Phạm Xuân Nguyên khóc, cười với “Chuyện đời vớ vẩn“

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói về cuốn tạp văn khẩu ngữ mang tên Chuyện đời vớ vẩn của nhà văn Nguyễn Quang Lập đang gây sốt trong đời sống văn học.
Phạm Xuân Nguyên khóc, cười với “Chuyện đời vớ vẩn“
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Sau cuốn tạp văn Kí ức vụn, Bạn văn gây tiếng vang trên văn đàn vốn dĩ nhiều im ắng, cứ ngỡ những hồi ức và kỉ niệm một thời rồi cũng hết, nhưng một lần nữa Nguyễn Quang Lập lại mang đến sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa kỉ niệm và những ưu tư vào Chuyện đời vớ vẩn

Những câu chuyện của người bạn cũ, của những người nổi tiếng được tái hiện rất thật qua lối văn tả chân bằng giọng điệu khẩu ngữ khiến người đọc không thể dứt ra có thể sẽ khiến ai đó phật lòng. Từ Phùng Quán, Phạm Xuân Nguyên tới những tên tuổi lớn đều được Nguyễn Quang Lập mang ra tả chân. Nhưng phật lòng rồi để đấy thôi, vì sau mỗi câu chuyện là một kỉ niệm và những chiêm nghiệm đầy nhân sinh. 

"Đọc “khẩu văn” của Lập cười được và khóc được, từ đó ngẫm được lắm cái sự đời sự người mà Lập đã sống" - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét.

- Ông là người được nhà văn Nguyễn Quang Lập tin tưởng nhờ viết lời giới thiệu cho cuốn Chuyện đời vớ vẩn vừa ra mắt. Ông có thể chia sẻ những cảm xúc của mình với tư cách là một nhà phê bình văn học và một người bạn thân thiết của nhà văn?

- Tôi phải nói rằng là tôi rất vui sướng được viết lời giới thiệu cho hai tập sách mới – Bạn vănChuyện đời vớ vẩn -  của bạn tôi là nhà văn Nguyễn Quang Lập. Trước hết là mừng cho bạn mình vẫn dồi dào sức sáng tạo sau khi bị một tai nạn tưởng chừng như khó hồi phục sức khỏe thân xác, chứ không nói là đầu óc minh mẫn và tâm hồn cảm xúc.

Sau nữa là vui vì những cái viết mới của bạn mình khác với những cái viết trước, nhờ phương tiện của thời đại tin học là chiếc máy tính và mạng Internet. Những cái viết mới và khác đó lại được cộng đồng mạng chấp nhận, đón nhận, hoan nghênh, rồi khi in ra sách lại vẫn được chờ đón và tìm đọc.

Đời một nhà văn như thế kể cũng là khoái. Và tôi được khoái lây với bạn mình để khi viết lời giới thiệu cho hai tập sách hình thành nên từ những entry trên mạng, tôi rất hào hứng và vui thích.

 

Nhà văn Nguyễn Quang Lập ký tặng sách Chuyện đời vớ vẩn cho độc giả tại Hà Nội (Ảnh: Đất Việt).

- Từ Kí ức vụn, Bạn văn đến Chuyện đời vớ vẩn, người ta vẫn thấy những câu chuyện, những kỉ niệm của chính nhà văn trong ấy. Ông có cho rằng Chuyện đời vớ vẩn sẽ không còn làm độc giả thấy háo hức nữa?

-  Lập là nhà văn luôn biết khả năng và giới hạn của mình. Nhờ Internet mở ra blog, Lập đã tận dụng cơ hội này để viết tiếp văn, và Lập nghĩ ra một thứ là “khẩu văn”.

Vốn ngoài đời Lập là một người hoạt khẩu, duyên khẩu - cái duyên trời cho, và khi viết ra thành câu chữ, thành văn, Lập biết phát huy cái duyên đó, kết hợp với cái tài xử lý, bố cục của một nhà văn giỏi về truyện ngắn, nên Lập có giọng điệu riêng của mình, có một cách viết riêng cho mình, khiến cho bất kể chuyện gì được kể ra, viết ra từ Lập đều cuốn hút người nghe. Nghĩa là đọc văn Nguyễn Quang Lập không chán.

Độc giả đã bén hơi Lập từ Ký ức vụn vẫn say Bạn văn, rồi khi có Chuyện đời vớ vẩn thì vẫn không dứt ra được. Đâu phải chỉ là lòng tin rằng những chuyện tác giả kể là có thực (khối người vẫn kể chuyện thực của mình, từ mình đấy thôi, mà có ai đọc đâu). Người đọc bị cuốn hút theo Lập chính là ở cái cách nói, cách kể. Đó mới là điều quan trọng của văn chương. Lập đã làm được điều đó.

Đọc “khẩu văn” của Lập cười được và khóc được, từ đó ngẫm được lắm cái sự đời sự người mà Lập đã sống và bây giờ muốn chia sẻ cho người đọc cộng cảm.

- Là một người bạn thân thiết của nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng như có quen biết rộng rãi với các nhà văn, ông có cho rằng những câu chuyện hết sức thật trong những cuốn tạp văn này sẽ làm cho nhà văn nào đó thấy phật lòng không?

- Tôi đã nói và nay nhắc lại một lần nữa rằng, những chuyện bạn văn của Nguyễn Quang Lập không phải hoàn toàn đúng thực một trăm phần trăm, nhưng lại là đúng thật cho cá tính, tính cách của mỗi nhà văn được nói đến. Tại sao như vậy, thì đó là bí quyết nghệ thuật và tài năng của người viết, ở đây cụ thể là cái tài cái giỏi của Nguyễn Quang Lập.

Từ khi xuất hiện là những entry trên mạng đến khi in ra giấy thành sách, tôi chưa thấy một nhà văn nào được Lập nói đến lại phản ứng chối từ, phủ nhận những điều Lập viết về mình. Được thế là nhờ Lập biết vận dụng và sử dụng nghệ thuật vẽ chân dung bạn văn bằng từ ngữ văn chương, những tình tiết, chi tiết có thể bồi đắp để làm nổi rõ một đặc điểm vốn có, chứ không phải thêm thắt hay xuyên tạc. Nói cách khác, Nguyễn Quang Lập viết chân dung chứ không phải kể chân dung.

- Có thể thấy cách kể chuyện bằng “khẩu văn” của Nguyễn Quang Lập rất mới lạ và cuốn hút. Ông đánh giá thế nào về lối kể chuyện này, nó có tác động thế nào đối với độc giả?

- Lập nghĩ ra được cái “khẩu văn” là một cái giỏi của hắn. Những câu văn như những câu nói thường, đầy chất suồng sã, thông tục, kéo người đọc nhập cuộc câu chuyện, khiến họ như được là người tham dự, chứng kiến, và có thể cả có ý kiến bình phẩm, đánh giá. Họ đọc “khẩu văn” của Lập thấy gần gũi, thân thuộc, ngỡ là chuyện của mình, của người quen mình.

Nếu nói đây là một biện pháp của văn chương mang tư duy tiểu thuyết thì đã là một vấn đề lý thuyết văn học. Nhưng Lập đã cuốn hút được độc giả, buộc họ phải đọc hắn, phải cùng hắn đi hết mỗi câu chuyện, mỗi tình huống. Thế tức là hắn đã có đóng góp cho văn học nước nhà ở chỗ kéo độc giả gần lại với văn chương.

- Nguyễn Quang Lập từng có những tác phẩm thành công trên rất nhiều thể loại như văn học, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh..., ông thấy thích Nguyễn Quang Lập ở thể loại nào nhất?

- Trong thế hệ chúng tôi, Nguyễn Quang Lập là một người tài. Không chỉ tài, hắn còn giỏi nữa, theo cách phân định của hắn là tài do trời, còn giỏi tùy người. “Lý thuyết tài giỏi” này được hắn nói ra mấy lần trong những cuộc vui anh em bạn bè văn chương và mọi người đều công nhận đúng hắn là vừa tài vừa giỏi.

Nguyễn Quang Lập viết cả kịch bản sân khấu và kịch bản điện ảnh, ở hai lĩnh vực này hắn cũng nổi đình nổi đám, nhưng tôi và bạn bè đều thấy Lập là một nhà văn bẩm sinh, đích thực. Văn hắn đọc đã có chất cinema, có cảnh trí lớp lang.

Giá như hắn không phải mưu sinh, kiếm sống nuôi gia đình vợ con, giá như hắn được toàn tâm toàn ý cho văn chương, tôi nghĩ cái tên Nguyễn Quang Lập còn rạng rỡ, vang danh, lưu dấu hơn ở các truyện ngắn và tiểu thuyết. Nhưng thôi, số giời đã định cho mỗi người khi mới lọt lòng, Lập vẫn được ấn giấu ở câu chữ mà các sách gần đây chỉ là thêm một lần khẳng định tài năng của hắn.

- Ông nhìn nhận như thế nào về những tác phẩm văn học Việt Nam đương đại hiện nay? Sự khác biệt lớn nhất của thế hệ nhà văn như Nguyễn Quang Lập với thế hệ nhà văn trẻ hiện nay là gì?

- Mỗi thế hệ con người đều có những vấn đề và nhiệm vụ của mình phải tự mình giải quyết, không đổ dồn cho ai được. Trong văn chương cũng vậy. Văn học Việt Nam hiện nay đã có một lớp nhà văn mới, với một hiện thực mới, một nhãn quan mới, một cách viết mới, và một lớp độc giả mới.

Cố nhiên, có tính kế thừa giữa các thế hệ và thời đại. Nguyễn Quang Lập khó có thể, hoặc không có thể, viết được sâu và được hay về đời sống hiện tại của lớp trẻ, và rộng ra là của đời sống đô thị hiện đại. Đó là nhiệm vụ của thế hệ mới. Hắn tìm tòi cách viết với “khẩu văn” nhưng là để kể lại, nói lại những chuyện, những việc của thời hắn sống, ở không gian hắn sống quen thuộc. Lập viết được cái nung nấu của mình, quá khứ của mình, bằng cách của mình, và vẫn khiến người đọc hôm nay thổn thức, suy tư được, thế đã là thành công của hắn.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật