Khoang Pu San mùa xuân về

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trên đỉnh Khoang Pu San, nơi có ngã ba biên giới Việt Nam, Lào và Trung Quốc, nơi tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe, nơi đặt cột mốc số không phân định lãnh thổ của mỗi nước. Bản Tá Miếu nằm ngay dưới chân Khoang Pu San, cũng là bản tận cùng nơi ngã 3 biên giới miền Tây Tổ quốc. Một thời nơi đây là rừng thiêng nước độc, nơi thâm sơn cùng cốc, nơi cái đói luôn thường trực trong bếp của mỗi gia đình. Mùa xuân này, mùa xuân đã về trên mỗi căn nhà.
Khoang Pu San mùa xuân về
Cán bộ vận động quần chúng đồn A Pa Chải cùng trưởng bản Lỳ Lá Na bàn kế hoạch đón Tết Nhâm Thìn 2012.

Câu chuyện của trưởng bản

Trưởng bản Tá Miếu Lỳ Lá Na năm nay mới có 36 tuổi, trông còn phong độ lắm. Thấy khách đến nhà, anh đứng dậy ra tận cửa mời khách. Tên bản Tá Miếu có nghĩa là gì, có từ bao giờ, trưởng bản cười lắc đầu không biết. Chỉ có nghe nói, hình như trước đây, bản có 8 ngôi miếu, nhưng do đọc chệch thành Tá Miếu. Anh Lỳ Lá Na cho biết bây giờ vẫn còn nền miếu cũ. Rồi trưởng bản cười, bảo: Muốn biết thêm phải về dưới bản tả Có Khử, hỏi bác Pờ Sì Tài. Bác Pờ Sì Tài là người đầu tiên đặt chân lên vùng đất Xín Thầu này.

Theo trưởng bản Lỳ Lá Na, tất cả tên suối, tên sông, tên các cánh rừng, ngọn núi ở vùng Xín Thầu đều do bác Tài đặt. Ngày đó, nơi đây heo hút lắm, cọp về tận chuồng bắt lợn, thậm chí ra phục bên đường để bắt người. Đất rộng, rừng còn nhiều nhưng vì có bọn trộm cướp, phản động bên kia biên giới thỉnh thoảng lén lút sang cướp phá. Vì thế người dân sợ. Sau này, có Bộ đội Biên phòng về đóng đồn, tiễu trừ bọn phản động, trộm cướp, lại được Thiếu úy Trần Văn Thọ thực hiện 3 cùng với nhân dân, hướng dẫn bà con biết phương thức sản xuất, canh tác mới.

Bác Pờ Sì Tài ngày đó theo bộ đội đi dẹp bọn phản động, trộm cướp xong, ở lại. Lúc đầu, khi mới về vùng đất Xín Thầu chỉ có gia đình bác Tài. Rồi cứ thế, các gia đình theo bác Tài lên đây lập nghiệp. Lúc đó đất mới có tên, rừng mới có tên. Nói rồi trưởng bản Lỳ Lá Na ngậm ngùi: Ngày đó, đất có mà không được ở, rừng nhiều mà không dám vào. May có Bộ đội Biên phòng về bảo vệ dân, giành lại đất, lại rừng cho dân. Chỉ tiếc, khi đời sống của người dân đã được làm chủ mảnh đất của mình thì anh Trần Văn Thọ không còn nữa. Nếu xã Xín Thầu được đổi tên thành xã Trần Văn Thọ thì tốt biết mấy. Công anh Thọ với đất, với người ở vùng đất này lớn lắm. Lớn đến mức không kể hết được đâu. Anh Thọ là thành hoàng làng của xã Xín Thầu rồi mà.

Khi được hỏi về đời sống của bà con trong bản, vừa rót trà mời khách, trưởng bản Lỳ Lá Na vừa khoe: Tết năm nay cả bản hết nhà đói rồi. Hiện tại, cả bản chỉ còn 7 hộ chưa có vô tuyến, 2 nhà chưa có xe máy. Bản được giao 57ha rừng khoanh nuôi bảo vệ, mỗi năm thu được 140 triệu đồng. Rồi trưởng bản Lỳ Lá Na kể cho nghe câu chuyện về thoát nghèo của bản. Thì ra, cái đói nghèo không phải do nguyên nhân nào xa xôi mà là do những năm trước đây, người dân chỉ nghĩ sinh nhiều con là nhiều của. Khi hỏi về số người trong độ tuổi lao động từ 18 trở lên, trưởng bản nói ngay mà không cần tra sổ sách quản lý của bản: Cả bản có 30 hộ, 157 khẩu, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động 18 chiếm trên 97%. Nghe trưởng bản thông báo, tôi chột dạ. Nếu quả đúng như thế này thì 18 năm về trước, người phụ nữ ở bản Tá Miếu chỉ có mỗi việc sinh con. Mà theo phong tục của người Hà Nhì thì, việc lên nương, làm ruộng, việc lấy củi đến việc nấu cơm, nấu rượu là của người phụ nữ. Người đàn ông chủ yếu đi săn bắn trong rừng và chiều về... uống rượu. Với chuyện như thế này thì làm sao tránh được cái đói.

Dường như đoán được suy nghĩ của tôi, trưởng bản cười, thông báo: Bây giờ không còn thế nữa đâu. Mỗi gia đình cũng chỉ đẻ 2 con thôi. Có mấy nhà còn sinh con thứ 3 nhưng sau đó là đi đình sản rồi. Cái đầu sáng ra rồi. Có nhiều con thì nghèo nên không ai muốn nghèo đâu. Không đẻ để còn đi nương, chăn nuôi, làm kinh tế, làm giàu chứ.

Chuyện của “tỷ phú” nuôi bò

Nằm bên bìa bản Tá Miếu, ngay dưới chân dãy Khoang Pu San là trang trại của ông Chang Văn Sinh. Khi chúng tôi nói đùa ông là “tỷ phú” Tá Miếu, ông chỉ cười, kéo cái điếu cày vào lòng, nhồi thuốc, lắc đầu: Không đâu. Có hơn 100 con bò thì làm sao tỷ phú được. Ấy là ông nói thế chứ trong đôi mắt của ông cứ lấp lánh niềm vui.

Câu chuyện ông Chang Văn Sinh làm trang trại có lẽ cũng như cái duyên. Ông kể: Nhà ông ở dưới xã A Pa Chải, ông ra Tá Miếu từ năm 2006. Ngày đó, đất thì rộng, người thì thưa, nhưng chỉ loanh quanh trồng mấy cây rau với vài ba luống đậu cùng khoảnh vườn trồng khoai. Nhìn đất để cỏ mọc mà tiếc nhưng không biết cách làm thế nào để đất sinh lời. Cũng vì thế mà ngày đó chỉ có ông bà ra ngoài này chứ con cái đều ở dưới nhà cũ. Thế rồi năm đó có dự án 37, hỗ trợ kinh phí cho dân phát triển kinh tế. Mặc dù gia đình ông cũng nằm trong diện được dự án cho vay vốn nhưng cứ nghĩ, vay vốn về, không biết làm ăn thì có khi lại mang thêm nợ vào người. Ông vẫn cứ loanh quanh với mấy luống khoai, vạt đậu, vườn rau.
Ông Chang Văn Sinh đang cho bò ăn muối. Ảnh: Phạm Thanh Khương

Đúng lúc đó, anh Nguyễn Kim Trọng, Đồn trưởng đồn Biên phòng Leng Su Sìn đi kiểm tra địa bàn, vào thăm. Thấy có điều kiện phát triển chăn nuôi, anh Trọng bảo ông làm đơn xin được tham gia dự án. Biết ông còn phân vân lo lắng, anh Trọng bày cho cách làm ăn. Anh Trọng bảo, ông cứ xin dự án hỗ trợ chỉ 10 con thôi, còn lại nhà ông cũng có 30 con rồi. Nuôi 3 năm, khi bò sinh sản, ông giữ lại số đó rồi mang đưa cho nhà khác chăm để lấy bò nuôi. Anh Trọng còn khẳng định, nếu ông nuôi mà thất bại sẽ trả tiền cho ông. Thấy tấm lòng của Đồn trưởng thế, mặc dù trong lòng còn lo lắng lắm nhưng ông nghe theo, làm theo. Từ đàn bò nhà cộng thêm số có được từ chăm nuôi theo dự án, mặc dù phải mấy năm mưa rét, nhưng đàn bò của nhà ông hiện nay đã có trên 100 con. Mỗi năm, đàn bò nhà ông lại thêm được 30 con từ bò mẹ sinh. Giá bán hiện tại, con to từ 4 đến 5 triệu đồng/con, còn bê, giá 2 đến 3 triệu/con. Mỗi năm ông bán từ 15 đến 16 con cho người dân trong xã, trong vùng để lấy giống phát triển chăn nuôi. Ngoài đàn bò hơn trăm con, ông còn có 2 ao thả cá và khu vườn rộng trồng cây ăn quả. Ông cho biết, cá thả chỉ để ăn chứ không bán, phần do chợ xa, phần nữa cũng là để ông bà có thực phẩm trong ngày và phòng khi nhà có khách.

Đang ngồi nói chuyện thì nghe tiếng lùy sùy bên ngoài. Ông kéo điếu cày vào lòng, mồi thuốc, châm lửa hút vội rồi đứng lên cầm cái túi nilông đi ra. Thấy lạ, chúng tôi cũng vội đứng lên. Ông bảo, hôm nay là ngày bò về cho ăn muối. Thì ra thế. Để có thể thả vào rừng mà không sợ mất, không lo bò bỏ đi, cứ hàng tuần lại phải tìm bò về cho ăn muối. Vì được ăn muối, cứ sau thời gian đi kiếm ăn, đàn bò lại “thèm muối” mà tìm đường về. Ông giải thích, cho bò ăn muối không chỉ để chúng nhớ muối tìm đường về mà còn là tăng các chất kháng bệnh cho bò. Nhìn thấy ông tay xách túi muối, đàn bò lẽo đẽo bám theo. Rẽ đàn bò, ông leo lên tảng đá rồi cứ thế vãi muối lên lưng, lên các mô đá cho chúng ăn. Có vài ba con còn lấy mõm hất hất vào phía cuối cái túi nilông ông cầm trên tay. Nhìn động tác ông vãi muối, nhìn nét mặt ông khi đứng trên mỏm đá cứ rờ rỡ niềm vui.

Ngước nhìn lên phía dãy núi. Trên sườn dãy Khoang Pu San xanh ngắt đã thấy phủ màu sáng bàng bạc của lá non khi xuân về. Xuân đã gõ cửa trên mỗi căn nhà bản Tá Miếu, nơi tận cùng cực Tây Tổ quốc. Xuân trong câu chuyện thoát đói nghèo của trưởng bản Lỳ Lá Na, xuân trong ánh mắt lấp lánh của “tỷ phú” nuôi bò Chang Văn Sinh. Khoang Pu San xuân đã về.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật