Nhân viên trạm y tế “ngày thường ít việc, mùa dịch hụt hơi”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghịch lý ở chỗ nhân viên y tế xã, phường bình thường vốn ít việc, lương thấp, nay lại phải căng mình làm xuyên ngày đêm khi dịch bùng phát.
Nhân viên trạm y tế “ngày thường ít việc, mùa dịch hụt hơi”
Ảnh minh họa

Sở y tế TP HCM cho biết, năm 2020, có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, đã có thêm 968 trường hợp. Như vậy, đã có gần 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc trong bối cảnh thành phố đang cần họ hơn bao giờ hết. Thực trạng đáng buồn này một phần lớn xuất phát từ việc chế độ lương thưởng của lực lượng y, bác sĩ chống dịch tuyến đầu quá thấp, trong khi khối lượng công việc của họ không ngừng tăng cao.

Nói về sự bất hợp lý trong chế độ đãi ngộ của một số ngành nghề quan trọng như bác sĩ, giáo viên hiện nay, độc giả Hoanglonghfs chia sẻ: "Hiện nay, có quá nhiều bất cập trong chế độ tiền lương và thu nhập của một số ngành nghề như: môi trường, giáo viên, y bác sĩ... Ta hãy thử làm một phép tính: một bác sĩ trong sáu năm đại học, chi phí trung bình cho sinh viên ngành y cũng khoảng 80 triệu đồng một năm. Sau khi ra trường, họ lại mất 3-4 năm tập sự nâng cao tay nghề mà thu nhập chỉ từ 4,2 - 4,5 triệu đồng. Khi chuyên môn vững, y bác sĩ cũng chỉ có thu nhập từ 5,5 - 6 triệu đồng một tháng.

Trong khi ở độ tuổi đó, họ còn phải lập gia đình, với mức thu nhập nêu trên, đến lo cho bản thân còn không đủ, huống chi nuôi con cái. Đầu vào ngành Y luôn thuộc top cao nhất, đây là những nguồn tinh hoa của đất nước, nhưng chế độ đãi ngộ lại không tương xứng, nên việc người ta rời bỏ ngành cũng là khó tránh".

Đồng quan điểm, bạn đọc An vo thanh nhấn mạnh những vất vả, cực khổ của đội ngũ y bác sĩ dù đồng lương bèo bọt: "Hiếm có ở đâu mà đội ngũ nhân viên y tế lại có mức lương không đủ sống như ở ta. Bác sĩ phải vừa làm việc ban ngày, tối lại phải mở phòng mạch bên ngoài, hoặc đi làm thêm ở các phòng khám tư tới tối muốn mới kiếm đủ tiền sống. Nhiều điều dưỡng còn phải làm cả ban đêm ở các phòng mạch hay phòng khám bên ngoài để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Vất vả như vậy, nên tình trạng y bác sĩ, nhân viên y tế bỏ việc hoặc làm việc với tâm trạng ’đứng núi này trông núi nọ’, từ lâu đã trở nên phổ biến. Nhân viên y tế các tuyến phường, xã, quận, huyện, còn có thu nhập thấp hơn nữa. Vậy thử hỏi sao họ không bỏ việc?".

Tính đến 31/10/2021, toàn TP HCM có hơn 2.000 nhân viên y tế tại các trạm y tế phường, xã. Trong đó, chỉ có khoảng hơn 500 bác sĩ. Mỗi trạm trung bình dưới 10 nhân viên, có những trạm chỉ 3-4 nhân viên. Trung bình, số ca nhiễm mới trong những ngày qua luôn đạt khoảng hơn 1.000 ca, chủ yếu là các ca triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà, do y tế phường, xã quản lý, khiến khối lượng công việc của lực lượng này tăng cao trong một thời gian dài. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ y tế vẫn được đánh giá là thấp, khiến cho nhiều người không thể bám trụ.

Độc giả Dao nguyenviet chỉ ra những bất cập dẫn đến chế độ lương thưởng cho lực lượng nhân viên y tế cấp xã, phường hiện nay: "Tôi làm việc cho một đơn vị thực thuộc Sở Nông nghiệp ở tỉnh miền Tây. Trong nhiều chuyến công tác tại các xã, thị trấn và từng liên hệ với các trạm y tế địa phương để trao đổi công việc, tôi nhận thấy có một đặc điểm chung là hầu như nhân viên y tế trạm rất ít việc để làm, nhất là ở các vùng xa. Tới liên hệ làm việc, tôi thấy chỉ có một hoặc hai nhân viên túc trực, chỉ khi vào đợt tiêm chủng hoặc xảy ra dịch bệnh như hiện nay, họ mới có việc để làm.

Người dân hiện nay có thói quen cứ đi khám và chữa bệnh là lên bệnh viện ở các tuyến trên thay vì vào trạm y tế. Chính vì vậy, nguồn ngân sách cũng sẽ bị hạn chế, kéo theo mức lương cho đội ngũ nhân viên y tế xã, phường cũng thấp theo, trong khi khối lượng công việc lại không tương xứng. Chúng ta sẽ không thể trả lương cao cho họ trong khi việc nhàn, điều đó sẽ là không công bằng so với các đơn vị khác. Đây là một bài toán không hề đơn giản".

Cùng chung nhận định, bạn đọc Hgpthuhuong bổ sung: "Tôi đang sống và làm việc ở Hà Nôi. Điều đầu tiên khi tôi hay người nhà ở quê có nhu cầu khám chữa bệnh là đều nghĩ ngay đến những bệnh viện tuyến trung ương, chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ vào trạm y tế của phường. Tôi cho rằng, vấn đề là do cách quản lý của ngành Y chưa hợp lý. Thêm nữa, các yếu tố cơ sở vật chất, trình độ y bác sĩ tại xã, phường được điều phối về công tác như thế nào, chế độ ra làm sao... cũng cần được tính toán lại. Bởi lẽ, nếu được làm ở một bệnh viện lớn thì cơ hội thăng tiến, tương đương với thu nhập sẽ cao luôn là mục tiêu của tất cả nhân viên y tế. Chẳng ai muốn làm việc ở phường, xã để ít việc, lương thấp".

Mới đây, TP HCM đã đưa ra một số chính sách để giữ chân nhân viên y tế ở lại làm việc như kiến nghị điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho trạm y tế xã, phường lên tối đa 20 biên chế một trạm; đồng thời đề xuất tăng mức hỗ trợ thu nhập hàng tháng cho đội ngũ nhân viên y tế xã, phường lên gấp 2-4 lần.

Cho rằng, giải pháp tăng lương cho đội ngũ y bác sĩ sẽ là cách tốt nhất đẻ giữ chân lực lượng nhân viên y tế ở lại tuyến đầu chống dịch, độc giả Abcd nhấn mạnh: "Cái gì không hợp lý thì nên sửa dần. Tại sao chúng ta lại để các bác sĩ và giáo viên lương không đủ sống? Nói về các y bác sĩ, nên nhớ họ là những sinh viên giỏi nhất (nhìn vào điểm số đầu vào trường Y), thời gian học kéo dài tới bảy năm, chưa kể 4-5 năm thực tập. Ngành giáo cũng tương tự vì là ngành đào tạo con người, nên cũng cần giữ chân người giỏi. Muốn vậy, tôi cho rằng, ngành Y và giáo dục cần phải cải thiện mức thu nhập cho đội ngũ y bác sĩ, giáo viên. Tuy rằng điều này không đơn giản vì ngân sách còn hạn chế, nhưng đó là những việc bắt buộc phải làm. Cứ nhìn thực tế, các bác sĩ cứ hết ca là chạy thẳng về phóng khám tư làm thêm, các thầy cô giáo cứ hết giờ lên lớp là đi dạy thêm để mưu sinh, đó là chuyện không hợp lý chút nào".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật