Nỗi khổ nàng dâu có mẹ chồng “khinh người nghèo”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi cần lắm những đồng tiền để trang trải mọi thứ, nhưng lại căm ghét tiền, cũng bởi nó mà anh và gia đình anh không tiếc lời chỉ trích khi “bố thí” nó cho tôi.
Nỗi khổ nàng dâu có mẹ chồng “khinh người nghèo”
Ảnh minh họa

“Cô đòi hỏi vừa phải thôi, cô phải biết mình là ai, mình làm được gì cho cái nhà này chứ? Có giỏi, cô tự đi kiếm tiền mà trang trải cho những nhu cầu cá nhân của cô đi…”. Anh không thương tiếc ném vào tôi những lời đanh thép của một người có quyền, có thế. Anh vùng vằng đạp tung cánh cửa phòng rồi leo lên chiếc Mercedes phóng vụt đi, bỏ lại tôi với sự tủi hổ ê chề của một kẻ bấy lâu nay vẫn bị coi là “ăn bám”.

Ngày tiễn tôi lên xe hoa, mẹ đã khóc và nói với tôi: “Mẹ lo cho tương lai của con gái mẹ bỗng nhiên được lạc vào chốn giàu sang”. Mười chín tuổi, tôi còn quá ngây thơ trước những va vấp, trải nghiệm của cuộc sống và mặt trái của đồng tiền, nên không thể lường được những lo lắng của mẹ chính là dự cảm cho cuộc sống ngột ngạt sau ngày cưới của tôi. Cái hào nhoáng bên ngoài mà người đời nhận xét là “chuột sa chĩnh gạo”, không sai! Tôi sa vào một gia đình giàu sang, quyền thế. Chồng làm giám đốc điều hành một công ty lớn, nhà lầu, xe hơi, vật chất đủ đầy. Trong khi tôi vẫn đang còn là một cô sinh viên năm thứ hai Đại học Ngoại thương.

Tôi ngoan ngoãn nhận lời làm vợ anh khi mầm sống - kết quả tình yêu quá giới hạn của tôi và anh đã hình thành trong c‌ơ th‌ể tôi gần 3 tháng. Vượt qua sự ngăn cản của gia đình, anh vẫn quyết cưới tôi. Nhưng kể từ ngày có sự hiện diện của tôi trong căn nhà khang trang ấy, mọi thứ đã dần thay đổi. Tôi cảm nhận hơn ai hết sự lạnh nhạt đến mức khinh bỉ của mẹ chồng dành cho mình. Mẹ bênh anh, bà tìm mọi cơ hội nói xấu tôi, bà nói cái thai trong bụng tôi chưa chắc đã phải của con trai bà, “tội nghiệp thằng T phải lai lưng kiếm tiền nuôi con vợ ăn bám”… Tôi cay đắng nhịn nhục mọi điều tiếng. Nghĩ đến con, tôi có thêm nghị lực để tiếp tục làm bổn phận dâu con trong cái gia đình “khinh người nghèo” ấy, để hằng ngày phải căng tai nghe những lời bóng gió của mẹ chồng. Nhưng rồi áp lực tâm lý đã làm tôi không thể giữ được con.

Do đặc thù công việc, chồng tôi hay phải đi công tác xa. Mỗi lần về, anh lại được mẹ rót cho những lời cưng nựng, rồi dần dần mẹ sáng tác ra những điều xấu về tôi và thủ thỉ với anh. Không biết có phải vì mưa dầm thấm lâu cái cảnh luôn phải nghe mẹ ca thán con dâu, hay là vì anh sĩ diện với đồng nghiệp, bạn bè, mà anh bắt đầu cáu gắt với tôi vô cớ. Anh kiểm soát mọi chi tiêu của tôi từng li từng tí, tôi tủi nhục khi chìa tay xin anh từng đồng để nộp học phí, học thêm. Ngay cả mua những thứ đồ dùng cá nhân nhỏ nhặt nhất, tôi cũng phải giải trình để được anh cho. Sự thiếu thốn đã ăn mòn tính tự ái của tôi. Cuộc sống o bế, ngột ngạt bọc trong cái hão danh của sự giàu sang, đẩy tôi vào ngõ tối bế tắc. Tôi mắc kẹt giữa danh dự cá nhân và danh giá của một kẻ đã lỡ bước sang ngang.

Tiền bạc, vật chất có ý nghĩa gì đâu khi con người thiếu cái “tình” mà vẫn phải tồn tại bên nhau. Người bên ngoài xuýt xoa, ao ước cái danh vị của tôi, ít ai biết được đằng sau ánh hào quang là một khoảng tối. Tôi cần lắm những đồng tiền để trang trải mọi thứ, nhưng lại căm ghét tiền, cũng bởi nó mà anh và gia đình anh không tiếc lời chỉ trích khi “bố thí” nó cho tôi. Lòng tự trọng đã bị tổn thương. Tôi quyết đi làm gia sư buổi tối để kiếm tiền lo cho nhu cầu sinh hoạt của mình. Bạn bè cười nhạo tôi dở hơi. Gạt bỏ mọi tự ái, tôi nâng niu trên tay những đồng tiền lấp lánh mà tôi kiếm được bằng chính sức lao động của mình. Tôi trân quý thứ của cải được đổi bằng mồ hôi nước mắt ấy.

Đến bây giờ tôi đã thấy nhẹ lòng hơn khi không phải khép nép ngửa tay xin sự bố thí của chồng. Tôi vừa học, vừa đi làm thêm để lo cho mình. Nhà lầu, xe hơi, tiền tài, danh vọng… biến thành chiếc áo tàng hình trang trí cho tôi. Tận trong sâu thẳm con người mình, tôi vẫn là một cô sinh viên nghèo vật lộn với nỗi lo cơm áo gạo tiền đến chóng mặt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật