Nỗi đau phía sau những gia đình có người tâm thần

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nửa đêm, vừa dỗ được anh con trai 42 tuổi vào giấc ngủ, bà Ngô Thị Nam lại quay sang gọi cô con gái 44 tuổi dậy thay quần vì đái dầm.
Nỗi đau phía sau những gia đình có người tâm thần
Bà Ngô Thị Nam thường xuyên dỗ dành con trai để anh không đập đầu vào tường, gây hại cho mình. Anh Cường, con bà Nam bị tâm thần 16 năm trước sau vụ tai nạn giao thông dẫn đến dập não. Ảnh: H

Vừa đặt lưng xuống chiếc giường kê giữa sân nhà, người mẹ 71 tuổi lại bật dậy bởi tiếng động mạnh phát ra từ phòng bên. "Mẹ đây, Cường ơi!", nói rồi bà lật đật chạy tới, tay run run mở cửa căn phòng luôn khóa chặt, bọc kín xốp, cửa sổ quây lưới thép, chỉ chừa một ô đủ để đưa thức ăn nước uống.

Mỗi khi tỉnh táo con trai bà, anh Nguyễn Hùng Cường gọi đó là "gian chó".

Cường vừa thức, theo thói quen anh cất tiếng gọi mẹ. Nếu bà Nam chưa xuất hiện, việc đầu tiên người đàn ông này làm là đập đầu vào cánh cửa sắt. Mười sáu năm qua, kể từ ngày bị tai nạn, anh hay la hét, đập phá, thi thoảng mới nhận ra người xung quanh. Cường cũng không phân biệt được ngày đêm, cứ ngủ một lúc lại gọi mẹ nên nhịp sống của bà Nam là con thức thì mẹ thức, con ngủ thì mẹ ngủ, mỗi ngày được đôi ba tiếng.

Nhốt con trong phòng, hai ngày bà Nam mới cho Cường ra ngoài tắm rửa một lần. Lần nào bà cũng nhờ người em ruột ở cạnh nhà sang trợ giúp bởi con trai hay chạy lung tung, có lần ngã xuống ao, có lần đâm đầu vào tường phải đi cấp cứu. Mỗi lần đưa lại vào phòng Cường chống cự dữ dội. "Có lần con gào thét bám chặt vào thành cửa khiến 3 ngón tay bật móng, máu chảy lênh láng. Tôi khóc, còn Cường ngơ ngác bởi chẳng biết đau", người mẹ ở thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, kể.

Một tháng trước, anh Cường leo lên giường, đập đầu vào khoảng tường không bọc xốp, máu tuôn ra, bất tỉnh. Từ hôm đó, bà Nam trói tay con trai, ăn uống vệ sinh tại chỗ để tránh con tiếp tục làm tổn thương mình. Người mẹ cũng chuyển chiếc giường giữa sân vào phòng để giám sát Cường. Con nằm trên giường, mẹ nằm dưới đất.

Bên cạnh "gian chó" là nơi chị gái Cường - Nguyễn Bích Hạnh sinh sống. Bà Nam kể, con gái sinh ra bình thường nhưng càng lớn càng sợ người lạ. Năm 14 tuổi Hạnh được chẩn đoán trầm cảm, sau dần nặng thành tâm thần, chữa không được. Cô gái từng lấy dao chém chân mẹ, gõ búa vào đầu bố và không thể tự chăm sóc mình.

Gần 30 năm qua, mọi việc chăm sóc con đều dồn cả lên vai bà Nam. Từ ngày thêm con trai mắc bệnh, đến đi toilet người mẹ này cũng phải nhanh chóng. "Có lần đang tắm nghe Cường gọi, sợ con đập vỡ đầu tôi vội lao ra, một ống quần chưa kịp xỏ, ngã dúi dụi", người phụ nữ 71 tuổi cười buồn.

Hiện, ba mẹ con sống nhờ vào tiền lương hưu mỗi tháng hơn 3 triệu của bà Nam, cộng thêm trợ cấp 540.000 đồng cho mỗi đứa con tàn tật. Nhiều lần bà cũng định đưa Cường đến viện tâm thần nhưng phần thương con bám mẹ, phần không có kinh phí nên bà lại lặng lẽ đưa về nhà tự chăm sóc.

"Giờ tôi nhốt cháu thế này để dễ quản lý. Nếu thả ra, mỗi khi lên cơn sợ Cường gây hại cho hàng xóm", bà Nam thở dài.

Tại viện Sức khỏe tâm thần- bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có 300-350 lượt bệnh nhân khám ngoại trú và 250-280 người bệnh nội trú. Ảnh: Hải Hiền.

Tại Hội thảo xây dựng Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2021-2025, đại diện Bộ Y tế cho biết, khoảng 15% dân số Việt Nam (13,5 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần.

Theo tiến sĩ Lại Đức Trường, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, trong số 13,5 triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, có đến 70-80% chưa được phát hiện, điều trị. Những bệnh nhân này vừa là gánh nặng cho các gia đình, một số người bệnh nặng có thể là nguy cơ gây mất an toàn đối với xã hội

Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, viện trưởng Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai cho rằng nguyên nhân khiến bệnh nhân tâm thần chưa được chữa trị do thiếu cán bộ chuyên ngành, chưa có trung tâm chăm sóc người bệnh, nhiều rối loạn tâm thần dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh khác. Ngoài ra do bị kỳ thị nên người nhà người bệnh né tránh khám ở chuyên khoa tâm thần, hậu quả là chậm trễ được điều trị.

"Người bệnh rối loạn tâm thần mạn tính có nguy cơ tái phát bệnh cao. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể gây nguy hiểm cho người xung quanh cũng như chính bản thân họ", ông Phương nói.

Dưới mái hiên một tòa nhà của viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, ông Nguyễn Văn Tình vừa định bước ra ngoài mua đồ ăn thì trời đổ mưa. Người đàn ông 71 tuổi với mái tóc lấm tấm sợi bạc dừng chân nhưng không vội quay vào. Đôi mắt ông trân trân nhìn người đầu trần, kẻ có ô, ra vào viện tấp nập như chợ phiên quê ông, một huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Vợ ông, bà Hồng đã nằm ở khoa Chống độc bệnh viện Bạch Mai mười ngày sau một lần uống thuốc diệt cỏ ngoài đường. Hơn mười ngày chăm vợ, ông Tình đã quen với nhịp hối hả ở đây, nhưng cái chân đau từ ngày bị tai nạn thì không thể quen bởi liên tục phải lên xuống cầu thang bộ để mua cơm, nước.

Hai năm trước, bà Hồng đột nhiên phát bệnh đau đầu triền miên, uống thuốc không khỏi, bốc thuốc nam uống bệnh càng trở nặng. Cuộc sống của hai ông bà ở xóm núi đảo lộn vì những cơn đau. Từ ngày bị bệnh, bà Hồng hay cáu gắt, chửi mắng chồng và đập phá đồ đạc, chồng nói to thì bà bảo quát tháo, nói nhỏ thì bảo chồng đang nói xấu mình. Ông Tình cảm giác như mình sống gần một quả bom chỉ chờ phát nổ. Giữa năm ngoái, các con đưa bà đi viện, bác sĩ khuyên nên lên tuyến trên kiểm tra sức khỏe tâm thần. Bà bị kết luận trầm cảm, chỉ định điều trị ngoại trú.

"Tôi vẫn cứ nghĩ bệnh này uống thuốc hàng ngày sẽ kiểm soát được. Nếu biết bà ấy có thể làm chuyện nguy hiểm như thế tôi đã đề phòng", ông Tình nói. Đến giờ, ông vẫn không rõ lý do vợ t‌ּự t‌ּử. Trước hôm bà Hồng uống thuốc diệt cỏ, em vợ đến chơi, có nhắc đến túi cà chua người nhà biếu, ông trêu đùa: "Bà ni ăn nhanh hết lắm, còn có mấy quả ". Bà vợ liếc xéo "Ông nói xấu tui".

Sáng hôm sau, đang cho gà ăn, nghe tiếng "rầm", ông Tình chạy vào thấy vợ đang sùi bọt mép giữa nhà. cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai hai ngày, bà tỉnh lại, nhưng không ai dám hỏi lý do. Sau khi sức khỏe phục hồi, bác sĩ chuyển bà sang viện Sức khỏe tâm thần để điều trị.

Nỗi lo sinh mạng của vợ đã qua, giờ ông lại nghĩ đến điều tiếng người xóm núi dành cho mình. Ở quê ông, trầm cảm - bệnh lý thuộc về tâm thần vẫn là căn bệnh xa lạ, dẫu tổn hại đến sức khỏe của nó đến con người đứng thứ hai trong số các bệnh lý, sau tim mạch. Theo WHO, mỗi năm có gần 800.000 người chết do t‌ּự t‌ּử xuất phát từ trầm cảm. Tuy nhiên, có đến 85% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không được điều trị. "Họ sẽ nghĩ chắc tôi tệ lắm nên bà ấy mới t‌ּự t‌ּử. Nhưng các con tôi bảo thiên hạ nói gì cũng kệ, miễn các con tin bố", ông nói, như tự động viên mình.

Mưa tạnh, ông Tình lê cái chân đau quay lại khoa Chống độc lấy đồ đạc chưa thu dọn hết, mang sang bệnh viện tâm thần cho vợ. Ông vẫn chưa biết lần này sẽ phải ở lại bệnh viện trong bao lâu và những ngày sau sẽ sống tiếp thế nào.

Ông Nguyễn Văn Tình dù đã 70 tuổi nhưng ngày ngày túc trực bên người vợ mắc bệnh trầm cảm đang điều trị tại viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phạm Nga.

Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, khi trong nhà có người thân mắc bệnh tâm thần, mọi thành viên khác đều phải chịu sức ép về tâm lý, buộc họ phải nghiêm túc đối mặt để vượt qua thách thức. Người nhà cần tìm hiểu những kiến thức cơ bản về rối loạn tâm thần, từ đó phát hiện sớm những biểu hiện bất thường, giúp người bệnh được can thiệp sớm và kịp thời, giảm hậu quả nặng nề có thể xảy ra.

* Tên một số nhân vật đã được thay đổi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật