Tình yêu “nuôi“ con lớn

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trẻ con không hiểu được tình yêu lặng thầm. Chúng chỉ biết đến hành động, thời gian ở bên và những lời nói ngọt ngào.
Tình yêu “nuôi“ con lớn
Trẻ con không hiểu được tình yêu lặng thầm. Chúng chỉ biết đến hành động, thời gian ở bên và những lời nói ngọt ngào. (Ảnh minh họa).

Giống như tất cả các ông bố, bà mẹ khác, tôi luôn phấn đấu để kiếm thật nhiều tiền cho con có một căn phòng riêng tiện nghi, mua loại sữa tốt nhất, bỉm tốt nhất, học ở trường mẫu giáo quốc tế với điều kiện chăm sóc tốt nhất... nhưng cuối cùng, nó lại chỉ quẩn quanh với chị giúp việc mà chẳng đoái hoài đến tôi!

Cho đến cuối tháng vừa rồi, tôi đọc được một bài báo về người mẹ ở TP.HCM, đẻ 10 đứa con và khá nghèo túng. Ở đây tôi không định phán xét chuyện kế hoạch hóa dân số, và cũng lờ đi cái phần “kêu gọi từ thiện” (nếu có) của bài báo. Cái đập vào mắt tôi và khiến tôi thót cả tim lại, ấy là bức ảnh, mà ở đó, người mẹ 37 tuổi ngồi bên đàn con đầy lo âu mắt trong veo và cười lém lỉnh. Hóa ra, trẻ con lớn lên bằng tình yêu, không có cái cũi nào trong ngôi nhà 10 đứa con ấy, chắc chắn! Chúng quanh quẩn bên mẹ, ngủ chung với mẹ, được bú mẹ mọi lúc mọi nơi như lời chia sẻ rất thật lòng của bà mẹ 37 tuổi “đêm đêm, nằm giữa đàn con 10 đứa, em cũng lo đến chảy nước mắt”...

Một thế giới riêng, bé không hề ao ước

Điều này, có thể khiến cho nhiều bà mẹ tự cho mình là có chút “hiện đại” và Tây học, như tôi phản đối. Nhưng sự thực là, chuẩn bị đón “cục cưng” chào đời, bố mẹ đã không tiếc tiền sắm sanh đủ thứ, nào là quần áo mũ mão sơ sinh, đến các loại xe nôi, giường ngủ với trướng rủ màn che cực kỳ yêu kiều... Họ lên kế hoạch rằng ngay từ tuần đầu tiên ở viện về, bé sẽ ra riêng. Nhưng thực sự thì, đó là một thế giới mà bé không hề ao ước.

Khi còn trong bụng, bé “kết nối” với mẹ bằng sợ dây rốn. Thông qua đó, mẹ “tiếp tế” đồ ăn thức uống và cả oxy cho bé. Sau khi bé chào đời, sợ dây thần diệu ấy bị cắt đứt khiến bé và mẹ như thể tách rời ra.

Đó, chính là cú sốc đầu tiên với bé. Trong ba tháng đầu, dù về thể chất bé đã sẵn sàng để hít thở, để bú mẹ, để đón nhận âm thanh và ánh sáng bên ngoài, nhưng bé vẫn chưa chấp nhận chuyện mình bị tách rời khỏi mẹ. Trong ý nghĩ của bé, bé luôn cần có mẹ. Đối với bé, được gần mẹ là tồn tại; cách biệt mẹ - không tồn tại.

Cách để an ủi bé sơ sinh, đơn giản nhất chính là bế, vỗ về, để bé được hít hà hơi ấm của mẹ. Thế nhưng, mẹ nào hay bồng bế, vỗ về cho con ngủ chung giường bị chê là ... lạc hậu. Người ta cảnh báo rằng mẹ sẽ mất hết tự do vì bị nhóc “đeo bám”, rằng nhóc sẽ đâm ra hư thân, kém tự lập và dễ trở thành thứ cậu ấm, cô chiêu... Thế nên, người ta khuyên mẹ nên rèn rũa tính tự lập cho nhóc con ngay từ bây giờ - lúc còn đang ẵm ngửa! Và, sự thực sẽ đợi các bà mẹ hiện đại, chính là nếu bé có thể kể cho mẹ về tháng đầu đời của mình thì dám chắc rằng, đó rất có thể là một trải nghiệm buồn: bé hoang mang xiết bao khi mẹ ở cách chiếc giường nôi không xa nhưng mẹ cứ lờ bé khi bé khóc!

Như thế, sẽ đừng ngạc nhiên nếu đưa con tuổi teen lớn lên khép kin, khô khan. Bởi vì,ngay từ khi còn nhỏ, con đã không có cơ hội để học cách bộc lộ tình cảm, thói quen quan tâm đến người khác. Nếu trước kia mẹ đã lờ con đi, thì bây giờ con cũng chẳng có nhu cầu lại gần mẹ. Con chẳng muốn chia sẻ buồn vui, cũng không thích bày tỏ tình cảm với mẹ. Đơn giản là từ tấm bé, con đã được đưa vào khuôn phép – ăn theo giờ ngủ một mình và không được bế bồng.


Bạn hãy thường xuyên ôm ấp, vỗ về “cục cưng” của mình. (Ảnh minh họa).

Bé luôn giữ mẹ trong tầm mắt mình...

Trẻ con không hiểu được tình yêu lặng thầm. Chúng chỉ biết đến hành động, thời gian ở bên và những lời nói ngọt ngào. Nếu chỉ vì bận thăng tiến, mải kiếm tiền, sợ lạc hậu, hay muốn rèn cho con tính tự lập, mà vội luyện cho con thói quen không cần mẹ thì bạn đang phạm một sai lầm lớn.

Nhiều người mẹ vì theo “mốt” cho con ăn theo giờ, ngủ riêng, không bồng bế và phó thác chuyện dạy dỗ cho chế độ “đồng phục” ở vườn trẻ mà khiến đứa trẻ lớn lên với thói quen khép kín, lãnh đạm. Ngược lại, có những bà mẹ dù hoàn cảnh khó khăn vẫn tranh thủ thời gian eo hẹp để bế ẵm con, ân cần chuyện trò và cố kéo dài thời kỳ cho con bú. Những người mẹ này không sợ làm hư con, mà chỉ sợ làm tổn thương con bởi sự thờ ơ của mình. Và phần thưởng cho họ là đứa con  lớn lên với sự cởi mở, thân thiện, giàu lòng trắc ẩn và có niềm tin đối với cuộc sống. Nhưng đứa trẻ như thế khiến mọi người xung quanh phải mến yêu.

Bởi vậy, bạn hãy thường xuyên ôm ấp, vỗ về “cục cưng” của mình, nhất là khi bé đang ở tuổi sơ sinh. Hãy cứ bế ẵm bé và đừng sợ làm hư bé. Việc bế ẵm sẽ chẳng hề vất vả nếu bạn sử dụng một chiếc địu. Cảm nhận được giai điệu thân thương phát ra từ trái tim, nhịp thở của mẹ, bé con sẽ đắm chìm vào không gian yên bình như thuở còn trong bụng. Còn người mẹ, khi lắng nghe nhịp thở đều đặn của bé, khi hít hà hương sữa ngọt ngào từ da thịt bé cũng sẽ cảm thấy bình tâm hơn vì “mọi chuyện với cún con của mẹ đều rất ổn!”.

Vào những thời điểm bé bắt đầu tập bò, tập đi, tập chạy..., mẹ càng nên quan tâm đến bé hơn. Tuy đây là những biểu hiện “vươn tới độc lập”, là cách để bé tách dần khỏi mẹ nhưng nếu để ý bạn sẽ thấy bé luôn luôn giữ mẹ trong tầm mắt mình. Bé muốn đảm bảo rằng: “mình sẽ có mẹ bất cứ lúc nào cần trợ giúp, mẹ là “thần hộ mệnh” của mình”. Và cứ thế trong bé hình thành nền tảng của niềm tin, tình yêu thương và sự tự tin.

Với ý nghĩ “mình có thể làm mọi thứ, bởi vì mình có sự hậu phương mạnh mẽ là mẹ, là ba', bé con nhà bạn sẽ lớn như thành một con người lạc quan và hạnh phúc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật