Tìm xuân trong câu quan họ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trên một miền đất lạ, ta cũng đi chùa ngày Tết. Cũng chùa, cũng Phật, cũng linh thiêng, nhưng sao lòng ta trống trải và xa cách, rồi tự hỏi: liệu khấn bằng tiếng Việt thì thần Phật ở đây có hiểu? (Lê Thị Tú Anh, Nhật Bản).
Tìm xuân trong câu quan họ
Ảnh do tác giả cung cấp.

"Tự nhiên như thế, ai cũng chuộng mùa xuân... Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân."

Phải, chính với cái lòng mê luyến ấy, người lữ hành đơn độc lại bước đi như mộng du theo tiếng gọi của trái tim. Trái tim cô đơn kiêu hãnh ấy đang khao khát nhung nhớ mùa xuân. Giữa lòng Tokyo mùa giá lạnh, người biết tìm mùa xuân ở nơi nào?

Hơn thế kỷ nay người dân ở xứ sở anh đào này chuyển qua dùng lịch Tây, Tết cũng là Tết Tây. Lữ khách ngậm ngùi: vậy là chẳng có Tết ta, vậy là người đã xa ta. Mà nay ta lại bên người nên phải chăng ta cũng đã xa ta? Có thể vậy lắm chứ, thế nên nay ta mới đi tìm mùa xuân của riêng ta đó!

Vẫn biết thuyền chở Xuân ta cập bến muộn hơn, nhưng khi thấy người hân hoan vẫy con thuyền người chờ đón, ta vẫn không khỏi ngóng mắt lên trông phải chăng thuyền ta về tới bến. Đêm giao thừa Tết Tây, ta cũng theo người đi lễ cầu an.

Nhớ ngày xưa còn bé, Tết nào ta cũng theo bà ra chùa. Bây giờ không nhớ nổi đó là ngày mồng một hay mồng hai nữa. Lúc đó ta còn bé quá. Mà lạ nữa, rõ ràng chùa nằm ở giữa làng mà ai cũng kêu "ra chùa". Hồi đó ta bé mà hay bắt bẻ chữ nghĩa. Ta hỏi mẹ, mẹ nói lúc mẹ sinh ra đã gọi như thế. Ta lại hỏi bà, bà bảo từ đời cụ kỵ ta đã gọi vậy rồi. Nhóc con ngang ngạnh bướng bỉnh ngày xưa đó chẳng chịu thua, cứ nói nhất định khi nào cụ kị ta về sẽ phải hỏi rõ cho kì được.

Hôm nay, trên một miền đất lạ, ta cũng lại đi chùa ngày Tết. Cũng chùa, cũng Phật, cũng linh thiêng, nhưng sao lòng ta trống trải và xa cách? Khẽ cười một mình với câu hỏi: liệu ta khấn bằng tiếng Việt thì thần Phật ở đây nghe có hiểu. Cảm giác trong ta giống như ngày xưa nhiều lần lơ đãng, lớp học ở tầng tư mà mới đi đến tầng ba đã vội vàng rẽ bước, để rồi hốt hoảng nhận ra mình đang nghiễm nhiên bước vào một căn phòng với toàn những gương mặt không quen. Ta đã quá vội vàng, đây đâu phải mùa xuân mà ta đang kiếm tìm.

Người đã no say cuộc vui đoàn tụ đón con thuyền chở mùa xuân của người cập bến. Riêng còn một gã tình si, mặc cho kiếp lữ hành là chẳng thể dừng chân một chốn quá lâu, vẫn thuỷ chung chờ đợi để được hội ngộ cùng nàng Xuân dù chỉ trong giây lát. Rồi cuối cùng, thật may mắn, khi người chờ đợi vẫn chưa hoá đá "vọng... xuân", con thuyền lệ cũng tới nơi. Nhưng sao nơi mạn thuyền thân quen kia không có bóng hình mong đợi.

Biết là Tết đến đây nhưng sao chẳng có chút gì gọi là không khí Tết? Cũng nghĩ về cây quất, cành đào, cũng nhớ lại cảnh chen chúc ngày chợ Tết, cũng có cảm giác quanh đây là mưa phùn lất phất, cũng vừa dạo bước vừa ngâm mấy câu thơ như một cái thú vui riêng mình ngày mồng một Tết, nhưng sao chỉ nối thêm một nỗi sầu dằng dặc. Tuần cuối học kỳ, vừa học, vừa thi, thêm ngút ngàn bài luận nữa, tất cả làm cho đầu óc rối tung. Biết Tết đến xuân về mà vui lên không nổi. Cứ như thể thuyền cũ sông xưa mà chẳng có nàng Xuân vậy!

Trưa mồng một Tết, có người chợt vì nhớ đến lời mẹ dặn phải "ăn uống cho tử tế" mà mua một hộp cơm ăn chứ chẳng mì tôm, bánh ngọt hay xúc xích như mọi ngày. Ngồi ngẫm nghĩ gì mà cả tiếng đồng hồ vẫn chưa xong bữa. Hàng cây trụi lá phía bên ngoài cửa kính đã nhạt nhoà tự bao giờ. Là kính bụi, là sương lạnh, hay là gì khác nữa? Chợt nhận ra, có người bất chợt nhận ra rằng đây là lần đầu tiên ta ăn cơm vào ngày Tết.

Đêm mồng một, đang miên man trong cơn mơ lang thang tìm một miền ký ức nơi vạt cỏ xanh dưới chân cầu Vĩnh Tuy mùa xuân cũ, chợt giật mình nghe tiếng gọi. "Em! Em ơi! Dậy mà xem tuyết đang rơi!" lại thấy mắt nhòa đi, chẳng biết có phải trào ra từ cơn mơ ban nãy. Cũng tiếng gọi thế này, cũng giờ này, chỉ là một đêm trước của những năm về trước. Ôi pháo giao thừa, đã lần nào ta thức đợi được đâu!

Con thuyền thân quen sao chỉ gợi cho người lữ hành kia một niềm mênh mang tiếc nhớ, như về lại chốn hẹn xưa mà vết thương lòng càng thêm nhói buốt bởi chính những kỉ niệm êm đềm. Trong những cơn mơ đã bao lần người gọi đến lạc giọng tìm Xuân. Có phải Xuân đang chơi trốn tìm thì ta nhận thua rồi Xuân nhé!

Và rồi chiều nay đâu đây vang lên câu hát: "Em ở đâu ở đâu, để anh mãi đi tìm... Tìm trong bao giọng hát, điệu hát cây trúc xinh. Tiếng hát với nụ cười, đang gọi mùa xuân tới...". Người lữ hành chợt như bừng tỉnh. Phải rồi, ngốc quá, lạc giữa hội Lim mà sao ai chẳng biết tìm Xuân qua câu hát.

Lớn lên bên dòng sông Cầu, trong chiếc nôi đưa theo nhịp nhàng lời quan họ, ta cứ ngỡ những điều thân thuộc đó là hiển nhiên như không khí, như ánh sáng vậy. Trải qua cả một hành trình miệt mài đi tìm mùa xuân của riêng mình, giờ ta mới biết nơi bắt đầu củ mùa xuân ấy. Mùa xuân của ta, mùa xuân trên quê hương quan họ, vẫn bắt đầu bằng " làn nắng mang điệu dân ca". Tiếng nhạc rộn ràng vang lên, bao mệt nhọc ưu phiền cuốn theo dòng nước sông Cầu sông Đuống, tâm hồn người lâng lâng trong ngây ngất khói nhang. Lời quan họ cất lên báo cái hẹn nô nức mùa trẩy hội. Và có thể, cũng chính điệu hát ấy đã âm thầm gọi cánh hoa đào bớt ngại ngừng e ấp. Lời quan họ chính là nơi bắt đầu của mùa xuân ta đó!

Lòng người lữ khách rạo rực tưng bừng khi bóng hình quen thuộc vừa bước tới mạn thuyền. Thì ra nàng Xuân, dẫu đã chẳng còn xa lạ, nhưng vẫn biết ngượng ngùng e thẹn, phải nhờ câu hát giao duyên mới có thể gọi nàng ra hội ngộ. Phải chăng vì nét e thẹn ấy mà nàng mãi tươi mãi đẹp như những gương mặt búp sen nép sau chiếc nón ba tầm cứ mãi mê mẩn hồn ai, bao mùa hội Lim vẫn thế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật