9 cách giúp bé vượt qua sợ hãi

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi căn phòng chìm vào bóng tối, thì với óc tưởng tượng vĩ đại của mình, bé sẽ “hô biến” những vật bình thường nhất thành những thứ dữ tợn nhất...
9 cách giúp bé vượt qua sợ hãi
Ảnh minh họa
Đâu là nguồn cơn?

Sợ bóng tối là nỗi sợ “kinh điển” nhất ở trẻ nhỏ. Bóng tối thường ám ảnh các bé từ 2-7 tuổi, độ tuổi mà óc tưởng tượng của trẻ đang phát triển rất mạnh. Nghe một câu chuyện dễ sợ hay thấy một cảnh kinh dị trên tivi là bé sẽ hình dung ngay rằng chúng cũng tồn tại trong đời thực. Và khi căn phòng chìm vào bóng tối, bé sẽ “hô biến” những vật dụng bình thường nhất thành những thứ dữ tợn nhất: chậu cây cảnh ở góc nhà bỗng mọc nanh vuốt thành ma cà rồng; bóng chiếc áo đổ dài xuống sàn bỗng hóa thành chằn tinh. Còn mấy cái góc khuất - đó là nơi ẩn nấp của con ngáo ộp hay mụ phù thủy.


Từ 8 tuổi trở lên, nỗi sợ bóng đêm của bé không còn vu vơ nữa mà thường gắn với những chuyện bi đát nào đó (bà nội vừa qua đời, con cún bị mất tích…) hoặc đơn giản là khi bé cảm thấy cô đơn (vì bố mẹ về muộn chẳng hạn…). Theo các chuyên gia, một căn nguyên khiến trẻ hay sợ hãi chính là hoàn cảnh gia đình. Nếu trẻ bị đẩy khỏi môi trường sống quen thuộc, phải ở với người khác thay vì với cha mẹ, hoặc có đầy đủ cha mẹ nhưng hai bên thường xuyên xung đột… thì trẻ dễ sinh ra sợ đủ thứ, trong đó có sợ bóng tối.

9 cách giúp bé vượt qua sợ hãi

1. Đừng làm con phải xấu hổ vì chuyện con hay sợ vớ vẩn, kẻo con sẽ trở nên khép kín và âm thầm sống trong sợ hãi. Nghiêm trọng hơn, nỗi sợ này có thể tích tụ và biến thành chứng rối loạn tâm thần.

2. Để con tin rằng trong bóng tối chẳng có gì đáng sợ, thay vì nói suông, hãy dắt con vào căn phòng mờ tối rồi chỉ cho con thấy cái bóng đầy nanh vuốt kia chỉ là chậu xương rồng, còn con ác thú nọ chẳng qua là bóng chiếc áo khoác...

3. Hãy cho con biết rằng hồi bé bố/mẹ cũng sợ bóng tối như thế nào, nhưng cuối cùng đã vượt qua nỗi sợ ấy ra sao. Cảm thấy có “đồng minh” trong nỗi sợ, bé sẽ… an lòng hơn. 

4. Không bao giờ chế nhạo hay bực bội với con về chuyện con cứ sợ vớ sợ vẩn, mà hãy tỏ ra nhẫn nại, tạo cơ hội cho con thổ lộ nỗi sợ hãi của mình.

5. Đừng giúp bé trốn chạy nỗi sợ bằng cách cho “ngủ đậu” ở phòng bố mẹ. Bởi như vậy hoài, bé sẽ không thể chiến thắng nỗi sợ và không biết bao giờ mới tự lập được. Tốt nhất là hãy đưa bé trở lại phòng mình, trấn an bé và nằm lại cùng bé cho đến khi bé thiếp đi. Nếu bé muốn, có thể cho bé để đèn ngủ hoặc cầm một cây đèn pin. Chút ánh sáng sẽ giúp bé yên lòng hơn.

6. Một mẹo nữa giúp bé can đảm hơn là hãy rủ bé chơi trò ú tim, và khi biết bé đang trốn vào một góc tối thì hãy vờ nói to lên rằng chắc bé chẳng dám trốn vào đấy đâu; rồi cuối cùng, khi bé từ đó chạy ra thì hãy tỏ ra ngạc nhiên và tấm tắc khen bé can đảm.

7. Có thể giúp bé tiễu trừ nỗi sợ bằng cách bảo bé vẽ ra giấy hình thù các nỗi sợ ấy (một con ma cà rồng, một tên ác quỷ hay một mụ phù thủy…) rồi xé tan nó ra; Cũng có thể cho bé vẽ những nhân vật có sức mạnh phi thường (siêu nhân, người nhện...) rồi treo trong phòng để giúp bé đẩy lùi các thế lực độc ác.

8. Mẹ có thể kể cho bé nghe những câu chuyện mà trong đó bé là một dũng sĩ oai phong khiến các thế lực độc ác phải quy phục để bé cảm thấy mình cũng thật mạnh mẽ.

9. Điều cơ bản nhất để bé không bị nỗi sợ ám ảnh là hãy tạo ra một không khí gia đình ấm cúng, để bé luôn cảm thấy mình được yêu thương, để bé tin rằng bất cứ lúc nào mình gặp nguy nan thì cũng có ba mẹ sẵn sàng che chở.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật