Thủ tướng Vladimir Putin và những “kịch bản” cho nền chính trị Nga

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong cuộc họp thường niên lần thứ 8 với các chuyên gia hàng đầu thuộc Câu lạc bộ chính trị Valdai ngày 12/11 vừa qua, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã lên tiếng thừa nhận những thiếu sót và lỗ hổng trong nền chính trị đất nước, đồng thời đưa ra những “kịch bản“ mới cho hệ thống chính trị Liên bang Nga.
Thủ tướng Vladimir Putin và những “kịch bản” cho nền chính trị Nga
Thủ tướng Nga Vladimir Putin tại cuộc họp thường niên lần thứ 8 của Câu lạc bộ chính trị Valdai

Valdai là Câu lạc bộ chính trị thành lập năm 2004 bởi hãng thông tấn hàng đầu nước Nga RIA Novosti cùng với Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng Liên bang Nga, thời báo “The Moscow News”, tạp chí “Nước Nga trong chính sách toàn cầu” và “Russia Profile”.  Với sự góp mặt của nhiều chuyên gia hàng đầu đến từ các quốc gia khác nhau, Valdai ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường chính trị. Mỗi năm, các thành viên Valdai tổ chức họp  một lần để thảo luận về tình hình nước Nga và quốc tế, nhằm đưa ra những nhận định và giải pháp tốt nhất cho sự phát triển đất nước. Các cuộc họp của Câu lạc bộ thường kéo dài 3 ngày, trong đó có một phiên chất vấn và thảo luận mang tính dân chủ cao với Thủ tướng Vladimir Putin.

Là ứng cử viên gần như chắc chắn sẽ quay trở lại vị trí lãnh đạo cao nhất nước Nga vào nhiệm kỳ tới, tại cuộc họp năm nay của Câu lạc bộ Valdai, ông Putin cho rằng: Những cải cách trong hệ thống chính trị sẽ được tiến hành theo trình tự từng bước, chứ không thể ngay lập tức hoàn thiện. Thủ tướng Nga còn phủ nhận ý kiến cho rằng những “kịch bản” mà ông đưa ra là “gieo rắc hoang mang” vào nền chính trị Nga.

Tại bữa tối thân mật giữa các thành viên Câu lạc bộ Valdai, Putin chia sẻ: “Tất nhiên chúng tôi luôn tìm cách làm sao để những công dân của mình cảm thấy có sự gắn bó mật thiết với chính quyền địa phương, cũng như chính quyền các thành phố trực thuộc Trung ương, làm sao để tiếng nói của người dân có tầm ảnh hưởng quan trọng tới các cơ quan có thẩm quyền”.

Tuy nhiên, Putin cùng với các cộng sự của mình vẫn bảo lưu ý kiến  được đưa ra từ năm 2000 về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở vùng Caucasus, và cho rằng: việc này rất có ý nghĩa đối với sự tăng trưởng nền kinh tế đất nước và hệ thống phúc lợi xã hội.

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Thủ tướng Putin, nhấn mạnh: “Tôi hi vọng những cải cách trên sẽ từng bước đưa các nhà lãnh đạo đến gần với công dân của mình”.

Giáo sư Angela Stent thuộc Đại học Georgetown, bang Virginia, Hoa Kỳ cho biết, ấn tượng của bà về đề án cải cách hệ thống chính trị của Thủ tướng Putin chính là tính liên hoàn. “Tôi không nghĩ cải cách có nghĩa là phải  ngay lập tức làm một điều gì đó hoàn toàn khác, tôi nghĩ rằng ông ấy đã nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn”.

“Kịch bản” nào cho chính trị Nga?

Tại cuộc thảo luận năm nay ở Kaluga (cách Thủ đô Moscow 160km về phía Tây Nam), hầu hết các chuyên gia đều bày tỏ mối quan ngại về sự trì trệ cố hữu của bộ máy quyền lực đang đe dọa rất lớn đến nền chính trị Nga. Những nhà lãnh đạo thuộc các đảng đối lập  như Vladimir Ryzhkov và Boris Nemtsov, hay thậm chí ngay cả những người tỏ ra đồng tình với các chính sách của điện Kremlin cũng đồng nhất ý kiến về vấn đề này.

Sau buổi thảo luận kéo dài, các chuyên gia chính trị lần lượt bày tỏ với Thủ tướng Putin quan điểm của mình về tình hình đất nước, đồng thời đưa ra những “kịch bản” cho nền chính trị Nga trong vòng 5 – 8 năm tới.

Thủ tướng Nga cũng không quên nhấn mạnh với các thành viên Câu lạc bộ Valdai về thực trạng nghèo đói ở một số vùng nông thôn Nga cũng như những tồn tại về kinh tế chính trị trong nhiệm kỳ Tổng thống mà ông tại nhiệm vào năm 2000. Ông cũng ghi nhận những thành quả nền kinh tế Nga đạt được gần đây bao gồm: tăng trưởng mạnh mẽ của Tổng thu nhập quốc dân, thặng dư ngân sách chính phủ bất chấp những diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Andrew Kuchins, Giám đốc chương trình hợp tác Nga – Âu  Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Washington D.C cho biết: Thủ tướng Nga Vladimir Putin luôn tỏ ra bình tĩnh và tự tin trước mọi câu hỏi chất vấn. “Ông ấy không bao giờ tỏ ý “đề phòng” hay phản ứng gay gắt với bất cứ câu hỏi nào từ phía các chuyên gia”.

Cũng tại buổi thảo luận, Thủ tướng Nga nhấn mạnh, ông không muốn duy trì một hệ thống quyền lực cá nhân trong nền chính trị đất nước. Mục tiêu chính trị của những năm tiếp theo sẽ là đề cao tính dân chủ, củng cố bộ máy chính trị hơn là tập trung vào cá nhân các chính trị gia.

Trên lĩnh vực đối ngoại, Putin cho biết ông ủng hộ duy trì và tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), nhưng vẫn kiên định quan điểm riêng của Nga đối với những vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Cũng theo Thủ tướng Nga, vai trò của NATO hiện tại ở Afghanistan là tích cực nhưng “không có hiệu quả”.

Mặt khác, các chuyên gia cũng cảnh báo về khả năng “suy thoái” đang đe dọa nền kinh tế và chính trị Nga, nếu không có các biện pháp cải tổ kịp thời.

Các báo cáo tại cuộc họp cho hay: “Người dân hầu hết chưa có thái độ đúng đắn trong việc tôn trọng Pháp Luật và tài sản, hệ tư tưởng gia trưởng vẫn còn mạnh, và đạo đức chính trị ngày càng xuống cấp”. Báo cáo còn nhận định, phần lớn giới trẻ Nga hiện nay thiếu tính sáng tạo. Khoảng cách lớn giữa tầng lớp trí thức và một bộ phận thương nhân  khiến người ta liên tưởng đến tình trạng của xã hội Liên Xô cũ thời kỳ trước sụp đổ.

Triển vọng tại cuộc bầu cử sắp tới

Cũng tại cuộc thảo luận lần này ở Kaluga, các chuyên gia của Câu lạc bộ Valdai đã có buổi hội đàm với các nhà lãnh đạo thuộc các đảng phái chính trị khác nhau như: Boris Gryzlov – đại diện của Duma Quốc gia Nga, Gennady Zyuganov – Chủ tịch đảng cộn‌g sả‌n Nga, Vladimir Zhyrinovsky thuộc đảng LDPR và Sergei Mironov thuộc đảng Chỉ một nước Nga.

Sergei Mironov tỏ ra không mấy lạc quan về tương lai của các nhà cầm quyền Nga, và cho rằng những ý kiến tại cuộc thảo luận lần này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả của cuộc bầu cử sắp tới.

Một trong những vấn đề mà các chuyên gia chính trị tỏ ra quan tâm trong bài diễn thuyết của Thủ tướng là sự ưu ái cũng như tôn trọng mà ông dành cho Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ông tin tưởng rằng Tổng thống đương nhiệm D. Medvedev sẽ trở thành một Thủ tướng mẫu mực trong tương lai, cũng như hi vọng vào sự hoàn thiện của Nội các nhiệm kỳ sắp tới.

Chuyên gia Kuchins còn nhận định: “Trong buổi họp thường niên của Câu lạc bộ Valdai năm ngoái, ông Putin không đề cập hoặc rất ít đề cập đến Medvedev, nhưng trong bản kế hoạch năm nay của ngài Thủ tướng Nga, cái tên này được nhắc đến khá nhiều lần.” Đây dường như cũng là một câu hỏi lớn đặt ra cho các chuyên gia chính trị về sự ăn ý của bộ đôi quyền lực “Putin – Medvedev” trong nhiệm kỳ sắp tới.

Một số hình ảnh về Thủ tướng Nga Vladimir Putin tại cuộc họp thường niên lần thứ 8 của Câu lạc bộ Valdai:

Thủ tướng Nga phát biểu tại cuộc họp lần thứ 8 Câu lạc bộ chính trị Valdai ở Kanluga, ngày 12/11/2011

...Và trả lời các chất vẩn của các chuyên gia

Thủ tướng Putin gặp gỡ các thành viên Câu lạc bộ Valdai tại cuộc họp

Thành viên của Valdai là những chính khách tên tuổi và những chuyên gia chính trị tầm cỡ

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật