Bánh trôi Tàu

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đông rồi. Chiếc áo khoác ngoài lúc này không chịu được cái se se của hơi gió bấc thỉnh thoảng lại về, người ta phải thêm vào chiếc áo ấm hơn và dày dặn hơn. Một mùa đông lại đến, khi các quán bia hơi ở Phùng Hưng, ngõ Hàng Hương, Thái Hà và tất tần tật những chốn bia hơi ở Hà Nội tự dưng thấy hẻo khách thì những món quà phố dành cho mùa lạnh bắt đầu chiếm lĩnh hồn của những người có cái sướng ẩm thực.
Bánh trôi Tàu
Ảnh minh họa

Bạn có nhận ra cái thức gì đựng trong chén nhỏ sứ trắng và người ăn xòe cả lòng bàn tay đỡ lấy chén nước nóng hổi giữa cái lạnh tê buốt của chập tối mùa đông? Ngoài trời mưa phùn gió bấc, những cơn gió mang hơi ẩm và lạnh buốt từ phương Bắc cứ luồn lỏi khắp các phố phường, các ngả đường Hà Nội, nó làm cho trời sao mà mau tối, những căn nhà cũ như muốn thu lu nhỏ hơn vì rét, những giọt mưa li ti làm đôi má của mọi người mất đi cái hồng hào vốn dĩ, đôi môi trở nên nhợt nhạt, hơi thở từ hai lỗ mũi như là khói mờ. Trong cái “e” như thế thì bạn mới sửng sốt khứu giác bởi cái hơi nóng ngòn ngọt sực hương gừng tươi mà ấm, len lỏi trong đó có lảng vảng nhưng không hề e ấp của mùi vừng rang thơm như hương một thứ thời trân quý báu. Đó là bánh trôi Tàu.

Bánh trôi Tàu đâu có xa lạ gì với người Việt, đã từ rất lâu, nó là món quà hiền lành được mang sang nước ta bởi những người Minh Hương cũng rất hiền lành nhưng xởi lởi và hiếu khách. Bánh trôi Tàu giờ đã khá nhiều tuổi rồi, nó được biến tấu và triệt để Việt hóa nhưng vẫn giữ cái tên như là một kỷ niệm êm đềm về một thời lãng mạn của tinh hoa tứ xứ. Bánh trôi Tàu không phải là thứ để cho ăn no, thường người ta chỉ ăn một, cùng lắm là hai chén. Thành phố, thị trấn nào cũng có bán bánh trôi Tàu nhưng ăn cho ngon là phải ăn vào lúc nào và mùa nào, dĩ nhiên còn ăn với ai nữa...

Người viết bài này xa Hà Nội hơn ba chục năm rồi nhưng mỗi lần chợt nhận thấy cuốn blốc lịch đã mỏng quá, lại hồi nhớ thuở thanh niên tinh khôi khi cùng người bạn gái đầu tiên của mình tối mùa đông năm mươi năm trước tạt vào cái quán nho nhỏ ở đầu Hòa Mã và phố Huế. Cái quán lụp xụp nhỏ bé lúc đó là chốn hò hẹn của khá nhiều nam thanh nữ tú vào tiết đông, mỗi chén bánh trôi Tàu có hai viên: một nhân đậu và một nhân vừng đen có 3 hào và nếu “phăng tê zi” đòi cắt cái bánh rán vừng cho vào chén mới phải trả có 5 hào. Chao ôi, lúc ấy nào có biết Vũ Bằng đang than những lời buốt lòng trong Thương nhớ mười hai tại đất phương Nam về những món thời trân này.
Bánh trôi Tàu bình dị, nó là bột gạo nếp, đậu xanh đãi vỏ, củ gừng tươi, ít vừng rang, vừng đen, dừa già nạo thành sợi và chút nước cốt dừa beo béo; thế nhưng sự phối hợp các nguyên liệu một cách tuyệt vời như ma thuật đã tạo nên một thứ nước nóng hôi hổi của mật đường sanh sánh nâu nâu vàng vàng thơm sực mùi gừng ấm nóng và rồi ngan ngát  của thứ vừng rang quyến rũ. Trong cái thứ nước tuyệt vời ấy có những viên bánh trôi bằng bột nếp thơm hương lúa tạo nên vỏ bánh dai dai, deo dẻo đấy nhưng lại cảm nhận khi răng cắn vào thấy có chút giòn giòn. Viên bánh trắng ấy có nhân của nó là đậu xanh ngầy ngậy, bùi bùi nhai sậm sựt bởi có những sợi cơm dừa, có loại viên bánh nhân là vừng đen, khi ăn có người lại thích dầm nó ra mà ăn như vị của chí mà phù.

Lạ lùng thật, cái món ẩm thực này cấm không bao giờ vào các “rét-tô-răng” hay nơi ghế cao bàn kính. Nó sẽ chỉ sừng sững trong tâm tưởng những kẻ xa quê khi cái hình ảnh mùa đông lạnh lẽo lất phất mưa phùn, bầu trời thì u xám nặng sũng nước, những đợt gió bấc cứ nối theo nhau trở về ngày càng gấp gáp và tự nhiên muốn quấn kĩ cái khăn phu–la lên, dựng cao cái cổ áo lạnh và mong được tay vén và cúi đầu lọt qua tấm liếp để vào trong cái quán nhỏ như năm nảo năm nao và rồi ngồi một chiếc ghế gỗ thâm thấp, tì cùi trỏ trên cái bàn khá là chông chênh để chờ một chén bánh trôi Tàu thơm sực và nóng hổi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật