“Thị trấn phản bội“ lo sợ khi lính Mỹ về nước

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau gần 9 năm làm việc trong căn cứ quân sự Speicher, người dân thị trấn Sokur (Iraq) đứng trước nguy cơ thất nghiệp và bị cô lập.
“Thị trấn phản bội“ lo sợ khi lính Mỹ về nước
Một cậu bé ngồi trên đống đổ nát, nơi vốn là căn cứ quân sự Speicher của quân đội Mỹ gần Sokur (Iraq).

Đổi đời nhờ căn cứ Mỹ

Năm 2003, quân đội Mỹ đã thiết lập căn cứ quân sự Speicher gần Sokur và biến dân cư nơi đây thành đồng minh. Không người dân nào có thể phủ nhận rằng họ đã có những ngày huy hoàng khi sinh sống ngay cạnh căn cứ quân sự Mỹ. Công nhân làm việc cho quân đội Mỹ có tiền mua ô tô, xây nhà và lập gia đình.

Khoảng 500/2.000 cư dân làm việc tại căn cứ. "Người Mỹ bảo vệ thị trấn này nên chúng tôi cũng bảo vệ họ", một sĩ quan cảnh sát cho biết.

Khi những phần tử nổi dậy đe dọa thị trấn, lính Mỹ đã xây những chiến lũy bao cát bao quanh Sokur, thả thực phẩm trên đường phố khi nơi này bị cô lập và đưa bác sĩ tới khám cho trẻ em.

Nhiều thanh niên trên khắp Iraq cũng tới đây mong có cơ hội làm việc tại căn cứ Speicher. Ibrahim Kalo, một người bán nước giải khát nói: "Biết là làm việc cho người Mỹ thì nguy hiểm nhưng tôi chẳng lo vì có cả một căn cứ quân sự ở đây mà".

Tương lai của "Thị trấn phản bội"

Từ tháng 2 năm nay, "người Mỹ nói rằng, căn cứ Speicher không cần có người làm nữa", Mustafa Nasser, một công nhân cho biết.

Sau khi bị nghỉ việc, những người Iraq làm việc cho quân đội Mỹ được nhận bằng khen và thư giới thiệu. Tuy nhiên, đó không phải là một điều may mắn. Muốn có việc thì họ phải tới vùng Tikrit, quê nhà của Saddam Hussein, nơi mà dân chúng đều căm ghét họ.

Amir Abu Ali hiện đang thất nghiệp sau nhiều năm làm thông dịch viên tại Căn cứ Speicher, từ khi anh mới 16 tuổi năm 2003. Thư giới thiệu mà quân đội Mỹ đã cung cấp cho Abu Ali viết: "Lá thư này là minh chứng cho sự tận tâm của anh đối với Lực lượng Quân đội Hoa Kỳ. Anh đã tự do cung cấp thông tin cho các binh sĩ về tình hình hiện tại". Nhưng Abu Ali nói rằng, chỉ có ai muốn chết thì mới dám dùng lá thư này để xin việc tại Iraq bây giờ.

Phần 1244, Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng của Mỹ cho năm tài chính năm 2008 đồng ý cấp 5.000 visa di cư đặc biệt SIV hằng năm cho những người dân Iraq làm việc cho Chính phủ Mỹ ở nước bản địa trong thời gian tối thiểu là 1 năm từ sau ngày 20/3/2003.

Hầu như trai tráng trong vùng đều làm việc cho căn cứ Speicher và sau 9 năm phục vụ, họ đang bị bỏ lại phía sau bởi chính sách visa của Mỹ hiện không có hiệu lực còn chính phủ Iraq thì không có chương trình trợ giúp.

Sau cuộc bầu cử năm 2010, chính phủ của Thủ tướng Nuri Kamal al-Maliki đã buộc phải liên minh với phe của giáo sĩ Moktada al-Sadr. Lực lượng này đã nhiều năm chống Mỹ nên chắc chắn sẽ không dung thứ cho những người đã từng làm việc ở các căn cứ quân sự.

"Mọi người căm ghét chúng tôi vì chúng tôi là những kẻ phản bội", Haidar Mahsan, người bán DVD tại căn cứ nói, "Thị trấn phản bội. Họ gọi chúng tôi như thế".

"Cách duy nhất để giúp đỡ Iraq là không mang bất cứ ai đã từng làm việc cho chúng tôi tới Mỹ", Tướng Jeffrey Buchanan, phát ngôn viên của quân đội tại Iraq cho biết, "Chúng tôi đã giúp họ có một cơ hội làm việc lâu dài nhất có thể rồi".

Quân đội Mỹ đã tổ chức lễ đóng cửa căn cứ Speicher vào 20/10 mà không một ai ở Sokur được mời.

Thị trưởng Turki nói chẳng biết mình đã bị dọa giết bao nhiêu lần nhưng vẫn không hề lo lắng vì đã được quân đội Mỹ bao bọc. Các sĩ quan vẫn thường ghé qua nhà ông uống trà và nói chuyện.

"Bây giờ những gì chúng tôi phải làm là tự vệ", ông Turki nói, "Chúng tôi cứ tưởng khi rút đi họ sẽ tới nói chuyện và hỏi han xem chúng tôi có cần gì không. Đáng ra họ nên ghé qua chào tạm biệt, cảm ơn hay ít nhất là xin lỗi khi đẩy chúng tôi vào tình trạng tồi tệ này. Nhưng điều đó không xảy ra".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật