Tổng giám đốc Berjaya VN: “CEO như tôi cô đơn lắm“

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông Nguyễn Hoài Nam CEO Berjaya Việt Nam (Tập đoàn Berjaya - Malaysia) chia sẻ: “Nếu ngày mai không làm tổng giám đốc thì tôi vẫn là tôi. Dĩ nhiên sẽ hụt hẫng, nhưng điều đó đã được tôi chuẩn bị”.
Tổng giám đốc Berjaya VN: “CEO như tôi cô đơn lắm“
Ông Nguyễn Hoài Nam và vợ - Hoa khôi Thể thao Thu Hương. Ảnh: Ngoisao.net

- Là người thường xuyên dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm với các nhà quản lý trẻ, anh nhận xét thế nào về họ?

- Các nhà quản lý trẻ thuộc thế hệ 8X được đào tạo một cách bài bản, giỏi ngoại ngữ nhưng cần có kiến thức tổng quát và kỹ năng mềm. Hãy luôn tìm những người giỏi hơn để giao lưu, học hỏi vì đó là những kho kiến thức quý giá. Tôi thích chơi với những doanh nhân từng gặp thất bại, bởi cách mà họ lấy lại cân bằng sau những vấp váp sẽ là một trải nghiệm vô cùng quý báu. Những cú sốc làm tôi hiểu rõ mình hơn và trân trọng những gì mình đang có.

Năm 27 tuổi, lần đầu tiên vướng phải trở ngại liên quan đến pháp lý, tôi sốc kinh khủng. Tôi hiểu quản lý tài chính luôn đòi hỏi sự chuẩn xác, không thể dựa vào cảm tính được. Sai lầm của tôi đã làm công ty lâm vào khó khăn. Thường thì sau những khó khăn, vấp ngã, mình sẽ sống chỉn chu hơn.

Thế nhưng, trở ngại thì chẳng bao giờ giống nhau. Cuối năm 2004, tôi lại thất bại. Ở tuổi 35, tôi đủ lớn để nhận ra rằng, cuộc đời rất công bằng, mọi nỗ lực đều được đền đáp và mọi thứ đều tới từ những hành xử của mình trước đó. Sau lần đó, tôi như một người làm mới mình từ con số 0 và tôi đã gặp Berjaya.

Ông Nguyễn Hoài Nam CEO Berjaya Việt Nam. Ảnh: NCĐT

- Từ số 0, anh đã làm gì để được ở vị trí Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam?

- Tôi đã nghiên cứu về Berjaya qua website và biết rằng, sức mạnh của họ nằm ở sự đa dạng. Tôi đã viết kế hoạch hoạt động của họ tại Việt Nam theo hình thức đa ngành. Giai đoạn thoái trào của ngành nghề này, nhưng lại là thời điểm cực thịnh của lĩnh vực khác. Kế hoạch đó đã thuyết phục được cổ đông của Berjaya lựa chọn tôi.

5 năm đầu tư ở Việt Nam, hoạt động của Berjaya khá tốt khi có nhiều dự án lớn. Nhưng từ năm 2010 trở đi, tức trong 5 năm lần thứ hai, Berjaya đã đối diện với những thử thách. Nguồn vốn huy động từ bên ngoài bị ảnh hưởng do khủng hoảng kinh tế thế giới, còn đầu ra trong nước lại hạn chế. Lĩnh vực bất động sản, cũng như các dịch vụ tài chính đi vào giai đoạn thoái trào.

- Khi đề ra kế hoạch cho Berjaya, anh có dự đoán được những thử thách đó?

Đối với Berjaya Việt Nam, tất cả đều mới bắt đầu, còn quá sớm để đánh giá sự thành công hay thất bại của một chiến lược. Hiện tại, đầu ra của nền kinh tế khó khăn không chỉ ảnh hưởng về tài chính của doanh nghiệp, mà còn tác động tới nhân sự và những cam kết của họ với chính quyền… Nhưng tôi tin rằng, nếu là một công ty nghiêm túc, có định hướng lâu dài, thì kết quả hoạt động sẽ tốt, dù trong khoảng 2 năm tới, tình hình không mấy “dễ thở”.

Với vai trò là Tổng giám đốc, tôi điều chỉnh chiến lược và tiến độ các dự án của Berjaya Việt Nam. Thời điểm triển khai và quy mô của từng dự án tùy thuộc vào thị trường, chứ không chỉ là yếu tố hành chính hay uy tín. Về vĩ mô, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang tìm cách cứu thị trường bất động sản và tài chính, nhưng theo tôi, điều đó cần phải có thời gian và quan trọng là bạn chỉ chữa được bệnh khi nói thật bệnh của mình.

- Theo anh, "bệnh" của Berjaya Việt Nam hiện nay nằm ở vấn đề tài chính hay áp lực từ thị trường?

- Sẽ không có bài toán tài chính nào, nếu đầu ra không có. Do đó, đây là lúc các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tính toán xem khi nào xây, xây cái nào trước, với quy mô nào để bảo toàn được nguồn vốn, uy tín tại Việt Nam và không bị đội ngũ nhân sự rời bỏ. Điều may mắn là chúng tôi có nhiều ngành nghề, mỗi dự án thành lập một pháp nhân riêng.

Có những dự án gặp khó khăn, nhưng cũng có dự án rất tốt, có dự án chưa hoặc đã triển khai, nên chúng tôi có thể điều chuyển nhân lực. Nếu năm 2011, người ta giấu bệnh của mình, thì tới năm 2012, tự khắc bệnh sẽ phát và sẽ xuất hiện cái tốt - xấu, sự tồn tại - ra đi của nhiều doanh nghiệp. Điều này cũng tốt thôi, vì sẽ làm thị trường bất động sản ngày càng minh bạch.

- Ban lãnh đạo của Tập đoàn Berjaya có bao giờ hoài nghi về những quyết định của anh?

- Tôi luôn cố gắng để cân bằng lợi ích của Tập đoàn với lợi ích của Việt Nam. Tôi nghĩ đó là điều khiến tôi luôn được tôn trọng. Chẳng ai đánh giá thấp một con người luôn luôn nghĩ về lợi ích quốc gia của họ. Chuyện hoài nghi là một phần của quản trị, còn có thể hiện hay không là tính cách của mỗi người.

- Nhưng anh có lo ngại hoài nghi sẽ dẫn đến những quyết định ảnh hưởng đến mình, như bị sa thải chẳng hạn?

- Không. Tôi tự tin vào việc mình làm. Chuyện không làm tổng giám đốc nữa cũng rất bình thường với tôi. Bản thân tôi chỉ muốn mình là công dân tốt, biết làm việc, hòa đồng với mọi người và có một cuộc sống gia đình thú vị, bởi những điều này sẽ đi với tôi suốt cuộc đời, chứ không phải vị trí hay chức vụ. Nếu ngày mai không làm tổng giám đốc của Berjaya Việt Nam, thì tôi vẫn là tôi, dĩ nhiên sẽ hụt hẫng, nhưng điều đó đã được chuẩn bị.

Có nhiều người hỏi tôi tại sao làm lớn vậy mà không mở công ty bất động sản riêng. Với tôi, cái quan trọng không phải là làm thuê hay làm chủ doanh nghiệp, mà là làm chủ bản thân và cuộc sống của mình. Những doanh nhân càng lừng lẫy thì càng bị áp lực và phải hy sinh nhiều thứ.

- Có bao giờ cổ đông Berjaya đề nghị anh bán bớt một số dự án lớn trong số 9 dự án tại Việt Nam để thu hồi lại vốn?

- Người ta không nói với tôi như vậy. Nhưng tôi đã nghĩ đến vấn đề này vì bản chất của kinh doanh là đầu tư và thu hồi vốn. Có thể thu hồi vốn từ việc kinh doanh chính dự án mình đầu tư hoặc thoái vốn nhanh bằng cách bán nó đi. Đó là quy luật kinh doanh hoàn toàn bình thường, trừ phi bạn lấy một dự án, chẳng làm gì mà bán nó đi. Nếu Berjaya không triển khai dự án, tôi sẵn sàng trả lại một cách đàng hoàng.

Nếu môi trường kinh doanh quá khó khăn, thì với tư cách là tổng giám đốc, tôi cũng sẽ tiến hành các thủ tục trả dự án. Đã có lúc tôi suy nghĩ như thế với một vài dự án, nhưng điều này không xấu, mà là cách làm minh bạch và bảo vệ được uy tín của nhà đầu tư. Chúng tôi sẽ cam kết trở lại khi thị trường tốt hơn. Tôi nghĩ đây là cách của các nhà đầu tư nghiêm túc. Tôi cam đoan, sẽ chẳng bao giờ có chuyện Berjaya không làm gì mà bán dự án.

- Được ví là đại diện thế hệ CEO toàn cầu của Việt Nam, anh nghĩ sao về "danh hiệu" này?

- Đó là người ta đặt cho tôi, tôi không dám nhận. Với tôi, quan trọng là kết quả công việc và cuộc sống. Còn những thương hiệu "toàn cầu" hay "tiêu biểu", thì thú thật là bản thân tôi chưa có một danh hiệu nào cả. CEO của các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam như tôi cô đơn lắm, bởi không có một "sân chơi" riêng nào cả, cũng không thuộc một hiệp hội doanh nhân nào.

- Cảm giác của anh ra sao khi có nhiều diễn đàn cho rằng, cuộc hôn nhân của anh thực chất là "câu chuyện cộng hưởng thương hiệu" trong kinh doanh?

- Thật ra cộng hưởng thương hiệu không có gì xấu. Nhưng nếu bạn không làm thật, không làm tốt thì thương hiệu có giá trị không? Thương hiệu chỉ tồn tại khi bản chất của nó là thật, chứ không phải là hai cái tên ghép vào. Cả hai vợ chồng tôi phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày. Tôi thì mỗi tuần có 4 chuyến bay… Vì thế, có thương hiệu cũng xứng đáng thôi. Nhưng hạnh phúc của chúng tôi là những đứa con và làm công việc mình yêu thích. Không có bất cứ một tài năng nào có thể thay thế được sự chăm chỉ. Đó là châm ngôn của "Nam và Hương".

- Tốt nghệp Đại học Ngoại thương, Khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Southerb California.
- 1992 - 1998: Giám đốc tài chính Công ty 3C Corporation.
- 1998 - 2005: Giám đốc tài chính Công ty TTT Corporation.
- 2005 - 2006: Tổng giám đốc Công ty Viet Au Investment.
- Từ 2007 đến nay: Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam
- Chủ tịch Công ty Truyền thông và Đầu tư Nam Hương.
- Chủ tịch khách sạn Intercontinental Hà Nội
- Chủ tịch khách sạn Sheraton Hà Nội
- Chủ tịch Công ty Chứng khoán SBBS

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật