Bài thuốc tình yêu và sự hồi sinh sau 13 năm mắc nghiện

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quá khứ oai hùng của Lương Văn Giang (tỉnh Hòa Bình) từng làm khiếp vía bao nhiêu cư dân khắp mạn Đà giang. Giờ đã gác kiếm, treo bao trên một trang trại lớn, Giang đại ca quyết tâm tìm lại chốn hào quang xưa bằng sức lao động chân chính của mình. Nhưng đằng sau cơ ngơi đồ sộ kia, có một người đàn bà không đẹp, có thể nói là xấu nhưng đã làm “đứng tim” chúa đảo hơn 20 năm nay. Bà là động lực, là niềm tin để hắn rũ bỏ bụi đời, nắn nót lối sống và vươn lên làm giàu. Chuyện đời của họ chẳng lung linh, cũng chẳng lãng mạn nhưng chân thật và cũng rất… giang hồ.
Bài thuốc tình yêu và sự hồi sinh sau 13 năm mắc nghiện
Phạm Thị Huệ - người đàn bà làm cuộc đời “chúa đảo“ hồi sinh kì diệu

Tình yêu cùng cá nước sông Đà

20 tuổi, Giang khoác lên mình bộ quân phục bộ đội, hăm hở lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. 5 năm sau, Giang trở về quê với nhiều nỗi niềm đan xen. Giang bảo “Một thằng trai trẻ giải ngũ như tôi cái gì cũng ham, cũng khoái nhưng chẳng có mục đích sống gì cả. Tôi không thích theo nghề bố mẹ sắp sẵn, cũng chẳng thích làm nông”. Rồi hắn đi buôn gỗ dọc sông Đà để thỏa ham mê. Lúc ấy, suốt ngày hắn chỉ biết đến tiền và tiền. Hắn cố vắt óc, nặn trán làm sao để mỗi chuyến gỗ xuôi rồi lại ngược được một túi tiền to để hắn “khoái chí”. Hắn nằm trên tiền, tiền của hắn chất thành tải ném thẳng lên thuyền đi tìm chốn vui. Giữa chốn giang hồ chỉ biết nói chuyện với nhau thông qua đồng tiền và bàn đèn thuốc phi‌ện. Giang như kẻ đang say men đời, ngày chỉ đạo đàn em hạ gỗ, đóng bè, xuôi dòng, kiếm tiền. Tối lại vùi đầu vào bàn đèn ma nâu, đốt tiền vào bài bạc.

"Chúa đảo" Lương Văn Giang trong căn nhà tuềnh toàng giữa đảo hoang

Một lần chè chén giữa dòng, Giang gặp Huệ, một cô gái không đẹp nhưng duyên và rất biết tiếp chuyện. Huệ quê ở Trung Hà, Hà Nội. Nhà nghèo, theo anh chị ngược sông Đà lái bè gỗ để kiếm tiền gửi về giúp đỡ bố mẹ già. Sau bao nhiêu năm sống trên sông nước, da dẻ Huệ ngăm đen đi, giọng nói to hơn bởi những lần hét lên gọi nhau giữa nói rừng Tây Bắc. Nhưng Huệ đã làm “đứng tim” Giang khi cánh bè gỗ chén chú chén anh trên dòng. Đàn em cung phụng rót rượu mời đại ca Giang và Huệ trong tiếng mời mọc lễ phép: “Em mời đại ca ạ. Em mời chị nâng chén chúc mừng đại ca em trúng quả lớn”. Sau đôi phút đỏ mặt vì nghe danh đại ca Giang đã lâu, hôm nay lại được ngồi hầu rượu người đàn ông lực lưỡng, đôi mắt tinh anh, Huệ nâng chén cạn. Giang đại ca thường ngày quát mắng cánh đàn em xơi xơi nhưng hôm nay sao lành thế. Cứ ngượng ngùng tủm tỉm cười rồi lại nhấp rượu uống ực, quệt ngang miệng rồi lại nhìn Huệ đắm đuối. Sau đêm rượu thịt no say, Giang và Huệ rủ nhau ra thuyền nan trò chuyện. Họ kể cho nhau nghe cuộc đời của mình cũng chìm nổi như những chuyến bè gỗ. Đêm tĩnh mịch, chỉ có tiếng thì thào của hai người yêu nhau giữa dòng Đà giang cuồn cuộn nước chảy…

Sau vài tháng kể từ ngày gặp nhau, Huệ mang bầu, cô được Giang đại ca cho phép ở thuyền suốt ngày để chăm con chờ ngày sinh. Năm 1985, đứa con gái đầu lòng ra đời, Giang vui lắm. Từ nay, Giang có một gia đình nho nhỏ cho dù trên giấy tờ đăng ký kết hôn chưa có tên Lương Văn Giang và Phạm Thị Huệ. Nhưng cùng năm ấy, công cuộc làm ăn của Giang cũng sắp phải đối mặt những thách thức. Xã Thái Thịnh quê hương anh, nhà nước đang xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, dự kiến sẽ chặn dòng vào năm 1988. Giang lo lắng cho miếng cơm của mình. Giang chán đời, anh càng lao vào bàn đèn và những cuộc sát phạt nhau trên sông và những hẻm chợ dọc sông Đà. Mỗi lần thua, anh ôm con mắng vợ. Sau đó, anh lại nịnh vợ: “Thôi! Em cho con bú kẻo con đói”. Giang là thế, những lúc nóng, chẳng biết trời đất là xanh hay đỏ nhưng khi bế đứa con, anh lại dịu dàng như một ông bố của gia đình. Anh tâm sự: “Nếu tôi sống không có trách nhiệm với gia đình thì tôi đi bụi lâu rồi. Nghiện rượu, cờ bạc tôi bỏ được nhưng thuốc phi‌ện thì không nên lúc ấy tôi phải lao vào nó. Khi tỉnh, tôi lại thấy vợ ôm con ngồi khóc. Hỏi làm sao khóc thì bà ấy không nói. Tôi biết, tôi đã làm bà ấy khổ”.

Thương vợ, thương con gái còn nhỏ mà phải sống trong gió nước Tây Bắc. Đầu năm 1990, Giang quyết định bốc cả vợ con lên dải đồi quanh nhà máy thủy điện Hòa Bình để tìm lại phần hồn đã bán cho ma nâu và tìm lại chính mình.

Lột xác giang hồ xây đảo hoang

Những ngày đầu lên đây, 3 con người, và thêm một sinh linh bé nhỏ đang lớn trong bụng chị Huệ nữa phải đối mặt với bao nguy hiểm của núi rừng. Hòn đảo hoang sơ, tiêu điều đã đổi qua đổi lại gần chục lần chủ mà không ai trụ lại được. Đất đai thì suy thoái còi cọc, chó ăn đá gà ăn sỏi, cỏ lau sậy mọc um tùm, rắn rếp chui cả vào trong lán tìm hơi người. Nhưng cái khó của thiên nhiên chưa quen dần thì nước mắt Giang đã nhiều lần rơi vì tủi thân do con gái không nhận anh làm bố.

Khi Giang lên đảo cũng là năm con gái lớn lên 5 tuổi. Khi con còn nhỏ, Giang đi bè suốt ngày, mỗi tuần chỉ ở cùng vợ và con 2 – 3 ngày rồi lại tất tả điều phối đàn em đánh những chuyến bè lớn để hốt những nắm tiền cuối cùng trước khi đập thủy điện Hòa Bình chặn dòng. Bé Hương – con gái anh Giang rất sợ người đàn ông râu ria bặm trợn kia. Trong ánh mắt ngây thơ của bé vẫn thấy có một người đàn ông cao to, vạm vỡ, thỉnh thoảng đến nhà ăn cơm rồi ngủ lại với mẹ. Nhiều lần, em nhìn thấy người đàn ông ấy nằm lim dim bên cạnh một “chiếc đèn” có khói nâu bốc lên. Những lần như vậy, em liền bị mẹ bế thốc ngay sang bè khác để mặc cho người đàn ông nằm thườn thượt trên sàn gỗ. Em không hề biết người đó chính là bố của em và em cũng chưa biết gọi tên bố mặc dù em đã tập nói được 3 năm.

Giang ngậm ngùi kể lại: “Hạnh phúc không có quyền chọn lựa nhưng tôi đã chọn cách sống để có được hạnh phúc. Lúc hết tiền cũng là lúc tôi mới cảm nhận được bát cơm dẻo vợ nấu và ánh mắt nhìn lạ lẫm của con gái. Cháu còn quá nhỏ để hiểu những gì tôi làm và tôi không muốn sau này khi cháu biết cảm nhận cuộc sống sẽ nhìn người bố suốt ngày vạ vật sùi bọt mép. Tôi phải thay đổi và sự thực là tôi đã đổi thay”. Và Giang thầm cảm ơn Huệ đã cho Giang một gia đình. Nếu không vì gia đình và trách nhiệm với vợ, với con thì hắn Giang đi bụi lâu rồi. Trong làn khói thu‌ốc là‌o, Giang kể lại quãng đời của mình như những nấc thang nặng trĩu bao ưu phiền.

Cũng năm ấy, Giang xuống thành phố mua một cái xích chó to bằng con trăn để về tự cai nghiện. Trước khi lên cơn thèm thuốc, anh xua mẹ con tránh lên núi hoặc bơi thuyền sang hàng xóm để anh một mình chui vào chiếc xích to vật vã kia gồng mình với nó. Nhiều hôm thương chồng, cô Huệ phải gửi con gái về dưới quê, trong bụng đang mang giọt máu thứ hai nhưng cô vẫn túc trực ở bên để cai nghiện cho chồng. Nhớ lại những năm tháng đáng quên đó, cô Huệ ngậm ngùi: “Vợ chồng bên nhau cả mấy năm trời trên sông nước, giờ ông ấy quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời, phận làm vợ tôi sao đành. Dù ông có đạp đứt xích, lấy dao kè cổ tôi bắt đi mua bi thì tôi cũng không sợ”. Và nhiều lần, sau khi thấy chồng trói mình vào cột nhà, bọt mép trào ra như bò nhai rơm, Huệ lại lấy khăn ấm lau khô mồ hôi, nước dãi loang lổ trên người Giang. Cô lặng lẽ đi hâm lại bát cháo nóng bón cho chồng ăn cho đỡ đói. “Sao lúc ấy ông Giang hiền thế, ăn xong cháo, lại cười hiền và đòi bế con” – cô Huệ nhớ lại. Mỗi lần ngớt cơn, Giang chỉ muốn đứa con gái 5 tuổi đến bên và cất tiếng gọi “bố”. Nhiều lần anh mớm lời cho con: “Gọi bố đi con!”. Đứa bé khóc ré lên thương hại, còn anh thì chỉ quay mặt ra chỗ khác thật nhanh để con đỡ sợ. Đời Giang chưa bao giờ biết khóc, thế mà khi nhìn con, anh đưa tay quệt ngang mặt, mắt đỏ hoe, có lẽ Giang khóc thật!

2 năm trời trên đảo, Giang chỉ biết phát quang bờ rẫy và cai nghiện. Cứ lúc khỏe, Giang lại cùng vợ vác cuốc đào hố trồng cây ăn quả. Ít lâu sau khi lên đảo, Huệ sinh một cháu trai kháu khỉnh, Giang mừng quýnh. Giờ đây ước nguyện bao năm của vợ chồng đã thành hiện thực, có cậu con trai, Giang vui như phất cờ trong bụng, quyết tu chí cai nghiện và xây đảo hoang.

Cái máu phiêu lưu đặt Giang đúng chỗ cần đến bàn tay gân guốc, chắc như thép kia. Sỏi đá chẳng là gì so với sóng nước Đà giang bao lần nuốt chửng bè gỗ và lũ đàn em xuống lòng sông. Chỉ nhờ bản lĩnh trời cho và trí thông minh khác người, Giang mới sống sót trở về với vợ con. Giờ đây, Giang quần quật cả ngày trên đồi, phát hết bụi rậm rồi quay sang phát cỏ lau ngập ngút đầu người. Nhiều lần Giang suýt phải từ biệt vợ con vì rắn độc cắn. Nhưng sợ nhất vẫn là những pha lên cơn của Giang, tuy không vạ vật oằn người như trước nhưng cơn nghiện lên là cuốc thuổng một bên, người một bên, lăn lộn khắp rừng. Vợ anh nhiều lần vừa làm vừa canh chồng, bầu sữa căng nhưng không dám về lều cho con ăn vì sợ Giang lên cơn, cảm gió rừng thì nguy.

Có lẽ chỉ có gió rừng, chim muông hoang dã nơi đây mới biết được tình cảm vợ chồng Giang – Huệ dành cho nhau. Khi lên 7, bé Hương mới gọi câu “bố”. Cậu con trai tên Hùng cũng lên 2 tuổi, đang bập bẹ bi bô. Cả nhà liền dựng lán trên rừng vừa phát hoang, trồng cây, vừa trông con. “ Tôi muốn đứa con gái nhỏ bé xinh xắn kia nhìn thấy người cha của mình đang chảy những giọt mồ hôi vì lao động chứ không phải mồ hôi của cơn nghiện. Tôi muốn con gái thấy hồn cha đã về với xác cha, không còn lơ lửng chốn rừng hoang với ma nâu nữa” – Giang bộc bạch.

Gần 20 năm qua trên hòn đảo này đã có nhiều sự thay đổi dưới bàn tay lao động chung lưng đấu cật của vợ chồng Giang. Những vạt đồi cằn khô sỏi đá không người chăm sóc nay đã phủ xanh một màu no ấm hạnh phúc. Những đứa con lớn lên cùng sự tốt tươi của cây rừng, cây ăn quả và bè cá lồng dưới hồ.

Trải qua hơn nửa thế kỉ trong kiếp trần ai, Lương Văn Giang ngộ ra cho mình nhiều điều ý nghĩa lắm. Con người trai trẻ bốc đồng của ông ngày xưa thay bằng Lương Văn Giang hôm nay là người đàn ông chững chạc thâm trầm mà dung dị chất phác.

Hồi đi buôn gỗ lậu có bao nhiêu tiền nhưng vẫn nhanh hết. Nhưng bây giờ thì khác, tiền từ đất từ lao động đã qua máu và nước mắt thì nó khác. Đất đai cây cối của ông vẫn còn đó và ngày ngày cho vợ ông những thuyền hàng mang ra chợ bán cho dân thành phố. Ông vẫn an nhiên sống cuộc sống tự do và thanh thản giữa đời thường. Hạnh phúc với hai con người từng trải ấy, có lẽ thế là quá đủ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật