Hà Tĩnh: Làng bánh đa nem làm cả ngày lẫn đêm vẫn không kịp hàng trả khách

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày này, làng nghề bánh đa nem xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) lại tất bật, tranh thủ ngày đêm sản xuất để kịp nguồn hàng cung ứng thị trường dịp tết Nguyên đán.
Hà Tĩnh: Làng bánh đa nem làm cả ngày lẫn đêm vẫn không kịp hàng trả khách
Làng bánh đa nem xã Thạch Hưng những ngày cận tết. Ảnh: N. Duyên.

Những ngày này, mọi ngả đường tại làng nghề làm bánh đa nem thôn Bình, xã Thạch Hưng đều trải đầy phên nứa phơi bánh. Càng gần Tết, người dân làng nghề bánh đa nem càng tất bật sản xuất để kịp cung ứng cho khách hàng.

Với gần 10 năm làm bánh đa nem, bà Trần Thị Thanh (thôn Bình, xã Thạch Hưng) cho biết, trong năm vất vả nhất mấy ngày tết vì số lượng hàng đặt dồn dập, nhưng không dám từ chối vì sợ mất mối. Để đảm bảo giao hàng đúng số lượng và thời gian, gia đình bà phải làm việc cả ngày lẫn đêm.

 Vừa làm bánh, bà Thanh vừa cho biết: Dịp giáp tết có thể coi là thời điểm tất bật nhất của những gia đình làm bánh đa nem như chúng tôi, để có đủ nguồn hàng phục vụ tết, vợ chồng tôi phải thuê thêm người làm mới kịp cung cấp đủ nguồn hàng cho khách hàng. Số lượng hàng vì thế cũng tăng lên gấp đôi, bình thường mỗi ngày làm khoảng 50 kg gạo, tương đương 8.000 nghìn cái thì dịp này gia đình làm 100 kg gạo, cho ra lò khoảng 16.000 cái mỗi ngày.

Bánh đa nem được phơi dưới trời nắng nhẹ. Ảnh: N. Duyên.

Bánh đa nem có thể làm quanh năm, nhưng thời điểm 2 tháng cuối năm là thời điểm bận rộn nhất. Mặc dù làm ngày, làm đêm, bánh ra đến đâu là hết đến đó, nhưng các hộ làm bánh vẫn không nhận nhiều đơn hàng vì lo sợ không làm kịp.

Anh Lê Trung Phúc (thôn Bình, xã Thạch Hưng, Tp Hà Tĩnh) chia sẻ: Dù đây là thời điểm các đơn hàng liên tục đến, Thời điểm này, chúng tôi tập trung làm các đơn hàng đã nhận từ trước. Hiện tại, có thêm nhiều đơn hàng đặt bánh nhưng gia đình không dám nhận thêm vì sợ làm không kịp.

Công đoạn cắt bánh để đóng gói. Ảnh: N. Duyên.

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, những người làm bánh đa nem tại Thạch Hưng tất bật từ sáng đến tối. Người ở nhà tráng bánh, người lại chở những mẻ bánh vừa ra lò đưa đi phơi.

Nguyên liệu chính để làm bánh đa nem là gạo, đường và muối. Lựa chọn nguyên liệu chuẩn, nguồn gốc rõ ràng và an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu.

Khâu chọn gạo được bà con tuyển rất công phu, gạo ngâm 2- 3 tiếng, để ráo nước rồi đem xay thành bột, bột có độ mịn vừa phải, còn 1 ít xơ tạo nên sự liên kết nơi bánh. Đường được đun lên đến độ cháy nhất định, đổ nước vào và hòa tan với bột rồi tráng bánh.

Công đoạn đóng gói bánh để chuyển cho khách hàng. Ảnh: N. Duyên.

Những người làm bánh chia sẻ: Để có được chiếc bánh đa nem mỏng, mịn, dẻo thơm, người làm bánh phải tuân theo quy trình từ xay bột gạo, pha bột đến tráng bánh, đem phơi, bóc bánh ra khỏi phên, xếp lại theo từng thếp và đóng gói. Vì đảm bảo được các quy trình làm nên bánh chúng tôi rất được khách hàng tin tưởng sử dụng, không chỉ bán trong tỉnh, bánh đa nem của gia đình còn theo con em sang nước ngoài.

Trước đây, người dân sản xuất bằng tay nên lượng hàng ít, chỉ đủ cung cấp tại chỗ. Những năm gần đây, khi được trang bị máy móc, làng nghề ngày càng phát triển.  

Bánh sau khi tráng được trải trên từng tấm phên làm bằng tre hoặc nứa và được phơi dưới nắng nhẹ. Như vậy giúp lá bánh dẻo, mềm, dễ cuốn, khi rán lên có màu vàng, không ngấm mỡ, không bị vỡ, bánh giòn rụm, rất vừa miệng.

Bánh được tráng lên những chiếc phên bằng tre, nứa. Ảnh: N. Duyên.

Quá trình phơi bánh cũng quyết định đến chất lượng, nếu gặp trời mưa, bánh sẽ bị mốc, nếu trời nắng to hoặc quá hanh bánh sẽ bị giòn, nứt vỏ.

Khi bánh đã đủ khô, người dân tiến hành bóc bánh ra khỏi phên để thực hiện công đoạn cắt. Bánh được đóng thành từng gói từ 95 -100 lá bánh.

Hiện tại, mỗi tệp 100 lá bánh có giá bán 18.000 đồng, vào dịp Tết giá tăng lên từ 20.000 đến 25.000 đồng.

Bình thường, bình quân mỗi gia đình làm từ 3.000 đến 6.000 bánh/ngày. Tuy nhiên, tháng Tết các cơ sở có thể tăng công suất lên gấp 2 đến 3 lần mới đủ nguồn hàng.

Những ngày cận tết, người làm bánh phải làm việc với công suất gấp đôi, gấp 3. 

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Chính Đàn - Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng cho biết: Địa phương hiện có 120 hộ làm bánh đa nem, chiếm 30,4% tổng số hộ dân; giải quyết việc làm cho 201 lao động địa phương.Thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu thụ bánh tăng gấp đôi so với ngày thường, gần như các hộ làm bánh ở đây đều phải tăng nhân lực cũng như thời gian làm lên mới đủ nguồn hàng cung ứng thị trường Tết. Đây cũng là dịp người dân trong xã cải thiện nguồn thu nhập dịp cuối năm.

Làng nghề truyền thống bánh đa nem thôn Bình, xã Thạch Hưng được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận tại Quyết định số 3579/QĐ-UBND ngày 29/10/2021. Và là sản phẩm OCOP và được đánh giá đạt chuẩn 2 và 3 sao.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật