Thái Tuấn - Một bóng dáng lớn

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông là một bóng dáng lớn của hội họa Việt Nam hiện đại. Mùa Xuân năm nay ông không còn trên cõi đời này nữa để có thể khai bút đầu năm...
Thái Tuấn - Một bóng dáng lớn
Họa sĩ Thái Tuấn tại nhà riêng, năm 2006

Nhớ cách đây mấy năm, ông chuyển cho tôi bức tranh con gà nhân Tết Tân Dậu. Đó là một chú gà cồ cực kỳ dũng mãnh, cái cổ vươn dài hiên ngang, cái cựa thiệt cứng, dáng dấp oai phong lẫm liệt như vị tướng quân trước lúc xuất trận. Bức tranh ấy được dùng làm ảnh bìa trên Báo Người Lao Động, số Tất niên. Tết năm ấy nhiều người thích bức tranh này. Có một doanh nhân mê mẩn bức tranh con gà cồ ấy, nhờ tôi phóng một bức phiên bản để treo trong những ngày Tết ...

Vậy mà giờ đây bóng dáng lớn ấy đã trở thành cát bụi. Nhưng gần 200 tác phẩm của ông để lại vẫn còn đang có sức sống riêng biệt. Niềm vinh dự ấy chỉ có những nghệ sĩ tài năng mới có được. Đó là một đặc quyền của họ.

Ông sống gần trọn thế kỷ 20, thêm 7 năm của thế kỷ 21, là “sống quá nhiều rồi”- như ông nói. Ông hòa vào dòng chảy và góp mặt tích cực trong dòng chảy ấy, để tạo nên một nền hội họa Việt Nam có vị trí với bạn bè.

Tôi mê ông lúc đầu không phải vì những bức tranh sơn dầu có giá, đã tạo nên tên tuổi Thái Tuấn, mà bắt đầu từ những bài viết trong Câu chuyện hội họa của ông - xuất bản trước 1975- và Tuyển tập tranh và tiểu luận – 1996. Cả hai tác phẩm này đã được NXB Văn Nghệ ấn hành năm 2005.

Lý luận về hội họa của ông cũng đơn giản, mềm dịu và lắng đọng như tranh của ông. Tôi có cảm giác, đọc xong Câu chuyện hội họa, ai cũng có thể cầm cọ! Nhiều họa sĩ trẻ xem tác phẩm này có giá trị đặc biệt.

Thái Tuấn nói, sở dĩ ông viết lý luận là vì không có ai viết, ngay cả Nguyễn Gia Trí cũng chỉ “phán vài câu”. Ông muốn người ta hiểu đúng bản chất của hội họa, nó khác với khoa học, không có sự tiến bộ, không cần sự nối tiếp, nó cũng chẳng có hiện đại. Nghệ thuật theo ông là không có triều đại (hiện tại chỉ là thời gian)... Những điều ấy tôi ghi được trong một vài buổi nói chuyện cuối cùng với ông, trước khi ông thanh thản ra đi.

Tôi biết ông cũng có lúc chạy theo hiện đại, vẽ và bán được dăm bức để nuôi con- như ông nói, rồi tự ông bỏ hẳn, như không biết đến nó có tồn tại hay không tồn tại. Ông vội vã quay trở lại quan niệm nghệ thuật của mình: Sự đơn giản nhưng cũng rất trừu tượng, cái đẹp như một bông hoa nở, như ánh trăng đẹp. “Vẽ mây để thấy trăng”- ông thích quan niệm đó của Tàu. Chứ vẽ trăng để thấy trăng, vẽ mây để thấy mây thì nhìn trăng thật, mây thật thú vị hơn.

Tranh của ông cũng như quan niệm nghệ thuật của ông: Ít màu, ít nét và để nhiều khoảng trống để người xem mặc sức tưởng tượng. Tính cách này dường như ông chịu ảnh hưởng ít nhiều của họa sĩ Dương Bích Liên- người mà ông rất nể phục. Ông đặc biệt thích bức tranh Bác Hồ lên ngựa, Dương Bích Liên vẽ Bác Hồ thật giản dị chuẩn bị lên ngựa lúc hừng đông, phía xa xa là những khoảng trống mênh mông chìm trong ánh mặt trời tinh khôi.

Thực sự cầm cọ ở tuổi 40, nhưng chỉ qua ba cuộc triển lãm (l958, l970, l973) chân dung hoạ sĩ Thái Tuấn đã hoàn thiện: Một họa sĩ hoàn toàn làm chủ chất liệu sơn dầu.

Có một hình tượng xuyên suốt trong tác phẩm của ông, đó là người phụ nữ Việt Nam với nét đẹp trong ngần riêng tư. Người phụ nữ đó không có cái đẹp phô diễn, rực rỡ, mà là cái đẹp thánh thiện tôn thờ. Ông từng nói đùa với tôi: “Ở Pháp hơn 20 năm, phụ nữ Pháp tuyệt vời là vậy, mà sao mỗi lần cầm cọ tôi đều vẽ phụ nữ Việt Nam!”.

Thủ pháp của ông cũng cực kỳ đơn giản: thủy mặc + kỹ thuật sơn dầu. Ông nói rằng người Pháp mở trường mỹ thuật ở nước ta không phải để ta vẽ giống họ. Một đất nước có bề dày văn hóa 4.000 năm, chỉ cần 20 năm học kỹ thuật hội họa phương Tây là chúng ta có thể vẽ theo cách của người Việt Nam. Nguyễn Gia Trí là một ví dụ điển hình, đã biến chất liệu sơn mài thành chất liệu của nghệ thuật; tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh cũng tương tự... Trên sự suy tư ấy, Thái Tuấn vẽ theo cách của ông với những tác phẩm đậm đà tính dân tộc, dù ông không thích nói về vấn đề lý luận đơn giản này.

Viết và vẽ tài năng như nhau. Bức tranh cuối cùng của ông để lại vẽ một người phụ nữ Việt Nam như đang bước tới, phía sau là thành phố ẩn hiện, trầm mặc, mà ông bảo đó là thành phố Thanh Hóa quê mẹ ông. Người phụ nữ đó cũng chính là mẹ ông... Ông đã về với cội nguồn.

Năm 2005, từ Pháp về Việt Nam, ông có nhờ tôi trả lại vé máy bay khứ hồi mà ông mua ở Pháp, để ở lại với cội nguồn. Hai ba năm cuối đời ông vẽ hơn chục tác phẩm. “Còn vẽ là vì chưa hài lòng với chính mình”- ông nói vậy.

Giờ thì, như ông nói “vẽ đủ rồi, sống đủ rồi, viết đủ rồi”, nên bước chân ông thanh thản về với chốn cội nguồn, để lại những tác phẩm làm đẹp cho cuộc đời, để lại những câu chuyện hội hoạ bất tận, như chính cái đẹp huyền bí mà con người sẽ còn tiếp cận nó trong niềm cảm hứng vô biên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật