Học sinh có “máu đỏ đen“

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cách vài bước chân một trường học mang tên nhà khoa học nữ trên đoạn phố T. có một quán được bài trí khá bắt mắt nhưng khá vắng khách. Phía bên trong là sới bạc tuổi trăng tròn được chia làm hai "mâm" đang rôm rả tiếng chửi thề, tiếng bài lá quất đen đét...
Học sinh có “máu đỏ đen“
Nạn cờ bạc thậm chí còn đang tiêm nhiễm vào cả học sinh tiểu học
Cờ bạc luôn là một tệ nạn, là vấn đề mang tính xã hội lớn, cả gián tiếp lẫn trực tiếp mang đến nhiều tai họa cho cộng đồng. Cũng giống như nhiều tệ nạn xã hội khác như mại dâm, ma túy, trộm cắp… thì nạn cờ bạc vẫn là một vấn đề nhức nhối, gây ra nhiều mặt trái khác nhau.

Thế nhưng trên con đường phát triển đất nước ở thế kỷ mới, khi đất nước đang cần nhiều hơn nữa những công dân có văn hóa, tri thức, tâm hồn lành mạnh và cả phong cách sống hiện đại, văn minh, đầy nhiệt huyết, sáng trong thì ít ai có thể tin được rằng một bộ phận không nhỏ học sinh trung học tại Hà Nội, một thế hệ trẻ, lại đang dắt díu nhau ngậm sâu vào vận đỏ đen, quay quắt, lừa lọc lẫn nhau… miết mải như để sống không có ngày mai.

Ngay trong khu vực trung tâm thành phố có ít nhất dăm bảy quán cà phê mang mô hình kinh doanh mà giới học sinh gọi là "cà phê gác". Gác ở đây nghĩa là quán có ít nhất một căn gác lửng hay tầng riêng biệt dành riêng cho các cô cậu áo trắng truân chuyên nặng gánh kiếp đỏ đen.

Cách vài bước chân một trường học mang tên nhà khoa học nữ trên đoạn phố T. có một quán được bài trí khá bắt mắt nhưng khá vắng khách, tranh ảnh lọ gốm trang trí bày la liệt mang tính thẩm mỹ cao.

Ngay từ giờ học sáng, trên dưới mười chàng trai, cô gái ăn mặc sành điệu khoác ngoài những tấm áo đồng phục mang biển hiệu của nhiều trường khác nhau ào đến trên những chiếc xe máy tay ga đắt tiền, chạy tuột lên căn gác lửng, giày dép vứt lỏng chỏng dọc cầu thang.

Hai phút sau, tiếng í ới qua ô cửa kính vọng xuống dưới gọi đồ uống, một vài vị dường như là khách quen đến sau đi ngang qua quầy nói gọn lỏn: "Của em vẫn thế". Không phải đợi quá lâu, tiếng chửi thề choe chóe, tiếng bài lá quất đen đét, tiếng điện thoại báo địa điểm… bắt đầu vang lên một cách ồn ào và tự nhiên theo cảm xúc của vận may.

Phía bên trong căn gác rộng vài mét vuông mù mịt khói thuốc lá được trải thảm gọn gàng với hai chiếc bàn thấp, gối bọc nhung la liệt, sới bạc tuổi trăng tròn được chia gọn gàng làm hai "mâm" mang hai trường phái bài lá mang tính chất sát phạt khác nhau.

Trai gái ngả ngốn xen kẽ đều các "mâm", có cô mặt sáng mộng mơ gối đầu nằm ngủ yên bình trên đùi anh con trai ở trần đang phét bài đèn đẹt phía trên. Một số ít còn lại hóng hớt, nhấp nhổm "cờ ngoài bài trong", thi thoảng nhoài với sang nhau bơm mớm miếng trái cây đã gọt sẵn như để tiếp sức.

Các loại tiền hầu hết đều là loại mệnh giá lớn được xếp ngay ngắn từ to đến bé, từ dưới lên trên thành từng xấp kê dưới chân mỗi con bạc một cách chuyên nghiệp. Cứ như vậy, kẻ đến người đi thay phiên nhau, nhóm học sinh cuốn vào canh bạc sát phạt lẫn nhau đến chiều tối.

Trong nhóm cờ bạc áo trắng kể trên gồm nhiều học sinh đến từ các trường trung học khác nhau, "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", những cô chiêu cậu ấm chớm đua đòi, thường xuyên bỏ học thật dễ dàng tìm tới nhau qua những mối quan hệ cùng trang lứa.

Hầu hết đều là con cái trong những gia đình buôn bán, khá giả nhưng cũng có không ít bạn trẻ không có điều kiện cũng sớm bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu, bon chen với nỗ lực cao nhất để "vui hơn bạn, mát mặt hơn người" khi còn phải sống dựa dẫm hoàn toàn vào thu nhập ít ỏi của bố mẹ.

Ở cái độ tuổi chưa thể kiếm được một xu nhưng nhiều vị lại rất dạn dĩ với hàng cầm đồ, sẵn sàng thế chấp xe máy, điện thoại, máy tính xách tay... hay ném đi cả những khoản tiền học kếch xù do cha mẹ phải cố lo lót, sắm sửa cho con cái với ít nhiều mong muốn chúng có điều kiện học hành tốt hơn.

Phải chăng nguyên nhân đầu tiên của vấn đề bắt nguồn từ sự nuông chiều đến cẩu thả của không ít bậc phụ huynh hiện nay? Và trên đây cũng mới chỉ là một sới bạc cỡ vừa phải, được thua trong khoảng dưới mười triệu đồng.

Một số con bạc học trò "khát nước" khác muốn "cầy kéo" ở mức độ tiền lớn hơn để "mua đài sắm xe" thì thường xuyên tụ bạ đêm hôm tại một số khách sạn tư nhân trong khu vực phố cổ sát phạt nhau, số tiền cho mỗi ván bài, "ghẹ cửa" lên tới vài triệu đồng. Đáng nói trong số đó có không ít nữ sinh.

Theo tìm hiểu thì trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ xô xát khá nghiêm trọng ngay trong phòng khách sạn giữa các con bạc nhí. Nguyên nhân mâu thuẫn xuất phát từ việc cho vay mượn, cầm cố đồ đạc và có cả một số trong "chiến hữu" cài cắm vào chiếu bạc vài tay cờ bạc bịp chuyên nghiệp với cái mác "ông anh họ, thằng em họ"... để "thịt" bạn đồng môn.

Không dừng lại ở đó, các "bộ môn" đỏ đen khác như cá độ bóng đá, xóc đĩa... cũng không nằm ngoài "cửa kiếm" (hay "cửa mất"?) của giới trẻ đầy tham vọng làm giàu kiểu đi tắt này. Ngay tại mỗi sới, hầu hết đều có ngay vài cô cậu làm môi giới, bảo lãnh "giúp đỡ" cho bạn bè đánh cược trước, trả tiền sau từ những con số, kết quả mong manh để kiếm trác hoa hồng.

Trong thời điểm những ngày cuối năm hòa nhịp vui cùng bè bạn thì tiếp tục có không ít "lính mới" bị lôi kéo tham gia chơi cờ bạc "cạnh cửa câu kéo" một cách vô thức, mang tính chất giải trí cho vui. Mỗi người chỉ dám dằn xuống chiếu bạc chục nghìn, cùng lắm vài chục nghìn "được thì được, không được thì chẳng sao".

Dù có như vậy, nhưng không ai dám chắc rằng rồi những con ma mới dính cờ bạc này liệu có sớm muộn biến thành những tay chuyên nghiệp hay không? Nhìn ở một khía cạnh nào đó, những gương mặt non nớt kia cũng đang góp thêm vết nhơ trên tấm áo trắng học trò, thập thò bên bóng đen của vấn nạn cờ bạc mà cả xã hội lên án.

Có lẽ không ở đâu đồng tiền lại rẻ mạt như đồng tiền trên chiếu bạc, nhất là khi chúng lại nằm dưới bàn tay chưa một vết hằn mưu sinh. Được gì, mất gì thì có lẽ phải đợi thời gian trả lời, tôi tin là như vậy khi mà những tâm hồn đáng lẽ phải sáng trong kia lại đang sống trong sự "no cơm dửng mỡ" kèm với sự thiếu quản lý, nuông chiều thái quá từ chính cha mẹ chúng.

Cũng có ý kiến cho rằng giờ đây giới trẻ thật khó hiểu và đổ vấy cho mọi vấn đề khi mà chúng ngày càng hiếm niềm vui, thiếu chỗ vui chơi. Dù như thế nào đi chăng nữa, nhất định phải dẹp bỏ cái "trò chơi" này, nó đang đẩy không ít bạn trẻ vào vi phạm pháp luật, làm băng hoại đạo đức và cả nhân cách của tuổi học trò.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật