John Francis gã gàn đáng yêu

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người ta gọi John Francis là một kẻ gàn. Gàn, vì chỉ sau một vụ tràn dầu mà thề với lòng nhất định không đi các loại xe có gắn động cơ. Đỉnh điểm của sự gàn là im lặng suốt 17 năm để “cho đời chút bình yên”.
John Francis gã gàn đáng yêu
John Francis

Chính vì thế mà quyết định thực hiện cuộc phỏng vấn với John Francis qua email trở thành sự lựa chọn hợp lý hơn bao giờ hết. Và quả không hổ danh đại sứ thiện chí của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), Francis đã gây ấn tượng với tác phong cực kỳ nhanh nhẹn. Ông trả lời sau khi nhận được câu hỏi chưa đến 24 giờ, dù mỗi ngày ông có bao nhiêu việc để làm!

22 năm cuốc bộ

Cuộc đời của John Francis thật sự thay đổi kể từ sau thảm họa tràn dầu tại vịnh San Francisco tháng 1-1971. Màu đen nhớp nhúa của hơn 1,5 triệu lít dầu và mùi hôi nồng nặc đã đánh thẳng vào tâm can chàng trai 25 tuổi người Mỹ gốc Phi. “Đó là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến một sự sỉ nhục môi trường ở qui mô như vậy. Và tôi không bỏ qua được chu‌yện ấ‌y. Bạn có thể nhắm mắt, có thể quay lưng, nhưng không bao giờ thoát khỏi ảnh hưởng của nó” - ông nhớ lại.

Lúc ấy, Francis đã manh nha ý định nói “không” với các loại phương tiện giao thông gắn động cơ. Từ ý định đến hiện thực là một khoảng lặng với dấu gạch nối là cái chết của một người hàng xóm. “Tôi nhận ra ở đời không nên hứa hẹn gì cả. Nếu muốn làm gì, tốt nhất cứ bắt tay vào làm ngay”.

Vậy là Francis “bắt tay vào làm”. Ròng rã trong 22 năm sau đó, với balô trên vai và chiếc đàn banjo lủng lẳng trước ngực, Francis vượt ngàn dặm đường khắp nước Mỹ và nhiều nước Nam Mỹ bằng đôi chân. Đến đâu ông cũng truyền cảm hứng và thuyết phục người dân ở đó từ bỏ sự lệ thuộc vào nền kinh tế xăng dầu.

Francis kể khi đi bộ trên đường, ông được nhiều người chặn lại hỏi đang làm gì, và cuộc nói chuyện sớm muộn đều biến thành trận cãi vã. “Vì thế trong ngày sinh nhật thứ 27 của mình, tôi quyết định tặng cho cộng đồng chút im lặng, vì tôi cứ tranh cãi suốt”. Ông chỉ định thử không nói chuyện một ngày xem sao. Vậy mà sự im lặng của ông lại kéo dài hơn 6.000 ngày! Trong 17 năm, Francis giao tiếp với thế giới sôi động bên ngoài bằng cách ra dấu, viết lên giấy và chơi đàn banjo. 

Học cách lắng nghe

Ở tuổi 60, hành trình vẫn chưa kết thúc - Ảnh: Planet Walk
Khi hành trình của tôi càng dài ra, tôi nhận ra rằng mỗi người chúng ta đều có một hành trình riêng của mình để làm thay đổi thế giới, và không nhất thiết ai cũng làm như ai. Nhưng nhiều người viết thư cho tôi nói rằng họ đã hạn chế lái xe hơn, chuyển sang đi bộ hoặc đi xe đạp thường hơn”.

Bài học về sự im lặng là một trong những hạt trân châu mà ông “đào đãi” được từ chuyến hành hương này. “Phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình, tôi đã không lắng nghe trọn vẹn. Tôi chỉ nghe vừa đủ để quyết định xem ý kiến người nói có hợp ý mình không. Nếu không hợp, tôi không nghe nữa, đầu óc tôi bổ nhào về trước sẵn sàng cho một cuộc tranh cãi với những gì người kia vừa nói”.

Sự im lặng đã dạy ông rằng khi biết đứng bên bờ vực của nó, ta sẽ nghe những điều chưa từng nghe và nghe theo một cách chưa từng làm trước đây. “Điều mà tôi từng bất đồng, giờ đây tôi có thể đồng ý theo một cách khác, bằng một sự hiểu biết khác”.

Francis nói chuyện lại vào ngày 22-4-1990, Ngày Trái đất. Còn hành trình đi bộ của John Francis chấm dứt hết sức đột ngột khi ông đến biên giới Brazil - Venezuela.

Ông giải thích rằng không ngồi xe gắn động cơ suốt 22 năm là hành động hợp lý sau vụ tràn dầu năm 1971. Lúc đó ông chỉ là một thanh niên vô danh tiểu tốt. Nhưng nay ông đã là đại sứ thiện chí của UNEP, lại có bằng tiến sĩ tài nguyên đất (lấy trong thời gian ông đi bộ và im lặng), tức là đã gánh lên mình trách nhiệm mới. Vì vậy ông đã quyết định sẽ bắt đầu sử dụng lại phương tiện gắn máy để trở về nhà và thực hiện trọn vẹn hơn sứ mệnh của mình.

Khi về nước, Francis đến nhiều trường học, nói chuyện với học sinh, sinh viên trên khắp nước Mỹ, truyền cho họ nguồn cảm hứng bảo vệ môi trường. Ông đã xuất bản một quyển sách kể về hành trình đi bộ của mình. Francis cho biết mỗi năm ông lại một lần quảy balô lên đường đi bộ xuyên Mỹ, lần theo con đường ông đã đi trước đây.

Mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 2-3 tuần. “Mục đích là để nhìn thấy sự khác biệt trong cảnh vật và trong các cuộc đối thoại của tôi với mọi người dọc đường. Điều quan trọng nhất là để bắc những nhịp cầu giữa người với người, và với những tổ chức vốn không xem môi trường là vấn đề họ quan tâm”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật