Thâm hụt thương mại du lịch

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2011, Việt Nam đón hơn 6 triệu khách quốc tế, 30 triệu khách nội địa. TPHCM - trung tâm du lịch của cả nước, đón 60% khách quốc tế đến Việt Nam với 3,55 triệu khách quốc tế và 14 triệu khách nội địa. Thế nhưng, lượng khách trong nước đi nước ngoài cũng tăng cao. Du lịch trong nước lại tiếp tục tăng giá, dẫn đến nguy cơ giảm lượng khách quốc tế, cán cân thương mại du lịch bị thâm hụt. Du lịch Việt Nam có thể giảm giá được không?
Thâm hụt thương mại du lịch
Nhân dân các tỉnh miền Tây Nam bộ vui chơi ở Khu du lịch Suối Tiên TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Nguy cơ đón ít, đi nhiều!

Năm 2011, chịu tác động của tình hình lạm phát nên chi phí đầu vào của dịch vụ du lịch như điện, nước, xăng dầu, vé máy bay… đều tăng.

Theo Sở VH-TT-DL TPHCM, 70% khách đi máy bay tại Việt Nam với mục đích du lịch, trong năm 2011, vé máy bay tăng 2 lần, tổng cộng tăng 35% - 40%; dịch vụ thuê xe vận chuyển mặt đất cũng tăng với tỷ lệ trên 30%; dịch vụ ăn uống tăng 40%; giá vé tham quan vịnh Hạ Long tăng 40%... Lợi nhuận của DN lữ hành giảm do các hợp đồng du lịch thường ký trước khi giá cả thị trường tăng lên.

Tuy đạt được sự tăng trưởng về lượng khách du lịch, nhưng hầu hết lợi nhuận của các DN lữ hành không đạt như kỳ vọng. Hệ quả là giá tour nội địa trong năm 2011 tăng bình quân 20% - 30%, dự báo sẽ còn tăng trong năm 2012. Nhiều người đã lựa chọn đi du lịch nước ngoài, đến các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc… giá tour có khi rẻ hơn tour từ TPHCM ra các tỉnh phía Bắc khoảng 20%.

Theo thống kê, trong năm 2011, TPHCM đón 3,55 triệu khách quốc tế nhưng có hơn 3 triệu khách trong nước đi du lịch nước ngoài qua sân bay Tân Sơn Nhất, tăng gần 2 lần so với 2010. Thông tin nêu trên cho thấy số khách du lịch đi nước ngoài đã tăng gần bằng số khách du lịch nước ngoài vào TPHCM.

Điều này đồng nghĩa với việc thị trường du lịch Việt Nam đang chuyển từ việc “xuất khẩu” du lịch tại chỗ thu ngoại tệ sang “nhập khẩu” du lịch và thâm hụt cán cân thương mại du lịch với nước như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Campuchia... Với giá ngày một tăng như hiện nay thì du lịch Việt Nam cũng sẽ mất sức thu hút đối với khách quốc tế. Sức cạnh tranh của các phẩm du lịch của Việt Nam yếu và thua so với các nước.

Rất khó giảm giá!

Trong cuộc họp mới đây của lãnh đạo UBND TPHCM với ngành du lịch, các DN du lịch tại TPHCM về giải pháp thu hút khách trong năm 2012, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Nguyễn Thị Hồng bày tỏ mong muốn, ngoài việc nâng cao chất lượng, sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách, TPHCM muốn có một chính sách giảm giá cho du lịch trong năm 2012. Đó là mục tiêu đặt ra, tuy nhiên, về phía DN, trong tình hình hiện nay giảm giá là một điều khó có thể thực hiện được.

Cách xây dựng giá bán tour của các DN lữ hành là họ chỉ làm trung gian, mua lại các dịch vụ của các nhà cung ứng, tổ chức lại thành một chương trình du lịch trọn gói hay từng phần, cộng thêm tỷ lệ phần trăm lãi cho DN và bán cho khách du lịch.

Như vậy giá bán tour chịu rất ít tác động của các DN lữ hành, mà 90% phụ thuộc vào các nhà cung ứng dịch vụ khác.

Ông Võ Anh Tài, Giám đốc Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho rằng, với các tour phục vụ khách quốc tế vào Việt Nam, DN không biết được giá bán tour của đối tác ở nước ngoài, chỉ biết bán cho đối tác các dịch vụ trong nước theo cách tính như trên. Do vậy, việc tính toán giảm 5% giá cũng rất khó khăn.

Đặc điểm của du lịch TPHCM là trung tâm gửi khách du lịch quốc tế lớn nhất Việt Nam, TP cũng là trung tâm gửi khách du lịch nội địa đi các địa phương khác. Như vậy người dân TP cũng là người mua dịch vụ của các địa phương khác hơn là bán cho các khách du lịch của các nước và các địa phương trong nước. Nói cách khác giá tour du lịch trong nước phục thuộc vào các trung tâm du lịch khác của đất nước nhiều hơn là của TP.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết, giá vé máy bay chiếm phần lớn cơ cấu giá tour. Nhờ vậy, thành công của chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2008 - 2009 có sự đóng góp lớn của việc giảm giá vé máy bay. Trước đợt tăng giá vào cuối tháng 12-2011 vừa qua, giá vé máy bay từ TPHCM đi Hà Nội đã bằng với giá vé máy bay từ TPHCM đi Thái Lan, Singapore, nay tăng thêm hơn 20% nữa thì giá tour Việt Nam càng cao.

Vai trò cơ quan quản lý Nhà nước trong việc vận động, kêu gọi các DN liên kết hợp tác giảm giá không đủ sức mạnh làm thay đổi lâu dài, chỉ mới là giải pháp tình thế. Sự chia sẻ của các DN khách sạn, hàng không, dịch vụ, sự kết nối giữa các địa phương trong việc hình thành các giá tour có sức cạnh tranh so với các quốc gia khác hầu như không có. Đó là cản trở lớn nhất sự phát triển của du lịch Việt Nam!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật