Sonadezi tiếp tục xả thải bẩn: Chính quyền chờ giải pháp

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Long Thành, Đồng Nai thuộc Sonadezi lại tiếp tục xả thải. hành vi thách thức dư luận và cơ quan chức năng này khiến người dân ngao ngán, mất niềm tin, còn chính quyền xã Tam An cũng chỉ biết chờ...
Sonadezi tiếp tục xả thải bẩn: Chính quyền chờ giải pháp
Anh Đoàn Văn Linh phẫn nộ vì nhà máy tiếp tục xả thải trưa 22/9.
Cống "rởm" nước trong, dưới ngầm là nước bẩn
Bị Công an môi trường bắt quả tang xả nước bẩn ra môi trường hôm 3/8, nhưng đúng nửa tháng sau, từ ngày 19/8 nhà máy xử lý nước thải thuộc Sonadezi lại tái diễn hành vi tương tự. Người dân ấp 2 xã Tam An quá bức xúc đã báo tin đi nhiều nơi, nhiều cấp để cầu cứu.
Những ngày cuối tháng 9 này, chúng tôi đã được người dân dẫn đi xem nước xả đen ngòm, tung bọt trắng xóa từ ống thải nhà máy ra thẳng rạch Bà Chèo. Anh Đoàn Văn Linh, người dẫn đường lớn tiếng: "Ngày nào nhà máy cũng xả. Buổi tối xả nhiều hơn. Những lúc trời mưa thì tràn cả ra đường". Trong cái nắng chói chang của buổi trưa, mùi hôi khó chịu từ dòng nước xả đen ngòm bốc lên, xộc vào mũi, buộc chúng tôi phải thông cảm với sự lớn tiếng của anh Linh và thương cho con rạch Bà Chèo ngày đêm hứng chịu ô nhiễm. "Hồi trước tôi cũng làm trong công ty nhuộm ở KCN Long Thành nhưng tiếp xúc hó‌a chấ‌t nhiều quá nên nghỉ. Nước xả từ công ty nhuộm cũng đen thui như thế này". Tiếp đó, anh Linh chỉ cho chúng tôi miệng cống to đùng, lộ thiên trên đường, nằm cao hơn nhiều so với miệng cống xả nước đen ra rạch Bà Chèo: "Đấy là cống công khai, giả danh che mắt, chứ có thải gì đâu". Quả thực, đường mương dẫn đến miệng cống này chỉ có ít nước khá trong, khác một trời một vực với cống xả nước đen đang réo ì ầm dưới chân.
Trong ngôi nhà nhỏ nằm gần mé sông, chị Hồ Thị Thanh (tổ 11, ấp 2, xã Tam An) lắc đầu ngao ngán: "Nghe có công an xuống điều tra, bắt quả tang họ xả nước thải thì bà con ở đây mừng lắm, tưởng rằng tình hình sẽ đỡ hơn, ai dè họ vẫn tiếp tục xả nước bẩn". Chị Thanh kéo tay chúng tôi chỉ mớ thức ăn trong chạn: "Lấy nước giếng trước nhà nấu đó. Cơm và thức ăn phải ăn cho hết, nếu không chỉ đến chiều là hôi rình, nhớt nhợt không ăn được nữa. Bà con ở đây nấu vừa đủ ăn và phải ăn lúc còn nóng mới đỡ hôi". Chị lại kéo chúng tôi ra ao, nước dưới ao nửa tím nửa nâu, không biết phải tả màu nào cho đúng. "Đây là ao nhà ông Sáu, ông thường mua 100 con vịt về bán dần. Nhưng vịt chịu không nổi nước bẩn, chết nhiều lắm. Bây giờ ông Sáu chỉ dám để vịt ở ao một ngày, vậy mà 100 con cũng chết gần chục con", chị An nói. Ao nhà hàng xóm thì thế, ao nhà chị Thanh trước kia nuôi sen để bán, nay sen chết hết, trồng rau muống cũng không lớn được.
Nước thải đen và hôi xả thẳng ra rạch Bà Chèo. Ảnh: Đ.B
Anh Sáu Êm, một nông dân làm ruộng nuôi cá ở ấp 2 nhưng nay đã phải bỏ ao nuôi cá phụ vợ bán quán cơm ngay gần UBND xã, cũng buồn bực không kém chị Thanh. Anh bảo: "Bây giờ mà lội xuống rạch thì về ngứa gãi cả đêm, không thể ngủ được. Mấy cái ao nhà tôi bỏ không hết rồi, nuôi nấng gì nữa. Thấy báo, đài đưa tin bắt nhà máy xả thải, nhưng mấy ông ấy vẫn cứ xả đấy thôi?".
Người dân và chính quyền xã cùng chờ
Liên quan đến việc tiếp tục xả thải và cao điểm là nước thải tràn cả ra đường của nhà máy xử lý nước thải thuộc Sonadezi, Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch UBND xã Tam An, ông Võ Văn Luật cho biết, phía nhà máy giải thích là do nước mưa tràn vào ống xả thải nên buộc phải xả tràn qua hố ga. Vào thời điểm đó, chính quyền địa phương có đến lập biên bản nhưng phía nhà máy không ký với lý do không có lãnh đạo, chỉ có nhân viên nên không ai dám ký.
Nhưng khi được phóng viên phản ánh một số ý kiến người dân rằng chẳng cần trời mưa, hàng ngày nhà máy trên vẫn xả nước bẩn ra rạch Bà Chèo, ông Luật nói ngay: "Thì từ trước đến giờ vẫn xả như thế, cũng màu nước đen, cũng mùi hôi. Từ khi Công an môi trường làm việc đến nay, chúng tôi chờ mà chẳng thấy thông báo kết quả gì. Trước bức xúc của người dân, chúng tôi cũng gọi lên huyện, rồi lên tỉnh nhưng nơi nào cũng bảo phải bình tĩnh chờ kết quả điều tra. Về phía Nhà máy, họ cũng gửi thông báo nói rằng hiện chưa xử lý được màu và mùi. Phải đến khi nghiệm thu xong, chắc vào năm 2012 hay 2013 gì đấy thì mới hết". Nói một hơi xong, ông Luật lại tiếp: "Chính quyền xã bây giờ như đứng giữa ngã ba đường, chẳng thể làm gì mà cũng chẳng biết làm gì với việc nhà máy xử lý nước thải tập trung tiếp tục xả thải. Chúng tôi chỉ có thể giải thích với người dân nên tiếp tục chờ kết quả, khiếu kiện theo đúng trình tự Pháp Luật".
Về phía Hội nông dân xã Tam An, ông Huỳnh Ngọc Trai-Chủ tịch hội cho hay, tính đến thời điểm này đã có 232 đơn khiếu kiện đòi Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Long Thành bồi thường. Số tiền nông dân xã đòi bồi thường là 14 tỷ đồng. Trong đó có nhiều đơn chưa thống kê thiệt hại nên chưa tính vào. Vị đại diện nông dân xã Tam An cũng bày tỏ bức xúc trước sự chậm trễ trong việc xử lý của cơ quan chức năng: "Nông dân cứ hỏi kết quả xử lý nhưng chúng tôi có gì mà trả lời? Giải thích với họ là phải chờ thì nghe mãi họ cũng chán".
Về phía người dân, đứng ngay miệng cống xả ra rạch Bà Chèo, anh Đoàn Văn Linh buồn rầu nói như tự an ủi: "Các xí nghiệp trong KCN Long Thành vẫn hoạt động bình thường, không xả nước bẩn ra đây thì xả đi đâu? Trước khi công an vào cuộc, dân chúng tôi ngao ngán vì "kêu trời chẳng thấu". Nay "trời thấu rồi", sao người ta vẫn không sợ, dân khổ quá".
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật