹn. Tôi hỏi chuyện với Khắc Huy (sinh năm 1984) đang phì phèo điếu thuốc gần khách sạn New Wordl. Huy thất vọng tràn trề sau một đêm đạp xe từ Gò Vấp sang Q.7 nhưng không có một "lưng" nào.

Huy bảo: "Tớ mới cưới vợ 7 tháng. Hai vợ chồng sau khi đám cưới 2 ngày bắt xe vào Sài Gòn thuê trọ. Vợ có thai 2 tháng nhưng phải đi nhặt rác, ngày được 60 nghìn, khá hơn tớ. Hai vợ chồng ráng kiếm tiền rồi sinh con. Hôm nay, không có đồng nào muốn về ngủ quách nhưng sợ tụi trấn lột. Có lần tớ làm cả đêm vài chục. Tiền bỏ chưa nóng túi đã bị trấn".

Không những lo cho sự nguy hiểm hằng đêm, cuộc sống của dân xúc xắc nhìn chung quá bấp bênh. Hải cho biết: "Kẹt tiền thì "mó" cho có tiền. Em phải trả nợ tiền đánh bài với bi-a. Tết năm trước không có tiền về đành vay bạn 500 nghìn đồng, sau tết vào làm lại trả".

Anh Toàn cho biết: "Làm nghề xúc xắc, ai kiếm tiền bất chính phải trả giá bằng bệnh tật. Xài tiền quen sau này "hết thời", khách hàng không sủng ái nữa thì rất khó sống...". Anh Toàn cũng trăn trở: "Hai vợ chồng tôi và một đứa con thường 3 giờ đêm mới gặp nhau. Vợ cũng không ghen vì anh đi khuya. Ghen thì chỉ có nước đói. Sau này anh muốn đổi nghề nhưng không biết làm gì đây?". Quang (Quận 10) dự định: "Kiếm tiền vài năm nữa lấy vợ, lấy vợ rồi không hành nghề này nữa". Xuân Quỳnh (Hóc Môn) thì mang một gánh nặng lớn. "Phải cong lưng đạp xe để trả tiền xây nhà cho bố mẹ ngoài quê, nuôi mấy đứa em".

Một tuần thức trắng đêm tôi đi theo những tiếng xúc xắc. Giờ đây nhớ lại ngỡ như những tiếng gieo xúc xắc của ông trời lên những phận người. Những phận người vất vả, đầy nỗi nhọc nhằn trong bóng tối nhưng vẫn đầy hy vọng vào một ngày mai tốt lành hơn.

Theo CAND

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật