Xử lý theo trình tự

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đaburây là một thị trấn nhỏ miền Đông châu Phi có phong cảnh mê hồn nên đã thu hút rất nhiều du khách đến đây thưởng ngoạn. Sự có mặt của du khách làm cho thị trấn này thêm sầm uất nhưng đồng thời cũng thu hút không ít các tay hành nghề móc túi đến để “đãi vàng“.
Xử lý theo trình tự
Ảnh minh họa

Có một tên kẻ cắp tên là Pitơ từ nơi khác đến đây làm ăn. Hắn khoảng 20 tuổi, chuyên nghề móc túi trên xe buýt nên khi đến thị trấn này hắn cũng chọn địa điểm làm ăn theo sở trường của hắn: Trên tuyến xe buýt từ trung tâm thị trấn đến sân bay. Pitơ cho rằng hành khách đi tuyến xe này đều là người có tiền.

Một ngày, Pitơ lên chuyến xe đi sân bay và bắt mục tiêu là người đàn ông trung niên có dáng ông chủ cắp một chiếc cặp da. Pitơ sán lại gần ông ta. Nhân lúc mọi người không chú ý, hắn dùng lưỡi dao cạo rạch một đường bên mép chiếc cặp, moi ra được một tập tiền và đút ngay vào túi áo mình. Hắn không biết rằng trong đó còn có cả một chiếc vé máy bay.

Xe đến một trạm dừng, Pitơ chuẩn bị xuống xe để chuồn cho nhanh thì bỗng nhiên một giọng nói dịu dàng vang lên từ hệ thống loa trên xe: "Quý khách chuẩn bị xuống xe kính mến! Trước khi xuống xe, xin quý khách hãy kiểm tra lại tiền và hành lý của mình xem có mất hoặc bỏ quên trên xe không để chúng tôi tiện giúp quý khách tìm lại. Nếu quý khách đến đây du lịch, xin chúc quý khách một chuyến đi vui vẻ!".

Đây là trình tự phát thanh nhắc nhở hành khách trên xe trước mỗi trạm dừng ở thị trấn này.

Tim Pitơ đập thình thịch. Hắn hơi hoảng bởi vì ở các nơi khác hắn chưa gặp tình huống này. Tiếng nói nhắc nhở trên xe rất có nghệ thuật bởi vì thông thường sau khi "làm ăn" được, kẻ cắp là người xuống xe đầu tiên mà người bị mất vẫn còn ở trên xe nên cách nhắc nhở trên còn có ý hỏi hành khách kiểm tra xem có bị mất gì không?

Quả nhiên có một người đàn ông trung niên kêu to lên: "Thôi chết, cặp của tôi bị rạch rồi! Tiền và vé máy bay của tôi không thấy đâu".

Người trung niên nói xong chỉ ngay vào Pitơ đang chuẩn bị xuống xe: "Chính là nó, lúc nãy nó đứng ở bên cạnh tôi". Pitơ nghĩ nếu mọi người trên xe xúm lại bắt hắn, hắn cũng không sợ, hắn sẽ dùng con dao bấm ở thắt lưng làm vũ khí chống lại để thoát thân.

Nhưng rốt cuộc không có ai lên tiếng mà cũng không cần phải lên tiếng vì ở thị trấn Đaburây này, lái xe sẽ tiến hành xử lý theo một trình tự quy định. Lái xe nói với người trung niên kêu bị mất tiền: "Khi chưa có chứng cớ cụ thể, ông không nên nói như thế mà oan uổng cho người ta". Sau đó lái xe không mở cửa xe, chỉ ấn một cái nút trên vô lăng rồi tiếp tục cho xe chạy.

Người trung niên vẻ mặt lo lắng nói với người lái xe: "Ông không tin à? Ông thử khám người nó xem?". Người lái xe trả lời: "Ông có phải cư dân của thị trấn này không? Ông nên biết rằng tôi và ông đều không có quyền khám xét thân thể của người khác". Người trung niên lại nói: "Nhưng mà tôi bay chuyến bay lúc 10 giờ, nếu không giải quyết nhanh tôi sẽ bị lỡ mất".

Pitơ không xuống được xe nên hắn rất lo, nói: "Ông lái xe nói rất đúng, không nên vu oan bừa bãi cho người khác. Ông phải cho tôi xuống xe để khỏi nhỡ việc của tôi!".

Người lái xe nói với Pitơ: "Thế chả nhẽ anh không muốn chứng minh rằng mình trong sạch à? Được thôi, trạm dừng sau tôi sẽ cho anh xuống!".

Xe tiếp tục hành trình và không có ai nói gì nữa. Pitơ thở phào nhẹ nhõm, hắn thấy tình hình cũng giống như các nơi khác thôi, mặc dù có người nhìn thấy kẻ cắp "làm việc" nhưng không nói gì là coi như xong. Bây giờ đến đâu xuống xe cũng được.

Một lúc sau xe bỗng rẽ vào một cái sân nhỏ có hai cảnh sát đang đứng đợi. Nguyên đây là trạm trực ban của cảnh sát thị trấn. Khi ở trên xe, người lái xe ấn cái nút ở vô lăng chính là để báo cho cảnh sát ở đây biết trên xe có chuyện. Hai người cảnh sát yêu cầu mọi người xuống xe xếp thành hàng ngang, sau đó tiến hành khám xét từng người một. Pitơ không ngờ tình hình lại nghiêm trọng như thế này. Hắn phát hoảng, vội lấy lý do đi vào nhà vệ sinh. Trong nhà vệ sinh hắn bỏ các thứ vừa ăn cắp được vào bệ xí hủy đi. Tuy rằng có tiếc đấy nhưng đây là cách tốt nhất để thoát tội.

Trên xe trừ người trung niên còn có 23 người nữa. Sau khi kiểm tra tất cả, cảnh sát không phát hiện được tiền và vé máy bay mà người trung niên bị mất. Khi cảnh sát kiểm tra Pitơ, hắn tự tin thản nhiên như không.

Không tìm thấy gì, người trung niên lo cuống lên: "Chả nhẽ tiền và vé máy bay của tôi bỗng dưng bay mất à?". Một người cảnh sát đeo kính đen an ủi ông ta: "Ông không nên lo, vẫn còn một việc nữa chưa làm: Có phải vừa rồi có một người đi vào nhà vệ sinh không?". Nói xong người cảnh sát ấn cái công tắc, chiếc màn hình treo trên tường bật sáng: Trên màn hình xuất hiện Pitơ ở trong nhà vệ sinh đang hủy bỏ tiền và vé máy bay. Chứng cớ rõ ràng, Pitơ là kẻ cắp không thể chối cãi được.

Pitơ nghĩ rằng thông thường với tội ăn cắp vặt như thế, cùng lắm hắn cũng chỉ bị giam ít ngày là được tha, sau đó hắn lại ung dung tiếp tục hành nghề. Hắn có biết đâu rằng ở thị trấn Đaburây này, hắn còn phải qua một trình t‌ּự x‌ּử lý rất nghiêm ngặt.

Hai người cảnh sát bắt đầu hỏi từng hành khách: "Ông đi đâu?" hay "Bà làm gì?" và "Xe bị chậm thế này có làm lỡ việc của ông bà không?" v.v…May mà trên xe có 20 hành khách là cư dân lương thiện của thị trấn này và họ đều nói là chỉ bị chậm một chút thời gian, còn không bị ảnh hưởng gì cả.

Nhưng trên xe có ba người nói là bị nhỡ việc của họ: Một người đi xem phim bây giờ đã hết giờ chiếu. Một người đi ký hợp đồng làm ăn đã bị lỡ hẹn. Còn người trung niên bị mất cắp bị nhỡ chuyến bay đi du lịch.

Hai người cảnh sát ghi lại tỉ mỉ lời khai của mọi người, sau đó để cho 20 người dân của thị trấn lên xe đi tiếp, chỉ giữ ba người bị nhỡ việc ở lại. Cảnh sát bắt đầu làm việc với Pitơ: "Do hành vi của mày làm cho 20 người dân của thị trấn này bị ảnh hưởng về thời gian. Theo quy định của địa phương, mày phải bồi thường cho mỗi người 5 đôla, 20 người là 100 đôla. Người đi xem phim bị nhỡ giá vé là 35 đôla, mày phải bồi thường tiền vé cho người đó. Người đi ký hợp đồng bị lỡ, mày phải bồi thường thiệt hại 50% giá trị hợp đồng là 5000 đôla".

Pitơ nghe xong giãy nảy lên: "Nếu người ta ký hợp đồng một triệu đôla tôi cũng phải đền một nửa à?". Người cảnh sát nói: "Quy định ở đây đúng là như thế! Giá trị hợp đồng là căn cứ theo giấy tờ hoặc là chúng tôi trực tiếp thẩm tra mà không tùy tiện nghe theo lời khai của người ta".

Người cảnh sát nhìn Pitơ nói tiếp: "Còn nữa, quý khách này đi nước ngoài du lịch, do hành vi của mày làm lỡ, mày phải bồi thường số tiền mày lấy cắp đã hủy đi cộng với khoản chi phí một tua du lịch mà quý khách đã nộp cho công ty du lịch. Tất cả là 3000 đôla".

Cuối cùng cảnh sát trịnh trọng tuyên bố: "Do hành vi ăn cắp, Pitơ phải bồi thường thiệt hại cho hành khách trên chuyến xe tổng cộng là 8135 đôla!".

Pitơ giãy nảy lên, nói là mình không có tiền. Cảnh sát bảo Pitơ gọi cho người nhà mang tiền đến nhưng Pitơ nói là nhà mình không còn ai. Cảnh sát nói: "Thôi được, mày phải ở đây phục vụ thị trấn này 8 tháng. Tất nhiên mày sẽ được trả tiền công mỗi tháng khoảng 1000 đôla để mày lấy tiền đó mà bồi thường".

Trong thời gian thi hành án, trừ các ngày nghỉ dưới sự giám sát cẩn mật, ngày ngày cảnh sát dẫn Pitơ đi trên các phố cùng với cảnh sát làm công tác trật tự trị an, trong đó có cả việc bắt kẻ cắp

Truyện của J.Kely (Anh)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật